TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

CHÚA NHẬT 16 TN B

I.               MỞ ĐẦU

Hãy mở giác quan cho Thiên Chúa. Hãy lắng đọng tâm hồn để lắng nghe lời thì thầm yêu thương của  Chúa.

Hát: Lặng/ f

“Hãy mở tai thiêng thánh hồn ta,

Mà nghe tiếng nói tâm linh lòng mình.

Rút lui vào nơi cung cấm ấy,

Dành thinh lặng cho chính bạn đi!

Đúng thửa đất hoang

Hãy im lặng mà nghe!

Ta bịt tai lại.

Chẳng muốn nghe gì của dĩ vãng,

Chỉ giảm thiểu và kết án ta thôi,

Thắt nghẹn niềm vui sống,

Và tổn thương cõi lòng ta.

Không nghe thêm nữa một tiếng nào,

Chỉ đòi ta phô trương thành tích:

Gấp trăm, nghìn lần hơn mãi,

Tiếng tán dương khát vọng sống của ta,

Cũng đồng thời nhạo cười ta đó.

Ta muốn nghe dịu dàng âm điệu mới,

Tiếng nói sâu kín của nỗi lòng…

Tiếng nói giải thoát, mời ta sống,

Phát huy khả năng cùng sức lực,

Tiếng gọi ta đi vào hiện- hữu,

Hãy im lặng mà nghe!

Ta muốn nghe tiếng nói âm thầm sâu kín,

Chỉ đường, mở lối sống cho ta,

Chỉ cho biết cách nảy mầm sinh trưởng

Tiếng nội tâm: gốc rễ cõng mang và bổ sức.

 ( Trích: hãy mở giác quan của bạn cho Thiên Chúa của Anselm GRUN)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể Ngài đã chọn cư ngụ trong lòng con, xin cho con biết chìm sâu tận đáy lòng, để cũng được chìm sâu trong Ngài.

CTT: Trước Thánh Thể TCCD trang 207

II.           SUY NIỆM LỜI CHÚA  Mc 6,30-34

1.    Sự ở lại và nghỉ ngơi đích thực

         Sau chuyến đi truyền giáo, các môn đệ trở về bên thầy Giêsu“và kể lại cho Người mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.” ( Mc 6,30 ). Thánh sử Máccô đã phác họa một hình ảnh thật đẹp về người môn đệ: Ra đi đến với muôn dân, rồi trở về bên Chúa. Nhịp nhàng giữa hai thì: chiêm niệm và hoạt động. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ và cũng là Đặc sủng và lối sống của RNDM chúng ta.

Trong ngày sống của tôi, tôi thường dùng những khoảng thời gian nào để dừng lại kể cho Chúa nghe về những hoạt động của mình không? Nếu tôi chưa có thời gian nào cụ thể, với tất cả sự chân thành hãy nói với Chúa về điều đó.

Hai nhịp Chiêm niệm và hoạt động đã hài hòa trong trong đời sống của tôi chưa? Tôi có cảm nghiệm niềm vui vì có Chúa đồng hành trong mọi khoảnh khắc và mọi sinh hoạt trong đời thường của tôi không?

(Thinh lặng)

Như các tông đồ, sau mỗi công việc chúng ta hãy dừng lại đôi chút, kể cho Chúa nghe những gì đã- đang diễn ra trong cuộc sống và trong tâm trí ta. Thật ra, Chúa thấu suốt những gì trong tâm can từng người nhưng Chúa vẫn thích lắng nghe chúng ta kể. Vì những cuộc trò chuyện, đối thoại giúp chúng ta kết nối và gắn kết tình thân với Chúa. Chúng ta có thể nói chuyện với Chúa ở bất cứ nơi đâu, và bất cứ lúc nào vì Ngài luôn ở bên và ngay trong chính lòng ta. Chúng ta kể cho Chúa nghe về những câu chuyện trong đời sống thường nhật và cùng Ngài thánh hóa nó. Từ đó cuộc đời của ta và Chúa trở nên một.

Hát: Chúa sống trong tôi TC II/ 771,2,3,4

Khi ở bên Thầy, các môn đệ kể cho Đức Giêsu nghe mọi chuyện buồn vui của hành trình truyền giáo. Sau đó thì lắng và lặng để nghe Thầy, "Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút".

Chúa chăm sóc các môn đệ bằng tình thương của người mục tử. Người đưa họ lui vào thanh vắng để tâm hồn được tĩnh lặng và để được nghỉ ngơi an bình bên Chúa. Tình thầy trò gắn bó keo sơn.

Hát: Đồng xanh thơ TCCĐ tr. 88

Thời đại của Chúa Giê su cũng như thời đại của chúng ta hôm nay, con người luôn chạy theo chủ nghĩa thực dụng, bị cuốn hút bởi những gì ngũ quan cảm nhận được từ bên ngoài. Chúng ta thường bỏ quên một kho tàng ở nội tâm, bỏ quên sự tĩnh lặng và bình an sâu xa trong tâm hồn. Thêm vào đó, chúng ta thường bị chìm trong muôn vàn hoạt động, công việc, kế hoạch, học tập,… Như thế, một cách minh nhiên chúng ta cho rằng những công việc đó là quá đủ rồi, không còn thời gian để cầu nguyện, để gặp gỡ Chúa nữa. Nhưng thực tế những thứ đó rồi cũng sẽ qua đi và chỉ để lại cho con người một sự đói khát mãi mãi.

Những thứ gì đang lôi cuốn tôi khiến tôi không còn thì giờ để gặp gỡ Chúa ? Thứ tự ưu tiên và thang giá trị của tôi là gì? Hãy cùng chia sẻ với Chúa về những điều đó.

(Thinh lặng)

“Quả thế, kẻ lui người tới quá đông nên các ông cũng không có thì giờ ăn uống nữa”.

Khi thấy các môn đệ đã trải qua những ngày vất vả trong hành trình truyền giáo, giờ đây lại bận rộn với đám đông dân chúng và với biết bao sự phân tán về những thành công vừa gặt hái được, Chúa nhẹ nhàng nhắc nhở các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”( Mc 6,31). Chúa không bảo hãy lấy thêm giờ để ăn mừng về những thành công, nhưng Ngài mời gọi họ lánh riêng ra, ở lại với Chúa. “ Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”. ( Ga15,4). Lời mời gọi ấy quy tụ và tách riêng người môn đệ với thế gian, với đám đông, với thành công, với công việc, … để trở về với sự tĩnh lặng nội tâm. Nơi đó người môn đệ có thể gặp gỡ, đối thoại với Thiên Chúa và  kín múc nguồn sức sống bồi bổ cho tâm hồn thể xác.

 Vậy, Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nới hoang vắng” (Mc 6, 32). Quả thật, chỉ có ở lại bên Chúa để Chúa chăm sóc ta mới có được sự nghỉ ngơi thật sự như những lời ca trong Tv 62

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.

…….

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.

Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.

Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.

Hỡi dân Ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.

 

Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.

Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!

Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.

 

Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng Ngài theo tội phúc
mà thưởng phạt mỗi người.

Hát: Chúa Luôn Ngọt Ngào – Mag 50 1,4

2.    Sự đói khát tâm linh

 “Thấy các Ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài” (Mc 6, 33)

Sự nhạy bén và tinh tế của một số người trong đám đông thật đáng chú ý. “Họ thấy, hiểu ý, cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi…” Những hành động dứt khoát, mau mắn đó biểu lộ sự khao khát được gặp Đức Giêsu. Vì nơi Đức Giêsu có một sức hút kỳ diệu của tình yêu và lòng thương xót. Qua Ngài, họ có thể nghe lời Thiên Chúa, có thể chạm tới ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta cũng hãy vào cuộc chạy đua tìm kiếm Chúa.

Tôi đang chạy đua cho sự tìm kiếm điều gì? Tôi tìm kiếm và mặc lấy tâm tình và lối sống của Đức Giêsu hay để mình bị cuốn vào của cải phù vân: danh vọng, đia vị, tiện nghi,lợi lộc, tiếng khen...những thứ giúp vun vén cho bản thân. Hãy trở về cõi lòng mình, gọi tên từng thứ một và thưa chuyện với Chúa về những điều đó.

(Thinh lặng)

Hát: Yêu thương cho người TCII/ 1281,2

LỜI NGUYỆN KẾT

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa

ở bên con dưới muôn vàn dáng vẻ.

Chúa hiện diện lặng lẽ

như tấm bánh nơi nhà tạm

nhưng Chúa cũng ở nơi ai nghèo khổ,

những người sống không ra người

Chúa hiện diện nơi Giáo hội

Gồm những con người yếu đuối bất toàn

Và Chúa cũng ở rất sâu

Trong lòng từng Kitô hữu.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho con thấy Chúa

Đang tạo dựng cả vũ trụ

Và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa

Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người

Vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa

Xin cho con khám phá ra

Chúa đang hẹn gặp con

Nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.

Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi

Thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa

Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa

Trên bước đường đời của con. Amen

( Trích Rabuni)

Hát: Phút than thở Mag/ 316

Maria Phạm Thị Tám

Tập sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo