HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


CN 10 TN - B

TỘI LỖI VÀ ÂN SỦNG



 

Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử cứu độ nói riêng là một chuỗi liên tiếp những tội lỗi của con người và ân sủng của Thiên Chúa. Từ xa xưa, con người vẫn kiêu ngạo chống lại Chúa. Cũng từ xa xưa, Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người.

Tội lỗi của ông A-đam và bà E-và được thuật lại trong sách Sáng thế được gọi là tội Nguyên tổ, hay tội Tổ tông. Giáo huấn Ki-tô giáo dạy rằng: tội này như một bệnh di truyền cho mọi thế hệ nhân sinh. Con người sinh ra, bất luận thuộc nền văn hoá hay chủng tội nào, đều mắc hậu quả của tội này. Duy nhất một người không mắc phải, đó là Đức Trinh nữ Ma-ri-a thành Na-da-rét. Ki-tô giáo cũng tin rằng, do hậu quả của tội Nguyên tổ, mà thế gian sinh gai góc, đau khổ bạo lực tràn lan và con người phải vất vả sinh nhai. Đó chẳng phải đã được tuyên bố trong “bản án” của Thiên Chúa, sau khi luận tội con người phạm tội sao?

Thiên Chúa không bỏ rơi con người phải chìm ngập trong tội lỗi và sự chết vĩnh viễn. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian. Thánh Phao-lô đã viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Trong Bài đọc II, Thánh Phao-lô đã nói đến ơn cứu rỗi của người Ki-tô hữu: nhờ Đức Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết mà chúng ta được sống lại với Người. Hơn nữa, nếu Chúa Giê-su được ngự bên hữu Đức Chúa Cha thì chúng ta cũng sẽ được ở bên hữu của Chúa Giê-su. Đây là vinh dự lớn lao của người tín hữu. Giữa những thử thách gian truân của cuộc đời, thánh Phao-lô đã tuyên bố với niềm xác tín: “Chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới… một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta một khối vinh quang vô tận tuyệt vời”.

Nếu ông bà A-đam E-và ở đầu lịch sử đã muốn chối bỏ thân phận thụ tạo của mình, thì hôm nay, nhiều người vẫn đang tiếp tục chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có người ngạo mạn tuyên bố “Thiên Chúa đã chết, hoặc nếu Ngài hiện hữu, thì Ngài cũng bất lực trước sự dữ đang diễn ra mỗi ngày”. Thánh Mác-cô kể lại, một số bà con thân nhân của Chúa Giê-su cho rằng Người đã mất trí. Những kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống cho rằng Người bị quỷ ám. Suốt hai mươi thế kỷ qua, Lời Chân lý vẫn được rao giảng. Có nhiều người thành tâm đón nhận và họ tìm được niềm vui; trong khi đó có nhiều người khước từ với những lời vu khống xuyên tạc giáo huấn của Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không ngủ quên. Ngài lại càng không thể chết vì Ngài là Thiên Chúa bất tử. Ngài cũng là nguồn mạch và nguyên lý sự sống cho muôn loài. Thiên Chúa đã thể hiện tình thương vô bờ của Ngài qua việc sai Con Một là Đức Giê-su xuống trần gian, làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm của tình thương. Con Thiên Chúa đã sống thân phận con người để đồng hành và nâng đỡ con người trong hành trình cuộc sống đầy chông gai vất vả.

Không chỉ cứu độ con người khỏi tình trạng tội lỗi, quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa còn nâng con người thấp hèn lên địa vị cao sang. Những ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành sẽ trở nên thân tình nghĩa thiết của Chúa Giê-su, như Người đã tuyên bố: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Câu nói này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng sự thật là như thế. Trong những lời tâm sự với các môn đệ cuối bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su nói với các môn đệ; “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Ít khi chúng ta nghĩ Đức Giê-su gần gũi thân thiết với chúng ta như một người bạn. Khi gọi chúng ta là bạn hữu, Chúa muốn nhấn mạnh tới mối gắn bó thân tình giữa ta với Chúa. Nhờ sự gắn bó này, mà chúng ta được ở trong Người. Ai ở trong Người, Người sẽ sẻ chia cho họ niềm hạnh phúc và sức sống siêu nhiên.

“A-đam, ngươi đang ở đâu?”. Lời chất vấn của Chúa đã làm cho ông bà Nguyên tổ sợ hãi, vì họ vừa phạm tội. Hôm nay, Chúa vẫn đang hỏi chúng ta cùng một câu hỏi ấy. Tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tức là tìm xác định mối thân tình giữa tâm hồn ta với Chúa ở mức độ nào.

Hôm nay cũng là lễ Trọng thể kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu “mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết, để chúng ta được đầy tràn sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 318-19). Thánh Tâm Chúa Giê-su là kho tàng rộng, từ đó chúng ta đón nhận muôn vàn phúc lộc và ân sủng của Thiên Chúa. Nơi Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta được ơn tha tội, vì máu Chúa gột rửa chúng ta khỏi mọi tội lỗi.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su cũng là ngày xin ơn thánh hóa các Linh mục. Xin Anh Chị Em cầu nguyện cho các Linh mục của chúng ta được thánh thiện, xứng đáng là hiện thân của Chúa Giê-su giữa đời.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn: TGP Hà Nội