Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy một điều
kỳ lạ: sau khi Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, các môn đệ không nhận ra
Người. Trước đó, các ông đã có những tháng năm sống với Thầy mình, đã cùng ăn
uống với Thầy, đã được Thầy giáo huấn dạy dỗ, mà nay lại không nhận ra Người!
Cả những người phụ nữ đã đi theo Chúa để phục vụ Người, nay cũng không nhận ra.
Ma-ri-a Ma-đa-lê-na tưởng Chúa là một người làm vườn, nên xin với “người làm
vườn” ấy chỉ cho biết chỗ để xác Thầy mình. Hai môn đệ trên đường Em-mau không
nhận ra Chúa khi đàm đạo với Người. Thánh Lu-ca còn thêm chi tiết: mắt các ông
bị bao phủ. Và trong Bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ kinh hồn bạt vía khi thấy
Chúa và tưởng là thấy ma.
Sau khi sống lại từ cõi
chết, Chúa Giê-su không còn hiện hữu với cách thức trước đây nữa. Người hoàn
toàn linh thiêng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Vì vậy, Người
có thể vào nhà khi cửa đóng kín. Người có thể vừa ở Giê-ru-sa-lem vừa đồng thời
ở Em-mau. Sự hiện diện của Đức Giê-su Phục sinh là một huyền nhiệm, không thể
cảm nhận bằng giác quan, nhưng bằng đức tin.
Tại sao các môn đệ và
những người đương thời với Chúa không nhận ra Người sau khi Người từ cõi chết
sống lại? Chúng ta có thể trả lời như sau: vì Thiên Chúa là Đấng cao cả và linh
thiêng, nên con người không thể cảm nhận Ngài chỉ bằng thuần tuý giác quan. Chỉ
có đức tin và lòng yêu mến mới giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Ngay cả trước khi nhận ra Chúa Giê-su Phục sinh, các môn đệ vẫn có lối nhìn
thuần tuý con người. Vì vậy mà các ông không nhận ra Chúa, thậm chí còn tưởng
là ma. Chỉ khi được nghe lời Chúa và được xem thấy vết đinh, các ông mới nhận
ra chính là Thầy mình. Đức Giê-su mở trí cho các ông để từ nay các ông hiểu
Kinh Thánh một cách hoàn toàn mới mẻ.
Lịch sử hai ngàn năm đã
chứng minh: Đức Giê-su hiện diện cách huyền nhiệm trong Giáo Hội. Quả thực, mặc
dù chỉ một số rất ít các thánh nhân được nhìn thấy Chúa khi còn sống trên trần
gian, Giáo Hội vẫn luôn tin rằng Đức Giê-su đang hiện diện để hướng dẫn Giáo
Hội và ban sức mạnh cho Giáo Hội khi phải đương đầu với trăm ngàn nguy khốn.
Giáo Hội không chỉ có Chúa Giê-su hiện diện, mà Giáo Hội còn LÀ thân thể huyền
nhiệm của Đức Giê-su. Bí tích Thanh tẩy cho người tín hữu được tháp nhập vào
thân thể ấy. Sứ mạng của người đã lãnh phép Thánh tẩy là làm chứng cho Chúa
Phục sinh. Đây là lệnh truyền của Đức Giê-su. Khi nỗ lực sống ơn gọi chứng tá,
người Ki-tô hữu khẳng định bằng chính cuộc sống cụ thể của mình rằng: Đức Giê-su
đã sống lại và Người đang hiện diện giữa chúng ta.
Là chứng nhân của Đức
Giê-su Phục sinh, người Ki-tô hữu cũng phải luôn canh tân biến đổi cuộc đời để
nên giống Chúa. Thánh Phê-rô đã nói với những người Do Thái: dù nhiều người
trong các bạn đã giết Chúa Giê-su hoặc đồng loã trong việc này, nhưng các bạn
đã làm thế vì không hiểu biết. Nay các bạn hãy sám hối thì chắc chắn sẽ nhận
được ơn tha tội của Thiên Chúa. Vì Đức Ki-tô đã chịu chết chính là để xoá bỏ
tội lỗi chúng ta, người Do Thái cũng như dân ngoại (Bài đọc I).
Cùng một ý tưởng sám hối,
thánh Gio-an tông đồ khích lệ chúng ta hãy tín thác vào lòng từ bi của Thiên
Chúa, vì “chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những
tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (Bài đọc II). Lời
mời gọi sám hối dàn trải trong suốt nội dung của Thánh Kinh. Sám hối cũng là
một điều kiện căn bản để đón Chúa đến trong cuộc đời cá nhân mỗi người. Một khi
đón Chúa đến tâm hồn, chúng ta sẽ được phục sinh vinh quang với Chúa, và sẽ được
nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời ngay khi còn sống trên thế gian.
Ngày nay cũng như ở mọi
thời đại, vẫn có rất nhiều người không nhận ra Đức Giê-su là Thiên Chúa và là
Đấng Cứu độ. Phải chăng họ chỉ nhận định về Người theo lối suy luận thuần tuý
nhân loại, nên không thể nhận ra sứ mạng đích thực của Người?
Bầu không khí sôi động của
lễ Phục sinh đang dần lui về quá khứ. Một khi ý thức được sự hiện diện huyền
nhiệm của Đấng Phục sinh trong Giáo Hội và trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy
bình an và niềm vui Phục sinh còn lắng đọng và kéo dài, thận chí bao trùm trọn
vẹn đời sống Ki-tô hữu. Đây là bình an và niềm vui do chính Đấng Phục sinh ban
tặng cho chúng ta.
“Ai giữ lời Đức Ki-tô dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo”. Tuân giữ giáo huấn của
Chúa Giê-su là một điều kiện căn bản để chúng ta đạt tới mức hoàn hảo của tình
yêu.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn: TGP Hà Nội