QUAY ĐẦU LÀ BỜ
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
“Quay đầu là bờ” là lời khuyên dành cho những ai đang
làm việc sai trái hãy tỉnh ngộ trước khi mọi thứ trở nên quá muộn màng. Cụm từ
này có nguồn gốc từ một thành ngữ trong tiếng Hán: “Khổ hải mang mang, Hồi đầu
thị ngạn” (dịch là: Biển khổ mênh mang, Quay đầu là bờ). Trong cuộc sống, mỗi
chúng ta đều có những sai lầm, có thể do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan.
Có người khi đã sa vào con đường tội lỗi, cứ nhắm mắt đưa chân, buông theo số
phận và càng ngày càng trượt dốc. Biết tỉnh ngộ và nhận ra những lầm lỗi, đó
chính là quay đầu. Như người đang bơi giữa đại dương, có quay về mới hy vọng
gặp bờ. Cứ đi mãi ắt sẽ chết chìm giữa biển cả.
“Quay đầu là bờ”. Đây không chỉ là tiếng gọi của lương
tâm hay tiếng gọi của bạn bè, mà chính là tiếng gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa
luôn mời gọi chúng ta trở về, để hưởng tình thương của Ngài, như tình thương
của người Cha. Suốt bề dày của lịch sử Cứu độ, bằng nhiều cách khác nhau, Thiên
Chúa luôn kêu gọi tội nhân sám hối trở về để được ơn tha thứ. Bởi vì Chúa là
Đấng từ bi, “Người có giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt
cả đời” (Tv 29.6).
Lời Chúa của Chúa nhật 26 thường niên là lời mời gọi
hãy sám hối và hãy nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en
đã ghi lại lời Chúa phán: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi
công bình chính trực, nó sẽ được sống”. Thiên Chúa rất dễ “quên” quá khứ của
những tội nhân. Ngài không muốn nhớ lại những sự dữ của con người. Những ai cố
tình chối bỏ giáo huấn của Chúa mà chạy theo lối sống gian tà, sẽ phải trả giá
cho những chọn lựa của mình. Chúa trao cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhiệm vụ cảnh báo
dân chúng, để họ từ bỏ lối sống sa đoạ, sám hối trở về với Chúa để được Ngài
thứ tha. Con người thường dựa vào lối suy nghĩ thiển cận và ích kỷ của mình để
phê phán cả Thiên Chúa. Vì thế Đức Chúa đã phán: “Phải chăng đường lối của Ta
không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?”. Chúa là
Đấng công minh. Ai làm điều xấu sẽ phải trầm luân; ai làm điều lành sẽ được
thưởng phúc. Trong đoạn văn liền trước Bài đọc này, Đức Chúa đã khẳng định: “Ai
phạm tội, kẻ ấy phải chết. Con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang
lấy tội của con” (Ed 18,20). Người ta không được lấy công của quá khứ mà xoá đi
tội của hiện tại. Cũng vậy, không thể căn cứ tội của ngày xưa để trừng phạt
ngày nay. Trong xã hội ngày nay, nhiều người cậy thân nhân có chức quyền để làm
những điều sai trái, rồi lại chạy án, tráo trở biến tội thành công hoặc biến
đen thành trắng. Tiền bạc làm con người mờ con mắt và mất lương tâm là thế.
Con Thiên Chúa đến trần gian để kêu gọi những tội nhân
trở về. Trong số những người nghe Chúa Giê-su giảng, có người giàu, người
nghèo; có người trí thức, người bình dân. Có những người thu thuế và những cô
gái làng chơi đã rộng mở tâm hồn để đón nhận lời giáo huấn của Người. Nhờ gặp
gỡ Chúa Giê-su, cuộc đời của họ đã sang trang. Có những người, sau khi phục
thiện, đã trở nên môn đệ của Chúa. Thiên Chúa đã quên quá khứ của họ. Ngài phục
hồi phẩm giá của họ và trao cho họ sứ mạng cộng tác với Ngài.
Trước sự cứng lòng và vô tín của một số những người Do
Thái, Chúa Giê-su đã kể một dụ ngôn. Một người cha có hai con trai. Ông bảo cả
hai con đi làm vườn nho, và kết quả khác nhau. Đứa mau mắn đồng ý thì lại không
làm; kẻ ban đầu từ chối sau đó lại chăm chỉ. Như thế, người từ chối lời mời gọi
của cha chưa hẳn đã là người bất hiếu. Người mau miệng nói lời thưa vâng chưa
chắc đã là người dễ bảo. Qua câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn nhắc đến những
thái độ khác nhau trong việc đón nhận giáo huấn của Người. Trong số những người
đương thời lúc đó, có những người mau miệng tung hô Chúa, nhưng không thực tâm
tuân giữ Lời Chúa. Ngược lại, có những người đã có thời lầm lỗi, nhưng khi được
tiếp xúc với Chúa, họ thành tâm đổi đời và chấp nhận buông bỏ tất cả để trở nên
môn đệ của vị Thày Giê-su. Đó là trường hợp ông Gia-kêu, đứng đầu sở thuế. Đó
cũng là trường hợp bà Ma-đa-lê-na, người phụ nữ tội lỗi có tiếng trong vùng.
Trong khi đó, một số người vốn cho mình là thánh thiện và uyên bác, lại tìm
cách bắt bẻ Chúa và xuyên tạc giáo huấn của Người. Chúng ta thấy rõ điều đó
trong vụ án mà Phi-la-tô là chánh án xét xử và Chúa Giê-su là bị cáo. Các
thượng tế và luật sĩ, cùng với đám người pha-ri-siêu (còn gọi là biệt phái) đã
vu khống Chúa là kẻ phá đền thờ, vi phạm Lề Luật, và nổi loạn chống lại hoàng
đế. Lời tuyên bố của Chứa Giê-su tuy gay gắt nhưng phản ánh một sự thật: “Những
người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông!”. Người ta
thường nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ; tội nhân nào cũng có một tương
lai”. Dù tội lỗi đến đâu, nếu thành tâm sám hối, tội nhân vẫn được Chúa thứ tha
và vẫn có thể trở nên người tốt.
Nếu Chúa Giê-su giảng dạy về sự vâng phục, thì chính
Người đã nêu gương qua cuộc sống của Người. Bài đọc II trích thư thánh Phao-lô
trong thư gửi tín hữu Phi-li-phê trong Chúa nhật này là một đoạn văn rất quen
thuộc, diễn tả sự khiêm tốn hạ mình và vâng phục của Chúa Giê-su. Người đã đón
nhận tất cả về mình, huỷ mình đi để ý Chúa Cha được thực hiện. Người vâng lời
một cách trọn vẹn, trong cuộc sống cũng như trong hoạt động loan báo Nước Trời.
Người là mẫu gương cho sự tuân phục của người Ki-tô hữu. Đó là sống vì người
khác chứ không vì mình. Cái chết đau thương của Chúa Giê-su trên thập giá đã
hoà giải Thiên Chúa với thế gian, xoá đi bản án nguyên tội, kết nối anh em đồng
loại trong tình huynh đệ.
Sống giữa thế gian, tứ bề vây bọc bởi biết bao cám dỗ:
danh vọng, quyền lực, tiền tài, thù hận… Chúa dạy chúng ta hãy sống thanh cao,
như đoá sen giữa bùn lầy. Đôi khi buông bỏ chính là hạnh phúc – điều này con
người sớm sẽ nhận ra bởi vì càng đòi hỏi và cầu toàn sẽ khiến cho bản thân thêm
mệt mỏi, vì chính chúng ta đã hoàn mỹ bao giờ! “Quay đầu là bờ!”. Thiên Chúa
luôn đồng hành với chúng ta trên con đường trở về.
Chúa nhật 26 thường niên năm nay cũng là ngày mồng một
tháng mười, ngày đầu tháng Mân Côi. Cùng với Đức Trinh nữ Ma-ri-a, chúng ta suy
niệm cuộc đời Chúa Cứu thế, chiêm ngắm những mầu nhiệm diễn tả bốn giai đoạn
trong cuộc đời dương thế của Người: đó là Vui, Sáng, Thương, Mừng. Trong tất cả
những biến cố này, Mẹ Ma-ri-a luôn hiện diện để hiệp thông với Con mình, góp
phần thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ kinh Mân Côi, chúng ta
qua Mẹ để đến với Chúa Giê-su, noi gương Mẹ để trở nên môn đệ trung thành của
Chúa. Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương hoà bình. Xin Mẹ ban bình an cho thế giới, cho gia
đình và cho mỗi chúng ta. Amen.
+TGM Giu-se Vũ
Văn Thiên
Nguồn:
TGP Hà Nội