TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


LỜI AN ỦI TỐT NHẤT


Một cô gái trẻ bị người mình thích từ chối sau một thời gian dài theo đuổi. Trong cơn suy sụp, cô tìm đến bạn bè và người thân. Đa số mọi người đều khuyên cô đừng khóc, hãy can đảm và tích cực lên. Lý trí cô biết mình phải mau chóng dứt khỏi nỗi buồn, nhưng về mặt tình cảm, cô vẫn “lụy” và chưa sẵn sàng quên đi người mình thầm mến. Vào những ngày nghỉ hoặc cuối tuần, cô gái thường xuyên “chat” thâu đêm với một người bạn trên mạng. Người bạn này không thân lắm, càng không có kinh nghiệm yêu đương để dễ bề khuyên nhủ. Tuy vậy, chính cách trò chuyện “tưng tửng”, vui vẻ và sự lắng nghe của bạn đã giúp cô vực dậy tinh thần nhanh hơn. Bạn ấy bảo rằng những lời động viên tích cực là thứ bạn đã tự nói với chính mình cả ngàn lần từ nhỏ, vì vậy bạn hiểu người đang suy sụp không cần kẻ khác nhắc nhở thêm nữa. Điều họ muốn nghe không phải là “đừng khóc” mà là “khóc đi, tôi ở bên bạn đây” hoặc “nói thoải mái đi, tôi đang nghe đây”.

Chuyện của cô gái thất tình làm ta nhớ lại một cảnh phim đáng nhớ trong “Những mảnh ghép cảm xúc” (Inside Out, 2015). Đó là phân đoạn nhân vật Niềm Vui muốn an ủi Bing Bong, người bạn tưởng tượng hồi bé của cô chủ mình, để Bing Bong giúp hai cảm xúc Niềm Vui và Nỗi Buồn trở về trung tâm đầu não. Mặc cho Niềm Vui cố gắng chọc cười, động viên, thuyết phục cỡ nào, Bing Bong vẫn cứ ngồi buồn bã mãi. Chỉ đến khi Nỗi Buồn, nhân vật luôn bị Niềm Vui xem như “cục tạ”, lặng lẽ đến ngồi bên Bing Bong và để cậu ta trút bầu tâm sự, Bing Bong mới dần dần bình tâm lại. Chứng kiến điều đó, Niềm Vui vô cùng ngạc nhiên nên chạy tới hỏi bí quyết của Nỗi Buồn. Nỗi Buồn đáp rằng mình chỉ lắng nghe Bing Bong thôi.

Khi cần an ủi người khác, vài người sẽ hành động giống như nhân vật Niềm Vui trong “Những mảnh ghép cảm xúc”, cố làm đối phương phân tâm bằng những ý nghĩ tích cực, vui vẻ, hài hước hoặc những lời động viên “đừng khóc”, “phấn chấn lên”, “mọi chuyện rồi sẽ ổn”… Bản chất sự động viên này rất tốt nhưng với nhiều người đang chìm đắm trong đau thương, chúng thật sáo rỗng và vô dụng. Một số người thì giống nhân vật Nỗi Buồn, không làm gì to tát, chỉ dịu dàng ngồi xuống lắng nghe, cho đối phương mượn bờ vai để khóc. Thế mà “bất chiến tự nhiên thành”. Đôi lúc sự an ủi tốt nhất là “vô vi” - không cố gắng làm gì, cứ cho mọi chuyện diễn ra tự nhiên, để cảm xúc dâng lên như sóng rồi trôi đi.

*

Khi chúng ta bận rộn, căng thẳng, mệt mỏi hoặc cao hứng, việc xoa dịu nỗi buồn của người khác đúng là không dễ. Có lẽ bởi thế, đa số đều chọn chiêu “thông não chi thuật” bằng một tràng lời hay ý đẹp, hoặc phớt lờ thay vì thực sự lắng nghe. Bởi việc đó cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, thứ mà người sống trong môi trường bận rộn, xô bồ hiếm khi có đủ. Có những bậc phụ huynh đi làm hoặc ở nhà nội trợ cả ngày, có dịp chỉ muốn nghỉ ngơi chứ không muốn nghe con cái tâm sự về trường lớp, bạn bè. Họ chỉ muốn nghe “báo cáo” hôm nay con mình có chăm học, đạt thành tích tốt và cư xử ngoan ngoãn không. Nhiều cặp đôi yêu nhau lâu năm cũng lười giao tiếp, trò chuyện với nhau, thay vào đó chọn tâm sự, đi chơi với bạn bè. Mối dây gia đình, tình yêu cứ thế lỏng lẻo dần, mâu thuẫn và uất ức thì ngày càng chất chồng, tới thời điểm sẽ bùng nổ. Thay vì chân thật với nhau, những người thân thiết nhất vẫn chọn nói dối nhau vì sợ bị tổn thương, chối bỏ; sợ nỗi buồn của mình trở thành thứ bị coi thường.

Ắt hẳn nhiều bi kịch sẽ không xảy ra nếu ta có thể bớt chút thời giờ, ngồi lại lắng nghe đối phương và khuyến khích họ bộc lộ cảm xúc. Nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward từng nói: “Kỹ năng lắng nghe là phương thuốc tốt nhất cho sự cô đơn, tính ba hoa và bệnh viêm thanh quản”.

Ths-Bs Lan Hải

Nguồn: Báo CGvDT