Ronald
Rolheiser, 2024-09-30
Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt
tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học để biết trong đời
này, tất cả mọi bản giao hưởng đều phải dang dở.
Đây
là lời của linh mục thần học gia Đức Karl Rahner, và nếu không hiểu ý nghĩa của
câu này thì chúng ta có nguy cơ để tình trạng khắc khoải thành khối u trong đời
mình. Bị dằn vặt bởi sự thiếu hụt mọi thứ mang ý nghĩa gì? Chúng ta bị hành hạ
bởi thứ mình không có được theo kiểu gì?
Đây
là chuyện chúng ta trải nghiệm hằng ngày. Thực ra, trong cả cuộc đời, trừ một
số ít thời điểm đặc ân và yên bình, sự dằn vặt là cơn sóng ngầm trong tất cả
mọi chuyện chúng ta trải nghiệm. Lý ra vẻ đẹp làm chúng ta bình yên thì nó lại
làm chúng ta khắc khoải. Tình yêu với người bạn đời không đáp ứng đủ khao khát
của chúng ta. Những mối quan hệ của chúng ta trong gia đình dường như quá nhỏ
hẹp để chúng ta có thể thấy đủ. Công việc của chúng ta chẳng cân xứng với ước
mơ chúng ta có về mình. Nơi chúng ta sống dường như buồn tẻ so với những nơi
khác. Chúng ta quá bồn chồn nên chẳng thể ngồi yên trên bàn, chẳng thể ngủ yên
trên giường, người cứ bồn chồn lo lắng.
Khi
chúng ta có cảm nhận này, chúng ta sẽ luôn thấy đời mình dường như quá bé nhỏ
và chúng ta không sống đời mình theo cách chúng ta mong chờ, mong chờ ai đó hay
điều gì đó xuất hiện và thay đổi để cuộc đời chúng ta tưởng tượng sẽ bắt đầu.
Tôi
nhớ có người kể cho tôi nghe câu chuyện. Anh 45 tuổi, hôn nhân tốt đẹp, có ba
đứa con khỏe mạnh, có công việc ổn định nhưng tẻ nhạt, sống ở khu phố bình yên
nhưng cũng tẻ nhạt. Nhưng anh chưa bao giờ đặt trọn bản thân vào cuộc sống. Anh
thú nhận:
“Phần lớn đời tôi, nhất là trong 20
năm qua, tôi quá khắc khoải muốn thực sự sống đời mình. Tôi chưa thực sự đón
nhận con người tôi – một người 45 tuổi, làm việc ở cửa hàng tạp hóa trong một
thị trấn nhỏ, lập gia đình với một phụ nữ tốt lành, biết cuộc hôn nhân này sẽ
không bao giờ thỏa mãn khao khát tình dục thâm sâu của mình, và biết cho dù có
mơ mộng thế nào thì cũng sẽ không đi đến đâu, sẽ không bao giờ có được những
ước mơ, sẽ chỉ ở đây, như lúc này, trong một thị trấn nhỏ, trong cuộc hôn nhân
này, với những con người này và trong cơ thể này đến hết cuộc đời. Tôi sẽ chỉ
già hơn, hói hơn, cơ thể sẽ bớt khỏe mạnh, bớt hấp dẫn hơn. Nhưng trong mọi
chuyện, xét từ mọi góc độ, điều đáng buồn là cuộc đời tôi vốn tốt. Tôi thực sự
rất may mắn. Tôi khỏe mạnh, được yêu thương, có đời sống gia đình tốt, sống ở
một đất nước yên bình và sung túc. Nhưng lòng tôi lại quá khắc khoải đến nổi
tôi chẳng bao giờ cảm kích được đời mình, vợ mình, con mình, công việc của mình
và nơi mình sống. Tôi luôn mãi ở một nơi khác bên trong con người tôi, quá khắc
khoải để thực sự hiện diện nơi tôi đang hiện diện, quá khắc khoải để sống trong
nhà mình, quá khắc khoải để thoải mái với chính mình”.
Sự
dằn vặt do thiếu mọi thứ có thể có trong đời là vậy. Nhưng nhận thức thấu suốt
của Rahner không chỉ là một chẩn đoán mà còn là đơn thuốc cho căn bệnh này. Nó
cho chúng ta biết để vượt lên những dằn vặt này, vượt lên khối u của khắc khoải
này. Làm sao làm được?
Chính
xác bằng cách hiểu và chấp nhận ở đời, mọi hòa âm đều dang dở. Khi hiểu và chấp
nhận lý do làm chúng ta dằn vặt không phải do chúng ta là những người thèm khát
tình dục quá độ, loạn thần và vô ơn, quá tham lam để không thỏa mãn với cuộc
đời này. Không phải vậy. Lý do sâu xa là vì chúng ta bẩm tại được tạo dựng,
được truyền năng lượng vượt quá thế giới này. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng
như thế. Chúng ta là những linh hồn vô hạn sống trong một thế giới hữu hạn,
những tâm hồn được tạo nên để hợp nhất với mọi vật và mọi người nhưng chỉ được
gặp phàm nhân và phàm vật. Chẳng trách chúng ta có vấn đề với sự bất đạt, mộng
tưởng, cô đơn và khắc khoải! Chúng ta là những vực sâu không đáy. Khi chưa thể
hợp nhất với tất cả, thì chẳng có gì lấp đầy hố thẳm đó được.
Bị
dằn vặt vì khắc khoải mới là con người. Hơn nữa, khi chấp nhận chúng ta là con
người và do đó không thể có hòa âm trọn vẹn ở đời này, chúng ta thanh thản hơn
trong khắc khoải của mình. Tại sao? Vì bây giờ chúng ta biết mọi thứ đến
với chúng ta là cơn sóng ngầm của khắc khoải, của bất đạt, và đó là chuyện bình
thường và đúng đắn cho tất cả mọi người.
Như
linh mục Henri Nouwen đã viết: “Ở đây,
trong đời này, không có thứ gì gọi là niềm vui thuần túy và rõ ràng. Đúng hơn,
trong mọi thỏa mãn, đều có ý thức về giới hạn. Phía sau nụ cười là giọt nước
mắt. Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có cô đơn. Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn
cách”.
Bình
an và nghỉ ngơi chỉ có thể đến với chúng ta khi chúng ta chấp nhận giới hạn đó
trong thân phận con người, vì chỉ khi đó chúng ta mới thôi đòi hỏi rằng cuộc
đời – hay cụ thể là người bạn đời, gia đình, bạn bè, công việc, thiên hướng và
kỳ nghỉ của chúng ta – cho chúng ta một điều mà nó vốn không thể cho được, cụ
thể là một niềm vui thuần túy rõ ràng và sự viên mãn tròn đầy.
J.B. Thái Hòa dịch