TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


CHUYẾN THĂM CÁC BỆNH NHÂN HIV

            Mỗi con người một cuộc đời….

Người thì hạnh phúc, hài lòng vì những gì mình đang có. Người thì đau khổ vì những bất hạnh mình đang phải đối diện. Người thì khóc thương cho những lầm lỡ của quá khứ u mê. Người thành công rực rỡ, kẻ thất bại ê chề. Nào có ai giống ai…

Một lần đến, một lần lắng nghe, một lần đụng chạm với nỗi đau của những anh chị em ở bệnh viện Nhân Ái đã khiến lòng tôi xao xuyến, một tâm trạng nuối tiếc. Nuối tiếc cho cuộc đời, cho quá khứ của họ đã để lại một thực  tại phũ phàng và một tương lai của chết chóc bi ai trong cô quạnh. Lắng nghe, nín lòng, để cho nước mắt chảy ngược vào trong. Nghe những chia sẻ của họ mà lòng cũng quặn đau. Những câu hỏi đặt ra, những lời biện minh, những lời an ủi cũng không thể nào phủ lấp được tâm trạng của những con người bất hạnh ấy.

Những chia sẻ qua bài hát : “Giọt nước mắt muộn màng” do một bệnh nhân tự sáng tác và thể hiện với tiếng đàn guitar đã làm tôi xúc động. Lời của bài hát cũng là tâm tư của tác giả muốn nhắn gửi người nghe:

“Đời con đã đi vào u mê

Mẹ cha đã buông con

Giờ đây con biết đi về đâu?

Đời con đã đắm bể sâu

Đời con sẽ như chiếc thuyền không bến, lênh đênh giữa cuộc đời.

Giờ đây con biết đi về đâu?

Giọt nước mắt khóc cho ngày sau

Chắp tay nguyện cầu

Xin cuộc đời hãy thứ tha”.

Nghe thấy da diết, thảm sầu biết bao…

Mẹ cha đã buông họ khi hay tin con đã nhiễm HIV. Họ đã tự giam mình trong bể sâu của u mê, của những tháng ngày buông trôi bản thân. Ngày trước họ đã buông mình cho những đam mê. Thì giờ đây họ cũng phải buông mình trong dòng đời vô định không chốn tựa nương. Giọt nước mắt của thống hối. Giọt nước mắt cần đến tình thương. Giọt nước mắt cần đến sự tha thứ, cảm thông của con người.

Mẹ cha đã buông nhưng vẫn có người đang âm thầm cưu mang họ. Cuộc đời đã đẩy họ vào bóng đêm của bất hạnh nhưng có “những ngôi sao xa xôi” vẫn âm thầm chiếu sáng họ. Sự hiện diện của các tu sĩ ở cộng đoàn Mai Linh  thuộc 5 hội dòng khác nhau đang từng giây phút sát cánh bên họ. Chính những hy sinh, sự phục vụ tận tình của các tu sĩ đã phần nào xoa dịu nỗi đau tinh thần của các bệnh nhân. Các chị lo từng miếng cơm, miếng bánh. Các chị cận kề viếng thăm, động viên an ủi và dành những gì ngon nhất, tốt nhất cho các bệnh nhân dù rằng chế độ ăn của họ chỉ vỏn vẹn 22.000 đ cho một ngày. Bao nhiêu chắt chiu dành giụm để có thêm chi phí mua lấy quà vặt cho những bệnh nhân cận kề cái chết. Có lúc họ thèm một miếng dứa, có lúc họ thèm cái bánh bao. Các nữ tu cũng hết lòng mua cho họ. Chăm sóc, tắm rửa, phải đối diện với bao nguy hiểm, lây nhiễm… nhưng tình yêu đã chiến thắng tất cả, tình yêu đã giúp các nữ tu không ngần ngại dấn thân. “ Các em như những thiên thần, rất dễ thương, chúng con không cảm thấy sợ hãi các em mặc dù biết rằng ngày một ngày hai nữa họ sẽ chết”- Đó là lời chia sẻ của một nữ tu khi được hỏi chị cảm thấy thế nào khi phục vụ các em? Đón nhận một bệnh nhân HIV, yêu thương hết lòng và xem họ như thiên thần, thật không dễ tí nào? Có lẽ chính tình yêu của các nữ tu  dành cho các bệnh nhân mà họ đã  cảm nhận được sự hiện diện của Chúa để rồi họ ngỏ ý xin rằng: “xin cho con được theo đạo, để con được gặp Chúa của Soeur”. Chúa của Soeur ở đâu? Chúa của Soeur trong Soeur, Chúa của Soeur đang yêu thương họ. Các soeurs như những hiện thân cụ thể của Đức Ki-tô. Các Soeurs đã lau khô giọt nước mắt của các bệnh nhân bằng tình thương và lòng nhân ái.

    Mỗi con người một cuộc đời… Cuộc đời là chi ? Tôi đang tìm.

Một cuộc đời bất hạnh gặp một cuộc đời quảng đại dấn thân. Một cuộc đời sắp ngã lòng, buông trôi gặp một cuộc đời sẵn sàng giơ đôi bàn tay yếu ớt để nâng đỡ. Một cuộc đời cảm thấy cô độc giữa dòng đời vô định thì một cuộc đời khác là bạn  dẫn lối chỉ đường về bến bình an.

Một cuộc đời gần như mất tất cả, mẹ cha, vợ con, anh em…thì gặp một cuộc đời làm tái sinh những người cha, người mẹ, người anh, người em tinh thần.