TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


SỐ PHẬN ĐỔI THAY

Có hai đứa trẻ là bạn thân chơi chung với nhau từ thuở bé. Cả hai cùng có chung một hoàn cảnh là có hai người cha đều là những tên trộm cướp khét tiếng. Một thời gian trôi qua, đứa con trai nhà kia lớn lên cũng theo cha để trở thành một tên trộm cướp không khác gì cha của mình. Còn người con trai nhà còn lại thì đã biết cố gắng học tập, và đậu vào trường đại học cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp, cậu đã trở thành một cậu cảnh sát tài giỏi. Trong một lần người cảnh sát này đi bắt tội phạm, và không ngờ trong số những người bị bắt có người bạn thân của cậu từ nhỏ. Trong khi tra hỏi, cậu cảnh sát hỏi người bạn của mình: Tại sao anh lại trở thành như vậy? Anh bạn trả lời: Tại cha tôi là người như vậy, nên tôi cũng trở nên người như vậy. Và rồi người bạn cũng hỏi người bạn làm cảnh sát: Tại sao anh lại trở thành như vậy? Người bạn làm cảnh sát trả lời: Cha tôi đã như vậy, nên tôi cố gắng không giống cha tôi để thành một người trộm cướp.

Câu chuyện như nửa đùa nửa thiệt đã phần nào minh chứng cho cuộc sống gia đình ngày nay đang phải đối diện với nền giáo dục cho một thế hệ đang dần lớn lên. Những đứa trẻ sống tốt hay không tốt đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ những bậc làm cha làm mẹ. Từ tính cách, sở thích, đam mê, tính hư tật xấu, khả năng… cũng do nền giáo dục và cách bạn và tôi hướng dẫn.

Xã hội bên ngoài đầy dẫy những cuốn hút, lôi kéo, hấp dẫn đến từng centimet. Thế giới bên ngoài quả là muôn màu muôn sắc, nên con em bạn và tôi dễ rơi vào những cám dỗ của thế gian. Trên phương tiện truyền thông không thiếu gì những cảnh chém giết nhau bởi các em bị ảnh hưởng những trò chơi bạo lực. Cũng không thiếu gì những cảnh cười ra nước mắt. Cha con ngồi nhậu chung với nhau. Lúc đầu còn phân vai vế, trên dưới rõ ràng, cha con đâu đấy. Nhưng bữa nhậu càng về sau càng đau đầu và mất định hướng, bởi cha con đã ngang hàng. Ban đầu cha – con; rồi tới tôi – ông; rồi cha thì tao – con thì mày…Thử hỏi tình trạng này kéo dài thì những đứa con sẽ ra sao? Hay theo quan điểm: con hơn cha là nhà có phúc. Liệu có ổn?

Trong môi trường gia đình, những bậc làm cha làm mẹ không chỉ dạy con bằng lời ăn tiếng nói, bằng roi đòn, mà còn bằng chính tấm gương và những hành động mà chúng ta thi hành trong cuộc sống trước mặt những đứa con. Người ta vẫn ví những đứa trẻ như tờ giấy trắng, chúng ta viết gì, vẽ gì thì nó sẽ hình thành nên như vậy. Với vai trò làm cha làm mẹ, chúng ta đừng để những hình ảnh xấu, những hành vi không tốt làm ảnh hưởng trên cuộc sống của con em chúng ta sau này. Nhiều nhà tâm lý cũng khuyên rằng: vợ chồng có cãi nhau cũng đừng cãi nhau trước mặt những đứa con của mình. Cha mẹ dạy con cũng đừng theo kiểu cha đánh mẹ bênh. Cha la mẹ vuốt. Dạy con theo kiểu đó coi như huề cả làng. Con cái sẽ không sợ mà còn núp bóng dưới những người bảo vệ không đúng cách.

Năm học cũng đang dần khép lại. Mùa hè cũng hé mở, để đón chờ những ngày vui chơi, tham quan du lịch, thăm ông thăm bà. Hay về những làng quê bên cánh đồng lúa, những cây ăn trái. Đó là lúc những bậc làm cha mẹ hãy thưởng cho con em chúng ta qua một năm học với bao mồ hôi vất vả. Có những người người mẹ hứa với con cái đến hè sẽ dẫn con đi chơi. Nhưng vì công việc hay sợ tốn tiền đã hứa lèo với con cái của mình. Hứa mà không làm, thì sau này con cái cũng bắt chước để sống giả tạo nhưng chính mình đã sống.

Hình ảnh của cha mẹ trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Nhất là những hành động, lời nói việc làm. Mọi thứ sẽ gieo vào đầu những đứa trẻ và những thứ đó sẽ theo các em vào đời. Hy vọng rằng, mỗi người chúng ta có trách nhiệm với tương lai của những đứa trẻ. Hãy hành động và tạo một hành trang cho con em bạn và tôi bước vào đời với những hình ảnh đẹp và hãy tạo sự ảnh hưởng tốt với vai trò của những người có trách nhiệm, đặc biệt là vai trò của người làm cha làm mẹ bạn nhé.

Lm. Lê Đình (Nguồn: Báo “Tĩnh Tâm” Tháng 07/2020 –gplongxuyen)