CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
I.
LỜI
NGUYỆN ĐẦU
Phơn phớt trời mai đã nhuốm hồng
Đẹp lá hoa vườn, đẹp núi sông,
Này con hớn hở vào cung thánh,
Hoan lạc tung hô Chúa cửu trùng:
Tạo dựng càn khôn ôi rực rỡ,
Chúa lại an bài rất khôn ngoan,
Và Thánh Thần Chúa ban hơi thở,
Muôn loài sống động khắp trần gian.
Chim đàn ríu rít ngọn cây xanh
Uống giọt sương mai đón hòa bình,
Líu lo ca tụng Vua Công Chính,
Ánh Người đẹp quá ánh bình minh.
Hoa lá trong đêm chiều e lệ,
Giờ đây bừng dậy đón Sao Mai,
Năm canh tình Chúa thầm kể lể,
Sáu khắc tung hô bóng mặt trời.
Ôi tình thương Chúa thật nhiệm mầu,
Vượt quá trời cao, quá biển sâu,
Muôn vàn kỳ diệu, khôn diễn tả,
Chỉ nói đôi lời, hát đôi câu!
Con muốn đồng ca cùng vũ trụ
Những mong hợp tấu với thiên thần
Giữa hàng chư thánh, ôi vinh dự,
Muôn thuở hát mừng Chúa từ nhân.
(Trích Thánh thi Kinh sáng thứ 7 tuần I)
Hát:
Khao khát mong Ngài TCI 262 (Hát
như ca vịnh)
TIN MỪNG Mc 7, 31-37
II.
SUY
NIỆM
Suy niệm 1: Tình trạng điếc tâm linh
“Người
ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu và xin Người đặt tay trên
anh.”
Loen
Oken, triết gia về thiên nhiên học cho rằng: “Mắt đưa con người vào trong thế
giới, tai đưa thế giới vào trong con người”. Thính giác là một giác quan rất nhạy
cảm của con người. Vì hầu hết mọi xúc cảm đều liên quan đến thính giác. Tin Mừng
hôm nay tường thuật lại biến cố một người vừa điếc vừa ngọng, được người ta đưa đến với Đức Giêsu để được Người chữa cho
lành.
Có
lẽ với mỗi người trong chúng ta, âm thanh của tự nhiên: tiếng gió vi vu, tiếng
suối róc rách, tiếng mưa rơi tí tách hay tiếng chim hót líu lo mỗi sớm mai là
những âm thanh rất đỗi bình thường. Chúng quen thuộc đến nỗi lắm khi ta chẳng để
ý đến. Nhưng với người điếc và ngọng
trong đoạn Tin Mừng hôm nay đó lại là điều không tưởng. Thế
giới của anh từ trước đến nay chỉ có thể nhìn được những tia sáng những cảnh vật
không âm thanh.
Trong tác phẩm “Hãy mở giác quan bạn cho Thiên Chúa”, Ansenlm
Grun cho rằng: “Người
mù chỉ bị cách ly với sự vật, còn người điếc bị cách ly với thế giới con người.” Đó
cũng là tình trạng của anh điếc trong đoạn Tin Mừng. Anh ta không thể thông dự trọn vẹn
vào thế giới muôn vẻ sống động. Cũng chẳng thể hiểu và cảm được hết những điều
người khác nói. Người ta nói rằng
tên của mỗi người là âm thanh ngọt ngào nhất đối với họ. Điều
ngọt ngào đó anh chưa từng được nếm trải. Anh cũng chưa từng được nghe những lời
yêu thương, an ủi hay động viên từ người khác đặc biệt là từ những người thân trong gia đình.
Chưa hết, cái ngọng nơi anh khiến anh cũng chẳng thể diễn tả được những niềm
vui, nỗi buồn và ước muốn của mình cách rõ ràng và trọn vẹn. Có thể nói anh gần
như bị tách ra khỏi xã hội
mình đang sống.
Đến độ anh không thể tự mình tìm đến với Chúa Giêsu mà cần những người xung
quanh đưa anh đến để Chúa đặt tay và chữa lành.
