HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


NGÔI NHÀ CHUNG


           Ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm về việc sống ở nhà trọ hay khách sạn và sống ở nhà mình. Hai thái độ khác nhau một trời một vực nhỉ. Quá rõ, khi ở nhà trọ, ta nào quan tâm đến những gì xảy ra ở đó. Vòi nước có hư và chảy suốt, có can chi đến tôi. Còn khi ở nhà mình, chỉ một cái đinh của cánh cửa rớt ra, chúng ta đã tìm cách để sửa lại. Chúng ta không chịu được bụi bặm trong nhà mình, còn ở nhà trọ ư, rác rưởi ư? Chuyện đó thuộc về người khác. Tôi ngoảnh mặt mà đi.

          Có lẽ đã một lúc nào đó, chúng ta nhìn về vũ trụ, môi trường theo thái độ nhà trọ. Những cống nước bị tắc, bị rác rến lấp đến độ nước mưa không thoát được, gây ra lụt lội thì có hề chi. Tôi vẫn quét nhà và xả rác ra ngoài đường trên miệng cống, miễn là nhà tôi sạch!!! Thế rồi, chúng ta lãnh đủ. Quả thế, những ngày vừa qua, mức độ ô nhiễm thành phố Sài Gòn và thủ đô vượt ngưỡng báo động đỏ. Nhiều người cảm nhận ngay sức khỏe mình biến đổi và lo âu. Chúng ta bắt đầu ý thức hơn để rồi dần dần chúng ta biết phân loại rác thải thành ba hay bốn loại. Quả là một bước tiến tốt đẹp. Thế nhưng, chúng ta lại lo âu tiếp; chúng ta cũng được báo động rằng đồng bằng sông Cửu Long đang bị mặn hóa, vì tận nguồn đã bị chặn lại để làm ích cho một số người, cho một dân tộc riêng rẽ, bất chấp người khác. Vậy thì vấn đề đâu chỉ có xảy ra ở một nơi, một chốn, với một ai đó, mà đang ở độ cảnh báo cho toàn thể nhân loại cho cho ngôi nhà chung này. Đúng là thái độ sống chết mặc bay luôn đưa thế giới vào ngõ cụt. Một cảm thức về ngôi nhà chung đang bị mất dần. Vậy thì, xem ra một mình tôi không đủ. Nhất thiết phải là mọi người.

          Giáo hoàng Phanxicô cảnh báo chúng ta về thực tại này. Ngài gióng lên tiếng nói của đa số người nghèo, những nạn nhân hàng đầu của muôn loại phung phí. Khi gặp Obama, Tổng Thống Hoa Kỳ, ngài đã cho thấy những quan tâm chính yếu của mình khi nói đến “các trẻ em chết vì đói vì bom, những kẻ nhập cư “bị chết đuối khi đi tìm một ngày mai tươi sáng hơn” và một môi trường “bị tàn phá bởi mối tương quan trấn lột thiên nhiên”. Biết bao hình thức phung phí khiến tạo nên những ô nhiễm môi trường và nước uống, sông ngòi nghiêm trọng. Ngôi nhà toàn cầu đang bị xé nát vì những khai thác vô trách nhiệm và duy lợi nhuận. Tại sao? Đức Giáo hoàng dựa trên thánh Toma để xác định: Ý thức sâu xa về một “dân” bị lãng quên và loại trừ. “Như sông Seine không phải là “con sông đặc thù này” bởi vì “dòng nước chảy này”, nhưng bởi vì ‘nguồn mạch này’ và ‘đáy hồ này’ và vì thế nó luôn được gọi cùng một con sông ấy, mặc dù có dòng nước khác chảy vào đó; cũng thể một dân tộc là như nhau, không phải bởi vì cùng một linh hồn hay một người như nhau, nhưng bởi vì cùng nơi cư ngụ như nhau, hay đúng hơn, bởi vì cùng một qui luật và cùng cách sống”. Rõ ràng, ý thức về mái nhà chung nhất thiết phải nhìn vượt lên một cá nhân riêng lẻ.

          Nếu thế, ý thức về ngôi nhà chung phải khiến chúng ta quan tâm đến công ích toàn cầu khi đối diện với việc buôn người, buôn ma túy, đe dọa nguyên tử. Đức Giáo hoàng nói, “Trong hiện trạng toàn cầu hóa đương thời không chỉ về kinh tế mà cả về những trao đổi kỹ thuật và văn hóa, quốc gia không còn có thể chỉ bo bo công ích của riêng dân cư của mình thôi.” Cần phải “xây dựng thiện ích chung của toàn nhân loại, một yếu tố cần thiết và cốt yếu của sự hài hòa thế giới.” Đừng xây những hàng rào hay ngục tù, nhưng hãy xây những cây cầu tương giao.

          Cần phải vượt xa cá nhân chủ nghĩa, bộc lộ trong “chủ nghĩa dân tộc vốn xây lên các bức tường hay dẫn tới thù hận người khác.” Ý thức đến ngôi nhà chung đang phải đối diện với “nhiều thách đố và những vẫn đề vẫn còn tồn tại, chẳng hạn, sử dụng không thích đáng những nguồn thiên nhiên, những thái độ của chủ nghĩa cá nhân không kiềm chế, tiêu thụ và phí phạm”. Như thế, thách đố lớn nhất chính là sự hoán cải, sự biến đổi cõi lòng và tâm trí, việc xoay chuyển 180 độ trong suy nghĩ và hành động vì ích chung của toàn nhân loại.

          Vậy chúng ta hãy bắt đầu “thay đổi những khuôn mẫu phát triển toàn cầu, khi mở ra một đối thoại mới về tương lai của hành tinh chúng ta”.

          LM Văn Am, SDB

Nguồn: SDB.VN