NOTRE DAME DES MISSIONS
CONGRÉGATION
OUR LADY OF THE MISSION
CONGREGATION
Hội
dòng Đức Bà Truyền Giáo do Mẹ Euphrasie Babier thành lập tại Lyons, nước Pháp,
ngày 15 tháng 8 năm 1861. Mẹ Euphrasie Babier ra đời ngày 04 tháng 1 năm 1829 tại
Caen, miền Normandy, nước Pháp. Ngay từ buổi thiếu thời Mẹ đã được cuốn hút bởi
làn sóng của lòng nhiệt thành truyền giáo đang tác động trên nước Pháp vào thế
kỷ XIX; Khi đã trưởng thành, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Mẹ thấy
mình được lôi cuốn mãnh liệt vào việc chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi và các Sứ Vụ
Thần Linh xuất phát từ Ba Ngôi Thiên Chúa nhằm cứu độ thế giới; Việc chiêm ngưỡng
ấy đã làm bừng lên trong Mẹ một lòng nhiệt thành mong ước được hoạt động để mở
rộng Nước Thiên Chúa đến tận cùng thế giới.
Năm 1848,
Mẹ Euphrasie Babier gia nhập một Dòng truyền giáo vừa được thiết lập ở Cuves, thuộc
giáo phận Langres; Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hoàn cảnh đã đẩy
dòng này rời xa linh hứng truyền giáo nguyên thủy của mình, nhưng ơn gọi truyền
giáo vẫn mãnh liệt bừng cháy trong tâm hồn của Mẹ Euphrasie Baribier.
Năm 1861,
Mẹ nhận được phép chuyển Dòng và dưới sự hướng dẫn của Bề Trên Tổng Quyền Hội
dòng Đức Maria, ngày 15 tháng 8 năm 1861, Mẹ đã khởi sự những gì đang hình
thành nên Dòng Đức Bà Truyền Giáo tại đường Cléberg, trên đồi Fourvière; người
bạn đồng hành duy nhất của Mẹ là chị Mary St Wilfrid, một tập sinh trẻ tuổi của
Hội dòng cũ đã được phép làm bạn đường của Mẹ.
Mẹ
Euphrasie Babier nhận Luật Thánh Âu Tinh làm nền tảng đời sống tu trì cho Hội
dòng, và Mẹ đã bắt đầu soạn thảo Hiến Pháp ngay từ những ngày khởi sự thành lập
Dòng.
Ngày 25 tháng 12 năm 1861
Đức Hồng Y Louis-Jacques-Maurice de Bonald, Tổng Giám Mục Lyon, ban cho Hội
dòng mới sự chuẩn nhận của Địa phận, như thế đây cũng là lần đầu tiên Giáo hội
công nhận Hội dòng cách chính thức và xác nhận sứ mạng của Hội dòng.
Ngày 9 tháng 6 năm 1869
Đức Giáo Hoàng Piô IX đã ban cho Hội dòng một Chiếu Thư Ban Khen, và vào ngày 1
tháng 10 năm 1877, ngài ban cho Hội dòng một Chuẩn Nhận Vĩnh Viễn; Ngày 6 tháng
12 năm 1890, Đức Giáo Hoàng Léo XIII ưng thuận chuẩn nhận Hiến pháp “ad
septennum” (7 năm) cho Dòng.
Thời
kỳ hứa hẹn, 1861-1893
Mẹ Euphrasie Barbier đã gửi những nữ
tu truyền giáo đầu tiên của Hội dòng đến New Zealand vào năm 1864. Những chuyến
truyền giáo đều đặn tiếp theo đến các nước New Zealand, Úc, Anh, Wallis,
Tonga và Samoa ở Châu Đại Dương và Chittagong (hiện nay thuộc Bangladesh). Mặc
dù Mẹ Euphrasie xác định sứ vụ ưu tiên trong công cuộc truyền giáo của Hội
dòng là các sứ vụ hải ngoại, nhưng Mẹ không bỏ qua nhu cầu tông đồ địa
phương; Mẹ đáp lại tiếng kêu than của người nghèo bằng việc: Hội dòng
mở nhà chăm sóc trẻ mồ côi ở Deal, vương quốc Anh năm 1870 và năm 1876, một cơ sở khác được mở
tại thành phố công nghiệp Armentières, nước Pháp để các nữ tu có thể giúp
các thiếu nữ và phụ nữ thuộc tầng lớp lao động.
Ngày 18 tháng 1 năm 1893
Mẹ Euphrasie Babier đã qua đời tại tu viện của Dòng ở Sturry, nước Anh.
Công
việc mà Thánh Linh đã khởi sự qua Mẹ được tiếp tục củng cố và mở rộng đến những
cánh đồng truyền giáo xa xôi hơn nữa; khi Mẹ Euphrasie qua đời vào năm 1893, Hội
Dòng đã có hai trăm lẻ năm (205) nữ tu.
Ngày 6 tháng 7 năm
1906 Hiến Pháp của Dòng được Đức
Giáo Hoàng Piô X chuẩn nhận vĩnh viễn.
Thời kỳ tăng trưởng, 1894-1937
Mẹ Marie du St Rosaire, Mẹ Tổng Quyền thứ
hai tiếp tục trung thành với ước mơ của Mẹ Euphrasie, Đấng sáng lập Dòng, phục
vụ các sứ vụ hải ngoại, đặc biệt là qua việc giáo dục phụ nữ và thiếu
nữ. Do vậy, vào năm 1901, khi chính sách của chính phủ đẩy nhiều tu sĩ
nam nữ ra khỏi nước Pháp, nhiều nữ tu người Pháp đã di cư đến Canada,
nơi tu viện đầu tiên được mở vào năm 1898. Sự phát triển của Hội Dòng trong
những năm trước Thế Chiến II đã rất vững vàng. Năm 1924, các nữ tu người
Pháp hoặc các nữ tu nói tiếng Pháp bắt đầu làm việc tại Đông Dương; sau là thuộc
địa của thực dân Pháp.
Thời kỳ ổn định, 1938-1966
Ảnh hưởng và sự kinh hoàng của Thế Chiến II
đã tác động mạnh tại một số nơi trong Hội Dòng hơn những nơi khác:
tại châu Á, Việt Nam và Miến Điện người dân phải chịu nhiều đau khổ khi Nhật Bản
xâm chiếm cả hai quốc gia và ở cả hai quốc gia này các nữ tu Đức Bà Truyền
Giáo người ngoại quốc bị người Nhật cầm tù, đây là một trải nghiệm đau đớn
và đáng sợ. Các nữ tu ở Bangladesh và các vùng miền đông Ấn đã sống trong sợ
hãi trước sự xâm lược của Nhật Bản, nhưng may mắn thay, quân Nhật đã bại
trận. Tỉnh dòng Pháp đã trải qua cuộc xâm lược tàn bạo của Đức và các trận
chiến khốc liệt nổ ra giữa Đức và Đồng minh sau đó; Tỉnh Dòng Anh cũng phải
hứng chịu nỗi kinh hoàng của các cuộc oanh tạc trên không.
Chiến
tranh thế giới thứ II tuy ác liệt nhưng không làm giảm lòng nhiệt thành của
những người trẻ muốn gia nhập Hội dòng; Năm 1966, như công đồng Vatican II
tổng kết, Hội dòng đã có 1.243 nữ tu. Các quốc gia Ấn Độ, Bangladesh và
Miến Điện lúc này đã giành được độc lập dù chưa ổn định về chính trị,
trong lúc Việt Nam trải qua những biến động chính trị và quân sự, vì sự đối
đầu giữa hai miền Nam Bắc.
Thời kỳ đổi mới và hy vọng,
1966-1984
Công đồng Vatican II đã tạo ra những thay đổi
đáng kể xuyên suốt trong Hội Dòng; cách chung, Công đồng khuyến khích một
phong trào rời trường học tại các quốc gia Úc, Anh và Ireland, Canada, Pháp
và New Zealand để các nữ tu tham gia vào những việc giáo dục và tông đồ khác
nơi những vùng cần được truyền giáo. Từ năm 1966, các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo
tại Miến Điện không được phép dạy học ở trường và từ năm 1975, các nữ tu Đức Bà
Truyền Giáo tại Việt Nam cũng bị hạn chế tương tự, tuy thế tại cả hai quốc
gia này cho phép các nữ tu bắt đầu các sứ mạng mới, đặc biệt là với người
nghèo trong xã hội.
