CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM B
I.
LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi còn ở trần gian Ngài đã tha
thiết xin Chúa Cha cho chúng con được nên
một trong cung lòng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Và lời nguyện ấy đã thành
hiện thực khi Ngài trở nên tấm bánh nuôi dưỡng chúng con mỗi ngày. Chúng con hạnh phúc biết
bao khi được rước Ngài vào lòng, được cảm
nếm, chiêm ngắm và ở lại với Ngài nơi bí tích tình yêu này.
Tấm bánh đơn sơ và thầm lặng nhưng lại ẩn
chứa nguồn ân sủng vô biên từ tình yêu của Ngài dành cho chúng con.
Xin Chúa chạm thật sâu vào cõi lòng mỗi người chúng con, xin làm chủ ý chí, suy
nghĩ, ước muốn và tình
cảm của chúng con để chúng con được thuộc hoàn toàn về Chúa trong giờ phút này.
Hát
: Phút an bình CTT 61
II. LẮNG NGHE TIN MỪNG Mc 10, 2-16
III. SUY NIỆM.
Suy niệm 1: Được phép
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể về việc những người Pharisêu hỏi Đức
Giêsu về vấn đề ly dị. Họ không đến để bàn hỏi, không đến để xin lời khuyên mà
là đến để thử thách và bắt bẻ Đức Giêsu. Pharisêu là những người có thế giá và
được trọng vọng trong dân, họ được học biết nhiều về Thiên Chúa, thuộc tất cả
các điều luật và dạy người ta phải làm thế nào. Đối với họ Lề luật là thước đo
để đánh giá một người. Với 613 khoản Luật được phép và không được phép, họ tuân
giữ cách sát sao và buộc người khác cũng phải tuân giữ. Nắm rõ và thuộc nằm
lòng lề luật, lẽ ra phải là điều kiện thuận lợi dẫn họ đến sự công chính, thánh
thiện, phải đưa họ đến gần Chúa. Thế nhưng, thái độ của những người Pharisêu
hôm nay cho ta thấy họ lại đang dùng Thiên Chúa như phương tiện, để đạt được những
điều họ muốn và thỏa mãn mọi nhu cầu của họ.
Cụm từ “được phép hay đã cho phép”
mà những người Pharisêu nói với Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ
điều đó. “Được phép” hay nói cách khác là những gì ta cho rằng hợp lý và phải lẽ.
Đây là loại cám dỗ khá tinh vi và dễ vấp phải. Cơn cám dỗ đầu tiên trong sa mạc
của Chúa Giêsu là một minh họa rõ về loại cám dỗ này.
Tin mừng Matthêu kể lại rằng:
Sau 40 ngày ăn chay trong sa mạc, Người cảm thấy đói. Tên cám dỗ đến gần Người
và nói: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh
đi!” (Mt 4, 2-3). Nhìn nhận cách khách quan mà nói thì đây là một nhu cầu rất
chính đáng, trong khả năng Chúa Giêsu có thể làm và không gây hại đến bất kỳ
ai.
Tuy nhiên, “Những ai sẵn lòng làm mọi điều được phép
cũng rất sẵn lòng làm những điều không được phép.” Ban đầu là những cái được
phép nhỏ, quen dần đến những cái lớn hơn, rồi tiếp tục đòi hỏi cả những điều
không được phép mà chính chủ thể cũng không ý thức được. Giống như câu chuyện chú
ếch được bỏ vào nồi nước lạnh, không đậy vung và đun trên bếp, chú không ý thức
sự nguy hiểm để vùng vẫy thoát ra. Vì nước không sôi ngay nhưng tăng nhiệt độ
cách từ từ. Cho đến khi nước sôi thì chú mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng
lúc này mọi việc đã quá muộn. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, có những
cái bất trung nhỏ nhặt ta chẳng để ý đến, nhưng mỗi ngày được lặp lại và cứ thế
tăng dần mức độ lên đến một lúc nào đó trở tay không kịp. Trên tờ
Records của giáo phận Perth, Australia, số tháng 10 năm 2000 có đăng lời tâm sự
của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục,
nay đã hoàn tục. “Thật sự, đúng là tù đầy, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách
đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những
thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này! Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái
hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là "bứng" tôi hoàn toàn khỏi
lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.”
Vị
linh mục trên cũng đã đi từ những bất trung nhỏ cho đến khi hoàn toàn rời bỏ đời
tu. Việc thỏa mãn những điều được phép và hợp lý đã dẫn đến một sự hối tiếc
không thể cứu vãn.
Vậy, nhìn lại đời sống của
mình. Tôi có đang bất trung trong việc nhỏ nào không? Tôi sẽ điều chỉnh việc ấy
thế nào?
Hát: Cho con vững tin TC I trang 75 (1,2,3)
Suy niệm 2: Một xương một thịt
“Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ
và gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”
Khởi
đầu sách Sáng thế, tác giả viết rằng: “Đức Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi
chim trời và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì; hễ con người
gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật,
mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá
tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người
và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương xườn của con người ra, và lắp
thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn của con người ra và làm
thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “ Phen này là
xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được
rút từ đàn ông ra.”
Câu chuyện Thiên Chúa sáng tạo con người
cho đến ngày nay vẫn là đề tài rất được thu hút và quan tâm. Nhìn theo lăng
kính của khoa học có lẽ nhiều người cho rằng đây là một điều phi lý. Tuy nhiên,
điều mà tác giả muốn diễn tả ở đây là sự khắng khít và gắn bó mật thiết giữa
tình yêu của một người nam và một người nữ. Đó là sự gắn bó được Thiên Chúa
chúc phúc và không thể chia lìa. Đây cũng là vẻ đẹp thánh thiêng và rất riêng của
hôn nhân Công giáo. Họ không chỉ yêu nhau mà còn yêu Chúa. Và tình yêu Chúa ở
giữa họ, gắn kết họ giúp họ chung thủy với nhau đến trọn đời.
Vẻ đẹp gắn kết của tình yêu nam nữ cho ta
phần nào hình dung được sự gắn bó mật thiết, không thể chia lìa giữa Đức Kitô
và Hội Thánh. Như trong thư Thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô: “Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể
mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người
đàn ông sẽ lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu
nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. (Ep 5, 28-32). Hay nói cách rõ ràng và cụ thể hơn là mối tương quan giữa Đức Kitô và người môn đệ – những Kitô hữu. Dựa vào đâu ta có thể xác tín
như vậy? Trong thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma, Thánh nhân viết rằng:
“ Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết
hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất
cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác,
không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức
Kitô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 35. 38-39).
Không một sức mạnh nào có thể làm được điều
ấy. Bởi nếu ta không trung tín Người vẫn một lòng trung tín, vì bản chất của
Người là tình yêu – một tình yêu không chuyển rời, không hao hụt nhưng luôn trường
tồn và bất biến. Đỉnh cao của tình yêu lớn lao ấy được Chúa biểu lộ cách cụ thể
qua việc tự hiến chính mạng sống mình.“Không
có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình. Anh em là bạn hữu của Thầy. (Ga 15, 13-14) Chúa đã chết để ta có được
sự sống đời đời. Hơn thế nữa, Chúa đã ban tặng chính mình Ngài qua bí tích
Thánh Thể để ta được nên một với Ngài.
Vậy, mỗi lần được rước Chúa vào lòng tôi có cảm nghiệm được tình yêu của
Chúa, tình yêu của người đã hiến mạng vì tôi không? (Thinh lặng)
Nên một với Chúa hay nói cách khác là nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Đây
là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta, những môn đệ theo sát Chúa Kitô. Trong
đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Ki-tô với cả con tim,
bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình"
(Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và diễn tả điều đó
bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô, bằng một cuộc gắn bó
triệt để, báo trước sự hoàn thiện cánh chung, tuỳ theo các đoàn sủng khác nhau
và trong mức độ có thể đạt được trong thời gian.
Vậy, tôi đã đáp trả lời mời gọi ấy thế nào rồi? Hay nói cách khác tôi đã
nên đồng hình đồng dạng với Chúa thế nào rồi?
(Thinh lặng)
Hát: Con đã chọn Ngài TC III trang 74 (1,2)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su còn chỉ dạy
cho chúng ta một con đường nên hoàn thiện và có thể tiếp cận gần với Chúa nhất.
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”
Chúa Giêsu rất yêu thích các em nhỏ đến với
Chúa bởi sự đơn sơ, trong sáng, dễ thương, cậy trông và phó thác của các em. Thế
nên, Ngài cũng thao thức cho người môn đệ mặc lấy tâm hồn của trẻ thơ khi đến gần
Ngài với sự đơn sơ, cởi mở, hiền lành, cậy trông, có khả năng biến đổi để lớn
lên và sống thật với chính mình. Hay nói cách cụ thể hơn đó là làm sao tập cho mình
có một con tim sẵn sàng để đổi mới, sẵn sàng với ý định của Thiên Chúa và luôn
xác tín vào tình yêu của Ngài. Chúa chúng ta là một Thiên Chúa thích chia sẻ
chính Ngài cho ta, thích lắng nghe những gì ta thầm thĩ với Ngài: Niềm vui, nỗi
buồn, ước muốn, kế hoạch của ta,... Chỉ khi ta đến với Ngài bằng tâm hồn trẻ
thơ thì ta được trở nên bạn hữu của Thầy. “Thầy
không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy
gọi anh là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho
anh em biết. Ga 15,15.
Vậy, tôi đang đến với Chúa bằng thái độ nào? Tôi đang ở đâu trong mối
tương quan mới Thầy Giêsu?
(Thinh lặng)
IV. LỜI NGUYỆN KẾT
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể! Xin thanh luyện con
tim của chúng con, để chúng con
biết nhạy bén trước sự hiện diện yêu thương của Chúa.
Xin thanh luyện tâm trí chúng con, để chúng con
luôn thao thức tìm cách
làm đẹp lòng Chúa . Xin thanh
luyện đôi tay chúng con, để chúng con
mau mắn hành động theo ý muốn của Chúa. Xin thanh luyện cuộc sống của chúng con,
để cuộc sống của chúng con là hình ảnh phản chiếu gương mặt đầy yêu thương của Chúa cho nhân loại. Amen!
Hát: Cung bái tôn thờ
CTT trang 47
Maria Dương
Thị Hồng Khánh
Tập sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo