TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


HÃY CỞI DÉP RA


(Xh 3,1-6)

         Đôi dép là hành trang không thể thiếu trên mỗi nẻo đường của con người. Đôi dép giúp bảo vệ đôi chân khỏi những bụi bẩn, gai nhọn, khỏi cái nóng rát của sa mạc. Đôi dép là một  vật dụng thiết yếu cho mỗi bước chân khỏe và dẻo dai. Hình ảnh đôi dép còn mang nhiều biểu tượng trong Sách Thánh. Trong tường thuật sách Xuất hành, khi ông Môsê lùa đàn chiên của mình đến vùng lân cận Horeb, “núi của Đức Chúa” Ở đây, ông chứng kiến một bụi cây bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi. Sự tò mò trỗi dậy, ông tiến lại gần, chỉ nghe thấy một giọng nói ra lệnh cho ông không được lại gần. Thiên Chúa gọi ông Môsê từ giữa bụi gai bốc cháy: “Ngươi đừng đến gần đây. Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”(Xh3,5).

         Để đến với Thiên Chúa, điều kiện đầu tiên là Môsê phải cởi dép ra. Thật thú vị! Không phải thứ gì khác mà là đôi dép ở chân ông. Có lẽ, trên cả hành động cởi dép nó còn mang một ý nghĩa cởi bỏ thiêng liêng hơn.

1.    Hãy cởi dép ra vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.

 Một cuộc gặp gỡ thật bất ngờ. Môsê được gặp Thiên Chúa trong đất thánh. Cuộc gặp gỡ đưa ông đến một sứ mạng, dẫn đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập.

“Hãy cởi dép ra” đồng nghĩa với việc Môsê phải trút bỏ vỏ bọc bên ngoài để đối diện với thực tại của mình khi đến trước nhan Thiên Chúa. Thiên Chúa vén mở cho ông thấy sứ mạng dẫn dắt dân tiến về miền đất hứa. Một hành trình mới, một cuộc xuất hành mới cho ông và toàn dân. Vì vậy, sẽ không bất ngờ khi Môsê phải thi hành trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa cho cuộc đời mình. Dù không biết Chúa sẽ dẫn mình đến bến bờ nào, nhưng ông một lòng tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa. Thật thú vị, khi ngắm nhìn khuôn mặt Môsê trong cuộc hành trình đầy thách đố ấy, ta thấy phảng phất đâu đó hình ảnh của chính mình.

2.     Cởi dép là một thái độ buông bỏ để sống ơn gọi cách tự do hơn.

      Hình ảnh Môsê gợi nhớ cho tôi về sự từ bỏ chính mình trước thánh ý của Thiên Chúa. Hành động cởi dép nhắc nhở tôi về một thái độ buông bỏ để sống tự do hơn. Và từ bỏ là một phần thiết yếu trong đời sống thánh hiến. Tôi còn nhớ, khi mới bước chân vào Tập viện, Soeur Giáo Tập luôn nhắc tôi ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa và Tập viện chính là mảnh đất linh thánh mà tôi sẽ sống.

Để đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tôi phải không ngừng cởi bỏ những gì đang cản trở tôi đến với Chúa. Có lẽ, đôi dép là những gì thân quen trong cuộc sống của tôi. Đó là một kỷ niệm, một mối tương quan, một sự gắn bó với một vật hay điều gì khác. Và Chúa biết những thứ ấy sẽ níu kéo tôi lại, ràng buộc đôi chân của tôi. Đôi dép ấy đang dính bám bụi đời làm tôi không còn thanh thoát sống cho Chúa. Nó sẽ trở nên nặng nề khiến tôi không còn tự do để bước đi trong ân sủng của Ngài. Chính lúc tôi cởi bỏ lại là lúc tôi được bước đi.

         Thời gian ở tập viện, đã cho tôi hiểu thế nào là từ bỏ, thế nào là khó nghèo. Chính trong kinh nghiệm về sự  nghèo nàn, yếu đuối và bất lực của chính mình, tôi không còn dám tự hào, cậy vào khả năng, sức lực của mình nữa. Nhờ đó, tôi dần dần nhận ra con người thật của mình, để cùng với ơn Chúa tôi bắt đầu sửa đổi bản thân. Tôi nhìn lại những đôi dép mà tôi đã từng mang để thấy rõ hơn những chệch choạc trong cách mà tôi bước đi.

     Bây giờ khi đã là một tu sĩ, tôi càng ý thức việc sống ba lời khấn giúp tôi tập buông bỏ chính mình và sống cách triệt để hơn theo tinh thần của Chúa Giêsu. Dẫu biết rằng từ bỏ đòi hỏi bản thân phải chiến đấu để can đảm loại ra khỏi mình những gì không phải là Thiên Chúa và những gì không thuộc về Người. Hơn thế, nó còn là sự thanh luyện khỏi nếp sống cũ, khỏi sự dính bén với các đam mê, vui thú của thế gian.

Buông bỏ nào cũng có cái để xót xa, tiếc nuối; nhưng không có sự từ bỏ nào hạnh phúc hơn là được tự do trong Đức Kitô. Chính khi vét rỗng chính mình, tôi được thanh thoát khỏi mọi vướng bận trần thế, thêm lòng can đảm, khiêm tốn và phó thác để sống theo đường lối của Thiên Chúa. Và từ giây phút này, tôi sẽ bước đi trong đôi dép của Giêsu – Tình Yêu của tôi.

Teresa TL, RNDM