HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


SUY NIỆM TIN MỪNG CN 1 MV C

ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN

Hằng năm, Giáo Hội cử hành Mùa Vọng với hai đặc tính: Vừa là mùa chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, kính nhớ biến cố Con Thiên Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày cánh chung. Vì thế, Lời Chúa trong phụng vụ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay không nói về Hài Nhi trong máng cỏ nhưng trình bày cho ta: “Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 21,27) Và ta cần làm gì để có thể nghênh đón Người.

Với lễ Giáng Sinh, phần nhiều ta nhớ về một biến cố của quá khứ. Việc Chúa Kitô đến giữa chúng ta đánh dấu sự chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối và chiến thắng này vẫn được tiếp nối. Còn thời gian mùa vọng, ta không được hướng về quá khứ nhưng phải hướng về tương lai. Đấng đã đến trong khiêm hạ sẽ lại đến vào thời cuối với “đầy quyền năng và vinh quang”.

Như vậy, thời gian mùa vọng được ban tặng để cho chúng ta mở lòng ra và chuẩn bị đón Chúa đến. Thế nhưng, ngày Chúa đến trong vinh quang cũng đồng thời là ngày cùng tận của thế giới. Chúa cho ta biết thế giới này sẽ qua đi và trước ngày Chúa đến, sẽ có nhiều biến cố và sự dữ xảy ra. Nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy đứng vững, ngẩng đầu lên, hy vọng và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, Người luôn làm chủ lịch sử và cứu rỗi chúng ta theo lòng nhân hậu và hay thương xót của Người.

Vậy để có thể đứng thẳng, ngẩng đầu lên, thoát khỏi mọi điều dữ và đứng vững trước mặt Con Người, Chúa Giêsu đã nhắc nhở, chỉ cho ta những phương cách đề phòng và thực hiện:

 

– Đừng để những bận tâm về cuộc sống đè nặng chúng ta: “Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.” (Lc 21,34) Những bận tâm ấy phải chăng là lòng say mê danh vọng, tiền của… Lòng nặng nề này có thể là niềm đam mê những thú vui xấu, ăn uống say sưa… Và mối lo lắng kia có lẽ là những toan tính hơn thiệt, gian dối, ti tiện cho cuộc sống nơi trần gian này… Quá gắn bó với những danh lợi thú, chúng ta biết nó sẽ làm tê liệt con tim của ta! Khi chúng ta để cho mình quá lo lắng về cuộc sống trần gian bởi sự hưởng thụ, chúng ta sẽ quên “Ngày ấy”! Đừng để bị bất ngờ về những lúc Chúa Giêsu đến với ta trong nhiều cách thức qua các biến cố hằng ngày, qua giờ chết của mỗi người và nhất là ngày Chúa quang lâm. Hãy biết chuẩn bị cho mình một hành trang nhẹ nhàng là lòng thanh thoát với sự đời, sống thánh thiện trong cách ăn nết ở như lời thánh Phaolô khuyên ta “Trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách trước nhan Thiên Chúa… Sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa… Hãy tấn tới nhiều hơn nữa.” (1Tx 3,13.4,1) Và luôn sẵn sàng lên đường.

– Đừng bao giờ ngừng cầu nguyện: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Lc 21,36) Tỉnh thức để cầu nguyện và cầu nguyện giúp ta tỉnh thức trước những cám dỗ của thế trần, của những ham mê danh lợi thú, của những lo lắng sự đời, của những gì ngăn cản Chúa không đến được với ta… Cầu nguyện giúp ta tỉnh thức hướng lòng về quê hương vĩnh cửu mà không bám víu trần gian. Chúa đã dặn các môn đệ “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14,38) Chính Người đã dạy ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha và cho ta gương mẫu cầu nguyện liên lỉ, kết hợp với Chúa Cha từ sáng sớm tới lúc chiều tà: “Sáng sớm Người đã dậy, đi ra nơi hoang vắng và cầu nguyện” (Mc 1,35) Thánh Phaolô cũng nhắc với các tín hữu: “Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta khi cầu nguyện cho anh em.” Còn Thánh Têrêsa Avila nói với ta “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục.”

Cầu nguyện như chiếc thang nối đất với trời. Cầu nguyện là chiếc chìa khóa mở trái tim của Thiên Chúa. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện. Ngoài những lời kinh thường đọc thật tốt, nhất là Kinh Lạy Cha, ta hãy dùng thời giờ trong mọi nơi mọi lúc, dễ dàng để dâng lên Chúa những tâm tình chúc tụng, cảm tạ, xin lỗi và cầu xin ơn lành… Cầu nguyện phải là nghề của mỗi Kitô hữu, con cái Chúa.

Trong cầu nguyện, Chúa đến với ta và ta gặp Chúa, hiện diện với Chúa. Mỗi lần mà ta cử hành Thánh Thể, Chúa đến trong chúng ta một cách mầu nhiệm qua chính Mình bị nộp và Máu đổ ra. Chúa cũng đến với ta qua Lời của Người. Như vậy, qua cầu nguyện, chúng ta tập luyện đón Chúa mỗi ngày và vì đã ý thức đón Chúa, gặp gỡ Chúa rồi, ta sẽ không bất ngờ khi Người trở lại trong ngày chung cuộc.

Nhờ cầu nguyện, Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng tin tưởng để có thể thoát khỏi những sự dữ và những biến cố trong ngày Chúa đến. Nhất là chỉ có tỉnh thức và cầu nguyện, ta mới có thể đứng thẳng, ngẩng đầu và đứng vững trước Chúa khi Người xuất hiện trong vinh quang như lời Người tiên báo “Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.” (Lc 22, 69) Và nếu chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta có thể hiện diện trước Chúa với một bảo đảm được cứu rỗi.

Vậy chúng ta cần nhắc lại những lời khuyên cấp thiết của Chúa Giêsu: Hãy hy vọng… tin tưởng… tiết độ… sẵn sàng… tỉnh thức… cầu nguyện. Và chúng ta hãy để Tin Mừng này vang lên trong lòng chúng ta.

Ước gì tình yêu của chúng ta đối với Chúa và tha nhân được mãnh liệt hơn. Chúng ta hãy thực hiện Lời Chúa dạy, tìm thời gian cầu nguyện và suy gẫm tránh để lòng mình ra nặng nề…và hãy sống đẹp lòng Chúa. Chúng ta sẽ dành sự tiếp đón nào cho Đấng mà chúng ta chờ đợi? Lạy Chúa Giê su, xin hãy đến. Chúng con chờ đợi Ngài.

Dã Quỳ