“Thầy gọi anh
em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh
em biết” (Ga 15,15)
Tình bạn không chỉ là khởi nguồn cho sự phát triển thiêng liêng mà còn của niềm vui và sự hài lòng, và do đó, việc kết thúc một tình bạn trong sự giận ghét có thể gây ra nhiều đau khổ và buồn bã. Những cuộc tranh luận, bất đồng hoặc hiểu lầm có thể khiến những mối quan hệ từng tốt đẹp và giàu sức sống phải tan vỡ.
Nếu điều này đã từng
xảy ra với bạn, thì hãy can đảm lên; một số vị thánh cũng từng trải qua kinh
nghiệm không hạnh phúc này. Ví dụ điển hình nhất về tình bạn tan vỡ có thể kể
đến chính Chúa Giêsu, vì một trong những môn đệ đã phản bội Ngài.
Khi Giuđa Ítcariốt dẫn
lính canh đền thờ vào Vườn Gethsemane để bắt Chúa Giêsu, Ngài gọi hắn là “bạn”
(Mt 26:50), không phải theo cách mỉa mai hay châm chọc, mà là chân thành và yêu
thương. Chúa sẵn lòng tha thứ cho Giuđa về việc hắn đã làm, nhưng Giuđa từ
chối. Mối quan hệ đi đến một kết thúc bi thảm không phải vì Chúa Giêsu mong
muốn như vậy, mà bởi vì Giuđa đã đầu hàng tuyệt vọng sau hành động phản bội của
mình và tự treo cổ.
Tình bạn căng thẳng
của các vị thánh
Nhiều trường hợp về
tình bạn căng thẳng giữa các vị thánh đã được ghi nhận. Thánh Phaolô và thánh
Banaba là những người bạn thân thiết. Trong thực tế, chính Banaba là người đã
giới thiệu Phaolô với thánh Phêrô và các tông đồ khác.
Việc Banaba đón nhận
Phaolô đã làm cho những Kitô hữu tiên khởi khác bỏ qua sự nghi ngờ đối với
người từng bắt bớ Giáo hội này. Cả hai vị tông đồ được Chúa Thánh Thần chọn để
đi truyền giáo cùng nhau. Banaba có người em họ trẻ tuổi là Máccô đi cùng. Tuy
nhiên, trong hành trình đó, Máccô đã quay về vì một lý do nào đó không rõ (Cv
13:13). Điều này khiến Phaolô tức giận. Khi hai vị tông đồ chuẩn bị cho một
hành trình truyền giáo khác, Banaba lại muốn mang theo Máccô, nhưng Phaolô nhớ
lại sự không kiên định trước đó của người trẻ tuổi này nên không cho phép, và
điều này dẫn đến sự rạn nứt tạm thời giữa Phaolô và Banaba.
Vào thế kỷ thứ tư,
thánh Heliodorus gặp thánh Giêrônimô ở Ý, trở thành môn đệ và cuối cùng là bạn
của vị học giả lỗi lạc này. Ngài thậm chí còn tài trợ cho thánh Giêrônimô trong
việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, ngôn ngữ phổ thông thời bấy giờ. Bản
dịch này, theo yêu cầu của Giáo hoàng St. Damasus, được gọi là Vulgate. Khi
thánh Giêrônimô và các môn đệ đến Đất Thánh, thánh Heliodorus cũng đi theo, mặc
dù ngài từ chối tham gia vào cuộc sống ẩn dật trong sa mạc vì ngài cảm thấy
Chúa không kêu gọi mình theo lối sống đó.
Thánh Giêrônimô nổi
tiếng với tính khí nóng nảy, đã rất bực bội về điều này và đã viết một lá thư
đầy phẫn nộ quở trách thánh Heliodorus. Sau đó, thánh Heliodorus trở lại Ý và
được bổ nhiệm làm Giám mục của thị trấn nhỏ Altino. Ở đây, ngài vẫn thể hiện
lòng khoan dung và độ lượng của mình bằng cách tiếp tục gửi hỗ trợ tài chính
cho thánh Giêrônimô.
Đôi khi, sự khác biệt
về tính cách có thể khiến tình bạn trở nên căng thẳng. Ví dụ điển hình về điều
này liên quan đến hai vị thánh Basiliô và Grêgôriô thành Nazianzus của thế kỷ
IV.
Basiliô là người hướng
ngoại, dứt khoát và kiên định, trong khi đó Grêgôriô nhạy cảm, rụt rè và thích
ẩn dật. Cả hai đều được thụ phong linh mục, Basiliô rất sẵn sàng, còn Grêgôriô
thì rất miễn cưỡng, và cả hai đều về một tu viện để tu tập một thời gian. Vào
năm 370, Basiliô được bổ nhiệm làm Giám mục Caesarea, và ngài đã chứng tỏ mình
rất phù hợp với vai trò tích cực trong việc bảo vệ giáo lý của Giáo hội chống
lại những lạc thuyết thời đó.
Đổi lại, hai năm sau,
Basiliô đã bổ nhiệm “người bạn miễn cưỡng” của mình là Grêgôriô làm Giám mục
Sasima. Tuy nhiên, thay vì đến Sasima ở, Grêgôriô vẫn ở lại Nazianzus để phụ
giúp cha mình, lúc đó cũng đang là Giám mục ở đó (vào thời kỳ đầu của Giáo hội,
giáo sĩ chưa bắt buộc phải độc thân). Điều này khiến Basiliô rất tức giận, có
lẽ vì ngài đã quen với chuyện mọi việc phải theo ý mình trong những vấn đề như
vậy. Tuy nhiên, cuối cùng, hai người bạn cũng đã làm hòa với nhau, và nếu sự
hòa giải này không xảy ra trong cuộc sống trần thế của họ, thì chúng ta có thể
chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra trên Thiên Đàng.
