TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CÔ CÒN NHỚ EM KHÔNG?


Học sinh thường nghĩ, thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn… Cho nên mỗi lần tôi gặp lại một em học sinh không có gì nổi bật ngày xưa mà tôi còn nhớ tên thì em học sinh rất vui…

Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương chấm dứt, thầy trò phân tán, tôi đi cùng Nam cực Bắc. Nhưng tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi tên sau câu mở đầu công thức: “Cô còn nhớ em không?”. Những người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương – xa trường, xa thầy…, bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao!

Kẻ gieo niềm vui tất nhiên cũng được hưởng những niềm vui. Có lần, giữa khu phố Tàu Toronto (Canada), tôi gọi đúng tên một em học sinh cũ. Em mừng rỡ ôm tôi tha thiết, rồi níu tay nói “Cô chờ em một tí”. Em vụt chạy vào một tiệm gần đó, mua một bông hồng đỏ, cài lên ngực áo tôi. Những cái hôn cảm động và đóa hồng như thế, tôi mang về trong giấc ngủ, tôi mang theo suốt cuộc đời. Nó là hương sắc đậm đà trong cuộc sống đơn giản của một nhà giáo.

Tôi luôn cố học tên, nhớ mặt học sinh. Mỗi đầu năm học, tôi học kỹ bản đồ lớp, sáu bảy lớp với hơn 300 học sinh, tôi phải học thật sự. May mà tên con gái Huế đa số bốn chữ, âm thanh hài hòa, lắm lúc một dãy tên trở thành một đoạn nghe êm tai mà cũng dễ thuộc. Mặt đẹp tên hay thường đi đôi với nhau, mặt mày chất phác thường mang tên giản dị, còn những em mang tên ngồ ngộ không theo quy luật nào cả lại càng dễ nhớ. Một năm 300 tên, 300 mặt, nhớ cho hết cũng đủ xây xẩm rồi. Đò đi mà bến cũ còn ở lại, năm sau lại 300 tên khác và 300 tên khác nữa…

Sau năm 1975, trên các nẻo đường bôn ba ở miền Nam, tôi vẫn gặp lại các học sinh thân yêu với lời chào quen thuộc “Cô còn nhớ em không?”, trong những cảnh ngộ khác nhau. Tôi không bao giờ quên được lần tôi gặp Hạnh Mai trên một chuyến xe lửa Sài Gòn-Huế. Thầy trò tất tả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo, nước mắt nhiều hơn nụ cười với những tủi nhục của cảnh lầm than! Hôm đó, con tàu nhung nhúc, hôi hám kinh khủng. Tôi ngồi chỉ được nửa bàn mông, đôi chân phải chuồi ra kê trên bao nhiêu đồ đạc bừa bãi. Thỉnh thoảng lại thấy có người khom khom lách tới, lẹ làng nhét dưới ghế những gói, bao hàng. Lúc sau lại thấy họ tới lôi ra đem nhét vào khoang khác.

Đó là mấy bà đi buôn. Họ đi tàu “cọp”. Gọi là cọp nhưng họ phải chi tiền cho ban kiểm tra, cho thuế vụ, cho thanh tra. Giá tiền nhiều gấp bao nhiêu lần giá vé! Đến ga nào có đoàn kiểm tra đột xuất, họ nhảy tạm xuống chạy bộ ra khỏi ga. Khi tàu chuyển bánh, tốc độ còn chậm, họ lại bám vào thành tàu. Người trên đưa tay kéo kẻ dưới, toàn là phụ nữ. Lòng tôi se thắt khi nhìn những con người như thế đeo lên rớt xuống, lăn trên đường đá lởm chởm; lại ngoi lên, lại níu, lại nhảy…

Hôm đó, như mọi lần, tôi lại thẫn thờ nghĩ đến giá trị sinh mạng con người trong “xã hội mới”, thì bỗng một người ngồi thụp bên chân tôi, tìm chỗ rúc đầu dưới ghế hầu tránh công an nhưng nghẹt cứng không còn chỗ, và cô ấy đành úp mặt lên đầu gối tôi, mặc cho những lằn roi quất tới tấp trên chiếc nón lá xơ vành. Để cho nhẹ bớt đòn roi, chị đi buôn ghì mặt xuống thấp hơn, thấp hơn nữa. Quá bất mãn trước hành động dã man của tên công an, tôi phản ứng:

– Anh làm gì lạ vậy? Và đưa tay gạt ngọn roi.

