ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ
GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2023
Kính
gửi Quý Thầy Cô giáo,
Thượng Hội Đồng
Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 vừa kết thúc giai đoạn I tại Rôma, với chủ đề “Hướng
đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”. Với chủ đề
này, Đức Thánh Cha Phanxicô ước mong và kêu gọi tất cả mọi thành phần Dân Chúa
trong Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cùng nhau gặp gỡ, lắng
nghe và phân định, để hoán cải và canh tân sứ mạng truyền giáo của mình trong
thế giới hôm nay. Ngài còn khẳng định: không có hiệp hành là không có sự hiện
diện của Chúa Thánh Thần. Thiếu vắng sự hiện diện nền tảng này, mọi hoạt động của
Giáo hội đều không nằm trong ý muốn của Thiên Chúa. Ngày 20/4/2022, đáp lại lời
chào mừng từ phái đoàn của “Dự án Giáo dục
Công giáo Thăng tiến các nhà Nghiên cứu Toàn cầu”: giáo dục không
chỉ truyền tải kiến thức, nhưng còn dành không gian cho lĩnh vực tâm linh và mục
vụ, cũng như những gì người già có thể truyền cho thế hệ trẻ, Đức Thánh Cha nhắc
lại tầm quan trọng của một nền giáo dục năng động, theo đó nhà giáo dục đích
thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại. Cho nên, không
có yếu tố Hiệp hành như Giáo hội đang cổ võ và dấn thân, công việc giáo dục của
chúng ta sẽ thiếu đi nền tảng và mục tiêu mà Giáo hội mong muốn.
Nhân dịp ngày Nhà
Giáo Việt Nam sắp đến, cùng với lời chào chúc thân tình đến tất cả quý thầy cô
giáo đã và đang dấn thân trong sứ mạng giáo dục, tôi muốn tiếp tục chia sẻ thêm
về đề tài đã được giới thiệu ở bức thư của năm 2022.
1.
Lợi ích của giáo dục Kitô giáo
Nói đến giáo dục
là nói đến một lộ trình trưởng thành và thăng tiến con người về mọi mặt, nhằm
thích nghi với một cuộc sống luôn thay đổi và phát triển từng ngày. Thế nhưng
giáo dục Kitô giáo còn muốn hướng con người đến một tầm vóc siêu nhiên hơn,
nghĩa là để sống an vui hạnh phúc ở đời này và hướng về đời sau vĩnh cửu. Từ xa
xưa trong Cựu Ước, việc giáo dục là việc cha mẹ truyền lại những kinh nghiệm
cho con cái: “Người khôn tránh bạn xấu. Này con, giáo huấn của
cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ” (Cn
1, 8). Vượt qua ranh giới
gia đình, việc giáo dục mở rộng đến những người mang trách nhiệm cộng đồng,
giúp người khác ý thức và xây dựng đời sống phong phú hơn về mặt luân lý: “Bấy
giờ Người mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo
họ xa những việc đã làm, giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi
sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm” (G
33, 16-18).
Cuối cùng, trong
cái nhìn và mục tiêu hướng đến của đức tin Kitô giáo, việc giáo dục quy về một
chiều kích trọn vẹn nhất, như lời xác tín của các vị mục tử Giáo hội Việt Nam: “Mục
đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người
thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống
xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa, để mai sau trở thành công dân Nước Trời.
Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện
toàn nhờ Chúa Thánh Thần” (Thư chung Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam 2007, số 3). Những lời này phải
luôn là một định hướng nền tảng cho tất cả chúng ta, những giáo chức công giáo
đang thi hành sứ mạng giáo dục hôm nay. Quý thầy cô hãy là những người vừa
thông truyền kiến thức chuyên môn nhưng cũng vừa chia sẻ kinh nghiệm sống đạo,
vừa hun đúc tinh thần học tập nhưng cũng vừa lan tỏa niềm tin Kitô giáo. Vậy,
làm thế nào để chúng ta thi hành sứ mệnh này đúng với tinh thần mà Giáo hội đã
ước mong?
2.
Những điều đáng quan tâm
Thư chung Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam 2007, số 21 đề cập mọi Kitô hữu đều là những giáo lý viên, là
những người được mời gọi tham gia vào công trình giáo dục đức tin của Mẹ Hội
Thánh, với tinh thần: càng tự rèn luyện mình, chúng ta càng có khả năng huấn
luyện người khác. Trong
ý hướng đó, chúng ta tiếp tục tìm hiểu xem Dân tộc của Thiên Chúa là gì? Đức
Kitô là ai trong dân tộc ấy?
Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo số 782 đã nêu lên 7 nét căn bản về Dân
Thiên Chúa,
một dân tộc hoàn toàn khác biệt với bất kỳ một tập thể nào trong lịch sử, xét về
mọi phương diện: tôn giáo, chủng tộc, chính trị hay văn hóa:
- Là Dân của Thiên Chúa.
- Là những
người tin vào Chúa Kitô.
- Có
Chúa Kitô là Đấng làm Đầu.
- Có
phẩm giá và sự tự do.
- Có
lề luật là giới răn mới.
- Sứ
vụ là muối và ánh sáng thế gian.
-
Cùng đích là Nước Trời vĩnh cửu.
Các đặc tính này
xoay quanh và biểu lộ một mối quan hệ căn bản: Thiên Chúa và con người. Từ thời
Cựu Ước xa xưa, Thiên Chúa đã kêu gọi Áp-ram (sau này là Áp-ra-ham) rời quê
hương xứ sở, để đến một vùng đất mới mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông, với một lời
hứa: “Ta
sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi
ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St
12, 2). Dân tộc này
sẽ trở thành dân tộc Ít-ra-en, được gọi là Dân tộc của Thiên Chúa đầu tiên. Điều này được công
nhận qua lời ngôn sứ Isaia rằng: “Ta
đã đặt lời Ta vào miệng ngươi, đã cho ngươi núp bóng bàn tay Ta khi dựng nên bầu
trời và đắp nền trái đất, và nói với Xi-on: “Ngươi là dân Ta
tuyển chọn” (Is
51, 16). Một
lần khác, Thiên Chúa cũng
xác nhận Ít-ra-en là dân tộc của Người qua lời của
Êdêkiel: “Vì thế, hãy tuyên sấm, hỡi con người, hãy nói với
Gốc: “ĐỨC
CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Ngày đó, lúc Ít-ra-en, dân Ta, đang sống yên ổn,
nào không phải ngươi sẽ động binh hay sao?”” (Ed
38, 14).
Bước sang thời Tân
Ước và Giáo hội, thật rõ ràng và cũng rất tự do, tất cả những ai đón nhận Chúa
Giêsu là Chúa và cũng là Cứu Chúa của mình, đều trở thành thành viên của Dân
Thiên Chúa, vì Người đến để
cứu chuộc tất cả nhân loại, không chỉ riêng dân Ít-ra-en (x. Rm
1, 16; 10, 11-13). Khi chúng ta chọn
lựa theo Chúa Giêsu, Người sẽ chấp nhận chúng ta, và như thế, chúng ta thuộc về
Người, và cũng là Dân tộc của
Người.
Như vậy, từ mạc khải
trong Cựu Ước đến sự thành toàn trong Tân Ước, Chúa Giêsu chính là trung tâm của
Dân Thiên Chúa. Hay nói khác đi, Chúa Giêsu chính
là vị Thầy tốt nhất cho những ai tin vào Người. Chúng ta hãy đọc lại
một số Mạc khải căn bản minh chứng cho điều đó.
1) Tác giả thư Do
Thái viết rằng: “Thuở
xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn
sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt
1, 1-2). Điều đó có nghĩa
là: các ngôn sứ,
tiên tri và các tổ phụ, đều là những người nhận và truyền lại thông điệp của
Thiên Chúa. Thế nhưng, nơi Chúa Giêsu, Người chính là Thánh Tử, một Vị thầy “giảng
dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (x. Mc
1, 21-28; Lc 4, 32).
2) Trong Phúc âm
chương 14 của Thánh sử Gioan, khởi đi từ câu hỏi của Tôma đến ước nguyện của
Philipphê, muốn một lần nhìn thấy Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận
ra vai trò đầy đủ nhất của mình. Người nói với các tông đồ rằng: “Thầy
là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua
Thầy” (Ga
14, 6). Và hơn thế nữa,
ngay lúc này đây, “Ai thấy Thầy là thấy
Chúa Cha” (Ga
14, 9).
3) Chúa Giêsu, vị
Thầy tốt nhất, tận tâm và chết thay cho học trò của mình: “Đức
Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho
chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2
Cr 5, 14-15).
3. Tâm
tình gửi Quý Thầy Cô
Giáo hội Mẹ chúng
ta luôn thao thức về sứ mạng của mình trong thế giới hôm nay. Từ những kinh
nghiệm trong thực tế, ta có thể nói được rằng: giáo dục là phương tiện để đến với
người khác. Nếu trong chuyên môn, quý thầy cô có trách nhiệm truyền đạt kiến thức
của mình, thì ít nhất là bằng cách sống, chúng ta hãy làm lan tỏa các chân lý
Kitô giáo cho các môn sinh. Trong mọi nơi và mọi thời, Chúa Giêsu phải được giới
thiệu cho mọi người bằng những cách thức phù hợp, vì Người là ơn Cứu Chuộc của
nhân loại, là trọng tâm của đức tin Kitô giáo, và đó cũng là ước mong và sứ mạng
mà Mẹ thiêng liêng Giáo hội trao phó cho chúng ta. Để làm được điều này, quý thầy
cô không nên dừng lại với chương trình giáo dục tôn giáo ở giai đoạn sơ cấp qua
các lớp giáo lý căn bản, nhưng phải quan tâm hơn đến việc thăng tiến đức tin của
mình bằng việc tìm hiểu thêm về các chân lý đức tin qua giáo huấn của Giáo hội, từ đó truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh một
cách phong phú và hữu hiệu hơn.
Với các con học
sinh và sinh viên thân mến, ngày Nhà Giáo Việt Nam luôn là một ngày thân thiết
và gần gũi cho nghĩa tình thầy trò. Bó hoa đẹp nhất mà các con tặng quý thầy cô
chính là lòng yêu mến và biết ơn của chính mình. Trong ý nghĩa đó, lời của sách
Châm Ngôn thật đáng để các con ghi nhớ: “Này con, khôn
ngoan của thầy, con hãy chú tâm học hỏi, hiểu biết của thầy, con hãy lắng tai
nghe” (Cn
5, 1). Thực hành điều này
trong cuộc sống, cũng là từ lời khuyên của quyển sách này, các con sẽ không đi
lạc đường.
Quý Thầy Cô thân mến,
Trong bầu khí thân
tình của ngày Nhà Giáo Việt Nam, thay mặt cho Ủy
Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi vui mừng gửi
lời chúc sức khỏe và an vui đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước. Xin
hiệp lòng với vị cha chung của Giáo hội hoàn vũ, “cầu
nguyện cho các nhà giáo dục, để họ trở nên chứng nhân đáng tin cậy, biết giảng
dạy về tình huynh đệ hơn là đối đầu, và biết đặc biệt nâng đỡ những người còn
non nớt và những người dễ bị tổn thương hơn cả” (Ý cầu nguyện của
Đức Thánh Cha Phanxicô – Tháng 01/2023).
Thân ái trong Chúa
Kitô.
Vĩnh Long, ngày 15
tháng 11 năm 2023.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục
Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy
Ban Giáo Dục Công Giáo
Nguồn: hdgmvn.com