CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027

ĐỆ TỬ VIỆN 2024


GIỜ CHẦU


CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY - NĂM B

 

I.  TÔN THỜ THÁNH THỂ

 

(Làm dấu - Xin mời cộng đoàn quỳ)

 

Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói ;
càng uống, con càng khát ;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.
Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài ?
Con chẳng rõ ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.

 Ruy Broeck - Rabbouni

Hát : Phút an bình CTT trang 61

II.  LỜI CHÚA: Ga 2, 13 -25  (Xin mời cộng đoàn đứng)

SUY NIỆM 1: (Xin mời cộng đoàn ngồi)

“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Trong dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái năm 28, Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem như Người vẫn trẩy Đền hàng năm như những người Do Thái khác. “Năm lên 12 tuổi, người đã rời bỏ cha mẹ để ở lại trong Nhà Cha. Thực ra, những bức tường của Đền thờ vẫn trơ trọi, vắng ngắt, chỉ gợi lại thiên đàng một cách xa xôi; vẫn quần quật những thương nhân, những người đổi tiền bạc, nhiều lễ vật và rất ít tình yêu. Nhưng ở chỗ mà đám thương nhân chỉ nghĩ đến lợi lãi, các trưởng tế chỉ nghĩ đến chu toàn lề luật ấy, Chúa Giêsu đã say sưa cảm nhận sự hiện diện của Cha. Bước vào Đến thờ ấy, Chúa Giêsu lại thấy mình ở trên trời.” (Trích sách Tâm tình Chúa Giêsu).

Tâm tình của Chúa Giêsu khi đến đền thờ để tôn thờ Cha đã gợi lên một cảm thức thần thiêng trong ta về một đền thờ ta. Dẫu biết rằng, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Nhưng không gian linh thánh của Nhà Thờ là việc không thể phủ nhận, bởi nơi đó có Chúa Giêsu hiện diện cách chân thực qua tấm bánh Thánh trong Nhà Tạm. Từ thời Cựu Ước, nguyện đường đã có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với dân tộc Israel. Thánh vương Đavít trong tâm tình cầu nguyện, đã phải ca lên rằng: 

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,

ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài,

tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

Như mảnh đất hoang khô cằn không giọt nước.

Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi Thánh điện,

để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.

 (Thánh vịnh 63, 2-3)

Sự đặc biệt, sự linh thiêng ấy vẫn được duy trì đến ngày nay. Sự tĩnh lặng và linh thánh của nguyện đường mỗi ngày thu hút biết bao tâm hồn đến để ngắm nhìn Thiên Chúa, để được lắng nghe và cảm nếm sự ngọt ngào, thân thương của Chúa qua Bí tích Thánh Thể. Biết bao tâm hồn vẫn đến đây để múc lấy nguồn sức mạnh, nguồn ủi an, nâng đỡ và để được Chúa chữa lành tâm hồn đang rệu rã.

Mỗi sáng, tôi vẫn được diễm phúc bước vào nguyện đường – bước vào Thiên đàng, nhưng liệu tôi có ý thức, có cảm nhận được điều đó?

Hát: Khao khát mong Ngài TC I  trang 262 ( hát như ca vịnh)

Nhà Cha Ta mà Chúa Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta không dừng lại ở nơi nhà thờ vật chất nhưng còn là Đền Thờ nơi thân xác ta. Như Chúa Giêsu đã mặc khải cho người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop: Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này đây, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ  thờ phượng Người, phải thờ phượng trong thần khí sự thật ". ( Ga 6, 23-24).

 Hay trong thư của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô, Thánh nhân viết rằng: Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” ( 1Cr6, 19-20). Hình hài này, cơ thể mà tôi chưa hoàn toàn yêu quý và đón nhận này là Đền thờ của Thánh Thần. Tâm hồn này với biết bao ý hướng của sự dữ: kiêu ngạo, ghen ghét, tính toán thiệt hơn này là nơi Chúa đang hiện diện. Tôi, với trọn thân xác và tâm hồn này là Nhà của Chúa. Có ai khi mời người mà mình yêu quý đến nhà lại để nhà bừa bộn với đầy những rác rến trong nhà. Ấy vậy mà tôi vẫn đang làm điều đó với Chúa. Chúa – một Thiên Chúa hạnh phúc vì sự hiện diện của tôi trên cõi đời này. Một Thiên Chúa luôn đón nhận và yêu thương tôi dẫu có lúc tôi chẳng thể đón nhận và yêu thương chính mình. Một Thiên Chúa chẳng bao giờ chê ghét và không nỡ lìa bỏ ngôi nhà tâm hồn, thân xác tôi dù cho ngôi nhà ấy có bất xứng. Vậy tôi còn nỡ để cho Chúa ở trong ngôi nhà bừa bộn ấy đến bao giờ!

Tôi sẽ làm gì đề tôn vinh Chúa nơi thân xác tôi?

Lời nguyện:

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.

 Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.

    Nhìn xa hơn, đó là Đền thờ của anh chị em tôi. Sáng thế 2,27 : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Mỗi một người chúng ta gặp dù là ai đi chăng nữa đều mang lấy hình ảnh và vẻ đẹp của Chúa. “Chúa Giêsu nhận ra diện mạo Cha trên nét mặt nhân loại và cư xử với họ một cách tôn kính, mặn nồng mà diện mạo Cha gợi lại”. (Trích Sách Tâm tình Chúa Giêsu). Với người phụ nữ ngoại tình, Chúa đã chẳng nhìn thấy một người đàn bà lăng loàng, đáng bị người đời nguyền rủa và đáng bị ném đá cho đến chết như cách những người Do thái thời đó nhìn nàng. Chúa nhìn thấy ở đó hình ảnh một con người đáng thương cần sự xót thương tha thứ. Hay trường hợp ông Giakêu. Trong khi mọi người chỉ nhìn thấy một con người tội lỗi, một kẻ phản bội, đáng bị cả dân tộc tẩy chay, chê ghét. Thì Chúa lại nhìn thấy ở đó một con người  chân thành, mong được hoán cải, mong trở về. Trong Tin mừng, đã không ít lần các Thánh sử ghi lại việc Chúa chạnh lòng thương. Chúa chạnh lòng thương khi dân chúng đói không có bánh ăn, khi họ như đàn chiên không người chăn dắt. Hay Chúa chạnh lòng thương bà góa thành Na-in, Chúa khóc thương Lazaro,.. Chúa có thể nhìn vào sâu trong tâm hồn mỗi người Chúa gặp, Chúa có thể thấy được cái mà người khác không thấy bởi Chúa không nhìn họ bằng cái nhìn theo sự đánh giá của người đời. Chúa nhìn họ bằng đôi mắt yêu thương. Chúa nhìn thấy gương mặt Chúa Cha nơi mỗi người mà Chúa gặp.

Còn tôi, tôi có nhìn thấy một đền thờ sống động ở trước mắt tôi? Tôi có nhìn thấy gương mặt Đấng tôi hằng khao khát và yêu mến nơi tha nhân?

Trong sách Samuen quyển thứ nhất viết về việc ông Đa-vít áy náy trong lòng vì đã cắt vạt áo của vua Sa-un. Ông bảo người của ông: “Xin Đức Chúa đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong, đó là xin Đức Chúa đừng để tôi tra tay hại vua, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”(1 Sm 24, 6-7). Đavit sẽ không áy náy nếu ông nhìn theo lăng kính mà con người vẫn thường nhìn – Tôi chỉ cắt vạt áo của kẻ thù mà không giết hắn đã là nhân từ với hắn lắm rồi. Nhưng ông nhìn vào sự thánh thiêng nơi vua Saun. Ẩn sâu trong con người đang tìm giết ông ấy, là hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng ông hằng tôn thờ và mến yêu.

Tôn trọng sự thánh thiêng nơi mỗi người và nơi chính mình là điều mà Chúa mời gọi tôi – người môn đệ theo sát dấu chân Ngài thực hành trong đời sống.

Vậy tôi đã thực hành điều ấy thế nào rồi? Tôi có cảm thương những người sống xung quanh tôi? Tôi có cảm thấy áy náy hay hối tiếc vì cách cư xử của mình với tha nhân không?

