TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

 CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B

I.          LỜI MỞ ĐẦU

Như hoa hướng dương hướng về mặt trời

Con đây vẫn luôn kiếm tìm nhan Chúa

Xa Ngài đời con hoen úa

Duy Ngài cho con hạnh phúc tuyệt vời

Chúa là cùng đích đời con

Nơi Ngài con hưởng trọn niềm yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hồn con hướng về Chúa, mong được ngụp lặn trong tình yêu bao la của Ngài. Xin đốt lên trong tim con ngọn lửa của Chúa: ngọn lửa Phục Sinh, ngọn lửa tình yêu và hy vọng. Xin dạy con biết rằng, con không thể nên hoàn thiện, nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ. Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen”. (Mẹ Têrêxa Calcutta)

Hát: Lạy Chúa, bao ngày tháng TCCĐ 108 1,4

II.       SUY NIỆM

“ Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy. Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9)

Đức Giêsu đã vén mở về một tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu ấy khởi nguồn từ Ba Ngôi, và hằng tuôn tràn trên cuộc đời chúng ta mỗi mỗi phút, mỗi giây. Chúa Cha yêu Con của Ngài là Giêsu hết mình và trọn vẹn thế nào, thì Chúa Giêsu cũng yêu chúng ta hết mình và trọn vẹn như vậy. Chính vì lẽ đó mà Đức Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta “hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Câu nói ấy vừa như lời mời gọi tha thiết, vừa là một lệnh truyền mà Đức Giêsu muốn dành cho ta. Hẳn Thầy Giêsu đã biết rõ những nguy hại khôn lường nếu chúng ta không giữ mối gắn kết thân tình với Ngài.

(Thinh lặng)

Hát: Chúa trong lòng con CLTC Trang 87

Chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.” (1 Ga 4, 7)

Chúng ta được sinh ra trong tình yêu và được sai gởi vào giữa lòng thế giới để yêu thương và để rao giảng về tình yêu. Thế nhưng chúng ta lại thường sống tranh giành, ganh đua, đố kỵ, loại trừ nhau, hiềm khích nhau…

* Hãy tự chất vấn chính mình, liệu tôi có đang sống sứ mạng diễn tả tình yêu nơi môi trường tôi sống và nơi thế giới không?

* Tôi có tích cực xây dựng hòa bình và lan tỏa niềm vui Phục sinh đến những người tôi gặp gỡ và sống cùng không?

“Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa.”(1 Ga 4,7-10)

“Điều Thầy truyền dạy các con là hãy yêu thương nhau.” “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy nếu các con có lòng yêu thương nhau.”

Yêu tha nhân là thước đo đáng tin cậy để thấy được tình yêu của mình đối với Chúa. Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển: như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Dòng tình yêu phát xuất từ Cha, tuôn chảy qua Ngôi Con, tuôn tràn qua chúng ta và phải tiếp tục chảy khắp cùng thế giới.

Thế giới hôm nay đang đói khát tình yêu. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải là chứng tá về tình yêu. Yêu như Chúa đã yêu, bất chấp mọi thiệt thòi, đau khổ.

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Có những ngày, đón nhận những người khác,

là điều vượt quá sức con, vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Có những ngày, con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Có những ngày, mà yêu mến người khác,

làm cho tim con đau nhói, vì nỗi sợ hãi,

nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên Lời Chúa nói:

"Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta."

 (Trích trong PRIER - Rabbouni 112)

(thinh lặng)

Hát: Tình yêu Thiên Chúa Tccđ, tr 821,2

III.   LỜI CHÚA:  Ga 15, 9-17

IV.    SUY NIỆM

Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

Truyện: Hai biển hồ

Đất nước Palestine có hai biển hồ… Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Đây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Chung quanh hồ là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi.

Biển hồ thứ hai tại Palestine là Biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào ở trong cũng như chung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi cá không thể sống nổi mà người cũng có thể trở nên bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên, khiến không ai muốn sống gần đó.

Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ nhỏ khác, nhờ đó nước của nó luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.

Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho mình, do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối. (Trích sách Lẽ Sống)

Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô bờ bến, và Ngài không muốn cho chúng ta giữ lại cho riêng mình, nhưng là chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người chung quanh.

Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên ngay từ bẩm sinh, mỗi người chúng ta đều có khả năng biết yêu thương. Một tình yêu đích thật là một tình yêu phải cho đi, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng ý nghĩa. Mẹ Teresa Caculta đã nói: “ Tình yêu thực sự là tình yêu khiến chúng ta khó nhọc và đau đớn, nhưng cũng đem đến cho chúng ta niềm vui vô bờ”.

Yêu thương là hiểu biết và đón nhận. Theo Thánh Phaolô, là chị em với nhau “ Chúng ta phải chịu đựng lẫn nhau trong tình bác ái” (Ep 4,2) và “Hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2). Chịu đựng nhau, mang gánh nặng cho nhau nghĩa là chúng ta cần đón nhận những khác biệt của chị em để cảm thông, sống nhân hậu và nâng đỡ nhau.

Yêu thương là phục vụ chị em mình. Đức Giêsu đã dạy:“Con Người đến không phải để người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” .(Mc10,45). Phục vụ là quên mình, là sẵn sàng hy sinh sức khỏe, thời gian, sức lực và những gì tôi có cho người khác.

Yêu thương còn là hạ mình cúi xuống để nâng phẩm giá của anh chị em lên. Thánh Phaolô khi suy niệm về sự tự hạ của Chúa Giêsu đã thốt lên:“ Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Đó là tình yêu đến cùng, tình yêu dám chết cho người mình yêu.

Như vậy, có thể nói khoảng cách của chúng ta đến với Thiên Chúa được đo bằng khoảng cách của chúng ta đến với anh chị em. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan đã viết “Nếu ai nói: “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” ( 1Ga 4,20). Một tình yêu mà không sống cho người khác thì đó chỉ là yêu mình…một tình yêu vị kỷ.

 

Giờ phút này, chúng ta hãy dừng lại để tự vấn lòng mến, hãy trung thực nhìn lại chính mình. Và xét xem khoảng cách giữa tôi đến với Thiên Chúa và đến với chị em như thế nào? Nếu Thiên Chúa còn quá xa lạ và xa cách tôi thì phải chăng bởi vì tương quan của tôi và chị em cũng đang còn xa cách và thiếu bóng tình yêu?

(thinh lặng)

Hát: Luật yêu Thương TCCĐ 1431,2,3,4

1.              Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của Người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình, anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em thực hiện lời Thầy truyền dạy”. (Ga 15,13)

Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn của Ngài. Không phải một tình bạn bình thường nhưng là bạn hữu, bạn chí cốt, tri kỉ. Trong cuộc sống, chúng ta không thể nào làm bạn với một người mà không có một điểm chung nào giữa hai người. Quy luật cho chúng ta hiểu rằng, mình chỉ chơi với, kết bạn với người có một chút hình ảnh, hay điểm chung của mình trong đó, bởi lẽ nơi người bạn, tình bạn, mình cũng tìm thấy chính mình trong tình bạn đó.” (Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh – Trg 81- 82).

Chúa Giêsu muốn trở nên thân thiết với chúng ta nên Ngài đã không dè dặt, không tính toán, không giữ lại điều gì cho mình “Vì tất cả những gì Thầy nghe từ Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết” và rồi cũng vì trân quý tình bạn này Chúa Giêsu sẵn sàng mặc lấy xác phàm như chúng ta, cùng ăn cùng uống sẻ chia cuộc sống thường hằng của chúng ta và rồi đỉnh cao của tình yêu Ngài đã dám hi sinh tính mạng vì chúng ta “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của Người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Chúa Giêsu đã trân trọng và dành hết tất cả cuộc đời mình cho tình bạn của ta với Ngài. Còn phần chúng ta, chúng ta có muốn làm bạn với Ngài không? Đâu là “điểm chung” của tôi với Chúa Giêsu?

Hát:  Tìm Ngài  CLTC 451,2,3

V.       LỜI NGUYỆN KẾT (Trích Rabbouni – Trang 45)

“Lạy Thầy Giêsu, Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, Thầy cũng không gọi chúng con là môn đệ. Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con những điều riêng tư thầm kín nhất trong tương quan giữa Thầy với Cha. Hơn nữa, sau phục sinh, Thầy đã gọi các môn đệ là anh em. Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc. Xin cho chúng con luôn thi hành ý muôn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy. Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã nâng chúng con lên hàng môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Thầy còn hạ mình xuống phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ và chết thay cho chúng con trên thập giá. Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh chị em. Amen.”

Hát: Tình yêu Chúa CTT 50 1,2

Maria Hồ Nữ Hoài Thi

Tập sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo