Ngôi làng nhỏ bé Tà Lăn nơi tôi phục
vụ, thuộc giáo điểm truyền giáo Pakse. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc Tà Ôi.
Có khoảng 40 mái nhà, đa số là vách nứa, với 300 người. Những người trong làng
này thuộc cùng một dân tộc và họ hàng với nhau. Hầu hết các gia đình nghèo và đông
con. Trong số đó, gia đình ông Sạt - bà Bá làm tôi lưu tâm nhiều hơn. Các thành
viên của gia đình này đều là những giáo dân đạo đức, siêng năng đến nhà thờ đi
lễ, đọc kinh, học Giáo lý. Họ quý mến các cha, các Sơ và là người tận tâm gánh
vác công việc điều hành nhà nguyện.
Ông bà cụ ngoài 80 tuổi, là một trong số những người
Công giáo tiên khởi của làng thời các cha Thừa sai Pháp. Có lần trên đường vào
làng tham dự Thánh lễ, tôi thấy ông Sạt đi bán dao (ông mua và đi bán lại). Gặp
ông, tôi làm quen và thăm hỏi nhưng ông có vẻ lẩn tránh, ông chỉ trả lời qua
loa vài câu rồi bỏ đi.
Một câu hỏi thắc
mắc trong tôi bấy lâu “tại sao ông Sạt không đến nhà thờ ?" Và thỉnh thoảng
tôi hỏi bà Bá “Bà ơi, sao con không thấy ông đi Lễ?". Có khi bà cười trừ,
có khi bà trả lời ông ở nhà lần chuỗi, tuần nào ông cũng gửi tiền để bà đóng
góp vào nhà thờ. Một tối thứ bảy nọ, tôi vào làng để tham dự Thánh lễ và ở lại
sáng hôm sau đọc kinh, tập hát cho dân làng, tôi thấy ông nằm trên chiếc võng với
chuỗi mân côi trong tay. Tôi bắt chuyện tếu táo với ông:
- “Ông ơi, ông lớn tuổi rồi, ông đến nhà thờ dự Lễ đi,
nếu không lỡ ông chết đột ngột như ông tổ trưởng thì con và cả làng có đọc kinh
cầu nguyện cũng không cứu ông được".
Ông nói:
-
Tôi ở nhà lần
chuỗi.
-
Lần chuỗi thôi
chưa đủ, đi lễ, gặp Chúa thì Chúa mới vui. Ông chết Chúa mới biết ông là con của
Chúa chứ! Giống như ông có nhiều con cháu, các con- các cháu không bao giờ về
thăm ông, ông có vui không? Con nói vậy đúng không?" Tôi nói.
-
Dạ đúng rồi Khun
me (Sơ). Ông đáp lại.
Sau một lúc tần ngần suy tư, lưỡng lự ông thổ lộ với
tôi:
- “Tôi đi Lễ người ta bắt tôi. Tôi phạm tội rất nặng.
Chúa không thể tha nên tôi không dám đến nhà thờ.”
Tôi tiếp tục hỏi:
- "Ông phạm tội gì mà Chúa không thể tha? Tội gì
Chúa cũng tha mà, tội giết người Chúa cũng tha. Tôi hỏi ngược lại và ghẹo ông:
Thế ông giết người hả? (vì thấy ông là người rất hiền lành không thể giết người)
Ông vội nói:
-
Không!
-
Vậy thì ông phạm
tội gì to mà Chúa không thể tha, ông nói thử con nghe xem.
Ông lưỡng lự một lúc rồi nói:
- Tôi chối Chúa, tôi bỏ Chúa. Các cha, các Sơ không ai
chối Chúa, chối đạo nên bị bắt. Còn tôi vì nhát đảm, vì sợ chết, vì thấy gánh nặng
gia đình, sợ quá nên bỏ Chúa, không bao giờ bước chân đến nhà thờ.
Ông cũng giơ đôi
tay bị cụt vài ngón vì chiến tranh cho tôi xem để minh chứng. Nghe tới đây tôi
hiểu ra thời đó các tín hữu Công giáo bị cấm tụ tập cử hành Thánh lễ, ai tham dự
thì bị bắt.
-
Bây giờ là thời
bình rồi, ông vào nhà thờ đi lễ không có ai bắt ông nữa đâu ông ạ!
-
Không! Họ bắt,
tôi đi lễ họ bắt. Ông vẫn nói thế.
-
Thời xưa họ bắt,
thời nay không bắt nữa, ông thấy con vào làng đi lễ hàng tuần, cha cũng vào
làng dâng Lễ, có ai bắt đâu!
-
Thật không? Ông
hỏi tôi.
-
Dạ thật. Tí nữa
có cha tới dâng Lễ, ông đến nhà thờ rồi con thưa với cha cho ông xưng tội.
-
-Chúa có tha
không?
Tôi trả lời xác tín và mạnh mẽ để thuyết phục ông: Dạ
tha!
Tôi thấy ông mỉm cười. Hình như trong ông đang lóe
lên một tia hy vọng nào đó. Tôi bảo ông đi thay quần áo rồi lên nhà nguyện với
tôi. Thế là ông vội vàng leo lên căn gác nhỏ để thay quần áo.
Giọng ông vọng xuống:
-
Sơ lên nhà thờ
đi Lễ, để khi khác tôi đi xưng tội.
-
Không! Con không
đi đâu.
-
Con đợi ông. Ông
không đi con cũng không đi.
Trong khi chờ đợi, tôi thầm cầu xin Chúa Thánh Thần
ban thêm sức mạnh cho ông để ông có thể can đảm đến với Chúa và lãnh nhận Bí
tích Hòa giải.
Sau khi thay quần áo, ông xuống gặp tôi.
Tôi khoác tay, dẫn ông lên nhà thờ, vừa đi vừa trêu
ông:
- "Bây giờ con nắm được tay ông rồi, ông không trốn
được đâu nhé!"
Tôi hỏi ông còn
nhớ cách xưng tội không. Ông trả lời vẫn nhớ.
Đến nhà thờ, ông
vào phòng thánh để lãnh Bí tích Hòa giải. Xưng tội xong, tôi thấy mặt ông vui,
hớn hở. Ông đến gần chỗ tôi ngồi và nói cho tôi biết ông đã xưng tội. Tôi thấy
ông vui và đơn sơ như một em nhỏ. Có lẽ ông hạnh phúc vì đã giải thoát được nỗi
lo sợ bao lâu nay và hân hoan được đến với Chúa qua Thánh lễ, được tham gia
sinh hoạt với cộng đoàn. Có lẽ những mặc cảm tội lỗi và gánh nặng chôn chặt
trong lòng ông bấy lâu nay đã được tháo cởi. Tôi vui và hạnh phúc với niềm vui
của ông.
Các con cháu của
ông cũng ngạc nhiên và vui mừng vì ông đã xưng tội, tham dự Thánh lễ và rước lễ.
***
Về lại cộng
đoàn, hiện diện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi ngẫm lại không biết vì sao tôi
lại đủ can đảm để có thể nói chuyện và đưa ông Sạt đến với Bí tích Hòa giải.
Tôi cũng không thể giải thích được vì sao ông lại đủ tin tưởng để chia sẻ với
tôi điều mà ông đã giữ kín mấy chục năm nay.
Cuộc nói chuyện
tưởng như rất tình cờ nhưng thực ra có lẽ tất cả đã nằm trong chương trình và kế
hoạch yêu thương của Chúa cho ông. Ngài tạo cơ hội để chúng tôi gặp nhau. Tôi
xác tín vào sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong cuộc đối thoại
giữa tôi và ông Sạt, đúng như Chúa Giêsu đã nói “Thánh Thần sẽ dạy cho anh
em biết phải nói những gì". Tôi càng hiểu được lời của Mẹ Sáng Lập
".... là những khí cụ khiêm tốn của các Sứ Vụ Thần Linh trong mọi hoạt
động, chúng ta đặt mình với tất cả tình yêu dưới tác động của Thánh Linh để Người
soi dẫn lời nói của chúng ta và dọn lòng những người mà chúng ta tiếp xúc để họ
nhận và hiểu được sứ điệp cứu rỗi.” (Trích Hiến Pháp Dòng Đức Bà Truyền Giáo #59, năm 1979).
Sơ Têrêsa Thanh
Tâm, RNDM
Trích
Kỷ Yếu 100 năm Dòng Đức Bà Truyền Giáo hiện diện tại Việt Nam