CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027

ĐỆ TỬ VIỆN 2024


GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

 CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY - NĂM B

I/ MỞ ĐẦU

 Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Chúng con xin thờ lạy và yêu mến Chúa !

Lạy Chúa Giêsu, trước những giây phút gần kề cuộc khổ nạn của Chúa, xin cho chúng con biết đi vào tâm tình của Chúa, để có thể sẻ chia những gì Ngài đang sống, đang cảm nếm và đang ưu tư. Xin hãy chạm vào tâm hồn con! ngay lúc này ! Chúa ơi!

Hát : Chạm lòng con

Mời CĐ đứng lắng nghe Tin Mừng:  Ga 12,20-33

II/ SUY NIỆM

Giữa dòng người tấp nập tiến về Giêsusalem để dự lễ vượt qua, ta thấy xuất hiện nhóm người Hy Lạp. Họ đến gặp Philipphê và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”.( Ga 12,21). Ánh Sáng Tin Mừng đã được hé lộ cho dân ngoại. Những người Hy Lạp muốn gặp Đấng Cứu Thế.

 Tại sao họ muốn gặp Chúa? Phải chăng họ đã nghe các tông đồ và dân chúng nói nhiều về Đức Giêsu? Cũng có thể họ muốn gặp Chúa là vì họ đã chứng kiến sự biến đổi nơi cuộc sống của các tông đồ và những người đã theo Chúa Giêsu. Chúng ta có muốn gặp Chúa như những người Hy Lạp kia không? Hay Ngài không còn hấp dẫn chúng ta nữa vì thế gian đã lôi cuốn và hấp dẫn chúng ta mất rồi?

Thinh lặng

 

Như những người Hy Lạp xưa, nhiều người ngày nay cũng muốn gặp Chúa Giêsu. Một Giêsu đã biến đổi cuộc sống của những người đã theo Ngài. Họ muốn gặp một Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, một Giêsu sẵn sàng hy sinh bản thân vì hạnh phúc của người khác. Liệu mỗi người chúng ta có đang là hình ảnh của Giêsu mà nhiều người mong muốn tìm gặp không?

Hát: Con gặp Chúa TCI trang 84 hát câu 1,2

Chiêm ngắm và trở nên một Giêsu cho thế giới.

Trong bài đọc 2, tác giả thư Do Thái đã viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã phải lớn tiếng rơi lệ mà dâng lời nguyện nài xin Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết (Dt 5, 7). “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-6). Đức Giêsu đã tự nguyện trở thành phận người hữu hạn giữa lòng nhân loại và đón nhận mọi rủi ro, ngay cả cái chết ô nhục trên thập giá. Máu của Người tưới đẫm cánh đồng thế giới làm tuôn tràn ân sủng và sinh ơn cứu độ cho con người, cho chúng ta.

Nhưng khi vừa đến trần gian, Người đã bị chối bỏ “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà không chịu đón nhận (Ga 1,11). Người khác nào hạt lúa bị chôn vùi thật sâu trong sỉ nhục và đau khổ. Người đã sống như một người nghèo âm thầm ở Nazaraet 30 năm. Rồi trên hành trình rao giảng Người đã không có một chỗ tựa đầu (Mt 8,20), bị vu khống, khinh miệt, bị bỏ rơi và phản bội, không ai dám chứa chấp Ngài trong nhà.  Ngôn sứ Isaia đã báo trước thân phận của Người qua hình ảnh Người Tôi Tớ Đau khổ: Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo Người chẳng còn gí khiến chúng  ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật, Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi không đếm xỉa tới. Bị ngược đãi Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca: như chiên bị đem đi làm thịt: như cừu câm nín khi bị xén lông Người chẳng hề mở miệng, Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi thủ tiêu. (Is 53,3;7-8).

Hát: Hạt Giống Tình yêu (f)

Để trở thành Giêsu cho thế giới, chúng ta cũng phải đi vào tiến trình tự hủy của hạt lúa.Thật thầy bảo thật anh em nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi nó chỉ trơ trọi một mình. Con nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều hạt khác ( Ga 12, 24).  Chúng ta cũng phải đi vào con đường thập giá mới chiến thắng sự dữ và tội lỗi. Nhưng chúng ta cứ muốn bám vào những giá trị tầm thường, vào lối sống nhàn hạ, thoải mái. Chúng ta muốn hưởng thụ hơn là hy sinh.

