TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


U MÊ MỘT KIẾP NHÂN SINH


Một trong đặc tính của đau khổ là sự u mê, lầm lạc, hay còn gọi là vô minh. Người sống trong u mê thường gây ra phiền não cho bản thân, tạo ra chướng ngại vật cho mình trên con đường giải thoát bản thân.

Các chân lý cuộc sống, các trường phái triết học, hay các tôn giáo khác nhau, là những con đường mà tùy vào sự minh trí cá nhân hay tập thể để người ta chọn lựa và bước theo. Con người dùng lý trí để phân biệt phải trái, chọn lọc và chọn lựa cho mình lối sống thích hợp. Người theo vô thần, chọn theo các chân lý được chứng minh bởi khoa học mà thôi, cũng không thiếu người vô thần vì vô minh, họ chẳng biết điều hay lẽ phải để bước tới. Có người sống hết mình với triết lý này, người theo đuổi miệt mài học thuyết khác hợp với họ. Tín đồ các tôn giáo cũng thế, cho dù phần lớn họ được sinh ra trong môi trường tôn giáo nhất định, nhưng không thể phủ quyết rằng: tôn giáo mà họ tin tưởng bước theo trọn đời phải là chính sự chọn lựa của họ, dù có khi đau đớn. Nều không phải như thế, họ chỉ là người của tôn giáo trên danh nghĩa nhưng là vô thần trên thực tế vì không có đức tin đích thật, họ dễ dàng viết "Không Tôn Giáo" trong hồ sơ cá nhân. Đức tin là hành vi của lý trí, được hiểu rõ hơn trong bối cảnh này.

Đức tin là sự chọn lựa của lý trí để con người tìm đến sự hạnh phúc, an lạc. Thế cho nên, người vô thần có thể nói “tôn giáo nào cũng tốt như nhau” thì được. Bởi họ nói điều ấy trong chiều kích nhân bản, ngoại giao, trong sự nhận định khoa học: tôn giáo nào cũng mang lại thiện ích cho xã hội. Thậm chí, họ có thể nói như vậy trong sự vô minh, vì họ không thể nhận ra được điều hay điều dở để so sánh. Tương tự, niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng ở cấp độ dân gian, thần thoại cũng không đặt vấn đề về tôn giáo cao quý hơn. Vì ở cấp độ dân gian truyền thuyết, mọi thứ đều có thể trở thành linh thiêng: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”;  rất nhiều người, thậm chí con vật cũng trở thành tiên thành thánh và được cúng vái.

Tuy nhiên, nếu các tín đồ các tôn giáo lớn dễ dàng nhìn nhận thần linh, hay quan niệm “tôn giáo nào cũng tốt như nhau” thì lại tự mâu thuẫn với chính đức tin của họ. Họ khắc khoải tìm kiếm, với lý trí, họ đã chọn ra được tôn giáo “số MỘT”. Chỉ có Thần mà họ tin thờ mới là siêu việt chí thánh. Họ không dễ dàng bỏ tôn giáo khi gặp bức bách, khó khăn để đi theo tôn giáo đang được ưu ái. Đó là lý do trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo có rất nhiều người chấp nhận chết vì niềm tin.

Thống kê của Tổng Cục Thống Kê năm 2019 cho thấy số lượng không tôn giáo ở Việt Nam là 86.32%,  Công Giáo và Tin Lành là 7.1%, và ngạc nhiên chưa ... Phật giáo chỉ chiếm 4.79% trên tổng dân số. Niềm tin tôn giáo là điều hết sức mạnh mẽ, vĩ đại, vì nó con người chấp nhận vào sinh ra tử. Việc dễ dàng tin ai đó là thần thánh, sùng bái lãnh tụ, mê tín dị đoan, hẳn chắc xảy ra hầu hết ở thế giới u mê vô minh, nơi những người chưa có một niềm tin rõ ràng, càng lại không thể nơi những người có niềm tin nhất Thần, vốn chỉ tin có một Thượng Đế siêu việt. Niềm tin tôn giáo chưa phải là sự kết thúc của vô minh nhưng đã là khởi đầu cho một hành trình thoát khỏi sự lú lẫn tâm thần. Nhờ đó, họ mong được giải thoát, được giác ngộ ở cuối con đường.

Trong xã hội văn minh tình thương, niềm tin tôn giáo chân chính không loại trừ nhưng còn tôn trọng các niềm tin khác, đón nhận những đức tính tinh thần của những người thuộc các tôn giáo khác nhau, trong khi vẫn biểu tỏ một đức tin tuyệt đối không lay chuyển của cá nhân. Còn nếu như chạy theo trào lưu, tôn sùng hay so sánh người khác với Đấng mà mình tin thờ, thì rõ ràng là đã bị tha hóa, đã mất hay lung lạc đức tin, trở lại tình trạng vô minh.

Lm. Pr Nguyễn Đức Thắng