Công
đồng Vatican II (1962-1965) khuyến khích các Dòng tu tái khám phá Đặc
sủng của Đấng sáng lập Hội dòng; Đối với các nữ tu Đức Bà Truyền giáo điều
này có nghĩa là tự hỏi làm thế nào để truyền giáo cho thời đại; làm thế nào
để vượt mọi biên cương và nền văn hóa của mình để mang Tin Mừng cho những người
khác. Vào thời điểm này, mỗi Tỉnh dòng Đức Bà Truyền giáo ở phương Tây cam
kết mở một sứ mạng mới như sau:
Australia
đến với Papua New Guinea
British
Isles & Ireland đến với Kenya
Canada
đến với Peru
France
đến với Senegal
New
Zealand đến với Samoa
Những
vùng truyền giáo mới này đại diện cho phong trào ra đi muôn phương từ
phương Tây; Nhưng khi thiên niên kỷ thứ hai kết thúc, những nữ tu được phái đi
truyền giáo vượt ngoài biên cương càng ngày càng đông là những nữ tu từ các
châu Á, châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh. Tại các vùng này, Hội dòng đang tăng
trưởng trong khi số nữ tu tại các Tỉnh Dòng phương Tây lại đang giảm dần; Điều
đang xảy ra trong Hội dòng là một bức tranh nhỏ về những gì đang xảy ra trong
Giáo hội rộng lớn hơn:“Giáo Hội Thế giới thứ ba” đã đến tuổi trưởng thành.
Các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo
trong thiên niên kỷ thứ ba
Ngày
nay, Hội dòng có lẽ rất khác so với thời mới thành lập cách đây một trăm
năm mươi năm tại Lyon; Hiển nhiên nhất là các Tổng Công Hội và các cuộc hội
nghị chung của Hội dòng bao gồm nhiều nữ tu đại diện từ mọi lục địa trên thế
giới, với sự đa dạng và phong phú của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Điểm
quan trọng thứ hai là lòng nhiệt thành đáp trả các sứ mạng mới của nữ
tu Đức Bà Truyền Giáo, ngày nay nữ tu Đức Bà Truyền Giáo cộng tác với
các Dòng tu khác trong công cuộc truyền giáo, điển hình và mới nhất là sứ
mạng Liên đới với Nam Sudan - SSS (Solidarity with South Sudan) để giúp đỡ
người dân Nam Sudan và các miền truyền giáo mới đã được thành lập gần đây tại
Lào, Orissa (Ấn Độ), Thái Lan và Đài Loan.
Khẩu
hiệu của Tổng Công Hội 2008: “RNDM- Cộng đoàn Địa cầu: chúng ta là
Một, chúng ta là Tình yêu”, đã thách thức các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo
nhận ra: “Nữ tu Đức Bà Truyền Giáo (RNDM) sẽ cần tiếp tục tưởng tượng cách thức
tham dự vào các hình thức và tương quan mới trong công cuộc truyền giáo, cam
kết thực hiện nhiệm vụ này với cùng một khám phá tuyệt vời như Hiến Pháp, số
4 đã nêu lên:
“Căn tính thừa sai của chúng ta mang tính phổ
quát vì bắt nguồn từ cung lòng Ba Ngôi. Nhờ quyền năng của Thánh Linh, chúng ta
được sai đi như những môn đệ của Đức Giêsu, để chia sẻ cuộc sống trong yêu
thương phục vụ, tìm kiếm sự sống viên mãn cho toàn thể tạo dựng.”
Chính
với tư cách là một Hội dòng truyền giáo thuộc quyền Giáo hoàng mà Hội dòng Đức
Bà Truyền Giáo đã tiếp tục phát triển trong Hội thánh để tôn vinh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chuyển ngữ: Sr. M. Phạm Thanh Thúy RNDM
Nguồn: Tư liệu dòng Đức Bà Truyền Giáo