Hát :  Xin giữ con tr 124

SUY NIỆM 2 :

Cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại

   Có lẽ đây là lần duy nhất Chúa Giêsu có thái độ nóng nảy như ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay. “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con đây phải thiệt thân”, có lẽ Người khổ tâm khi Nhà của Cha không còn là nơi gặp gỡ giữa tâm hồn con người với Chúa cả đất trời, không còn sự linh thiêng đáng ra phải có. Thay vào đó là cảnh buôn bán bóc lột nhau, là nơi trục lợi của những kẻ đứng đầu tôn giáo.

Người Do Thái yêu cầu Chúa một dấu lạ chứng tỏ Chúa có quyền đòi hỏi họ, Chúa trả lời  rằng: “Cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.”  Người Do Thái cảm thấy phẫn nộ vì lời đó của Chúa. Đúng như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Côrintô: “ Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ. ( 1Cr 1, 23). Những người Do-thái thời đó, họ chờ nơi Chúa những phép lạ. Nhưng họ không biết rằng chính Chúa Giêsu là phép lạ lớn nhất. Có phép lạ nào hơn phép lạ một Thiên Chúa lại nhập thể làm người ở với, ở cùng và ở trong con người. Có điều bí nhiệm nào gây kinh ngạc bằng việc Đấng tạo hóa yêu thương con người, muốn nâng con người lên để con người được làm con Chúa, được gọi Chúa là Cha. Và được hưởng sự sống đời đời trong cung lòng tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu – Một Thiên Chúa toàn năng, là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên cả vũ trụ bao la rộng lớn lại chẳng thể xây lại một đền thờ so với cả vũ trụ chỉ như một hạt bụi sao? Tuy vậy, Chúa không bao giờ dùng quyền năng vào những mục đích thỏa mãn cá nhân. Những phép lạ hóa bánh ra nhiều hay làm cho người chết sống lại,...là để phục vụ cho con người là vì tình thương dành cho con người. Ở đây, Chúa muốn mặc khải cho con người một phép lạ lớn lao hơn cả. Đền thờ Chúa muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Chúa sẽ chết và sẽ phục sinh để nâng con người lên cùng Chúa. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

   Nhưng để xây dựng lại ngôi đền thờ mới, trước tiên ta phải đp bỏ ngôi đền thờ cũ. Dù là hơn 2000 năm trước hay bây giờ, Chúa Giêsu vẫn đang nói với tôi:phá hủy đền thờ này đi”. Đền thờ mà Chúa muốn phá hủy ở đây là đền thờ ngẫu tượng nơi tôi. Ngẫu tượng của cái tôi lấy mình là trung tâm, của cái tôi hoàn hảo, của ái kỷ, của tìm hư danh,.. Đập bỏ đền thờ đó đi để cùng Chúa xây lại một đền thờ mới. Đền thờ - Nhà của Cha đúng nghĩa.

   Vậy tôi sẽ đập bỏ đền thờ ngẫu tượng nào nơi tôi?

   Không chỉ dừng lại ở việc phá bỏ, Chúa mời gọi tôi cùng Chúa xây lại một đền thờ mới.  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “Mùa chay là thời gian để điều chỉnh lại đời sống của các bạn để đến gần Chúa hơn”. Bởi vậy mùa Chay không chỉ là mùa của sám hối nhưng quan trọng hơn hết là mùa của canh tân.  

   “ Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

      đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.”

                                                                                                (Tv 51, 12)

Ước gì đó cũng là tâm tình cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Có như vậy mỗi mùa Chay Thánh sẽ không qua đi cách vô nghĩa nhưng là cơ hội và thời gian để ta lột bỏ con người cũ và mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô. Khi ấy, ta sẽ thấy cuộc đời này đáng yêu và ý nghĩa hơn nhiều.

Hát: Biến đổi đời con   (TCI/ 70, câu 1,2)

III. LỜI NGUYỆN KẾT        (Mời cộng đoàn quỳ)

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Maria Dương Thị Hồng Khánh

Tập sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo