HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


HẠT VI NHỰA TRONG BỮA ĂN

5 NGUỒN CHÍNH GÂY Ô NHIỄM HẠT VI NHỰA TRONG BỮA ĂN GIA ĐÌNH

 

Nguy cơ hạt vi nhựa xâm nhập bữa ăn gia đình là một thực tế trong đời sống hằng ngày, nhất là khi đồ gia dụng hiện nay chủ yếu làm bằng nhựa.

 

Hạt vi nhựa đang tồn tại khắp nơi, rất khó lần theo dấu vết để ngăn chặn hiệu quả vì kích thước của chúng quá nhỏ. Các nghiên cứu khoa học xác định được hạt vi nhựa bắt nguồn từ những đồ dùng nhựa lớn hơn. Với kích thước nhỏ bé, hạt vi nhựa đang trở thành mối đe dọa lớn cho sức khỏe con người. Chúng có liên quan đến nguy cơ đau tim, ung thư và ảnh hưởng năng lực sinh sản. Một báo cáo gần đây cho thấy hạt vi nhựa có thể làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới.

 

Báo cáo này của Canada vào năm 2019 ghi nhận con người “nuốt” đến 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm, và con số này nhiều khả năng đã tăng lên. Một cuộc nghiên cứu do Đại học New Mexico (Mỹ) thực hiện đã khơi dậy sự quan tâm của toàn cầu về hạt vi nhựa. Nhiều người giờ đây tìm kiếm thông tin về cách thức hạt vi nhựa xâm nhập cơ thể người cùng những biện pháp giảm bớt hoặc thậm chí loại trừ hạt vi nhựa khỏi cơ thể.

 

Các gia đình có thể giảm bớt nguy cơ hấp thu hạt vi nhựa qua đường ăn uống theo những cách sau đây:

 

 

1.    Không dùng thớt nhựa

 

Một tấm thớt nhựa cũng đủ để phơi nhiễm đến 79,4 triệu hạt vi nhựa polypropylene cho con người mỗi năm, theo số liệu của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS). Điều đó có nghĩa dùng thớt nhựa làm tăng nguy cơ hạt vi nhựa xâm nhập thực phẩm trong quá trình chế biến, và theo đường ăn uống đi vào cơ thể người. Người Việt Nam có thói quen dùng thớt gỗ, và có thể tiếp tục dùng loại thớt này. Thị trường hiện cũng có những loại thớt làm bằng vật liệu như thủy tinh, sợi giấy, vừa thân thiện môi trường vừa tránh nguy cơ ô nhiễm hạt vi nhựa.

 

2.    Nguy cơ từ hộp đựng thức ăn dùng cho lò vi ba

 

Những sản phẩm nhựa được gán mác “an toàn khi dùng cho lò vi ba” vẫn có thể phóng thích một số lượng lớn hạt vi nhựa vào thức ăn trong quá trình đun nóng. Năm 2023, các nhà nghiên cứu của Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ) công bố phát hiện đầy bất ngờ về những món ăn dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đựng trong bao bì nhựa và được cho là bảo đảm an toàn khi đun nóng bằng lò vi ba. Theo đội ngũ chuyên gia, có đến 4 triệu hạt vi nhựa rò rỉ trong mỗi cm2 diện tích bao bì nhựa. Dưới kính hiển vi, các hạt vi nhựa bị phát hiện giết chết đến 75% tế bào thận được nuôi trên đĩa thí nghiệm, làm dấy lên quan ngại về ảnh hưởng tiềm tàng đối với sức khỏe người.

 

Bên cạnh việc không dùng thức ăn chứa trong đồ nhựa thành phẩm, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh những sản phẩm được đóng gói trong các loại bao bì chứa chất phthalate, styrene và bisphenol. Đây là nhóm các hóa chất xuất phát từ nhiều loại nhựa khác nhau, theo báo cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ.

 

3.    Tránh đá nhiễm hạt vi nhựa

 

Giống như trường hợp hạt vi nhựa được tìm thấy bên trong nước đóng chai, các khay làm đá viên trong tủ lạnh có thể là nguồn ô nhiễm hạt vi nhựa. Trong khi có ít cuộc nghiên cứu về vấn đề này, nhựa đông lạnh có thể phóng thích hạt vi nhựa vào nước, tương tự quy trình xảy ra cho nhựa khi đun nóng trong lò vi sóng, như trang tin HealthCentral dẫn phỏng vấn của một giáo sư. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng có sự lựa chọn tốt hơn: khay làm đá bằng thép không gỉ. Loại khay này không những ngăn ngừa nguy cơ tiết ra hạt vi nhựa, mà còn rút ngắn thời gian làm đá viên.

 

4.    Ly giấy không phải là sự lựa chọn bền vững

 

Trong khi lẽ ra phải là sự lựa chọn thân thiện với môi trường, ly giấy lại gây ô nhiễm nhựa ở mức báo động. Trên thực tế, ly giấy vẫn cần một lớp nhựa phủ lên, thông thường chứa đến 10% hóa chất polyethylene mật độ cao (HDPE) để tránh rò rỉ chất lỏng. Việc tái chế ly giấy cũng là một vấn đề do cần phải tách rời lớp HDPE khỏi giấy, khiến quy trình tái chế trở nên phức tạp hơn. Không dừng lại ở đó, việc dùng ly giấy uống nước nóng có thể dẫn đến phóng thích nhiều hóa chất khác nhau, như được đề cập trong báo cáo vào năm 2021 trên chuyên san Hazardous Materials. Một số hóa chất rò rỉ trong quá trình có thể kể đến fluoride, chloride, sulfate và nitrate. Nên dùng chai làm bằng thép không gỉ tái sử dụng khi uống nước nóng lẫn lạnh để tránh bị phơi nhiễm hạt vi nhựa và đủ loại hóa chất độc hại.

 

5.    Nguy cơ từ túi trà

 

Một thực tế gây ngạc nhiên là nhiều túi trà được làm từ nhựa polypropylene không bền vững. Thậm chí túi trà bằng giấy cũng chứa dấu vết của nhựa trong chất tráng HDPE. Vì thế, túi trà không hề thân thiện với môi trường vì không dễ phân hủy, góp phần làm gia tăng nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa. Năm 2023, báo cáo do Đại học Dow về Khoa học Y tế (Pakistan) công bố làm dấy lên quan ngại rằng việc dùng nước nóng hãm túi trà có thể phóng thích hàng triệu hạt vi nhựa vào ly trà. Một ly trà có thể chứa đến 3,1 tỷ hạt nano nhựa đến từ túi trà. Cách an toàn hơn cả là hãm trà theo cách bình thường..

 

Hồng Hoang

Nguồn: Công Giáo và Dân tộc