Có
lẽ tình trạng điếc và ngọng khiến anh bị tách biệt với thế giới con người và không hề hay
biết những chuyện người
ta đang bàn tán, về những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm. Cũng có thể anh đã quen với việc sống trong thế
giới của mình – nơi mà không một tương quan nào có thể chạm đến được: Thiên Chúa,
mọi người và kể cả chính anh. “...nỗi
đau khổ mà người điếc phải chịu là đa số thiên hạ xem anh như là người gây phiền
toái cho người khác. Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại
thường nổi xung và bực bội với người điếc. Kết quả là người điếc thường phải trốn
lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín”
(William Barclay)
Hình ảnh của người vừa điếc vừa ngọng trong đoạn Tin Mừng
phải chăng cũng là hình ảnh của chính tôi? Khi tình trạng điếc thiêng liêng làm cho tôi chẳng thể nghe được tiếng thì thầm của Thánh
Thần nhắc nhở tôi làm lành lánh dữ, không nghe được lời yêu thương của
Chúa. Tình trạng điếc thiêng liêng khiến
tôi không nghe được, thậm chí vô cảm trước nhu cầu của người
khác, trước tiếng khóc than của tha nhân, của người nghèo, của trái đất đáng thương, khiến tôi
ngày càng trở nên ích kỷ, hời hợt và vô cảm.
Nhân vật trong đoạn Tin Mừng bị điếc bởi sự khiếm khuyết
thể lý, bởi anh sinh ra đã vậy. Còn tôi, tình trạng điếc thiêng liêng của tôi đến từ đâu?
(Thinh lặng suy ngẫm)
Hát: Lắng nghe Lời Chúa
Suy niệm 2: Hãy mở ra
“Hãy mở ra!”. Chúa cũng đang nói với tôi như vậy. Hãy
mở ra, mở ra để lắng nghe tiếng Chúa đang nói với tôi mỗi ngày, trong Thánh lễ,
trong cuộc sống, trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Và hãy để cho Lời ấy được cất lên cách rõ ràng trong chính cuộc sống.
Vậy, giữa muôn ngàn âm thanh hỗn tạp, ồn ào của cuộc sống,
giữa rất nhiều tiếng nói đến trong tâm hồn, làm sao có thể nhận ra được tiếng của
Chúa? Trong tiếng gió nhẹ thổi, trong tiếng thì thầm của không gian tĩnh lặng,
Êlia mới gặp được Thiên Chúa (1V, 19).
Vậy,
tôi đã đủ lặng để có thể nghe được tiếng của Chúa chưa?
(Thinh
lặng suy ngẫm)
Hát: Trong lắng
sâu _f
Trong Tông huấn
đời sống thánh hiến Vita Consecrata số 16, ĐTC Gioan Phaolô II viết rằng: “Trong
đời sống thánh hiến, vấn đề không chỉ là bước theo Đức Kitô với cả con tim như mỗi môn đệ phải làm
nhưng là sống và diễn tả điều đó bằng một sự gắn bó để toàn thể cuộc sống nên đồng
hình đồng dạng với Đức Kitô”. Êlia cần đi gặp Thiên Chúa
trong cô tịch của sa mạc, để rồi sau khi gặp được Chúa, được Chúa biến đổi và
thanh tẩy, ông mới có thể vượt qua sa mạc trở về Damas để thực thi sứ mạng ngôn
sứ của mình ở đó.
Vậy, tôi đã có những kinh nghiệm gặp Chúa nào? Tôi đã cho
Lời của Chúa được cất lên trong cuộc sống của mình ra sao?
(Thinh lặng suy ngẫm)
Hát: Xin mở cho con TCCĐ – 128
III.
LỜI
NGUYỆN KẾT:
Vào thời tiên tri Isaia, những kẻ điếc,
mù, ngọng là hình ảnh của một dân tộc không nghe hoặc không hiểu lời Thiên
Chúa, không thấy các dấu chỉ của quyền năng Ngài, nên đã nói và làm điều sai trái.
Vì thế Thiên Chúa đã chữa cho họ: “Này đây, một vua sẽ trị vì theo lẽ công
minh, các thủ lãnh sẽ cầm quyền theo đường chính trực… Bấy giờ, mắt những
người thấy sẽ không còn bị mờ, tai những người nghe sẽ trở nên chăm chú; lòng
những người nhẹ dạ sẽ gẫm suy để am tường, lưỡi những kẻ ngọng sẽ nói năng hoạt
bát”.(Is 32,2-4). Hôm nay, tôi cũng cần được Chúa mở tai, mở miệng, cần Chúa chữa cho tôi bệnh câm điếc thiêng liêng
để tôi nghe, thấy và hiểu lời Chúa Giêsu hầu trở nên người môn đệ đích thực của
Người.
Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời
nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa
Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.”(Is
50,4)
Lạy Chúa, Chúa vẫn biết con cần đến
Chúa. Xin chữa lành bệnh ngọng điếc thiêng liêng của từng người chúng con, để
con nói năng như một người môn đệ, để biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Mỗi sáng xin Ngài đánh thức con, để con lắng tai nghe như một người môn đệ, hầu
con có thể nghe và chạnh lòng thương trước tiếng khóc than của tha nhân, của
người nghèo và của trái đất đáng
thương.
Hát: Kinh hòa bình.
Maria Dương Thị Hồng Khánh
Tập sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo