HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


CN 18 TB - B

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN



Để có một cái nhìn tổng quát và đầy đủ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần liên kết giữa Cựu Ước với Tân Ước. Kinh Thánh được ví như “câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và loài người”. Câu chuyện ấy từng bước được tỏ lộ ở mức độ thắm thiết và hoàn hảo hơn. Các nhà chuyên môn gọi đó là sự “tiệm tiến” trong chương trình giáo dục nhân loại của Thiên Chúa.

Dân Do Thái đang trên đường về Đất Hứa. Cuộc chinh phục Đất Hứa là ước mơ từ nhiều thế hệ, vì lời Chúa hứa với Tổ phụ Áp-ra-ham luôn được nhắc lại và lưu truyền. Trong hành trình sa mạc, họ không trồng cấy, không làm lụng, buôn bán kinh doanh. Thiên Chúa đã ban cho họ lương thực để dùng trong thời gian bốn mươi năm, đó là Man-na. Đây là một điều kỳ lạ. Nhiều nhà nghiên cứu giả định có thể đó là một loại địa y giàu chất dinh dưỡng có thể ăn được trong sa mạc. Điều kỳ lạ ở chỗ: Thiên Chúa làm thức ăn này rơi xuống mỗi ngày, và khi dân đã định cư ở Ca-na-an, tức là Đất hứa, thì thứ lương thực ấy không còn rơi nữa.

Sự kiện Man-na rơi trong Cựu ước được hiểu như hình bóng của phép lạ nhân bánh trong Tân ước. Sau khi Chúa Giê-su làm cho bánh hóa ra nhiều để đủ cho năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư, người Do Thái kéo đến với Người rất đông. Biết rõ đám đông đến với Người là xuất phát từ sự tò mò và tham vọng vật chất, nên Chúa Giê-su đã khẳng định: “Các ông đi tìm tôi không phải các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Trong đám đông trước mặt Chúa Giê-su, có nhiều người thực dụng. Họ nghĩ từ nay cứ đến với ông Giê-su này thì chẳng còn phải lo làm việc nữa. Nhân dịp này, Chúa Giê-su muốn cho họ vượt qua những giá trị vật chất để vươn tới những giá trị tinh thần. Người muốn mọi người đến với Chúa để nghe lời giáo huấn, để nhận ra tình thương của Chúa Cha và từ đó, họ đổi mới cuộc đời. Như thế, chúng ta thấy tại sao Đức Giê-su đã chuyển từ đề tài bánh sang đề tài đức tin. Phép lạ Chúa làm mục đích là để người ta tin vào Người. Trong khi đó, khá nhiều người Do Thái đến với Chúa chỉ với mục đích thuần túy trần tục. Họ nói: “Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.

Man-na trong Cựu ước, Bánh hóa nhiều trong Tân ước, cả hai đều hướng về một thực tại duy nhất, đó là Thánh Thể. Đức Giê-su khẳng định: “Chính tôi là Bánh Trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Ở đây, chúng ta thấy chương trình mạc khải tiệm tiến đã nêu. Từng bước trong Kinh Thánh, Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta khám phá những điều kỳ diệu, xuất phát từ tình thương vô bờ bến của Ngài.

Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su đã nhắc lại biến cố Man-na trong Cựu ước, để chứng minh Người là Con Thiên Chúa. Như xưa Chúa Cha đã ban Man-na trong sa mạc, nay Chúa Con tiếp tục ban cho nhân loại một thứ Man-na mới.

Dù Chúa Giê-su làm phép lạ nhân bánh ra nhiều, thì số bánh ấy cũng chỉ nuôi đường khoảng năm ngàn người. Sự kiện Man-na và phép là nhân bánh báo trước một cuộc nhân bánh kỳ diệu khác: đó là Bí tích Thánh Thể. Nơi Hình Bánh và Hình Rượu, Đức Giê-su hiện diện, trọn vẹn xác và hồn, nhân tính và thiên tính. Tuy vậy, sau khi truyền phép, chúng ta quan sát Hình Bánh và Hình Rượu, không thấy có gì khác lạ. Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, tức là chỉ có đức tin mới cảm nhận được. Con người không thể dùng lý trí hữu hạn để hiểu thấu những mầu nhiệm thiêng liêng. Vì là Bí tích của Đức tin, nên phải chiêm ngưỡng và thờ lạy bằng đức tin chân thành. Chúng ta vẫn hát trong bài hát kính Mình Thánh: “Giác quan tuy không cảm thấy, đức tin vững lòng người”, hay một bản dịch khác: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

Mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta thường rước Thánh Thể. Thánh Thể là chính Chúa Giê-su. Việc rước Thánh Thể không phải là để khoe khoang với mọi người, hoặc như một thói quen đơn điệu. Khi rước Chúa Giê-su vào tâm hồn, người tín hữu được mời gọi canh tân cuộc sống, để dần dần nên giống Chúa Giê-su, Đấng mà chúng ta rước lấy với lòng cung kính. Thánh Phao-lô kêu gọi giáo dân Ê-phê-xô và cũng là kêu gọi chúng ta: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối… anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa”. Như thế, một khi rước lễ sốt sắng và có ý thức, chúng ta sẽ được trở nên con người mới, tinh tuyền thánh thiện như con người được tạo dựng, trước khi ông A-đam và bà E-và phạm tội.

“Đây là mầu nhiệm đức tin!”. Đó là lời tuyên bố của linh mục chủ sự thánh lễ sau nghi thức truyền phép Thánh Thể. Đây cũng là lời mời gọi mà Giáo hội luôn gửi đến chúng ta, để chúng ta đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể với đức tin, trong đức tin và với lòng yêu mến cậy trông nơi Người.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn: TGP Hà Nội