Đọc Mác-cô 3, 13-15
Rồi Người lên núi và gọi đến với Người
những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười
Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15
với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông
Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông
Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con
của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,
Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá
Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
Suy niệm
Mọi sự có vẻ đơn giản bạn nhỉ? Đúng không nào?
Vâng đúng thế! Đơn giản thật đấy!
Tuy nhiên chẳng đơn giản chút nào đâu.
Vậy thì chúng ta cùng làm sáng tỏ vấn đề nhé.
Nếu bạn đang đùa với ý tưởng – hoặc ý tưởng đang đùa với bạn – về việc trở
thành một linh mục, một tu sĩ, hoặc về việc vào một Dòng Tu nào đó, bạn nên
biết rõ điều liên hệ ở đây là gì.
Biết được như thế, sẽ có rất nhiều ích lợi cho bạn đấy.
Để bắt đầu, bạn xem nhé!
Chính Đức Ki-tô đang làm công việc chọn lựa chứ không phải bạn đâu.
Bạn đã đọc điều này đâu đó trong Tin Mừng Gioan: “Không phải anh em chọn
Thầy, nhưng chính Thầy chọn anh em”.
Nói cách khác, nếu bạn nghĩ rằng chính bạn là “người có ý tưởng sống đời
dâng hiến,” là người đang thực hiện kế hoạch đi tu, là người muốn trở thành một
linh mục hoặc một tu sĩ, thì ngay lúc này, bạn nên gạt ra khỏi tâm trí mình cái
ý tưởng đó nhé.
Trong vấn đề ơn gọi, chính Đức Ki-tô là Người có sáng kiến chứ không phải
ai khác. Ngài thực hiện công việc kêu gọi; chính Ngài là Người khởi đầu tiến
trình tuyển chọn này. Về phía mình, chúng ta chỉ đáp lại tiếng gọi đó, thế
thôi.
Bạn không có quyền – không ai có quyền – để đánh giá chính bạn có giá trị
hay không về việc trở thành người cộng sự gần gũi của Giê-su. Bạn có thể dâng
đời mình cho Chúa bất cứ lúc nào và nói với Ngài: “Con nè Chúa, cứ gọi con nếu
Chúa cần con.” Nhưng đây không phải là một công việc như khi bạn nộp đơn xin
việc làm và cũng chẳng phải là chuyện bạn kê khai bằng cấp, trình độ và những
tài năng riêng của mình.
Tin Mừng cho thấy rõ điều này. Chính Giê-su làm công việc tuyển chọn, mời
bạn gia nhập nhóm của Ngài. Chính Ngài gọi bạn. Lên núi, Ngài gọi những người
Ngài muốn.
Thái độ đáp trả của chúng ta có thể là quảng đại, vui sướng, nhiệt thành,
v.v… nhưng quan trọng hơn hết vẫn là thái độ biết ơn và khiêm nhường.
Vâng! Ngài gọi bạn để làm gì?
Căn bản là để làm ba điều.
Liệu chúng ta có thể liệt kê ba điều này không nhé.
ĐIỀU THỨ NHẤT. Tin Mừng cho thấy: “Thầy chọn anh em để ở với
Thầy.”
Hết sức rõ ràng, đúng không nào?
Để trở nên bạn của Giê-su.
Để trở nên một trong những môn đệ gần gũi của Ngài.
Để chia sẻ cuộc sống của Ngài.
Để làm những công việc Ngài làm, đồng lao cùng khổ với Ngài, để vui với
những gì làm cho Ngài vui.
Để yêu những điều và những con người Ngài yêu; và để chiến đấu chống lại
những điều Ngài ghét và ghê tởm.
Tóm lại, chúng ta có thể nói: Để trở thành một Giê-su khác.
Điều này thật cao cả; mặc dù, bạn biết, có thật nhiều để nói về điều đó, có
nhiều điều nữa bạn có thể thêm vào.
ĐIỀU THỨ HAI. “Thầy sẽ sai anh em đi rao giảng.”
Điều này có nghĩa là chia sẻ chính sứ mạng của Giê-su.
Rao giảng Tin Mừng.
“Hãy đi và rao giảng.”
Đây không phải là sự chia sẻ êm ái, thoải mái và dễ chịu; sự chia sẻ mang
tính cảm xúc của những người thuộc về một nhóm hoặc một tổ chức nào đó.
Đó không phải là những người thuộc về nhóm Giê-su.
Giê-su có thể là một người bạn.
Giê-su phải trở thành người bạn
của chúng ta.
Ngài rất vui khi kết bạn với người khác.
Nhưng Ngài lãnh nhận một công việc để thi hành.
Một sứ mạng được trao bởi Cha.
“Hãy đi và rao giảng,” đó là điều Cha nói với Giê-su.
Giảng dạy muôn dân. Mở mang tâm trí và động viên họ.
Nói cho họ biết về tình yêu Cha dành cho con người; về lòng thương xót và
sự cảm thông, việc nguyện cứu độ con người, và về việc làm cho họ trở thành con
cái của Ngài.
Theo tôi, đây là điều thật căn bản trong lời mời gọi của Giê-su.
Lời mời gọi của Ngài là lời mời gọi hành động.
Ngài là một con người năng động.
Vì thế, trong cuộc sống như là những môn đệ, chúng ta phải có thì giờ cho
tình bạn, cho cầu nguyện, và cho những giây phút thân mật của yêu thương và
chia sẻ với Giê-su.
Nhưng tất cả những điều này đều có điểm dừng.
Cầu nguyện cũng cần có điểm dừng.
Cảm xúc rồi cũng phải chấm dứt.
Sự lãng mạn cũng thế.
Và chúng ta phải bắt chước Giê-su khi Ngài tạm dừng cầu nguyện – cuộc nói
chuyện thân mật với Cha – khi Ngài đứng lên và nói: “Nào, chúng ta hãy đi đến
các thành thị để rao giảng Tin Mừng, Thầy được sai đến cốt là để làm điều này.”
Phải rõ như thế bạn nhé.
Và cuối cùng, Giê-su trao cho họ quyền trừ quỷ.
Tôi nghĩ đây là ĐIỀU THỨ BA.
Nói cách khác, Ngài sai các môn đệ đi giúp người khác.
Giúp con người vượt qua những đau khổ trong cuộc sống.
Giúp họ loại ra khỏi chính mình những “con quỷ” của ích kỷ, của hận thù,
của chia rẽ, của xích mích lặt vặt và của tất cả những gì làm cho con người “ô
uế”, những loại quỷ đang làm cho họ trở thành nô lệ.
Đồng thời, giúp họ biết ra khỏi những môi trường mang nặng bầu khí ranh ma
và xảo quyệt.
Ra khỏi tình trạng của dối trá, nghèo nàn, bóc lột, ngu dốt, và của những
điều làm cho con người mất đi nhân phẩm; ra khỏi những điều làm cho người nghèo
của thế giới này đang bị nô lệ.
Và để đánh thức những người giàu, những người quyền lực ra khỏi sự mê muội
của giàu có, quyền lực, của kiến thức, và của tất cả những điều đang làm cho họ
trở nên bạo lực, kiêu ngạo, thô lỗ, lạm dụng, tham vọng và chai lì của con tim.
A ha! Nhiều thử thách đang chờ bạn đấy.
Vì đây là những sợi dây xích rắn chắc đang bảo vệ những người giàu và quyền
lực.
Đó là một sự nô lệ đáng thương, nhưng họ lại yêu mến nó.
Một chương trình thật khó khăn phải không bạn?
Một chương trình đầy thách thức. Sứ mạng của Giê-su mà.
Bạn thấy đó Ngài đang cần nhiều sự giúp đỡ và cộng tác từ bạn.
Ngài cũng thấy điều đó.
Ngài kêu gọi con người.
Để ở và để cùng làm việc với Ngài.
Và vì thế, chúng ta đáp lời.
Chà! Không biết những điều này có làm con tim bạn rung động không vậy?
Nhưng với tôi, tôi cảm thấy tim tôi thao thức, tim tôi nhói lên, tôi muốn nói
với bạn như thế.
Đó là điều thật hấp dẫn.
Nhưng không dễ nuốt.
Và đó là điều làm cho ơn gọi trở nên hấp dẫn, hầu như không thể kháng cự.
Bạn có phản ứng nào không vậy?
Có điều gì bạn muốn nói với Giê-su ngay lúc này không?
Nguồn: Sách “25 Gospel Meditations for times of
discernment”
Tác giả: Cha Santos G.
Mena, S.J
Chuyển ngữ: Cha Đa Minh Phạm
Minh Thắng, SJ