HỌC VIỆN ĐBTG


ĐÔI BÔNG CỦA BÀ


- Ra Hà Nội học, học xong rồi con đi tu con hẹ. Bà nó nói

- Nhà ta, anh em ta chưa có ai mần linh mục con ạ. Con mà phấn đấu cho nhà ta nở mày nở mặt con nhá!

Nó đáp nhanh:

- Con mà đi tu thì bà tặng con đôi hoa tai của bà nha

Bà cười lớn nói:

- Mi mà lấy vợ là được có một chiếc thôi nhá!

 

Cả hai bà cháu lại cười phá lên...

 

Đôi bông tai chính là vật đính ước của bà với ông thời ông bà về chung sống. Hồi đó còn nghèo lắm. Ông giành dụm cả gia tài mà mua cho bà. Hồi còn trẻ bà là mỹ nữ đẹp nức tiếng gần xa. Chả hiểu sao mà ông lại cưa đổ được bà nữa. Còn bây giờ thì bà nó đẹp lão lắm, chả kém hồi xưa là mấy đâu. Người ta nói nhìn bà phúc hậu. Bà có mái tóc bạc gần hết mà những còn dày lắm. Màu tóc nhìn kiểu xam xám, giông giống màu tóc trend mà mấy cô em trong xóm rủ nhau nhuộm. Mắt bà là đẹp nhất. Nếp nhăn đã nhiều, mỗi nếp nhăn là cả một kinh nghiệm sống, một mùa gió nam trôi qua. Tai của bà, nhìn là biết 'giai lão'. Đôi bông tai nặng, kéo dái tai dài xuống nên nhìn như tai Phật vậy. Đôi bông tai làm bằng vàng nguyên chất thời đó, được tạo dáng cảm hứng từ hình mặt trăng, nhưng nó dày dặn và đường nét mềm mại hơn. Phía trên là họa tiết thánh giá đã mòn gần hết. Bà quý đôi bông lắm. Bởi bà hồi xưa chưa theo đạo, lấy ông về bà mới yêu Chúa nhiều như bây giờ. Bà từng dặn lòng sẽ dâng con cho Chúa, nhưng có vẻ bà chưa được thỏa dạ rồi. Bởi thế, bà lại đem nỗi ước mong đấy gửi gắm vào đứa cháu yêu của bà - nó!

 

Không chỉ bà nó, mà còn bố mẹ, chị nó, họ hàng nó cũng mong mong một điều rằng nó sẽ đi tu. Hồi đó nó áp lực lắm. Nó cũng không chắc là nó có tu nổi không nữa. Ngồi cùng bà, nó chỉ biết dạ dạ. Thường thì nó nói với bà nhiều lắm, nhưng cứ nhắc đến "đi tu" là miệng chẳng biết nói gì, cũng chẳng biết làm chi để lảng đi cả. Nhìn ra khoảng sân vườn trước nhà, nó đăm chiêu.

 

Nắng chiều đượm màu lúa chín. Khoảng trời xanh bao la, ngả dần cam vàng chấm thêm đôi ba chiếc mây trắng. Chẳng đủ che cái nắng rát, chỉ đủ để điểm thêm cho ánh mắt người ta thêm long lanh khi nhìn thấy. Từng đợt gió nam nồng cứ phả vào mặt, nó thấy gió không rát lắm, là bởi gió đã phải luồn qua vườn cây xanh rộng đằng trước nhà, hay là nó đã kịp chuẩn bị, nhắm mắt lại và đón lấy thức gió khô ran đó?

 

Mẹ cũng làm mấy mâm mời anh em họ hàng... nhưng nó chẳng thích tẹo nào. Nó ngồi trong phòng với bà. Cái phòng mà gắn bó với nó gần 18 năm. Ngủ cùng nó 14 năm, bà chỉ sợ mỗi lần nó đạp, nó gác cái chân to bự, nặng gần bằng bà qua người. Đôi lúc nó còn nói mớ, ngáy to, hay nhiều lần nó chẳng để bà đọc kinh cho yên, miệng cứ luyên thuyên bên tai bà mọi chuyện trên trời dưới bể, từ nhà trường đến nhà thờ, từ bạn hàng xóm đến bạn trên trường,... Từ khi nó được 4 tuổi, gần như nó chưa bỏ hôm lễ misa nào cả. Nó, một tay nắm đôi tay gầy guộc của bà, tay kia thì nắm tay chị nó, cả ba hằng sáng cứ rảo bước vội cùng chiếc đèn pin thời xưa với màn sương mai se lạnh. Tự bao giờ, bà như người bạn tri kỷ của nó, bởi cái tai to sễ với đôi bông vàng, nặng theo thời gian, luôn luôn bao dung lắng nghe ấy của bà đã khiến nó yêu bà nhiều hơn nữa. Đêm đó, nó dốc nết tâm tư mà kể nốt cho 'người nó yêu' lần cuối trước khi đi xa...

