ĐỆ TỬ VIỆN 2024

MỪNG BÁCH CHU NIÊN ĐBTG VN

TẬP SINH NĂM 1 2023


XƯNG TỘI


Hòa mình trong đoàn người xếp hàng chờ lãnh nhận bí tích hòa giải, Bình chăm chú hướng mắt nhìn thẳng tòa giải tội. Phía trước còn 3 người, xếp thành 2 hàng. Vậy là khoảng 6 lượt nữa tới phiên mình, Bình lẩm nhẩm xét mình chờ tới lượt. Đang chú tâm đọc kinh ăn năn tội nửa chừng, một người phụ nữ đứng tuổi từ ngoài chen ngang vào, vỗ vai Bình lên tiếng, năn nỉ:

Xin lỗi chú, chú nhường tôi xưng tội trước được không? Tôi bị đau khớp, xếp hàng đứng chờ lâu quá sợ ảnh hưởng sức khỏe.

Bình cúi đầu không nói gì, lùi lại một bước nhường chỗ cho bà. 5 phút trôi qua, một người đàn ông trung niên khác từ đâu đến đứng nhìn qua nhìn lại, rồi chen vào trước mặt Bình tươi cười nhỏ nhẹ:

Chú có thể nhường tôi xưng tội trước được không? Tôi đón con học trường bên cạnh nhà thờ, tranh thủ chạy qua đây xưng tội, sắp tới giờ nó tan trường rồi. Nếu tôi xếp hàng phía sau theo thứ tự sợ trễ giờ đón nó, chú thông cảm nhá.

Bình lần nữa cúi đầu lùi lại nhường chỗ cho ông. Khi ông vừa vô hàng đứng ngay ngắn, phía sau nhiều người bắt đầu xầm xì:

Đi xưng tội mà mất lịch sự, không văn hóa xếp hàng. Nhà thờ nhà thánh còn vậy huống hồ… Muốn nhanh thì sắp xếp thời gian đi sớm đi, đi trễ lại cứ thích chen vào trước.

Những người đứng phía xa đằng sau nhìn lên bắt đầu khó chịu, vài lời chen vào bàn tán:

Đúng lý, nếu muốn xin đứng trước phải xin phép từ dưới chót lên, xin từng người chứ ai lại chen ngang vô xin người đứng đầu, đúng là…

Từ nãy đến giờ, phía trước Bình vẫn còn 3 người. Trên cùng là cô gái trẻ, kế đến là bà già bị đau chân, tiếp nữa là người đàn ông đón con, rồi đến Bình. Bình ngoái mặt lại phía sau một hàng dài đang chờ nhận bí tích hòa giải.

Lịch giải tội dòng Chúa Cứu Thế mỗi ngày hai buổi các ngày trong tuần. Trong dịp mùa chay, các cha tăng cường thêm giờ nhưng số lượng hối nhân vẫn đông liên tục.

………………

Bình là linh mục trẻ thuộc giáo phận Nha Trang. Tháng trước trong đợt tham gia giải bóng đá cùng thanh niên giáo xứ tổ chức hàng năm của giáo phận, Bình bị đau chân, gần cả tháng nay chưa khỏi, càng lúc càng đau thêm. Các bác sĩ và người quen trong xứ thẩm định có thể đứt dây chằng gối và khuyên vô bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở Sài Gòn khám cho chắc ăn.

Sắp xếp công việc giáo xứ ổn thỏa, Bình mua vé xe đêm lên đường vô Sài Gòn khám. Trước khi đi, có người trong hội đồng giáo xứ đưa Bình số điện thoại và quan tâm căn dặn:

Đây là số điện thoại bác sĩ Thương, người quen với con làm ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Cha gọi trước để có người hướng dẫn, khỏi mất thời gian chờ.

Trước khi lên xe, Bình gọi bác sĩ Thương đăng ký lịch sớm. Bác sĩ Thương sắp xếp và hẹn 10h sáng đến sẽ được hướng dẫn. Bình vô bến xe 6h sáng, đón xe ôm đến dòng Chúa Cứu Thế viếng đài Đức Mẹ, rồi đi xưng tội vì có thể chẩn đoán xong sẽ đưa vào phòng mổ ngay, dù chỉ là mổ dây chằng chân và mới xưng tội tuần trước trong đợt tĩnh tâm hàng tháng với linh mục giáo phận.

………………

Lâu lắm rồi Bình mới có cảm giác xếp hàng xưng tội cùng với giáo dân và chờ tới lượt. Từ khi bước chân vô Đại Chủng Viện tới nay hơn 10 năm, mỗi lần muốn xưng tội là đến thẳng phòng cha linh hướng hoặc cha bạn, rất nhanh. Nay phải đứng chờ, Bình lần hết chuỗi 50 nhìn lên thấy còn 3 người, tưởng sắp đến, ai ngờ lại bị chen vào và tiếp tục chờ. Lúc này, Bình mới phần nào hiểu cảm giác của giáo dân.

Cô gái trẻ trên cùng đến lượt bước vào tòa cáo giải, vậy là còn 2 người nữa. Cô gái ấy vô xưng tội khá lâu. Mọi người bên ngoài bắt đầu nhốn nháo, xầm xì. Bà già đau chân suýt xoa càm ràm, ngồi xuống ngồi lên chà chà đầu gối:

Không biết xưng tội gì lâu dữ. Chắc tội nặng lắm đây. Trộm cắp, lừa lọc, phá thai, ngoại tình… Chà, tuổi trẻ thời nay đủ thứ trò, khó lường được. Vô nãy giờ hơn 5 phút chưa thấy ra.

Mấy người bên cạnh hàng kế bên cũng xầm xì hùa theo, chà dép xuống nền gạch kêu lẹt xẹt:

Còn cả đống người mà vô xưng gì lâu thế không biết, có gì nói lẹ xong ra cho những người phía sau nữa chứ. 10 người như cô ấy chắc chờ tới mai. Haizza… Mà ông cha giải tội nữa, khuyên gì lâu dữ không biết.

Người đàn ông mới nãy xin Bình đứng trước thấy mọi người ồn ào, tỏ vẻ nghiêm túc, quay lại đằng sau dõng dạc nói lớn:

Người ta xưng tội, mình cũng xưng tội, hãy tôn trọng người ta chứ. Cha giải tội hiểu và biết cách xử lý, mấy người đi xưng tội mà đứng đây than phiền trách móc, nói xấu nói hành người khác thà khỏi đi thì hơn. Chúng ta cứ chờ, trong khi chờ hãy xét mình thật kỹ, nếu xét mình kỹ rồi thì đọc kinh hay lần chuỗi chờ, chứ càm ràm được ích gì, có nhanh hơn được không?

Mọi người liếc mắt lườm anh chàng ấy một cái xong tất cả im lặng, đứng im chờ đến lượt mình. Cô gái trẻ ấy từ từ trong tòa giải tội bước ra. Cô đi như chạy, nước mắt dàn dụa. Cô đưa tay che mặt để người khác khỏi nhìn thấy mình vì xấu hổ. Mọi người bên ngoài thấy cô ra, im phăng phắc không dám bàn tán, bình luận gì nữa. Bình quay lại nhìn theo. Cô cúi đầu đi thẳng ra cuối sân, ngồi dưới gốc cây sồi, bên gần tượng Đức Mẹ.

Xưng tội xong, Bình vô nhà nguyện làm việc đền tội. Ngang qua cây sồi vẫn thấy cô gái ấy đang ngồi, đầu gục xuống gối, Bình tiến tới hỏi:

Chào em, em xưng tội xong sao chưa về?

Cô gái ngước lên nhìn Bình, mắt vẫn còn đỏ hoe, nói trong tiếng nấc, nghèn nghẹn:

Dạ, em ngồi chờ cha. Cha bảo chờ cha giải tội xong sẽ gặp riêng em.

Bình đưa tay hướng về hàng người đang đứng chờ xưng tội, rồi chỉ vào bản thân mình, nhìn cô gái trẻ cúi đầu an ủi:

Em ngồi chờ cha nhá. Những người đang xưng tội kia, và tôi nữa, ai cũng không nhẹ tội hơn em đâu. Em an tâm nhá. Em cứ ngồi chờ, cha giúp được em đấy. Chúc em luôn bình an!

Cô gái cúi đầu cảm ơn và chào Bình. Bình vô nhà thờ quỳ gối đọc kinh làm việc đền tội. Thực ra, điều Bình nói với cô gái ấy không sai: Cả tôi nữa cũng không nhẹ tội hơn em đâu. Điều này không phải do Bình tự suy đoán, mà dựa vào lời căn dặn từ cha giải tội.

Trước giờ, khi xưng tội xong, Bình nhận được lời dặn dò từ các cha cách chung chung, đại khái cố gắng làm điều này, làm điều nọ, hãy ăn năn thống hối, siêng năng đến với Chúa và Đức Mẹ, Chúa luôn yêu thương và tha thứ, lần sau đừng phạm nữa…

Lần này, Bình nhận được một lời khuyên nhớ đời. Nghe Bình xưng tội xong, cha giải tội im lặng hồi lâu, thở ra bằng giọng lạnh lùng:

Anh đi xưng tội làm gì? Tôi nói thật, anh đi một ngàn lần nữa vẫn vậy. Anh cứ nghiêm túc rà lại cuộc đời anh xem, bao nhiêu lần đi xưng tội rồi? Sau đó khá hơn không, hay vẫn như cũ và thậm chí tệ hơn?

Dừng lại một lúc, cha giải tội thở dài tiếp tục với giọng trầm buồn:

Anh mới nói xưng cách đây một tuần, chứng tỏ anh xưng tội thường xuyên. Đó là điều kiện cần. Xưng tội thường xuyên mà không thay đổi đời sống là uổng công, chẳng ích lợi gì. Tôi khuyên anh từ nay về sau khỏi đi nữa. Từ giờ tới chết, anh đi thêm ngàn lần nữa cũng thế, nếu vẫn giữ thói quen như vậy.

Bình nghe xong thấy choáng váng như muốn té ngửa trong tòa cáo giải. Thinh lặng lần nữa thật lâu ngỡ như thời gian đứng lại, với giọng ngập ngừng nhưng chắc nịch, xác tín, cha giải tội nói tiếp:

 

Anh giục lòng ăn năn đi, ăn năn thật sự đấy. Tội của anh, Chúa chắc chắn tha thứ. Còn cá nhân, tôi chưa tin anh sẽ thay đổi. Hãy thật sự giục lòng ăn năn, tôi sẽ đọc lời xá giải cho anh.

Sau tiếng gõ cốc cốc vào thành tòa cáo giải báo hiệu xong, Bình bước ra mồ hôi toát ướt cả áo, che mặt bước đi nhanh như cô gái nọ.

 

Giờ ngồi trong nhà thờ làm việc đền tội, những lời cha “khuyên” trong tòa cáo giải ban nãy làm Bình giật mình liên tục. Bao lần mình đi xưng tội, vắt óc suy nghĩ “tìm” tội để xưng, hết 10 điều răn của Chúa tới 5 điều dạy của Hội Thánh v.v… Đúng lý, tội đâu phải “tìm” mà nó “có đó”, quan trọng mình “dám” xưng hay không thôi. Rồi nữa, không ít lần mình tìm cách vận dụng ngôn từ diễn đạt để tự “giảm” nhẹ, nói tránh tối đa. Thái độ bước vô tòa giải tội giả đò khiêm tốn nhún nhường, nhưng bước ra lại kênh kiệu, hiên ngang như thánh sống. Trời ơi… thôi thì đủ kiểu. Giờ nghĩ lại, liệu rằng những tội mình xưng bấy lâu nay có phải tội mình hay không?

 

Tiếp tục nhớ lại lời khuyên xát muối ấy, bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu Bình:

Sao cha lại khuyên kỳ vậy ta, lỡ người ta sợ quá không đi xưng tội nữa sao? Tòa giải tội là nơi tha thứ chứ đâu phải hù dọa và la mắng, sao ông cha này làm ghê thế? Có phải ai ông cũng làm cách đó, hay chỉ cho riêng mình?

Bình liếc nhìn ra gốc cây sồi, cô gái trẻ vẫn kiên trì ngồi chờ. Hóa ra, mỗi hối nhân cha khuyên và cho “liều thuốc” hoàn toàn khác nhau. Dù che khuất tấm vải không nhìn thấy mặt hối nhân, chỉ nghe giọng, cha giải tội ấy tập trung cực kỳ cao độ thẩm định nên “bốc thuốc” gì cho hối nhân.

Nhớ lại bao lần mình ngồi tòa giải tội, nhiều khi đầu óc nghĩ lung tung, mắt nhìn mọi thứ xung quanh, khuyên chiếu lệ, khuyên xong chẳng nhớ khuyên gì, đọc lời xá giải vô cảm. Bình đấm ngực tạ ơn chúa và cảm ơn ông cha giải tội ấy.

 

………………

 

10h sáng, Bình đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ Thương dẫn Bình làm các thủ tục cần thiết rồi đi chụp X-quang. Họ đưa kết quả và yêu cầu nhập viện một ngày theo dõi, hôm sau mổ ngay. Bình gọi điện về báo Cha Sở và mọi người ở giáo xứ biết chừng, rồi làm thủ tục nhập viện.

 

Sài Gòn, Bình có đứa bạn thân là Sơn, cùng xứ, cùng lớp và cùng ý hướng. Sơn trước kia học chung với Bình ở Đại Chủng Viện. Sau thời gian theo đuổi ơn gọi linh mục, Sơn nhận ra mình không phù hợp nữa nên chuyển hướng.

 

Hôm qua trước khi đi, Bình tính gọi báo Sơn nhưng sợ phiền nên thôi, nay tới nước này chắc phải gọi. Bên kia đầu dây, Sơn trả lời hớn hở:

Bình nhắn địa chỉ, số phòng nhá, chiều mình làm về sẽ ghé.

Chiều hôm ấy Sơn ghé đến, mang theo tất cả vật dụng liên quan đến việc chăm nuôi người bệnh: Bình nước, tô, ly, chén, đũa, mền, gối… và cả chiếc chiếu cá nhân tối trải ra ngủ. Thấy Sơn vào, Bình lên tiếng:

Mày đem gì nhiều dữ? Bị vợ đuổi hay sao đem hết đồ đạc ra khỏi nhà vậy? Tính định cư suốt đời ở đây luôn à.

Sơn từng bước xếp tất cả đồ đạc vào vị trí chiếc tủ trên đầu giường bệnh cách gọn gàng, lên tiếng hướng dẫn kỹ lưỡng:

Tao mua tất cả đồ cho mày nhập viện. Đồ ăn thức uống mua sẵn để đây, cả mấy bịch sữa nữa. Tối tao ở lại với mày. Còn ban ngày, tao nhờ thằng Tuấn, em tao tới chăm sóc. Mày cần mua cơm, lấy đồ ăn, dìu đi vệ sinh hay đi đâu, nó phụ cho. Nó đang học năm cuối, thời gian này nghỉ ở nhà làm bài nên rảnh không, mày đừng ngại.

Dừng lại một chút, Sơn tỏ vẻ lo xa hơn, đặt mình là người trong cuộc, quan tâm gợi ý:

Tao nghĩ mày không nên gọi người trong giáo xứ hay bà con, người nhà ở quê vô đâu, phiền và tội nghiệp họ.

Mọi thứ thằng Sơn tính toán đâu đó hết. Nó bày cơm ra cái bàn tự chế rồi hai đứa cùng ăn. Đang chừng, nó hỏi kiểu trách móc:

Mày vô không báo, nếu gọi trước tao chạy ra bến xe đón cho khỏe, trễ quá tao hơi cập rập. Mà mày vô sáng giờ làm gì, đi đâu rồi hay vô thẳng bệnh viện luôn?

Bình ngưng đũa, kéo phần thức ăn lại sát để Sơn dễ lấy, chậm rãi từ tốn:

Tao tưởng vô khám xong về ngay, chứ đâu nghĩ nhập viện mổ luôn, nên không gọi mày trước. Sáng vô sớm, tao có ghé dòng Chúa Cứu Thế.

Sơn tò mò hỏi thêm:

Vô mua sách à? Hay mua đồ lễ?

Bình vội nuốt miếng thức ăn xong, chậm rãi trả lời:

Ừ, tao ghé mua một vài thứ cho giáo xứ, sẵn xưng tội luôn.

Sơn trợn mắt ngạc nhiên, dừng đũa nhìn Bình nhếch miệng cười, hỏi mỉa:

Gì? Xưng tội? Linh mục tháng nào chả tĩnh tâm và xưng tội, sao không xưng mà trốn vô trong này xưng. Hay mày gây ra vụ gì không dám xưng tội với cha linh hướng?

Bình trừng trừng trả lời, đượm vẻ dí dỏm:

Bậy mày. Mày nghĩ khả năng tao có thể gây ra tội gì tày trời được? Giỡn chứ ngoài đó bác sĩ dự báo đứt dây chằng, phải mổ. Tao dự phòng trong trường hợp xấu nhất chụp hình xong mổ liền nên xưng tội trước cho chắc. Thời buổi bây giờ mổ xẻ không biết chuyện gì xảy ra. Mày không nhớ trường hợp cha Khương sao, ngài vô mổ dây thanh quản xong đi luôn á. Haizza… Thời buổi bây giờ không nói trước được gì hết.

Sơn trầm ngâm gật gù, cười cười nhấn mạnh:

Mày tính chắc thiệt á, không ngờ các linh mục lại sợ chết đến thế. Tao cũng hay xưng tội ở dòng Chúa Cứu Thế. Tao nhớ một lần vô xưng tội xong, ông cha giải tội ra việc đền tội kỳ lạ chưa từng thấy.

Vừa nghe nhắc đến ông cha giải tội dòng Chúa Cứu Thế cho lời khuyên lạ, Bình trợn mắt:

Làm gì mà kỳ lạ?

Sơn vuốt mái tóc ngược lên, ngẩng mặt cười cười tỏ vẻ khiêu khích, chia sẻ:

Ổng bắt tao bỏ 50 ngàn vô thùng tiền Đức Mẹ. Nói thiệt, tao hơi sốc. Mày nghĩ sao việc đền tội lại bắt bỏ tiền. Trường hợp lỡ không có tiền thì sao? Với lại theo tao, cái nào ra cái đó, của “Cezar trả Cezar, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” chứ, lẫn lộn tùng phèo hết, tao chịu thua mấy ông cha luôn á.

Bình nghe xong thở phào vì tưởng Sơn cũng nhận lời khuyên giống mình, ai ngờ không phải. Bình nhanh trí đùa qua chuyện:

Thì cha ấy biết mày có sẳn tiền mới ra việc đền tội thế chứ. Có phải ai cha cũng làm vậy đâu. Hôm đó mày để ý thấy mỗi mình mày bỏ tiền hay ai xưng tội ra cũng bỏ tiền vô đài Đức Mẹ giống mày?

Nói thế nhưng Bình vẫn thấy trong lòng hơi xót xa một chút về câu chuyện thằng bạn chia sẻ. Sơn nuốt xong muỗng cơm, tiếp tục như suy niệm:

Tao thấy nhiều người đi xưng tội vì sợ Chúa phạt. Tao không bao giờ nghĩ có chuyện Chúa phạt. Kinh Thánh khẳng định rõ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Thiên Chúa chỉ yêu và thương, chứ làm gì phạt. Nếu có “phạt” thì là phạt – yêu, chứ không có chuyện phạt để phạt. Mày thấy đúng không?

Dừng lại một lúc khá lâu, Sơn tiếp tục dòng hồi tưởng và suy tư:

Hồi nhỏ mày nhớ không, tao với mày làm gì cũng sợ Chúa phạt? Đi học trễ sợ Chúa phạt. Không thuộc bài, nói chuyện trong nhà thờ, không đọc kinh tối… đều sợ Chúa phạt. Thậm chí, mấy bà xóm mình chiều chiều đút cơm mấy đứa con nít, nó không chịu ăn hay ăn không hết, làm đổ đồ ăn ra ngoài cũng hù dọa bằng cách coi chừng Chúa phạt. Giờ nghĩ lại thấy tức cười! Nhiều khi tao nghĩ, Chúa đâu rảnh dữ, cứ canh me con người ta sơ hở phạt không hà. Nghĩ thế tội Chúa chớ!

Nghe Sơn thủ thỉ xong, Bình ngồi thẳng lưng dậy, trầm ngâm thêm vào:

Mày nói không sai. Bình thường, người ta cứ tưởng: Phạm tội – xưng tội – Chúa tha tội. Thực ra không phải vậy, đáng lẽ phải là: PHẠM TỘI – CHÚA THA TỘI – XƯNG TỘI.

Nghe Bình đề cập đến tiến trình tha tội xảy ra trước, rồi mới đi xưng tội, Sơn la lên:

Thế đi xưng tội làm gì nữa, Chúa tha rồi còn đi xưng tội làm gì. Mày về nhà thờ mình làm lễ “giảng” thế, má mày với má tao nghe được chửi cho á. Nhớ hồi xưa không, cứ mỗi lần mùa vọng mùa chay, hai bà nhắc tao mày liên tục như súng liên thanh bắn trong đầu: Lo đi xưng tội đi, coi chừng Chúa phạt đó. Mày không nhớ à?

Bình nhẹ nhàng và khẳng định chắc chắn lại tiến trình vừa nói và giải thích thêm:

Đi xưng tội để lãnh nhận ơn tha thứ. Lãnh nhận ơn tha thứ, với, để được tha thứ, khác nhau xa lắm. Mày nhớ lại dụ ngôn người cha nhân hậu (mà bây giờ người ta hay gọi là dụ ngôn người cha có hai thằng con hư ấy), trong tin mừng Luca xem. Khi đứa con thứ đi hoang, người cha đã tha cho nó chưa? Chắc chắn tha rồi, tha rồi hằng ngày ông mới ra cổng chờ con về chứ. Nếu không tha ông ra cổng đứng chờ làm gì? Hễ nó về lúc nào là nhận được ơn tha thứ từ lúc đó ngay. Nếu nó đi luôn không về, ổng chịu thua.

Bình im lặng một hồi, tiếp tục lên tiếng:

Chuyện này dễ hiểu mà, hồi nhỏ tụi mình làm điều bậy bạ bị ba má đánh xong bắt xin lỗi á. Thực ra, khi mình phạm lỗi ba má đã tha rồi, chứ đâu phải và đâu cần xin lỗi mới tha. Mình xin lỗi để nhận sự tha thứ thôi. Đó, ba má mình là con người còn hành xử vậy, huống hồ Thiên Chúa.

Trong khi thằng Sơn gật gật đầu im lặng thì Bình trầm ngâm thêm vào:

Thánh Phaolo cũng khẳng định rõ trong thư Roma: Thiên Chúa yêu con người từ khi còn là tội nhân. Thiên Chúa đâu chờ con người xinh đẹp, trơn tru mới yêu. Đúng không mày?

Sơn nãy giờ im lặng ngồi nghe Bình chia sẻ và suy nghĩ. Những hình ảnh ngày xưa thuở nhỏ ùa về. Người lớn dạy con nít bằng cách “hù” là chính. Học sinh phải thuộc bài kẻo cô giáo phạt. Con cái phải vâng lời kẻo ba má đánh. Ba má “hiền quá” thì lấy hình ảnh công an, ông Kẹ, ông Ma, thậm chí Chúa ra hù. Thế mới có chuyện thằng Bợm đi chăn bò ham chơi về trễ. Ba nó lôi về hỏi lý do. Nó phịa câu chuyện ứng biến: Gặp ổ chó đẻ lạ kỳ. Con chó mẹ đẻ 5 con: Đen, trắng, vàng… bí quá nó phán đại: xanh và đỏ. Câu chuyện chó xanh chó đỏ nổi tiếng cả làng khi ấy nhưng mấy ai nghiêm túc để ý tới.

Hù dọa dựa trên thưởng phạt là phương pháp nhanh gọn lẹ trong giáo dục và quản trị, nhưng không phải chuyện gì nhanh gọn lẹ cũng tốt. Hằng ngày trên công ty hoặc mỗi lần tụ tập bạn bè cuối tuần, thậm chí họp phụ huynh hàng tháng, Sơn nghe mọi người bàn tán cách ứng biến với cuộc sống và dạy dỗ con cái chẳng khác mấy. Đại loại: Ráng học kẻo sau này làm ăn mày, bán vé số. Ra đường mang nón bảo hiểm kẻo công an phạt. Người tin vào đầu thai khuyên ăn trứng vịt lộn nên bóp nát vỏ kẻo chết bị án phạt gánh nước. Lớp giáo lý truyền tai đừng phạm tội kẻo Chúa phạt xuống hỏa ngục….

 

………………

 

Bất chợt Sơn lên tiếng trả lời, mỉm cười ý vị như ngộ ra điều gì mới mẻ:

Hóa ra học thần học thú vị đấy chứ. Như vậy, khi mình phạm tội Thiên Chúa tha ngay, phạm là tha, tha ngay và luôn. Mình đi xưng tội để nhận được ơn tha thứ đó, xưng lúc nào nhận lúc đó. Như thế sau này, nếu mình chết “phải” xuống hỏa ngục là do mình, chứ đâu phải Chúa phạt. Do mình không muốn vào thiên đàng, không chịu trở về nhận ơn tha thứ.

Dừng lại một chút, Sơn liên tưởng đến đề tài liên quan nên hỏi tiếp:

Và nếu Chúa không phạt thì làm gì có hỏa ngục mày nhỉ?

Bình đưa tay dọn vỏ hộp cơm và rác vô bịch nilon, trầm ngâm trả lời:

Hỏa ngục có chứ, nhưng mình hy vọng chốn ấy không người.

Sơn ừ ừ, gật gật, đứng dậy dọn rác vào thùng. Hôm sau, Bình được đưa lên phòng mổ. Sau ca mổ nằm dưỡng thương trong bệnh viện, Bình bắt đầu nhớ lại các bài học trong Đại Chủng Viện. Bí tích giải tội được các cha giáo dạy chi tiết như thế, vậy mà khi đó lơ là không nắm kỹ, chỉ nắm phần xác không hiểu thâm sâu phần hồn ý nghĩa. Giờ nằm dưỡng thương chính là thời điểm tĩnh tâm đúng nghĩa nhất.

Bình lặp đi lặp lại tiến trình: Con người phạm tội – Chúa tha – xưng tội. Hóa ra, xưng tội là trở về, về lúc nào cũng được, về càng nhanh càng tốt. Sau này, nếu mình xuống hỏa ngục là do mình không chịu về, chứ không phải do Chúa phạt. Bình thấm thía mỉm cười một mình.

Sau khi xuất viện về lại giáo phận nhà, Bình lên nghĩa trang linh mục, đến từng ngôi mộ các cha giáo cũ, quỳ gối tạ ơn.

Trước cửa phòng riêng, Bình dán số điện thoại cá nhân để ai cần xưng tội có thể gọi bất cứ lúc nào. Thói quen trước kia thấy số điện thoại lạ không bắt máy, Bình bỏ hẳn.

 

………………

 

5 năm sau….

Hôm nay Chúa Nhật và cũng là ngày cuối cùng ở giáo xứ Hòa Nghĩa này. Bình nhận bài sai đi xứ mới. 5 năm làm Cha Phó ở đây, giờ ngồi nhìn lại. Bình đi dạo một vòng xung quanh nhà thờ, các lớp giáo lý. Bên trong nhà giáo lý sáng Chúa Nhật, Bình nghe các em lớp bao đồng hô to những câu hỏi thưa:

Hỏi: Đi xưng tội để làm gì?

Thưa: Để NHẬN ơn tha thứ.

Hỏi: Thiên Chúa có bao giờ phạt con người không?

Thưa: Không.

Hỏi: Tại sao nhiều lúc con người gặp gian truân trong cuộc sống?

Thưa: Thiên Chúa để gian truân xảy ra nhằm tôi luyện và yêu thương con người.

Hỏi: Có hỏa ngục không?

Thưa: Có, nhưng chúng ta hy vọng chốn ấy không có người.

………

Bình rảo vòng xung quanh trước tháp chuông, ra sân trước nhà thờ. Xa xa, mấy phụ huynh dắt con đi dạo trước đài Đức Mẹ. Vài đứa tinh nghịch rời bỏ cha mẹ chạy lung tung lí lắc khắp nơi. Bình nghe tiếng phụ nữ tay đẩy xe, tay bưng chén cơm đút cho trẻ nhỏ, vừa đút vừa dỗ dành:

Con ăn hết phần của con và làm tròn nhiệm vụ để được Chúa thương nhiều hơn nhá.

Bình lững thững bước về phòng, mỉm cười một mình và xếp đồ đạc lại dựng ở góc. Bình lấy bì thư đựng bài sai lên xăm soi, mở ra đọc cẩn thận lần nữa rồi gấp lại kẹp vào cuốn kinh phụng vụ.

Hôm sau, Bình đến giáo xứ mới nhận nhiệm vụ khi trời còn chưa sáng.

Giuse PHẠM ĐÌNH DUY

Giáo Phận Nha Trang