TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


THAO THỨC TRUYỀN GIÁO TRƯỚC THÓI QUEN CỦA DÂN BẢN ĐỊA

Trong bước đường truyền giáo, người truyền giáo thường gặp những thói quen tốt và chưa tốt của người dân bản địa. Có những thói quen thực sự rất tốt và tôi cần phải học hỏi nhiều như: tình làng nghĩa xóm, sự chung tay giúp đỡ khi gia đình hàng xóm có tang chế hay cưới xin… Tuy nhiên, cũng có những thói quen cần được thay đổi để đời sống tinh thần và thiêng liêng của họ được tốt hơn. Đây là một trong những câu chuyện mà tôi thường gặp trong những buôn làng tôi đến phục vụ.

Trong những làng tôi phục vụ là làng người Jrai. Trước đây không có Thánh lễ thường xuyên, họ thường tập trung tại nhà nguyện bé nhỏ để đọc kinh và lắng nghe Lời Chúa vào sáng sớm Chúa Nhật, sau đó họ về ăn sáng và đi chăn bò từ khoảng 10 - 11 giờ đến tầm 16 -17 giờ chiều.

Khoảng hơn 10 năm nay đã có thánh lễ chung mỗi tuần vào lúc 15 giờ chiều Chúa Nhật (vì cha xứ phải đi làm lễ nhiều nơi), nhưng họ vẫn giữ nguyên thói quen cũ: Sáng sớm đến nhà nguyện đọc kinh chung, sau đó về ăn uống và đi chăn bò đến chiều. Họ không thể nào thay đổi giờ chăn bò sớm hơn hoặc kiếm đồ ăn cho bò vào ngày hôm trước, để chiều về sớm tham dự Thánh lễ, mặc dù họ đã được học giáo lý, và hiểu biết rằng không được bỏ lễ ngày Chúa Nhật, hoặc kiêng việc xác ngày Chúa Nhật ….    

Tôi đã chú ý đến việc này và hỏi những người đi chăn bò rằng “Sao ông bà không đi chăn bò sớm hơn để về đi lễ vào buổi chiều, hoặc tìm thức ăn cho bò trước để không phải đi chăn chúng vào ngày Chúa Nhật?” Họ trả lời: “Rơmo juat wơih” (có nghĩa là “con bò nó đã quen rồi”). Cho dù linh mục quản xứ và giáo lý viên có giải thích như thế nào đi nữa thì họ cũng không thể bỏ thói quen đó được, vì họ nghĩ rằng: (1) con bò không thể đi giờ khác được, nó không chịu; (2) tôi đi đọc kinh buổi sáng là đủ rồi; và (3) đi chăn bò là việc làm cần thiết nhất, không thể để bò đói được.

Người truyền giáo mang nhiều thao thức cho những con người ở vùng đất họ được sai gởi đến phục vụ. Nhưng để giúp người bản địa nhận thức và thay đổi một thói quen thì không đơn giản chỉ tôi muốn là được. Vâng, người truyền giáo phải luôn ý thức rằng mình cứ gieo Hạt Giống Tin Mừng, và để cho Chúa làm cho Hạt Giống Tin Mừng ấy sinh hoa kết quả đời sống, nhận thức và ý chí của họ. Tôi có thể chưa thấy kết quả ngay bây giờ, nhưng những thế hệ kế tiếp sẽ thấy được hoa trái nơi con cháu của buôn làng. Tôi cần kiên trì và tin tưởng vào tình thương của Chúa dành cho tất cả mọi người.

Sr. Anne Kim Phượng, RNDM