HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


CÁI ĐẰNG SAU CỦA ĐỨC VÂNG PHỤC


Môn triết học, philosophy, có nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan nói cách ngắn gọn là việc hiểu biết cho ‘tường tận’. Tường là rõ, tận là tận cùng. Trong cuộc sống có nhiều sự kiện xảy ra, người bình thường là người biết ở bề mặt, hay còn gọi là bề nông, thế nên được gọi là người nông cạn hay người hời hợt, người không khôn ngoan. Người khôn ngoan là người đào sâu từng vấn đề để tìm cho thấy được điểm sâu nhất và quan trọng nhất, vì chính điểm này mới là điểm quyết định sự kiện, chứ không phải yếu tố bề nông. Khi biết được điểm chính yếu, con người sẽ tập trung vào đó để hành động và đạt được kết quả mong muốn.

Chính vì điểm sâu xa và quan trọng nhất này không nằm ở bề mặt nên người ta đặt cho môn triết học một tên gọi khác là môn siêu hình học. ‘Hình’ chính là ‘hữu hình’ tức những gì con người có thể cảm nhận được bằng giác quan. ‘Siêu’ tức là vượt trên. ‘Siêu hình’ là việc vượt ra ngoài phạm vi vật chất, không thể nắm bắt bằng giác quan, mà cần nắm bắt bằng trí năng. Ví dụ, nhìn một ngôi nhà đẹp, thì trí năng mới cảm nhận được cái đẹp, và chỉ một số người quen sử dụng trí năng mới có khả năng này, còn phần lớn ai nhìn vào ngôi nhà cũng chỉ thấy các kết cấu và màu sắc thế thôi chứ không biết nó đẹp hay xấu.

Một từ ngữ khác người ta cũng sử dụng là từ ‘bản thể’ tức ‘thể gốc’, tiếng Anh là “substance” có nghĩa là cái đứng bên dưới nâng đỡ và nối kết những cái bên trên. Tiếng Hán Việt dịch từ ngữ này thật tốt, cái gốc cây nằm dưới mặt đất và nâng đỡ toàn bộ cái cây to lớn với biết bao hoa lá cành. Cái cây tuy nhiều chi tiết, nhưng cái gốc cây là cái chính yếu của cái cây. Người ta cũng sử dụng từ ngữ “nền tảng” hay “nền móng” để chỉ cái đứng dưới và nâng đỡ. Ngôi nhà nào cũng có nền móng của nó, nền móng này nằm bên dưới mặt đất có sức nâng đỡ toàn bộ ngôi nhà. Những tòa nhà cao tầng cấu trúc nền móng rất phức tạp, và không phải ai cũng nhìn ra ngay nền móng.

Có người bảo, nếu triết học như thế thì quả là khô khan và trừu tượng. Đúng là triết học phải khô khan và trừu tượng và nó buộc phải như thế. Lý do là bởi nếu không muốn khô khan và trừu tượng chúng ta chỉ cần xem xét cái hữu hình cái cụ thể, mà khi làm như vậy, kiến thức thu được cũng chí áp dụng cho cái cụ thể mà thôi, không áp dụng phổ quát cho mọi chuyện được. Các em bé ngày xưa đi học phải cầm que tính để tính 2+3 = 5. Nếu chỉ dạy 2+3 =5 mà không có que tính, các em cho rằng quá trừu tượng. Nhưng khi lớn lên ta thấy 2+3 cũng là những gì quá cụ thể, không thể áp dụng rộng rãi được. Vì thế con người ta phải nghĩ ra môn đại số, tức là số thay thế. Thay vì 2+3 người ta tính bằng a+b. A và b là những chữ thay thế cho mọi chữ số có thể có. Học a+b chúng ta thấy khô khan hơn rất nhiều so với thực tế là đi chợ cộng các món hàng cụ thể với nhau.

Cũng vậy, triết học có tầm mức phổ quát rất lớn, thế nên tuy khô khan chúng ta cũng cố gắng. Khi có kết quả rồi, thì kết quả ấy có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Ví dụ, khi quen với vấn đề siêu hình, quen với bản thể và nền móng, chúng ta sẽ có thói quen áp dụng vào trong nhiều vấn đề. Theo đó dần dần chúng ta nhận ra rằng mọi sự kiện đều có mặt nổi và mặt chìm, và chúng ta phải khởi đi từ những cái bề nổi đó, để tìm ra được cái bề chìm. Ngày nay cũng như ngày xưa, ai cũng thấy nơi xã hội biết bao sự kiện xảy ra, nhưng bề chìm của nó là gì, nền tảng của nó là gì, hay thực chất của những vấn đề đó là gì, đấy là những điều không phải ai cũng nhận ra và cũng không phải ai nhận ra rồi thì cũng có kết quả thống nhất với nhau.

Khi người ta nhận ra cái gì là nền tảng quan trọng nhất, cái gì quyết định những cái khác, người ta sẽ tin và làm theo cách người ta hiểu. Cái này từ ngữ chuyên môn gọi là “chủ nghĩa” hay là “thuyết”. Ví dụ, cùng đứng trước vũ trụ này với tất cả những gì chúng ta thấy, có người lại giải thích và tin rằng vũ trụ này điểm cốt lõi nhất của nó là vật chất và họ hình thành chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy vật không phải không công nhận tinh thần, họ thấy có tinh thần chứ nhưng tinh thần ấy là hoa lá cành chứ không phải cái gốc. Cái quyết định và cái quan trọng nhất là vật chất.

Ngược lại có một số người lại hiểu và giải thích rằng thế giới này phải là tinh thần, vì chỉ tinh thần mới có sự “thông minh” để sắp đặt mọi sự sao cho có sự hài hòa tốt đẹp. Hơn thế chính con người, vốn là hoa lá cành, mà còn có tinh thần, thì cái gốc phải là tinh thần nhiều hơn. Thế nên họ tin theo “chủ nghĩa duy tâm, hay duy linh”. Chủ nghĩa này không phủ nhận vật chất, vì vật chất vẫn có đấy thôi, nhưng họ cho rằng tinh thần mới quan trọng và mang tính quyết định.

Điểm đáng chú ý là: ai không học triết cũng phải đưa ra những chọn lựa mang tính triết học. Cũng giống như trong cuộc sống, nhiều người sống bằng cách từ chối đưa ra những chọn lựa căn bản và nghiêm túc, nhưng chính việc không đưa ra chọn lựa nào thì đấy cũng là chọn lựa căn bản của đời họ, chỉ khác là chọn lựa ấy không được suy nghĩ và làm nghiêm túc. Đến ngã năm ngã sáu mà không đưa ra chọn lựa, quyết định đi đại đi, hay quay lui, hay dừng lại, thì đấy là một chọn lựa, mà thường là rất tệ. Đi mua quần áo, thấy quá nhiều và không dám chọn lựa mà chỉ chọn đại đi thôi, thì đấy cũng là chọn lựa. Khi người ta chần chừ và không đưa ra chọn lựa, người ra cũng có “suy nghĩ” hay triết lý của họ. Một cách vô thức hay ý thức người ta nghĩ rằng: với kiến thức không đủ, và chẳng bao giờ đủ, thì chọn cho kỹ cũng đâu đảm bảo sự chắc chắn đâu, những người thông minh vẫn có những chọn lựa trái ngược nhau đấy thôi. Cái đằng sau suy nghĩ và chon lựa này là việc người ấy đi theo “an nhàn chủ nghĩa” hay “chắc chắn chủ nghĩa”. Đối với họ cái gì chắc chắn mới là tốt, và họ không dám mạo hiểm sự an nhàn của họ cho những gì chưa chắc chắn. Thường những con người này họ sẽ theo chủ nghĩa khoa học, sống cho những gì chắc chắn thôi. Cuộc sống có thể có những cái hệ trọng như đời sau, Thiên Chúa họ cũng không quan tâm.

Trở lại vấn đề đức vâng phục, một vấn đề liên quan đến nhiều yếu tố, tuy vậy đằng sau mỗi hành vi vâng phục đều là một chủ trương hay chủ nghĩa của người thực hiện hành vì ấy. Vậy khi đào sâu vào hành vi vâng phục, ta có thể thấy những kiểu chủ nghĩa sau.

Thứ nhất là chủ nghĩa “hợp lý”. Những ai thiên về lý trí đều chủ trương rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất và mang tính quyết định khi vâng phục là vấn đề hợp lý. Không phải họ không tin ý Chúa thể hiện qua bề trên, nhưng họ cho rằng điều hợp lý là quan trọng nhất. Thế nên khi tiếp nhận một mệnh lệnh không hợp lý, họ rất khó để làm theo. Cái khó ở đây là khó thật, vì họ nghĩ con người ta quý ở lý trí, mà khi phải làm một việc vô lý hay không hợp lý, họ nghĩ họ đi ngược lại chính con người của mình, họ phản bội lại chính tính nhất quán của họ. Họ có thể nghĩ rằng chỉ vì mình sợ bề trên và muốn khấn nên mình sẵn sàng bẻ cong lý trí của mình. Họ nghĩ họ thật hèn hạ khi làm vậy, nên họ buộc mình phải làm theo điều hợp lý, thế nên họ khó vâng phục.

Trường hợp thứ hai rất gần với thứ nhất đó là chủ nghĩa ‘hiệu quả’. Người này chủ trương rằng điều quan trọng và mang tính quyết định khi vâng phục là hiệu quả công việc. Không thể có một mệnh lệnh tốt mà lại sinh ra một kết quả tồi. Khi tiếp nhận một mệnh lệnh, họ tiên đoán được kết quả do mệnh lệnh đó mang lại, và trong đầu họ có một cách thức mang lại một kết quả lớn hơn. Lý trí mách bảo rằng cớ gì phải theo một mệnh lệnh kém hiệu quả như thế? Lý trí bình thường mách bảo rằng phải tìm cái gì có lợi ích lớn hơn, thế nên cái kém hiệu quả cũng là cái không hợp lý. Con người sinh ra ai cũng tiếc thời gian, công sức và muốn được kết quả nhiều, chính vì vậy mà khoa học kỹ thuật mới tiến bộ. Đi làm chẳng ai chọn con đường khói bụi, xa và kẹt xe để đi trong khi có một con đường rộng, thoáng mát và gần hơn. Giả sử có một mệnh lệnh phải đi vào con đường xa, khói bụi, và kẹt xe ấy mà không có một giải thích nào khác nữa ngoài việc cứ làm đi, thì thử hỏi khi đó vâng phục có dễ hay không?

Trường hợp thứ ba là “cá nhân chủ nghĩa” hay ‘thể hiện chủ nghĩa”. Người này không đặt lý trí hay hiệu quả làm trọng nhưng đặt bản thân làm trọng. Ý kiến hay hay dở không cần biết nhưng điều quan trọng đó là ý kiến của tôi. Người này là con cháu của Phi-la-tô khi ông nói “Ta đã viết là đã viết”. Các thay đổi khác có thể có lý hơn và hiệu quả hơn nhưng đối với ông không quan trọng. Điều ông coi trọng là danh dự, uy tín bản thân và quyền lực. Nếu điều này rớt vào người ra lệnh thì người này là người khó tiếp thu những đối thoại và đóng góp của bề dưới, là người thích vận dụng những câu tực ngữ như “áo không mặc qua đầu, trứng đòi khôn hơn vịt”. Nếu điều này rơi vào bề dưới thì họ là người rất khó vâng phục và không vui khi vâng phục. Họ không ngại khó ngại khổ, không ngại tích cực sáng kiến và đóng góp, miễn là họ được làm theo ý của họ. Người này rất khó cộng tác, ai cộng tác với họ thì chỉ ngoan ngoãn làm theo ý họ mà thôi.

Trường hợp thứ bốn là “tình cảm chủ nghĩa”. Điều quan trọng nhất với họ là tình cảm. Khi nhận một mệnh lệnh, điều quan trọng chẳng phải là hợp lý hay không, hiệu quả hay không, có hợp ý tôi hay không, nhưng là người ra lệnh có phải là người tôi thích hay không. Nếu người ra lệnh là người tôi thích thì tôi mau mắn vâng phục cho dù mệnh lệnh đó rất vô lý. Thương nhau củ ấu cũng tròn mà ghét nhau quả bồ hòn cũng vuông. Khi gặp người họ ghét thì mệnh lệnh có hợp lý đến đâu thì họ cũng không làm hay tìm mọi cách để thoái thác. Thế nên khi bề trên thấy bề dưới mau mắn vâng phục mình thì đừng vội mừng nhưng hãy xét xem đương sự có vâng phục những người khác nữa không, có làm việc nhóm được không. Nếu không xét gì mà vội mừng thì chính bề trên cũng rơi vào “tình cảm chủ nghĩa”.

Trường hợp thứ năm rất khó đặt tên vì nó thuộc một thể loại khác, tạm gọi là ‘vô tâm chủ nghĩa”, hay “ích kỷ chủ nghĩa”. Nó khác với cá nhân chủ nghĩa ở chỗ cá nhân chủ nghĩa chỉ muốn làm theo ý mình thôi trong khi ý riêng đó vẫn có thể đi tìm lợi ích cho dòng và tập thể. Còn ích kỷ chủ nghĩa là người quá bận tâm đến mình, làm gì cũng nghĩ đến bản thân trước. Họ sẵn sàng vâng phục nếu như mệnh lệnh đó có ích cho họ. Còn người vô tâm chủ nghĩa không hẳn là người ích kỷ, nhưng thuộc loại người có đam mê riêng. Khi đam mê của họ khác với điều mà nhà dòng theo đuổi thì họ thành người theo chủ nghĩa vô tâm. Mọi sức lực và tâm trí họ tập trung vào điều gì đó họ theo đuổi, mọi mệnh lệnh và mọi mục tiêu khác của cộng đoàn họ ừ hử cho xong. Họ vô tâm đến nỗi không có thời gian để chống đối mệnh lệnh. Cái họ muốn là được rảnh rang, được yên thân để theo đuổi đam mê riêng của họ. Họ giống như Giu-đa, theo Chúa và ở cùng các môn đệ, ông cũng vâng phục trong những gì tối thiểu để có thể ở cùng nhóm 12, nhưng ông luôn có tính toán và kế hoạch riêng.

Năm trường hợp trên là những trường hợp tiêu biểu mà thôi, có thể có nhiều “chủ nghĩa” khác nữa như chủ nghĩa an toàn và chắc chắn, chủ nghĩa ổn định và kế hoạch. Họ sẵn sàng vâng phục nếu như mệnh lệnh được lên kế hoạch trước, được chuẩn bị và mang đến cho họ một sự an toàn. Người này mà nói với họ đem năm cái bánh và hai con cá nuôi năm ngàn người thì họ khó vâng phục lắm vì họ nghĩ làm việc mà không có kế hoạch gì cả, thiếu sự tính toán. Năm trường hợp trên không tồn tại riêng rẽ nhưng có khi liên kết với nhau và cùng tồn tại nơi một người. Lý do đàng sau là nơi con người có các nhu cầu, và mỗi nhu cầu nảy sinh ra một chủ nghĩa. Điều mà họ cho là quan trọng nhất chẳng qua chính là nhu cầu hay giá trị lớn nhất nơi họ được thể hiện ra bên ngoài. Thế nên ai có càng nhiều nhu cầu không được đáp ứng thì các chủ nghĩa kia càng nhiều và sâu đậm.

Vậy làm thế nào để vâng phục? Có rất nhiều cái cần làm nhưng điều quan trọng nhất là kết thân với Đức Ki-tô và để ánh chân thật của Ngài soi chiếu cuộc đời, cách riêng là soi chiếu đời tu của chúng ta. Theo đó chúng ta sẽ có một chủ nghĩa tạm gọi là “siêu nhiên chủ nghĩa”. Gọi là siêu nhiên vì cách giải thích đến từ Đức Ki-tô.

Chúng ta vâng phục vì chúng ta vào nhà tu, không vào nhà tu chúng ta đâu buộc phải vâng phục. Lý do chúng ta vào nhà dòng là vì chúng ta muốn dâng hiến bản thân mình cho Chúa Ki-tô để chính ngài tự do sử dụng chúng ta cho công cuộc cứu độ vẫn còn được tiếp diễn nơi trần gian này. Họ theo gương đức Ki-tô, Đấng vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, Đấng coi lương thực đời mình là thi hành thánh ý Chúa Cha.

Con người có nhiều cách thế để tìm và thi hành ý Chúa, ngay cả giáo dân cũng phải làm công việc này. Chúng ta tự hỏi tại sao mỗi người không tự tìm ý Chúa và làm theo cớ gì phải qua bề trên? Lý do là vì khi đi tu, một mặt chúng ta luôn phải tích cực để tìm ý Chúa nhưng mặt khác chúng ta tìm ý Chúa với tư cách là người dâng hiến, tức như người đã cho đi chính mình. Chúng ta không tìm ý Chúa như giáo dân, những người còn “tự do” chưa bị ràng buộc về lời khấn.

Theo đó khi ý Chúa nơi chúng ta trùng với ý bề trên thì quá tốt. Nhưng khi ý Chúa nơi chúng ta khác với bề trên, thì khi đó, sau khi đã chia sẻ và đối thoại, chúng ta nhận ý bề trên là ý Chúa. Dĩ nhiên ý bề trên không được sai về mặt luân lý như những việc sai đi ăn trộm, làm chứng gian, vu oan cho người khác. Việc chúng ta nhận ý bề trên làm ý Chúa thể hiện việc chúng ta đã dâng hiến cho Chúa. Ngược lại nếu chúng ta không nhận ý bề trên làm ý Chúa thì chúng ta làm theo ý mà mình cho là đúng ý Chúa. Vậy thì lời khấn của chúng ta chẳng có ràng buộc gì cụ thể nơi đời sống chúng ta. Khấn cũng như không khấn, dâng hiến cũng như không dâng hiến. Khi đó chúng ta chỉ là một nhóm tín hữu ở cùng nhau và mỗi người làm cái mà họ thích hay cho là có lý. Nhưng thực ra chúng ta là người dâng hiến. Chúng ta dâng hiến cho Chúa và Chúa vô hình đâu có thể nhận và sử dụng chúng ta, thế nên Chúa giao cho nhà dòng và bề trên nhận và sử dụng chúng ta. Chính vì lý do này chúng ta nhận ý bề trên làm ý Chúa.

Tuy nhiên, về mặt khách quan, ý bề trên có khi khác xa ý Chúa, vì bề trên cũng yếu đuối bất toàn, chứ bề trên đâu được ơn bất khả ngộ. Tuy thế, khi chúng ta vâng phục bề trên, Chúa kể như chúng ta vâng phục ý Chúa, và công phúc cũng lớn lao như khi chúng ta làm đúng ý Chúa thật. Nếu chúng ta chỉ có công khi ý bề trên đúng ý Chúa thì khi đó Chúa không phải là Chúa nữa, vì Chúa không công bằng, vì một đằng Chúa sử dụng mình qua những trung gian bất toàn, đàng khác lại hạn chế công phúc của mình vì những bất toàn do trung gian Chúa chọn. Nghĩ như vậy để chúng ta thêm xác tín mỗi khi vâng phục, cách riêng những lúc thấy rằng ý bề trên xa ý Chúa nhiều quá.

Vậy với “siêu nhiên chủ nghĩa” chúng ta sẽ dễ vâng phục trong mọi hoàn cảnh. Khi ấy không phải chúng ta bỏ quên lý trí, tính hợp lý và hiệu quả, trở thành người trên mây trên gió. Hoàn toàn không phải vậy. Đức tin không loại bỏ lý trí mà chỉ ưu tiên hơn lý trí thôi. Chúng ta vẫn chú ý đến tính hợp lý và hiệu quả, vì thế chúng ta mới học hỏi, suy tư, và đối thoại. Chỉ khác một điều là chúng ta không đặt chúng lên ưu tiên số một, cho chúng sức mạnh quyết định. Chúng ta đặt nền tảng siêu nhiên, ý Chúa và công phúc do việc vâng phục ý Chúa lên trước. Chúng ta cũng đặt đời sống dâng hiến lên trước, dâng hiến là gì nếu không kèm theo việc vâng phục rất cụ thể?

Vậy mỗi khi vâng phục, cách riêng mỗi khi khó vâng phục, chúng ta dành thời gian để suy xét xem chúng ta đang theo chủ nghĩa nào? Điều gì quan trọng nhất đối với chúng ta mỗi khi chúng ta vâng phục? Khi làm như thế chúng ta sẽ hiểu dâng hiến là một động từ được thực hiện cách sống động mỗi phút dây, chứ không phải như việc dâng cúng tiền hay của cải nào đó cho Chúa rồi mình vẫn thảnh thơi sống. Dâng trọn cả con người với lý trí và con tim kéo theo một loạt những ràng buộc suốt cả cuộc đời.

Vâng phục qua bề trên cũng chỉ là một cách thế để tìm và vâng theo ý Chúa thôi chứ không phải là cách duy nhất. Cách này áp dụng cho những ai dâng hiến đời mình. Nếu một người cảm thấy Chúa mời gọi mình qua một sứ vụ và đường hướng rất riêng mà bề trên các cấp sau khi đối thoại dài lâu vẫn không chấp nhận thì họ có thể chọn ra khỏi dòng để hết ràng buộc và sống theo điều mà Chúa mời gọi họ. Thể chế dòng tu với ba lời khấn với bản chất của nó là đời sống dâng hiến chính mình để Chúa tự do sử dụng qua bề trên, thì việc tìm kiếm thánh ý Chúa cũng mang một nét đặc biệt. Khi đó, mỗi cá nhân mặc dù vẫn tích cực đi tìm ý Chúa và đối thoại với bề trên, nhưng yếu tố quyết định vẫn là việc bề trên sẽ có tiếng nói cuối cùng và quyết định. Ý Chúa thể hiện qua ý bề trên và đòi buộc một sự vâng phục cả bên ngoài lẫn bên trong, tức cả việc thi hành mệnh lệnh, và con tim phải ao ước cùng một điều bề trên ao ước nơi mệnh lệnh đó. Tất nhiên, vâng phục theo cách này Chúa sẽ dành cho người vâng phục một ưu ái đặc biệt: Chúa luôn kể như họ đã vâng phục ý Chúa và ban cho họ muôn vàn ân sủng bất chấp ý bề trên có khác xa ý Chúa đến đâu. Ước gì mỗi khi vâng phục, chúng ta lấy đời sống dâng hiến làm trọng, lấy việc chính mình tự do dâng hiến đời mình cho Chúa để Chúa tự do sử dụng qua bề trên. Khi đó, nhưng nhu cầu tự nhiên về tính hợp lý, về hiệu quả, tình cảm và việc thể hiện bản thân tuy vẫn còn và chi phối chúng ta, nhưng chúng cũng mất đi sức mạnh. Kinh Thánh nói Chúa Giê-su vẫn học để biết vâng phục, và đến cuối cuộc đời Ngài vẫn cảm thấy khó vâng phục khi ở trong Vườn Dầu. Phải cầu nguyện và chiến đấu để vâng phục, phải đổ mồ hôi máu để vâng phục.

Riêng các bề trên, chúng ta không được lạm dụng đức vâng phục. Lạm dụng đức vâng phục là việc vô tình hay cố ý để cho những đam mê, sở thích cá nhân, và khuynh hướng tự nhiên của xác thịt chen vào các mệnh lệnh và quyết định. Trái lại bề trên phải là người thanh thoát và luôn sống trong tinh thần cầu nguyện và tìm ý Chúa. Biết rằng ý mình là nơi ý Chúa thể hiện, nên cần sống rất khiêm tốn, lắng nghe, đối thoại, yêu thương bao nhiêu có thể. Tuy vậy, khi cứng rắn cũng cần phải cứng rắn. Ai cũng rất yếu hèn trong đức vâng phục, bề trên phải là người nâng đỡ bề dưới hết sức có thể.

15.01.25

Vũ Uyên Thi, SJ.