Tình bạn là một quà
tặng
Tình bạn là một quà
tặng của Thiên Chúa. Quả vậy, theo thánh Aelred thành Rievaulx: “Thiên Chúa là
tình bạn.” Đó là lý do tại sao Thánh Phanxicô de Sales có thể tự tin nói rằng:
“Tình bạn trên thế giới này sẽ được nối lại, không bao giờ bị tan vỡ.” Suy nghĩ
này có thể là một sự an ủi nếu bạn buồn bã vì sự tan vỡ của một tình bạn từng
viên mãn. Bạn có thể yên tâm rằng trong vương quốc của Thiên Chúa, tất cả các
mối quan hệ đổ vỡ sẽ được chữa lành và hoàn thiện. Nếu bạn không muốn tái lập
mối quan hệ với ai đó, ngay cả trên Thiên Đàng, thì tốt hơn hết bạn nên bắt đầu
cầu nguyện để thay đổi con tim, vì cách duy nhất để tránh biết và yêu thương ai
đó trong cõi vĩnh hằng là một hoặc cả hai bạn đều ở ngoài Nước Trời.
Tình bạn là một quà tặng của Thiên Chúa.
Ảnh: Canva
Những người bạn thường
giúp chúng ta phát triển lòng đạo hạnh, và chúng ta cũng nên làm điều tương tự
cho họ. Giúp đỡ lẫn nhau để trưởng thành trong sự thánh thiện đôi khi có thể
cần đến sự sửa dạy trong tình huynh đệ. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này,
Thánh Phanxicô Xaviê khuyên rằng: “Các bạn càng thân thiết, các bạn càng có thể
nói thẳng thắn, nhưng nếu chỉ là quen biết xã giao thì từ từ rồi hãy quở
trách.”
Sự quan tâm của chúng
ta đến hạnh phúc thiêng liêng của bạn bè luôn đi kèm với sự rủi ro là họ sẽ bị
xúc phạm hoặc buồn lòng vì chúng ta. Nhưng mọi tình bạn – ngay cả khi tan vỡ –
đều có thể trở thành phúc lành khi bạn nhìn nhận từ góc độ của sự vĩnh hằng.
Suy tư thêm từ
các vị thánh
“Khi tôi kiệt sức vì
những bất ổn của thế giới, tôi hoàn toàn phó mình cho tình thương của những
người đặc biệt gần gũi với tôi. Tôi biết rằng mình có thể hoàn toàn tin tưởng
họ với những suy nghĩ và cân nhắc của mình, bởi vì họ có một tình yêu Kitô giáo
nồng nàn và là những người bạn trung thành của tôi. Vì tôi không tin tưởng họ
như tin tưởng một con người khác, mà là tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng ngự
trong họ và khiến họ trở nên như hiện tại.” Thánh Augustinô
“Nếu một người phải
chịu đựng sự lăng mạ, đánh đập và bỏ tù vì một trong những người bạn của mình,
anh ta sẽ đau khổ biết bao khi biết rằng người bạn của mình không nhớ gì về
điều đó và thậm chí không muốn nghe người ta nói về điều đó. Mặt khác, anh sẽ
hài lòng biết bao khi biết rằng bạn anh ta luôn tha thiết nói về điều đó và
thường cảm ơn anh về điều đó. Vì vậy, Chúa Giêsu Kitô rất hài lòng khi chúng ta
nhớ lại với lòng biết ơn yêu thương vì những nỗi đau đớn, nỗi buồn và cái chết
mà Ngài đã chịu vì chúng ta. Mỗi lần chúng ta bị một người bạn đối xử tệ bạc,
chúng ta có thể tự hỏi mình đã đối xử với “Người Bạn” vĩ đại nhất như thế nào.”
Thánh Alphonsus Liguori
Một số điều bạn có thể
thử
Thánh Augustinô nói
rằng vào những lúc chúng ta bị cái nghèo làm khổ cực, buồn bã vì tang chế, ốm
đau hoặc dằn vặt bởi nỗi đau, hãy để những người bạn tốt đến thăm chúng ta. Họ
nên là những người không chỉ có thể vui với niềm vui của ta mà còn có thể khóc
với nỗi sầu của ta nữa. Hãy để họ là những người đưa ra lời khuyên hữu ích
và giúp ta bày tỏ cảm xúc của mình trong cuộc trò chuyện.
Bạn nên cố gắng trở
thành người bạn tốt như thánh Augustinô đã đề cập, ngay cả với những người bạn
cũ, đặc biệt là khi họ gặp bất hạnh. Đây sẽ là dấu chỉ của lòng bác ái Kitô
giáo chân chính nơi bạn, và trong trường hợp tình bạn rạn nứt, nó thậm chí có
thể giúp hàn gắn lại.
Duy trì lòng bác ái
với những người bạn cũ là điều quan trọng, ngay cả khi họ đối xử bất công với
bạn. Thánh Thomas More, khi bị kết án tử hình vì từ chối chấp nhận cuộc hôn
nhân không hợp lệ của Vua Henry VIII, đã nói với các thẩm phán của mình, một số
người trong số họ vốn là bạn bè và đồng nghiệp của ngài rằng: “Giống như thánh
Phaolô đã giữ áo cho những kẻ ném đá Stêphanô chết, giờ đây cả hai đều là bạn
trên Thiên đàng và sẽ mãi mãi là bạn ở đó, thì tôi cũng thật sự tin tưởng và
nguyện cầu hết lòng rằng, mặc dù hiện giờ trên trần gian, các ngài là những vị
thẩm phán lên án tôi, nhưng sau này chúng ta vẫn có thể gặp nhau trên Thiên
đàng trong sự cứu rỗi đời đời.”
Nguồn: dongten.net