TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


CẢM NHẬN...GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG


“Tôi học cách cho đi không phải vì tôi đã có quá nhiều, mà vì tôi đã biết ý nghĩa và cảm giác của việc cho đi” - Khuyết danh -

Cũng đã 2 tuần trôi qua kể từ chuyến đi bác ái về Trọng Điểm, nhưng bây giờ hồi tưởng lại những gì đã trải qua trong chuyến đi tôi vẫn cảm thấy những hình ảnh con người nơi ấy còn đọng lại trong tâm trí tôi. Đó thật sự là hai ngày cuối tuần ý nghĩa!

Đúng như lời cô Nhung đã nói từ lúc trên xe, ở vùng Trọng Điểm này, chẳng ai là không cần được cảm thông và chia sẻ. Cảm nghiệm rõ điều này nên mục đích của chuyến đi phần lớn là mang lại niềm vui không những cho các bệnh nhân nhưng còn cho chính các nữ tu sĩ đang phục vụ nơi đây qua sự chuẩn bị từ các món ăn cho đến một sự hiện diện phục vụ thật vui tươi và nhiệt tâm trong mỗi chúng tôi.

Quả đúng là trăm nghe không bàng mắt thấy, có đến tận nơi, có cùng ngồi lại để lắng nghe thì mới có thể hiểu và nhận ra được điều đang thôi thúc và còn ẩn giấu bên trong mỗi con người. Trò chuyện với các Sơ, tôi mới cảm được rằng: Giữa những chập chùng rừng núi tách biệt với thế giới bên ngoài, làm không lương, không thù lao, phụ cấp, vậy nhưng các nữ tu sĩ làm điều dưỡng viên ở Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) vẫn ngày đêm thầm lặng hi sinh chăm sóc những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Với các Sơ, bệnh viện là gia đình, bệnh nhân là người thân thiết, lý tưởng là dâng hiến trọn đời cho công việc chăm sóc bệnh nhân, giúp họ sống an bình những ngày tháng cuối đời. Điều này mang đến cho tôi một ấn tượng thật mạnh mẽ!

Tôi lắng nghe các Sơ chia sẻ: “Khi mới lên đây, khung cảnh thì heo hút, nhìn thấy bệnh nhân cũng sợ hãi, vì người đối diện với mình mang căn bệnh thế kỷ.” Nhưng khi cầu nguyện tâm sự với Chúa mình đã có được năng lượng để dấn thân:

 “Mình đã tự nguyện lên đây, tự nguyện dấn thân chăm sóc các bệnh nhân thì còn ngại gì nữa. Lúc đứng bên ngoài nhìn những người nhiễm HIV giai đoạn cuối thì sợ hãi, nhưng khi tiếp xúc với họ, nhìn thấy mạng sống của họ đang chết dần mình không thể cầm lòng được. Những người nhiễm HIV ở đây mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Người nhiễm do một thời ăn chơi trác táng, đến lúc hối hận mới xin vô đây, người bị phơi nhiễm, người bị lây nhiễm từ người tình, hoặc vợ chồng. Cũng có cả bệnh nhân là con đại gia, con ca sĩ nổi tiếng.... Khi đã vô đây, đa số bệnh nhân đã bệnh nặng và xác định đã đến là không có ngày trở lại với gia đình”.

Thật đúng như vậy, tôi đã cảm được tinh thần phục vụ của các Sơ. Sự phục vụ của các Sơ đã làm cho thôi thêm ý thức sâu sắc về ơn gọi tận hiến của mình: “Tôi đã dâng hiến đời mình cho Chúa thì phải dâng cách trọn vẹn và quên mình trong phục vụ để Danh Chúa được tôn vinh”.

Dù chỉ một khoảng thời gian ngắn được phục vụ các Sơ và các bệnh nhân qua các món ăn, và hiện diện trong vui tươi nhưng trong tôi có thêm nhiều điều đáng ghi nhớ trong lòng.

Qua những chuyến đi như thế này, tôi nhận ra rằng mình cần phải biết trân trọng hơn nữa những gì mình đang có; cuộc sống này không cho ta nhiều cơ hội để yêu thương và đựơc yêu thương, cần phải làm sao để những người xung quanh ta luôn được thấy hạnh phúc khi có ta ở bên và khi trong những lúc không có ta, họ vẫn có thể cảm nghiệm được yêu thương trong cuộc đời này.

Chuyến đi đến Bệnh viện Nhân Ái đã đánh thức tâm hồn tôi, đã giúp tôi biết nhìn lại bản thân, biết khởi động lại cuộc sống của mình, đặc biệt giúp tôi ý thức sâu sắc hơn sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô là trở nên đồng hình đồng dạng với Người về mọi phương diện ngõ hầu cho mọi người được sống sung mãn hơn qua sự hiện diện của chính tôi. Tôi tạ ơn Chúa, cảm ơn Người đã huấn luyện tôi qua chuyến đi này. Tôi thầm nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người nơi vùng trọng điểm thân thương này.


Sr. M. Phạm Thị Kính, Rndm