TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


SUY NIỆM CHÚA NHẬT

 LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

 

GIAO ƯỚC

 

“Cho con cả một trời yêu.

Ôi nhiệm lạ thật huyền siêu.

Tình yêu Chúa bao la biển trời để con sống trong nguồn cứu rỗi.

Nuôi con bằng bánh thần linh.

Cho con dự yến tiệc ân tình.

Chính Máu Thịt mà Chúa rộng ban.

Để vui hưởng phúc lộc trường an.”

( Lời bài hát: Bánh Hằng Sống)

 

“Giao ước”_Ân điển của Thiên Chúa dành cho con người. Giao ước gắn liền với Thiên Chúa, vì giao ước là danh xưng của Thiên Chúa. Sách Giáo lý Công Giáo viết: “Thiên Chúa của Giao Ước” (số 401) và mô tả Thiên Chúa như là Đấng“đến gặp gỡ con người qua các giao ước của Người” (số 309). Đồng thời khẳng định: Mỗi chúng ta được mời “để giao ước với Đấng Sáng Tạo, dâng lên Người một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được”(số 357).

 

Từ thời Cựu Ước, giao ước đã được dùng bằng máu. Trong sách Xuất Hành có đoạn viết: Ông Môsê mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó” (Xh 24, 8). Máu ở đây không mang ý nghĩa đơn thuần nhưng là Máu biểu trưng cho tính linh thánh của sự sống do Thiên Chúa ban. Máu để cứu sống như đoạn Chúa truyền cho dân Do Thái trong đêm vượt qua: Hãy giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần của Chúa đến trừng phạt người Ai-Cập, thấy máu bôi trên cửa sẽ vượt qua. (Xh 12,1-4) và Máu để tha tội. Thế nên, Máu có một vai trò quan trọng trong giao ước của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt là đối với Người Do Thái xưa.

 

Và nay, Máu không được ban qua lời Thiên Chúa truyền nhưng máu đã được đổ ra nơi chính Đức Giêsu - Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Máu Chúa Giêsu đổ ra để cứu sống cả phần hồn và phần xác của nhân loại, là mỗi người chúng ta. Máu Ngài đổ ra để giao hòa giữa chúng ta và Thiên Chúa. Máu Ngài đổ ra rửa sạch chúng ta khỏi tội và cứu ta khỏi sa hỏa ngục. “Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.” (Dt 9,15)

 

“Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người.”(Mc14, 22-24). Đây là Giao Ước Mới, giao ước đã được chính Đức Giê-su thiết lập trong đêm lễ Vượt Qua. Sau cuộc Vượt Qua, Giao Ước Hiến Tế của Ngài đã ở lại với chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể nơi hy tế của Ngài trong các thánh lễ.

 

Cách thiết thực và thiêng liêng hơn hết là khi ta lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Ngài khi ta tham dự thánh lễ. Lúc này, Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Ta được nên một với Chúa.

 

Nhưng liệu rằng chúng ta có ý thức đủ điều đó trong hành trình sống đạo của ta không? Đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ này, những điều linh thiêng tiềm ẩn dường như bị chúng ta lãng quên.

 

Vậy nên, là những người Ki-tô hữu, là những người sống đời dâng hiến, chúng ta hãy cùng ý thức tính nhiệm mầu, sự sống, sức mạnh của ơn cứu độ nơi Mình Máu Thánh Chúa để ta đem lòng yêu mến và ao ước đón rước Ngài hơn như vị chân phước trẻ tuổi Carlo Acutis của chúng ta hiện nay đã minh chứng.

 

Hãy cùng noi gương bắt chước Carlo Acutis, người đã nhận ra “Bí tích Thánh Thể là “đường cao tốc lên thiên đường” của mình. Ngài tin rằng: “Bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.

 

 Maria Hoài, RNDM