Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn
nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân thế
nặng mùi trần.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Khanh tướng là chức quan văn quan võ trong triều đình. Đây là mơ
ước của chí nam nhi, như Nguyễn Công Trứ thổ lộ: “Đã trót sinh ra trong trời
đất, phải có danh gì với núi sông”.
Tại sao hầu hết đàn ông muốn làm khanh tướng? Bởi nó thỏa mãn cái
tôi thống trị “dưới một người mà trên vạn người”. Bởi nó thỏa đam mê
Danh – Lợi – Thú: Có chức thì có lợi lộc tiền tài, có quyền có tiền thì
tha hồ hưởng thụ.
Đó là quan niệm xưa. Ngày nay, trong dòng văn minh tiến bộ của nhân
loại, khanh tướng được nâng tầm giá trị, không còn là thỏa mãn cái tôi vị kỷ cá
nhân, mà là để phục vụ và cống hiến.
Văn hóa phương tây là tư duy phản biện. Để được làm khanh tướng là
những cuộc đua tranh khả năng rất sôi động, công bằng và tự do. Ai chứng tỏ
được năng lực của mình xứng đáng, người đó làm khanh tướng bất kể giàu nghèo,
tuổi tác, màu da… Làm khanh tướng để phục vụ và cống hiến nên rất áp lực, bị
“soi” khiếp.
Tuy vậy, văn hóa phương đông là tôn ti và tuân thủ nên cái danh,
cái “khanh tướng” còn nặng mùi tiêu cực. Để làm khanh tướng là những cuộc dàn
xếp, áp đặt và thậm chí là tranh đoạt. Khanh tướng chỉ dành cho thân thế, cơ
cấu, phẩm trật… Cái danh của phương đông là cấm kỵ, không được soi mói và chỉ trích.
“Ai công hầu ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”
(Đặng Trần Thường). Cái danh ngoài đời nó thế, còn danh trong Giáo hội thì sao!
Giáo hội Tây phương theo nền văn hóa phản biện, chức danh (phẩm
trật) vẫn theo nguyên tắc phát triển của xã hội: Ai xứng đáng thì lãnh nhận.
Phong lầm thì khốn khổ người nhận vì những đòi hỏi của cộng đoàn là áp lực
khủng khiếp cho chức vụ.
Giáo hội Á đông, cách riêng là Việt Nam vẫn theo truyền thống văn
hóa dân tộc. Chức danh vẫn là mơ ước to lớn ẩn trong con người “hèn mọn”. Chả
thế mà một thời lễ phong chức nào cũng hát: “Từ bụi tro Chúa nâng con lên
hàng khanh tướng” (giờ đổi thành tư tế).
Bố mẹ ngoài miệng nói dâng con cho Chúa, nhưng đàng sau thì cái
danh “ông bà cố” nó to như cái đà trên lưng. Chọc chơi “cố đứng cố
ngồi” thôi là khối ông giận. Người tu thì lúc nào cũng “nhỏ bé hèn mọn,
đầy tớ phục vụ…”, có cái danh cái chức là thấy cái cảnh.
Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn
nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân thế
nặng mùi trần. Càng hình thức hoành tráng bên ngoài thì càng nặng nề khát vọng
bên trong.
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi!”. (Nguyễn Văn Đông – Chiều Mưa Biên Giới).
Linh mục Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Nguồn: GP Long Xuyên