Theo Ngài, chúng ta phải mang lấy thân phận hạt lúa mì, thối đi, bị mục nát trong lòng đất nhân loại, nhưng cây lúa sẽ mọc lên và sinh nhiều bông hạt. Thế nhưng, một thực tế mà ai cũng có thể nhận thấy là khi xã hội càng đề cao hưởng thụ, người ta càng sợ phải đối diện với hy sinh hãm mình, không muốn nói đến hy sinh khổ chế, tìm cách né tránh hoặc làm giảm nhẹ những quy tắc, luật lệ vì cho rằng những điều này không còn hợp thời. “nền văn minh tục hóa xâm nhập vào trong tâm trí một số cộng đoàn tận hiến, lấy cớ cần một sự cởi mở với tính hiện đại và một cách để tiếp cận với thế giới đương thời”. (ĐTC Phanxico).

Cũng thế, nhiều tâm hồn đã quyết tâm theo Chúa Kitô nhưng lại không vượt qua được cám dỗ của sự dễ dãi và những lời mời gọi của lối sống hưởng thụ, an nhàn, ích kỉ thì không thể làm chứng tá. Bởi vì, không chấp nhận khổ chế thì người ta không thể sống theo bí tích rửa tội và càng không thể trung thành với ơn gọi tu trì. (trích tài liệu khổ chế)

 Một chiều trên cây thập giá Chúa đã chết đi vì yêu Ngài đã mở ra con đường sự sống cho nhũng ai đem lòng yêu mến bước theo chân Ngài giữa đời không mang vương lụy.   

Hát : Ôi thân phận người TCV 57

 Đức Giê su đã tự nguyện chịu đau khổ vì anh em để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.”(1,Pr 2,21). Không có khổ chế thì con đường theo Chúa Giê su sẽ trở nên mơ hồ, ảo tưởng. Chúng ta không thể trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê su khi không quyết tâm sống như Ngài.  “Phúc cho anh em khi vì thầy mà bị sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao”. (Mt 5,12).  Tin mừng cho thấy những người được chúc phúc là những người phải đi qua những gian nan! Như thế, không phải ai cũng sẽ được cứu độ, nhưng chỉ những người dám chấp nhận sự thanh luyện của con đường thập giá mới có thể đón nhận được ơn cứu độ từ cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Theo Đức Giêsu chúng ta không thể chối từ thập giá, khổ chế và hy sinh. “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo”  (Mt 16,24).

Tôi đã đón nhận những thập giá của mình như thế nào?

Đối với tôi khổ chế có phải là một giá trị và cơ hội để nên giống Chúa hơn không? để rèn luyện mình, tôi cần thực hành sống khổ chế về phương diện nào?

Chúng ta không chiến đấu một mình nhưng cùng với Đức Giê su “Vị thượng tế đã băng qua các tầng trời và chính Ngài là Đấng không phải không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta vì Ngài đã chịu thử thách như ta về mọi phương diện những không phạm tội. Vì thế chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa để được xót thương và trợ giúp mỗi khi cần. (Hr 14,15)

   Hát : Giê su Vua tình yêu TC V trang 31  

Lạy Chúa Giê su xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận đau đớn khi buông bỏ cái tôi, những dục vọng của đam mê, ích kỷ tôn vinh bản thân. Xin giúp chúng con đóng đinh tính xác thịt vào thập giá Chúa, hân hoan đón nhận trái ý trong cuộc sống để nhờ hy sinh hãm mình chúng con được tự do, thanh thoát khỏi những tính mê nết xấu kéo gì chúng con xa Chúa.

Hát: Thánh Giá nào Chúa dành cho con TC V 71

III. LỜI NGUYỆN KẾT

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại, xin cho chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn. Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy mọi đau khổ của thập giá, xin biến đau khổ và thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và để nên giống Chúa hơn. Xin dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu không từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỉ. Ước chi từ nay không còn điều gì làm chúng con đau khổ và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh. Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất. Amen. ( Mẹ Têresa Cacutta)

Hát : Chúa Vẫn Thánh Hóa TC I Trang 81 c.1,2

Maria Trần Thị Mộng       

Tập Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo