CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027

ĐỆ TỬ VIỆN 2024


CHIA SẺ TIN MỪNG


 CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH-B

 

“AI Ở LẠI TRONG THẦY, VÀ THẦY Ở LẠI TRONG NGƯỜI ẤY, THÌ NGƯỜI ẤY SINH NHIỀU HOA TRÁI”

(Ga 15, 1-8)

 

“Ở lại, ở lại, ở lại …”

Trong bài Tin Mừng này đã có tám lần nhắc đến hai chữ “ở lại”. Vậy ai là người hay nói hai chữ “ở lại”? Và ở lại đâu? Để làm gì? Và tại sao vậy?

 

Đó là những người yêu nhau, họ không muốn rời bỏ nhau, có thể vì lợi ích chung, có thể vì lợi ích riêng. Họ muốn cùng nhau tâm sự những chuyện riêng tư của nhau để hiểu biết nhau hơn, để trao đổi những vấn đề khúc mắc chưa được thấu đáo của nhau, để tìm một hướng đi hoàn hảo hơn và giúp nhau vững bước trên đường hướng đó.

Và “ở lại” đâu? Đó là những nơi hẹn hò nhau, là những nơi đầy dấu ấn vui buồn của nhau.

 

Chúa Giêsu hẹn các môn đệ gặp Thầy ở Galilê, nơi khởi sự những bước đầu tiên của cuộc đời truyền giáo của họ với những dấu ấn của một cuộc buông bỏ tất cả, để đi theo Thầy Giêsu, với biết bao hy vọng thấm kín của mỗi người, mà Thầy Giêsu biết tất cả, thấy tất cả và Người cũng có hy vọng riêng của mình cho mỗi người.

 

Trước cuộc gặp gỡ này ở Galilê, bà Maria Mácđala đã muốn giữ Thầy Giêsu “ở lại” với bà, khi bà ra mộ và được gặp Ngài, bà đã níu kéo Ngài, nhưng Chúa Giêsu đã ngăn cản sự níu kéo đó và nói : “Đừng giữ Thầy “ở lại”, vì Thầy chưa lên cùng Cha Thầy”. Vì thế, việc “ở lại” trong bài Tin Mừng này, không muốn nói đến việc “ở lại” để làm vui cho cá nhân. Cũng như có lần ông Phêrô vì quá vui sướng được thấy sự vinh quang của Thầy mà muốn dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Elia để được “ở lại” trên núi với Thầy, nhưng Chúa Giêsu không đồng ý và Thầy trò đã cùng nhau xuống núi để đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

 

Còn việc “ở lại” quán trọ với hai môn đệ trên đường đi Emmau, lại có một mục đích làm nóng lại niềm tin của hai ông, sau khi Vị Khách Ẩn Danh đã giải thích cho các ông hiểu Kinh Thánh và tin vào sự Sống Lại của Chúa Giêsu. Một cuộc “ở lại” để dạy dỗ, nhắc nhủ và làm gia tăng niềm hy vọng.

 

Tất cả những mong muốn “ở lại” với nhau mà Chúa Giêsu nêu lên trong bài Tin Mừng này đều mang ý nghĩa một sự kết hiệp để hiệp hành hoàn thành sứ mạng được giao cho mỗi người, từ Chúa Giêsu cho đến các môn đệ của Người. Sự “ở lại” này cũng mang dấu ấn của sự từ bỏ bản thân để dấn thân vào một tình yêu cao cả được diễn tả bằng những việc làm vượt qua bản năng tự nhiên của con người.

 

Như cây nho muốn sinh nhiều hoa trái, phải chịu cắt tỉa những nhánh vô dụng, hầu thêm sức mạnh cho những nhánh đang sinh hoa trái. Chúa Giêsu là Cây Nho, là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng cho cây, Chúa chỉ muôn thông chia sức mạnh là nhựa sống cho mọi cành gắn liền với cây, nhưng nếu chúng ta là những cành cây chỉ biết nuôi bản thân mà không sinh hoa trái, không đem Lời Chúa ra thực hành, thiếu cố gắng trong việc hy sinh hãm mình, đời sống nội tâm hời hợt, thì chúng ta sẽ bị tách rời khỏi cây nho và chết đi.

 

Phần tôi, đã được thông hiểu phần nào về ý nghĩa của bài Tin Mừng này, tôi phải quyết tâm gắn liền với Lời Chúa là Nhựa Sống nuôi dưỡng linh hồn tôi, và luôn “ở lại” trong Đấng đã hằng chăm sóc nuôi dưỡng tôi bằng chính Thịt và Máu của Người. Ngài muốn tôi cũng phải hòa tan thịt máu của tôi với Thịt Máu của Người. Chúa đã hiến mình “ở lại” trong Tấm Bánh mong manh, để “ở lại” giữa chúng ta trong Nhà Tạm đơn sơ bé nhỏ chính là để ta dễ đến với Người.

 

Vậy còn ý nghĩa nào đẹp hơn thế cho hai từ “ở lại” trong bài Tin Mừng này? Nhưng cảm thức của tôi còn quá xa với với những lời mời gọi của Chúa. Vậy đây là điều tôi cần phải sám hối hơn hết để đáp lại lòng ước mong của Chúa muốn “ở lại” trong tâm hồn tôi, tôi nguyện sẽ năng đến với Chúa trong phép Thánh Thể và kết hiệp chặt chẽ với Người khi tôi rước lễ.


Sr. M. Paulina- RNDM