 

Mới sáng ra, nó gói ghém hết tâm tư, chuẩn bị hành trang nó cho là cần thiết, giả vờ là người trưởng thành, nó ra Hà Nội. Nó chào bà và bà chào nó, vội vàng, tất bật. Chuông điện thoại nhà xe giục nó, nó chỉ kịp hôn lên trán bà, nhanh nhảy lên xe rồi ngoái đầu nhìn lại,... Mắt nó thì rơm rớm rồi còn mẹ nó thì khóc và... bà nó cũng khóc...

 

Thoáng chốc đã hết nửa năm nhất rồi, tết về nhà, nó mang khối đống đồ còn nhiều hơn cả khi nó ra Hà Nội nữa. Quà cho bà nè, quà cho bố mẹ nè, quà cho chị nè. Tiền nó thì không kiếm đâu ra, nhưng nó dành ít tiền mẹ nó chu cấp mà mua quà, kiểu giả vờ như người đi làm về thăm nhà vậy. Cả nhà được trận cười phá lên, nó thì vui quá xá. Nó ước cho giây phút này dừng lại, như ông Phero khi được thấy Chúa biến hình trên núi vậy.

 

Dạo này bà cũng hay ốm nhiều rồi. Dù vậy bà vẫn phải ngồi nghe nó nhâm nhi hết mọi thứ câu chuyện ở Hà Nội mang về. Nào là cộng đoàn sinh viên, nào được đi trung thu ở trường khiếm thị, nào viếng nghĩa trang Thạch Bích, nào Giáng sinh Bắc Cạn. Nhưng, nó thích nhất là chuyến thiện nguyện vùng cao cùng Cộng đoàn vừa rồi. Nó say sưa kể về mọi thi vị trong chuyến hành trình đó, một trải nghiệm mà chắc chắn bà nó chưa từng được nếm trải. Nó sung sướng lắm vì đã đưa bà sống lại với mình cả một nửa năm qua...

 

Nay bà không còn đủ sức ra vườn để quét dọn, nhổ cỏ nữa. Quét dọn, nhổ cỏ là cả một thức vui, cả một tuổi thơ mà nó cùng bà trải qua đó. Nếu như chị nó thích tham gia các đoàn hội, đi đây đi đó thì nó, lúc nào cũng dui dúi trong nhà, cùng bà, chơi mấy trò linh tinh và nó thích ngồi suy tư một mình nữa. Cũng không hẳn là suy tư, chỉ là nó thích một mình, nghĩ những gì mình muốn nghĩ, đặt ra một vài câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Cứ thế, một tuổi thơ "không hề dữ dội" qua đi cách tẻ nhạt... Nó thương bà, suốt mấy ngày về quê chỉ đấm bóp, đọc kinh cùng bà, ăn ngủ với bà, hiếm hoi lắm mới đi với một vài đứa bạn thân thân. Cuối cùng cũng đến ngày nó chào bà, nó lại ra Hà Nội lần nữa. Đêm nó đi thì cả ngày hôm đó nữa cứ mưa suốt. Mưa xuân mà sao mưa to dữ?! Trời xuân mà cứ âm u, nước mưa như muốn xối trôi tất cả, khoảng sân nhà ướt đẫm, té lan hết thềm nhà, từng thớ đất ngoài vườn đã uống no nước lắm rồi. Tán cây ngả màu xanh thẫm, rũ rượi, lê thê. Ôi khung cảnh này sao hơi lạ, chẳng giống như xuân tươi đẹp trong sách vở và trong tâm thức nó.

 

Nó vào chào bà, mà nay bà mệt á. Nó định lay đôi vai gầy của bà. Chợt nó khựng lại... Nhìn bà nằm yên, dáng bà ngủ sao mà thân thương. Không nỡ thức bà dậy, nó ghé tai bà mà nói nhỏ: "Con đi bà nha, bà ở nhà mau khỏe nha" rồi một cái hôn nhẹ như lần trước. Không biết là bà mệt quá hay đang ngủ mơ nữa, bà nó lắc nhẹ vai, hất tay nó xuống, miệng mím chặt chẳng nói gì, chỉ "hmm, hmm" 2 tiếng...

 

Chuông điện thoại nhà xe lại giục nó, nó mang bộ mặt ngơ ngác mà vội ra khỏi nhà. Trời vẫn mưa, mưa lạnh lắm. Nó nằm trên xe, lòng cứ xao xuyến khôn nguôi. Nó nhớ đến những lời ba mẹ nói, một vài cô bác nói, rằng "Bà ta không được mấy hơi nữa mô". Nước mắt nó cứ chực rơi. Ngoài trời ào ạt như khóc thay nó vậy. Mưa chảy từng dòng, từng dòng trên tấm kính xe, nó ghé sát và thở một hơi làm mờ tấm kính, nó vẽ một hình "trái tim"...

 

(Ba tháng sau) Cái nắng oi ả đầu hè, lại càng nên bức bối khi cái trọ của nó chẳng có điều hòa, mà còn ở tầng 4 cao nhất. Giữa cơn buồn ngủ trưa, nó đang soạn sách vở cho tiết kiểm tra giữa kỳ môn đại số của nó. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Là mẹ gọi! Tim nó đập nhanh lắm, mặt nó bỗng tối sầm lại:

 

Alo con nghe nè mẹ!

 

—..., Con à, con về đi! Bà mất rồi...

 

Bắt vội chuyến xe ra bến, nó không khóc. Nó cũng chẳng biết tại sao nữa. Nó báo nhờ ban tâm linh cộng đoàn xin lời cầu nguyện cho bà rồi nó tắt điện thoại. Nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi cái trưa hè vẫn oi ả, dần chuyển sang cái gió nam nóng ran ngày nào...

 

Nó tự hỏi: "Mình phải khóc chứ?!" Nằm trên xe, nó nhớ lại cuộc gọi chiều hôm qua của mẹ.

 

Mẹ bảo nó:

 

— con ơi, con về được không, bà mấy hôm nay yếu rồi con ạ!

 

Nó đáp:

 

— Rứa à mẹ, dạ để con về. À, Mà chắc chiều mai con thi giữa kỳ xong rồi con mới về được không mẹ?

 

— Ừ, con cứ sắp xếp nha, về càng sớm càng tốt nha con!

 

— Dạ...

 

Lòng nó quặn thắt. Nó ước, giá như nó dứt khoát hơn, giá như nó không phân vân giữa việc thi thố vớ vẩn với việc được về gặp bà của nó lần cuối. Rồi dòng ký ức của một tuổi thơ nó coi là nhạt nhẽo với bà của nó, nó chẳng buồn kể với ai ngoài này, cứ ào ạt trong tâm trí nó. Nó nhớ lại câu chuyện đôi bông tai vàng của bà, nó nhớ tiếng bà, dáng bà ngủ, nhớ lời đọc kinh hằng đêm bên tai nó, nó nhớ hết, càng sống động lại càng nghẹn ngào biết bao nhiêu. Nó tự trách bản thân sao lại lựa chọn như thế? Câu hỏi 'tại sao?' cứ xoay mãi trong đầu, như cơn xoáy, xoáy sâu, xé nát cái tâm tư non trẻ tưởng mình trưởng thành của nó...

 

Về đến nhà, ba nó với chiếc khăn tang trắng trên đầu đón nó vào nhà. Khung cảnh sầu tím bao trùm đến nghẹt thở, người việc này, người việc nọ, người báo tin. Hồn nó bây giờ cứ nôn nao. Ba nói: "Vào gặp bà đi con!"!!! Nó khựng lại...Bác nó thấy nó ngoài cửa thì liền khóc lớn: "Mẹ ơi, cháu mẹ về đó rồi mẹ ơiii!"... Nước mắt chảy rồi! Nó đã khóc. Nó khóc to lắm, chắc hiếm có thằng con trai nào từng đấy tuổi mà khóc to thế. Nước mắt giàn giụa. Nó nhớ bà: 'Bà ơi, bà nói là đợi con đi tu mà, bà nói là đợi con về mà bà không đợi...'. Nước mắt nó chảy cho tuổi thơ của nó, cho từng miếng bánh mà bà giấu riêng cho nó, cho những câu nguyện kể bà nghe. Nó ước được nghe giọng bà lần cuối. Nó nhớ về lần cuối chào bà đi mà bà chẳng đáp lại. Nó tự trách bản thân sao không về gặp bà sớm hơn. Nó khóc lớn, mấy người quanh cũng khóc theo...

 

Đi với bà đoạn cuối, cung đường mà sáng nào nó cũng cùng bà đi lễ misa. Nay bà nằm đó, tay nó chỉ còn nắm tay chị nó thôi. Nay trời cũng nắng lắm, chẳng cần đèn pin đâu bà ạ. Cũng chẳng có chút sương lạnh nào bà ơi. 'Bà ạ, bà vẫn chào con đâu nhá. Bà có buồn con không', nước mắt nó lại rơi... Cung đường này hôm nay đông lắm, dòng người nối đuôi nhau đưa bà nó vào nhà thờ...

 

Chào bà, người mà nó yêu thương nhất. Nó cám ơn bà đã cho nó trải nghiệm cảm giác đầu tiên như thế nào là muốn khóc mà không được và như thế nào là trút hết tâm tư. Nó lại ra Hà Nội, lần này nó không hôn bà nữa được rồi. Vài đợt gió nóng lại phả vào mặt nó, nó lại đăm chiêu. Chả ai biết nó nghĩ gì, ánh mắt thì xa xăm, bàn tay thì cầm chặt đôi khuyên tai của bà nó để lại! Bóng tối lại bao trùm không gian, mặt trời đã lặn hẳn rồi!

 

Gioan Nguyễn Văn Chung

Nguồn: Văn thơ Công Giáo