Hình ảnh cố linh mục Giuse
Nguyễn Hữu Triết ở lại trong nhiều người như một “ông cha đồ cổ”, nhưng ít ai
biết được cha còn là một nhạc sĩ Công giáo.
Cha đã
hoạt động không ngừng nghỉ và góp nhiều công sức cho công cuộc chấn hưng thánh
nhạc, phổ biến những kiến thức về thánh nhạc của Giáo hội Công giáo đến cho mọi
người. Từ những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ XX cha đã hoạt động rất tích
cực cùng với những đại thụ của nền thánh nhạc Việt Nam như Linh mục Tiến Dũng,
Linh mục Kim Long, Linh mục Đỗ Xuân Quế…
Tôi muốn nhìn lại về Cha Triết qua hình ảnh một nghệ sĩ của Chúa.
Không chỉ hoạt động thánh
nhạc như một nhạc sĩ sáng tác, không chỉ sưu tầm cổ vật thánh như một nhà khảo
cổ, cha Triết còn là người quan tâm rất nhiều đến những tác giả, soạn giả về âm
nhạc và văn hóa Công giáo. Ảnh: Huỳnh Trí Dũng
Lớp ca trưởng đầu tiên
Mùa hè
năm 1982, tôi phụ trách ca đoàn Nhập Thể của Giáo xứ Bình Lợi. Tôi được cử đi
học lớp ca trưởng tại Nhà thờ Gia Định do linh mục phó xứ Giuse Nguyễn Hữu
Triết tổ chức cho những người hoạt động ca đoàn tại các nhà thờ trong hạt Gia
Định. Lúc đó, việc tổ chức một khóa học quy mô về thánh nhạc như vậy là một sự
cố gắng đáng nể phục.
Với
tôi, đây là một biến cố lớn, thay đổi cả hướng chọn nghề của mình để chuyên tâm
theo nghiệp âm nhạc, cách riêng là thánh nhạc, cho đến hôm nay. Có hai nguyên
nhân:
– Người
thầy dạy nhạc cho khóa học được cha Triết mời đến giúp là một sĩ quan quân nhạc
của chế độ cũ vừa mới xong thời gian học tập cải tạo về. Ông tốt nghiệp tại Mỹ
và đã từng chỉ huy dàn nhạc Boston Philharmonic Orchestra.
– Được
gần gũi với cha Triết, là người dấn thân vào công cuộc xây dựng nền thánh nhạc
theo đúng hướng của Giáo hội.
Do
những lý do tế nhị của hoàn cảnh chung, trong suốt gần một năm học, không ai
trong chúng tôi biết được tên thật của thầy là gì! Có khi nghe cha Triết gọi là
thầy Lý, có khi là thầy Huyến và trong tài liệu học lại ghi là thầy Phạm Hoàng
Anh.
Một số
anh chị gạo cội trong các ca đoàn của nhà thờ Gia Định thì quả quyết rằng “Lý”
không phải là tên của thầy mà là bút hiệu Nguyễn Lý của cha Triết. Một thời
gian sau, tôi mới có dịp tập cho các ca đoàn ba sáng tác đã từng ghi dấu ấn
trong tâm hồn những người yêu thánh ca với tên tác giả Nguyễn Lý như: Tin
hay không tin, Thánh Tâm, Kinh đêm.
Khi đó,
tôi có thắc mắc là những sáng tác này mang nhiều cảm xúc chủ quan, có gì đó
không hoàn toàn giống như chủ trương, hướng đi mà cha Triết đang theo đuổi là
phục hồi thánh nhạc theo truyền thống Giáo hội, sáng tác có tính nghệ thuật
khách quan.
Những
điều này biểu hiện qua kỹ thuật sáng tác, áp dụng thủ pháp khai triển chủ đề âm
nhạc.
Vào khoảng
sau Tết năm 1985, thầy Huyến (lúc này chúng tôi đã biết tên thật của thầy là
Trần Văn Huyến) gặp chúng tôi và đề nghị giúp chép nhạc, in ronéo cho tập thánh
ca Lời ca Phụng vụ mùa Chay và Phục Sinh, trong đó có sáng tác của
tôi cho Ca Nhập lễ và Ca Hiệp lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay.
Thầy
Huyến nói, hiện đang có nhiều khó khăn khiến bên Giáo xứ Gia Định không thể
tiếp ttục thực hiện việc in ấn. Đến lúc này, tôi mới được biết cha Triết cùng
với thầy Huyến và Nhạc sĩ Trần Anh Linh đã âm thầm làm việc nhiều năm qua để có
những sáng tác thánh ca bám sát lời của phụng vụ theo chủ trương nói trên. Cần
nói thêm, Nhạc sĩ Trần Anh Linh (1932 – 2006) là tác giả của một số bài thánh
ca nổi tiếng như Niềm tâm sự, Chúa ở lại thôi. Khi sang
Mỹ, ông hợp tác với nhạc sĩ Trần Chúc, Lê Văn Khoa để thành lập ban hợp
xướng Ngàn Khơi.
Lúc này
tôi mới được biết bút danh Nguyên Hữu là của Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Triết, được cha
sử dụng cho một giai đoạn sáng tác mới của mình. Từ thứ Tư lễ Tro năm đó tôi
bắt đầu phụ trách công việc thực hiện sách thánh ca cho nhóm của cha Triết, một
công việc khá là nhạy cảm lúc bấy giờ. Cũng từ đó tôi được tiếp xúc gần hơn với
nhạc sĩ Nguyên Hữu, một trong số ít nhạc sĩ Công giáo đi đầu trên con đường trở
về nguồn thánh nhạc.
Đến
Chúa Nhật I Mùa Phục sinh năm 1987, toàn bộ những tập bài hát theo lễ nghi
Phụng vụ của nhóm mới được in xong. Bản in lụa cuối cùng được hoàn thành. Một
trăm ấn bản chờ làm bìa cứng. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ tôi bình an. Chúng tôi mừng
vui, thở phào nhẹ nhõm mặc dù đây mới chỉ là tài liệu lưu hành nội bộ.
Hoạt động tích cực trong
Ban Thánh nhạc
Cũng
trong khoảng thời gian này, Ban Thánh Nhạc của Tổng Giáo phận Sài Gòn bước đầu
được hình thành, tuy chưa chính thức, trên tinh thần tự nguyện tham gia của một
số nhạc sĩ Công giáo được mời gọi. Tôi lại có cơ hội làm việc gần hơn với cha
Triết khi cha đảm đương nhiệm vụ thủ quỹ của Ban Thánh nhạc.
Dù bận
rộn rất nhiều với công việc của một linh mục phó xứ, hoạt động sáng tác của
nhóm các nhạc sĩ nói trên, nhưng cha Triết gần như rất ít vắng mặt trong các
buổi họp thường kỳ của Ban Thánh nhạc, từ việc duyệt bài đến các công tác tổ
chức.
Hoạt
động của Ban Thánh nhạc lúc này cũng chỉ âm thầm diễn ra tại nhà riêng của ông
bà cố của Linh mục Giuse Tiến Lộc. Vì vậy, tôi càng gắn bó hơn với những hoạt
động thánh nhạc của cha Triết. Sau này, khi sống và làm việc hơn 10 năm tại
Đức, tôi vẫn liên lạc thường xuyên với cha, không chỉ để thăm hỏi mà còn ủng hộ
phần nào về vật chất cho công việc mà cha phụ trách với Ban Thánh nhạc.
Khi trở
về nước vào giữa năm 1998, gặp lại cha Triết, tôi thật xúc động khi được cha ký
tặng bản in chính thức vừa hoàn tất của các tập thánh ca nói trên. Bây giờ mang
một diện mạo mới với tên gọi Phụng ca quanh năm, Nhà xuất bản TP
Hồ Chí Minh, 1998, do Tòa Giám mục Sài Gòn chủ biên với imprimatur của Giám mục
Phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm.
Bìa sách Phụng ca quanh năm, bản in đầu tiên năm 1998
Không
chỉ hoạt động thánh nhạc như một nhạc sĩ sáng tác, không chỉ sưu tầm cổ vật
thánh như một nhà khảo cổ, cha Triết còn là người quan tâm rất nhiều đến những
tác giả, soạn giả về âm nhạc và văn hóa Công giáo. Sau lễ Phục sinh năm 2021,
tôi khá bất ngờ khi nhận được email của cha xin góp ý chuyên môn âm nhạc cho
hai bài viết của ngài:
– Cánh
gà sân khấu: Viết nhằm mục đích “đưa tâm trí những ai có thành tâm
thiện chí, yêu âm nhạc, yêu văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng về
cái nguồn, về cái kẻ trồng cây ấy… Quả thật, chúng
ta còn nợ Giáo hội Công giáo một lời cảm ơn”.
– Một
thoáng tân nhạc Việt Nam, từ 1938 đến nay.
Cha
thường nói tôi nếu biết những tác giả Công giáo nào với những sáng tác nào của
họ, không cứ gì về âm nhạc, thì giới thiệu để cha mua sách sưu tầm cho thư viện
của Tòa Tổng Giám mục. Riêng với tôi, cha sưu tầm gần như đủ những sách chuyên
khảo về âm nhạc mà tôi đã biên soạn.
Vào
tháng 4 năm nay, khi biết tôi sắp cho ra mắt cuốn Từ điển giải thích
thuật ngữ âm nhạc, cha Triết đã là người đặt mua đầu tiên cho thư viện Công
giáo!
Hôm
nay, khi linh mục nhạc sĩ Nguyễn Hữu Triết đã ra đi khỏi thế gian, cũng như
nhiều người khác, tôi cảm thấy buồn, mất mát nhưng lại tin rằng cha đã hoan hỷ
trong Cung Lòng Chúa như những câu thánh vịnh mà cha đã ghi ở đầu bản in Phụng
ca quanh năm của mình:
Trọn cuộc đời con hát mừng Thiên chúa,
Bao năm con sống đàn ca Tình Ngài.
Nguyện tiếng lòng con làm vui ý Chúa,
hồn xác con đây hoan hỷ trong Ngài.
(Tv 103,
33 – 34)
TS NGUYỄN BÁCH
16/06/2022
Nguồn:Tạp Chí Đồng Hành