HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


TRƯỚC CÁI CHẾT, CHÚNG TA ĐỨNG MỘT MÌNH...


Ngay từ giây phút đầu tiên ta cất tiếng khóc chào đời, đồng hồ cuộc đời bắt đầu đếm ngược. Thời gian là một món quà, nhưng đồng thời cũng là một thước đo. Nó nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống, dù đẹp đẽ bao nhiêu, cũng hữu hạn. Dẫu chúng ta đạt được bao nhiêu thành tựu, yêu thương sâu đậm thế nào, hay đi xa đến đâu, con đường đời rồi cũng sẽ dẫn đến giây phút ta phải đối diện với cái chết. Trong khoảnh khắc ấy, không ai có thể bước đi cùng ta. Bạn bè, gia đình, của cải hay thành công đều sẽ ở lại phía sau. Đối diện với cái chết là đứng một mình.

Lời Kinh Thánh trong sách Giảng Viên nhắc nhở chúng ta: “Bụi lại trở về với đất như cũ, và thần khí trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đã ban nó” (Gv 12,7). Cái chết mang tính cá nhân sâu sắc, vì cuộc sống của mỗi người cũng là hành trình riêng biệt. Dù chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, mối quan hệ, hay kỷ niệm với người khác, cuộc đời vẫn là hành trình cá nhân của chính mình. Khi giờ phút ấy đến, chúng ta sẽ đứng trước mặt Thiên Chúa, không phải như một tập thể, mà là từng cá nhân. Thánh Phaolô viết: “Tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà án Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5,10).

Không ai có thể trả lời thay cho chúng ta. Không ai có thể gánh lấy gánh nặng của chúng ta, hay nhận lãnh những nhân đức mà chúng ta đã sống. Chính tính cá nhân của cái chết mời gọi chúng ta sống một cách có chủ ý và chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc gặp gỡ cuối cùng ấy.

Cái chết được bao phủ bởi sự huyền nhiệm, khiến nó trở nên đáng sợ. Điều gì nằm phía bên kia màn sương mù ấy? Những việc làm của chúng ta có đủ không? Lòng thương xót của Thiên Chúa có tìm đến chúng ta không? Những câu hỏi này có thể làm ta lo lắng, nhưng đồng thời, chúng cũng mang theo một lời mời gọi sâu sắc: hãy sống hôm nay với cái nhìn hướng về cõi đời đời. Triết gia Søren Kierkegaard từng viết: “Cuộc sống chỉ có thể hiểu được khi nhìn lại, nhưng phải sống bằng cách hướng tới.” Nếu suy ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra rằng những lựa chọn, lời nói, và hành động của mình có ý nghĩa sâu sắc.

Đối diện với cái chết không chỉ là đứng một mình, mà còn là đứng với lòng can đảm. Điều đó đòi hỏi đức tin. Đòi hỏi sự phó thác. Trong những giây phút cuối cùng, niềm an ủi duy nhất chúng ta có thể bám lấy chính là sự chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn ở bên. Thánh Vịnh 23,4 tuyên bố: “Dầu qua thung lũng tối, con cũng chẳng sợ nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” Khi mọi thứ khác mờ dần, sự hiện diện vĩnh cửu của Thiên Chúa vẫn luôn ở đó. Chính chân lý này ban cho chúng ta sức mạnh để đón nhận cái chết, không phải như một kẻ thù, mà như một cánh cửa mở ra đời sống vĩnh cửu.

Cuối cùng, cái chết là một cánh cửa dẫn đến sự sống đời đời. Khi giờ phút ấy đến, khi chúng ta phải đứng một mình, xin cho chúng ta có thể làm điều đó với bình an, biết rằng mình đã sống trọn vẹn, yêu thương sâu sắc, và chuẩn bị tâm hồn cho vòng tay vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa. Cái chết không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho sự sống không cùng.

Bản dịch của Duc Trung Vu, CSsR