Chết để sống
Bước vào Chúa nhật thứ hai mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội
trình bày cho đức tin và lòng vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa của ông
Áp-ra-ham. Nhờ vâng lời và tin vào Chúa, ông sẵn sàng sát tế con duy
nhất của mình là I-sa-ác Thiên Chúa đã ban cho ông, nên ông
được Chúa chúc phúc và thưởng công.
Thánh Phao-lô tin rằng Thiên Chúa sẽ bảo vệ
chúng ta, vì Ngài thương chúng ta, đến nỗi ban Con Một chịu chết và sống lại,
để cho chúng ta là những kẻ phải chết vị tội được
sống.
Tin Mừng mô tả cho chúng ta cảnh đẹp lộng lẫy biến hình của Chúa Giê-su, có Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an làm chứng: “Chúa Giê-su đã biến hình trước mặt các ông và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết” (Mc 9, 2-3).
Sát tế con duy nhất lại có được dòng dõi trường tồn
Được Thiên Chúa gọi mời, Áp-ra-ham
đã đáp lại tiếng Chúa từ bỏ quê hương xứ sở lên
đường theo Chúa. Tuy nhiên, không một thử thách nào nặng nề
hơn thử thách Chúa lệnh cho ông: “Ngươi hãy đem I-sa-ác, đứa con một
yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Mô-ri-gia, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ
toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 22, 2). Chúa yêu cầu ông làm
một việc quá sức và trí khôn ông. Bởi I-sa-ác là đứa con được Chúa hứa ban cho
ông bà khi tuổi đã già.
I-sa-ác, kẻ nối dõi tông đường (x.St 21,12) nay Chúa
lệnh sát tế. Lệnh Chúa truyền như phản ngược lại với Lời Chúa hứa. Phải chăng
lưỡi dao oan nghiệt giáng xuống trên I-sa-ác sẽ có được dòng dõi trường tồn
sao? Áp-ra-ham đã không thể nào nghĩ khác được. Nhưng ông không do
dự, chần chừ. Và đây đã tới đỉnh cao, nơi cử hành hy lễ, ông giơ
tay, cầm dao, sẵn sàng giết con, người con duy nhất mà hơn ai hết, ông biết rõ
nếu chết đi là ông mất tất cả.
Thái độ dứt khoát và hành động quyết liệt của
Áp-ra-ham, tự nó nói lên trọn vẹn niềm tin của ông vào Ðấng không muốn sự
chết nhưng muốn sự sống. Việc Chúa đòi ông hy sinh con một chứng tỏ Chúa hoàn
toàn làm chủ sự sống. Bởi Chúa là Sự Sống, Ngài có quyền trao
ban sự sống và có quyền đòi lại. Thiên Chúa đã trao I-sa-ác cho Áp-ra-ham, bây
giờ đòi lại sự sống đó, dù Chúa đã cam kết: I-sa-ác sẽ khởi đầu của
một miêu duệ đông đảo. Sự đòi hỏi bất thường này chỉ nhằm nói lên khả
năng của Thiên Chúa làm được những việc đối với ta xem là nghịch lý:
khơi dậy sự sống từ cái chết.
Vâng lệnh Chúa sát tế con mình, Áp-ra-ham không thể không cảm thấy lòng mình bị xâu xé vì mối tình phụ tử. Nhưng ông đã tuân theo ý Chúa với niềm tín. Đức tin đã biến đổi đời ông. Từ việc sát tế con duy nhất, dân tộc thánh được phát sinh.
Chết để sống
Trước khi biến hình, Chúa Giê-su đã thăm dò ý kiến
chung, liền sau đó loan báo cuộc thương khó lần thứ I (x. Mc 31, 33). Như thế,
Người đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giê-ru-sa-lem sẽ
đưa Người đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó
mới rạng ngời ánh vinh quang. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều
ở trên núi sau khi chứng kiến Chúa biến hình (x. Mc 9, 5). Và Phê-rô đã muốn
biến cái tạm thời thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập
giá.
Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan.
Xin ơn biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần
Chúa biến hình, báo trước Mầu Nhiệm
Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim để nhìn thấy
Ánh Sáng nhiệm mầu của Chúa hiện diện trong lịch sử cứu độ. Mầu nhiệm Năm
Sự Sáng, thứ Bốn thì Ngắm, Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi, ta hãy xin cho
được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu như sau khi chịu phép rửa nơi sông Gio-đan
“Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giê-su vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi
đêm ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống chung với các dã thú và các Thiên Thần hầu
hạ Người” (Mc 1,12-13), thì giờ đây chúng ta cũng phải xin Chúa Thánh Thần
trợ giúp.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta biết
biến đổi. Nhưng để biến đổi đâu có dễ, cần phải ơn Chúa Thánh Thần trợ
giúp. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng
bước trong Mùa Chay, đặc biệt là xin Ngài biến đổi.
Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con
người khô khan biếng trễ xưng tội rước lễ, lười đi nhà thờ bỏ lễ Chúa nhật
thành người đạo đức thánh thiện và siêng năng. Xin Chúa Thánh Thần biến
đổi chúng ta từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng; từ con người
ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người;
từ con người kiêu căng tự mãn thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào
Chúa.
Chúa Thánh Thần đã biến đổi các giác quan của các tông
đồ, họ mới có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giê-su. Cặp mắt được
đổi mới, các ông mới nhìn rõ hơn những gì tỏa sáng, tai được biến đổi để nghe
rõ hơn tiếng nói tuyệt vời và có thật: là tiếng nói của Thiên Chúa Cha, Đấng
hài lòng về Con yêu dấu của Ngài.
Chúng ta cũng thế, hãy để Chúa Thánh Thần tác động mới
mong được biến đổi, giác quan của chúng ta mới có thể nhìn thấy và nghe được
những điều kỳ diệu và vui mừng trong Thiên Chúa cùng với hàng ngũ các thánh đã
được Chúa Giêsu phục sinh từ trong cõi chết. Để được biến đổi chúng ta hãy vâng
nghe lời Chúa Áp-ra-ham và không ngừng cầu nguyện.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến
đổi con. Xin biến đổi con mắt, môi miệng và lỗ tai con, để con biết thấy
cái hay cái đẹp của tha nhân, biết nói lời hay lẽ phải, biết nghe Lời Chúa, và
nhất là thực hành Lời Chúa dạy. Amen.
Lm. An-tôn
Nguyễn Văn Độ
Nguồn: TGP HàNội