TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


LINH ĐẠO HY VỌNG


“PHƯƠNG THUỐC” CHỮA LÀNH

Cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều người dễ phải đối diện với những tổn thương. Thậm chí có những lúc, tổn thương nơi một số người trẻ thật xé lòng, một tổn thương không thể tả thành lời. Họ chỉ có thể nói với Chúa rằng họ đang đau khổ nhiều lắm, rằng họ thật khó đứng vững, vì họ không còn tin vào ai nữa. (x. Christus vivit #77)

Những tổn thương có thể khiến người trẻ trở nên yếu đuối, thậm chí là gục ngã. Lúc này, linh đạo Hy vọng trở nên một phương thuốc giúp chữa lành mọi tổn thương của người trẻ.​

 

Cảm giác tổn thương là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Đó là một trạng thái tâm lý phức tạp có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, từ những mất mát đau đớn đến những trải nghiệm cuộc sống không mấy tốt đẹp.

 

Một trong những nguồn gốc chính của cảm giác tổn thương là từ những mất mát và đau khổ trong quá khứ. Có thể là mất mát người thân, mối quan hệ tan vỡ, hoặc thất bại trong sự nghiệp,…

 

Ngoài ra, cảm giác tổn thương có thể phát sinh từ những áp lực xã hội và văn hóa. Định kiến, tiêu chuẩn không thực tế và sự so sánh không lành mạnh có thể gây ra cảm giác tự ti, căng thằng dẫn đến tổn thương tinh thần.

 

Khác với những vết thương ngoài da, những tổn thương bên trong là vô hình và không thể điều trị bằng thuốc thông thường. Lúc này, linh đạo Hy vọng trở nên một “phương thuốc” hữu hiệu giúp chữa lành. Và dưới đây là 3 thực hành căn bản:​

 

Đón nhận thực tại​

Điều đầu tiên cần làm khi bạn gặp tổn thương là cần phải chấp nhận bản thân mình đang bị tổn thương, tuy rằng điều này không hề dễ dàng. Việc đón nhận này không đồng nghĩa với việc buông xuôi, chúng ta chỉ đang đón nhận rằng chúng ta đang trong tình huống đấy, để thẳng thắn hơn với cảm xúc của bản thân.

 

Nhắc tới Hy vọng, chúng ta không thể không nhắc tới Đấng Đáng Kính Đức hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Khi bị lao vào chốn lao tù, phải rời xa đoàn chiên, xa công việc mục vụ, ngài cũng đã có tổn thương. Nhưng ngài đã chấp nhận thực tại như nó là, để rồi ngài biến nhà tù thành nhà thờ của ngài, bạn tù, quản giáo thành giáo dân của ngài.

Tin vào sự hiện diện của Chúa​

Niềm tin vào sự hiện diện của Chúa chính là nguồn động viên giúp người trẻ vượt qua những thử thách và khó khăn. Vì “nếu con còn trẻ mà lại cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi hoặc thất vọng, hãy xin Chúa Giêsu đổi mới con. Với Người, niềm hy vọng chẳng bao giờ thiếu” (Christus vivit #109)

 

“Con hãy nhìn lên thập giá của Người, hãy bám chặt lấy Người, hãy để Người cứu con, bởi vì những ai để mình được Người cứu độ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn”. (ibid. #119)

 

Tích cực sống yêu thương và phục vụ mọi người​

Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo khẳng định rằng: con người chỉ có thể sống sót và phát triển nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. (Docat #48).

 

Do đó, với đời sống cộng đồng, việc đối thoại và nhận biết người khác lại dẫn con người đến gần chính mình hơn. Và khi người trẻ đã thực sự thấu hiểu bản thân, họ sẽ dễ dàng vượt qua được những tổn thương vô hình đang ngày đêm dằn vặt họ.

 

Nói tóm lại, hành trình chữa lành không chỉ ngày một ngày hai. Hãy thực hiện linh đạo hy vọng lặp đi lặp lại mỗi ngày. Những ngày đầu sẽ rất khó khăn, nhưng hãy thử kiên trì, mọi tổn thương chắc chắn sẽ dần vơi đi, và được chữa lành.​

Phải làm gì?​

Docat 48: Tại sao mỗi người là một hữu thể xã hội?

Một người chỉ có thể sống sót và phát triển nhờ vào sự giúp đỡ của những người khác. Làm người không chỉ là sống trong mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, mà còn phải cố gắng cẩn trọng để giữ mối giao hảo với những người khác nữa. Điều này khởi đầu từ trong gia đình, rồi thể hiện nơi nhóm bạn bè, và cuối cùng mở ra cho xã hội. Điểm cơ bản ở chiều kích xã hội của con người là chúng ta được tạo dựng có nam có nữ (St 2,23). Ngay từ đầu, nam và nữ có cùng phẩm giá như nhau. Họ giúp đỡ lẫn nhau, và bổ túc cho nhau, để cùng nhau đương đầu với cuộc sống. Thiên Chúa làm cho sự kết hợp yêu thương giữa nam và nữ sinh hoa kết quả nơi đứa con của họ. Đây là lý do vì sao gia đình là tế bào nguyên thuỷ của mọi xã hội.

LM Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong