TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


VẺ ĐẸP CỦA NỖI ĐAU

  

Trong những truyền thuyết và lời đồn tai tiếng vây quanh Marie Antoinette, vương hậu cuối cùng của Pháp, nổi bật nhất có lẽ là câu nói: “Vậy hãy để họ ăn bánh ngọt” được nhắc tới trong hồi ký của triết gia Jean-Jacques Rousseau.

Ông viết khi có người thưa rằng nông dân Pháp sắp không còn bánh mì để ăn nữa, một vị đại công nương nói: “Vậy hãy để họ ăn bánh ngọt”. Dù không tiết lộ tên nhân vật nhưng nhiều người cho rằng đó là Marie Antoinette – bà hoàng nổi tiếng xa hoa của Pháp. Tuy nhiên, sử gia người Anh Antonia Fraser lại bảo câu nói này xuất hiện trước thời của Antoinette 100 năm, do Marie-Therese, vợ vua Louis XIV, nói ra.

Tính cách vương hậu Antoinette thật ra rất nhân hậu, thương người nghèo, hay làm từ thiện nên khó có khả năng bà thốt ra lời vô tâm như vậy. Thế nhưng phe chống Áo trong triều đình Pháp thời bấy giờ đã dùng mọi cơ hội bôi xấu Marie Antoinette và gán ngay câu ấy cho bà.

Tạm bỏ qua sự tranh luận ai là người nói ra câu nói trên, điều rút ra ở đây là: Sung sướng, dư dật quá dễ hình thành tính vô tâm và nông cạn.

*

Trong những chủ đề tâm sự về bạo hành gia đình hay bạo lực học đường, luôn có vài bình luận kiểu “chắc bạn phải thế nào mới bị bắt nạt”, “cha mẹ nào chẳng yêu con” hay “làm gì có chuyện như vậy”. Nhiều người bị tổn thương và thấy phản cảm trước những lời nhận xét đó, khi nỗi đau của họ gần như bị phủ nhận, thậm chí còn bị đổ lỗi ngược dù là nạn nhân. Cách đáp trả của họ có thể cục súc hoặc nhã nhặn nhưng đều muốn nói rằng: “Bạn chưa gặp điều đó, không có nghĩa là nó không có thật. Bạn không bị bắt nạt và có gia đình yêu thương mình nhưng không phải ai cũng vậy”.

Nhiều ông chồng chê vợ ở nhà nội trợ là “ăn bám”, “ở nhà sướng quá, đâu có nhọc bằng đi làm kiếm tiền”; nhiều bậc cha mẹ thúc ép con học đến kiệt sức vì nghĩ “nó chỉ việc ăn với học, sướng hơn thời mình nhiều, có gì mà áp lực?”... nhưng càng ngày những người nội trợ và hội học sinh càng mạnh dạn nói lên tâm tư của bản thân. Các cô vợ không ngại làm nội tướng, chăm sóc con nhỏ; các thanh thiếu niên không phải ai cũng lười học ham chơi. Họ chỉ cần được lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm. Đôi khi chỉ cần một lời động viên chân thành đã đủ giúp một người đứng dậy, kiên cường sống tiếp.

Những nhân vật ấn tượng nhất trong phim ảnh, tiểu thuyết luôn phải trải qua sóng to gió lớn, một số còn không giữ được sự trong sáng, tốt đẹp ban đầu. Có người chọn thích nghi với thời thế như nàng Scarlett O’hara trong “Cuốn theo chiều gió”; kẻ khác rũ bỏ sự ngây thơ để báo thù như Bá tước Monte Cristo. Cũng có người suýt sa đọa nhưng được cứu rỗi kịp thời, từ đó dành cả đời sống bao dung, lương thiện như Jean Valjean trong “Những người khốn khổ”...

Tại sao các nhân vật đó đều để lại dấu ấn khó phai hơn là nhân vật có cuộc sống may mắn, dễ dàng? Vì người xem dễ đồng cảm với họ hơn, thông qua họ, ta còn thấu hiểu nỗi niềm nhân sinh. Càng thấu hiểu, con người càng từ bi, sâu sắc hơn.

**

Hayao Miyazaki, người sáng lập xưởng phim hoạt hình danh tiếng Ghibli, có người mẹ thông minh sắc sảo bị lao phổi vì vậy Hayao thuở nhỏ không thể gần gũi mẹ như các trẻ em khác. Có lần, ông xin được mẹ bế nhưng bà chỉ khóc rồi từ chối, sợ lây bệnh cho con trai. Từ đó, cậu bé Hayao không dám thể hiện tình yêu với mẹ nữa vì sợ bà cảm thấy có lỗi.

Năm tháng trôi qua, Hayao lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn tình thương, ông dần có ý nghĩ mình không nên được sinh ra. Tuy nhiên, mọi tác phẩm ông làm ra đều đẹp đẽ, tràn đầy hy vọng và tình yêu cuộc sống. Cứ như thể nội tâm càng chất chứa nhiều tâm sự, ông càng cố lan tỏa sự ấm áp, lạc quan qua tác phẩm của mình.

Trên Internet từ lâu đã lưu truyền câu “Người cô đơn nhất thường là người tốt bụng nhất. Người buồn bã nhất lại nở nụ cười rạng rỡ nhất. Người từng chịu nhiều tổn thương nhất là người khôn ngoan nhất. Bởi những người như vậy đều mong ước sẽ không ai chịu đau khổ như mình nữa.”

Không phải vết thương nào cũng chảy máu, không phải không chảy máu là không đau. Nỗi đau cũng có vẻ đẹp riêng. Nếu Chúa ban cho ta sự đầy đủ, Ngài “khuyến mãi” thêm sự nhàm chán; nếu để ta thiếu hụt, Ngài sẽ bù vào nỗi khát khao; sự đau khổ về thể lý hay tâm hồn cũng là phương tiện Chúa dùng giúp chúng ta có cơ hội trưởng thành, biết quan tâm đến người khác.

Bs Nguyễn Lan Hải

Bài đăng trên báo Công giáo &  Dân tộc

***

Hình minh họa từ phim hoạt hình "Hoàng tử bé" (Pháp và Ý hợp tác - 2015)