Anh ta nhìn tôi:

– Thím lạ lắm hả? Bọn gian thương này phải đánh cho chúng nó chừa, chúng nó chuyên bóp nghẹt quốc doanh, phá hoại chính sách ưu việt của đảng và nhà nước…

Con vẹt áo vàng tuôn đủ một tràng kinh nhật tụng rồi đổi giọng:

– Xin lỗi, thím công tác ở cơ quan nào?

Tôi đáp liều:

– Tôi đi dạy học (thật tình tôi đã bỏ dạy từ năm 1979 dù Ban giám hiệu yêu cầu tôi ở lại nhiều lần).

Nghe vậy, tên công an nói tiếp:

– Thím về nên giảng giải thêm cho học sinh rõ, báo cáo sâu sát tình hình để nhà nước ta có biện pháp hữu hiệu tiêu diệt bọn chúng.

Hắn bỏ đi sau khi hừ một tiếng. Lúc đó chị đi buôn mới nhìn tôi qua nửa vành nón rách:

– Cám ơn bác. Cô nói giọng Huế. Kệ, rứa đó chớ không răng mô bác. Hắn giả đò quất trót trót cho to rứa chứ không can chi mô. Cái nón của tụi tui được dùng cho mục đích nớ đó. Làm bộ qua mặt người khác rứa chớ “đấm mõm” thì yên hết.

Khi chị đi buôn ngớt lời, hất chiếc nón ra sau, tôi nhìn kỹ. Tôi như bị điện chạm bởi ánh mắt quen thuộc của một ngày xa xưa. Gương mặt tuy chai cằn sạm nắng che lấp bởi tóc tai lòa xòa nhưng cái lúm đồng tiền vẫn nhắc cho tôi một thoáng vẻ rất quen thuộc. Phần chị đi buôn, chị lập tức vụt tắt nụ cười. Chị luống cuống quơ đôi dép nhựa rách mép, hối hả chạy với lời “Cám ơn bác” vọng lại.

Tôi vội chụp tay cô ấy. “Hạnh Mai”! Hạnh Mai quay lại, đổ ào xuống chân tôi, úp mặt vào đầu gối tôi và bùng khóc nức nở. Tôi im lặng đặt tay lên vai em để cho em khóc. Hồi thật lâu, Hạnh Mai mới ngước nhìn tôi đầy mặc cảm:

– Em không ngờ cô còn nhớ ra em! Lâu quá rồi! Em già và tàn tạ quá! Cô thì không đổi mấy nhưng vì lúc đầu ngồi thấp và đội nón nên em chưa thấy. Sau biết là cô, em định chạy trốn luôn.

– Sao lại trốn?

– Em tủi thân, không dám chào! Vả lại không nghĩ là cô còn nhận ra em nữa! Em đưa hai bàn tay đen đủi gân guốc bụm lên hai má rồi thở dài…

Thầy trò thủ thỉ hỏi thăm nhau. Mai tâm sự, em có bốn con, chồng đi tù cải tạo. Em đi hàng chuyến, vào ra hết 4, 5 ngày, về tạt qua nhà để lại ít bobo, mì sợi cho con, rồi lại tất tả đi tiếp cho chuyến khác. Hàng em buôn là đậu phụng, đậu xanh, bột mì…, có khi buôn cả than củi. Để quên bớt nỗi ê chề đắng cay của thực tại, tôi đưa Hạnh Mai trở về quá khứ. Vài kỷ niệm dễ thương dưới mái trường Đồng Khánh được thầy trò nhắc đến…

Tàu đến ga Lăng Cô. Đoàn đi buôn quăng bao hàng rồi nhảy ào xuống trước khi vào khu vực kiểm soát của nhà ga. Hạnh Mai cũng thế. Tôi xót xa nhìn theo cô học trò nhỏ bé nhảy tàu, lăn mấy vòng rồi đứng dậy chụp theo mấy bao hàng; xốc nách một bao và xách hai tay hai bao, ngã lên ngã xuống qua hàng kẽm gai để vòng thoát ra phía sau dãy nhà dân… Năm sau, báo chí loan tin xe lửa Huế-Sài Gòn bị lật ở Trảng Bom, chết sáu bảy trăm người, đa số là con buôn. Tôi kinh hoàng đau xót. Hạnh Mai có trong đó không em? Mà nếu không có em thì cũng trăm ngàn Hạnh Mai khác.

*****

Tôi may mắn rời quê hương để bao nỗi u hoài ở lại. Tưởng rằng nơi đất khách khó gặp được người thân, ai ngờ tôi vẫn còn nghe những câu chào “Cô còn nhớ em không?”. Cô nhớ chứ. Các em không thể ngờ rằng, trong ký ức cô, các em vẫn hằng có mặt. Những món quà nho nhỏ, những nụ hôn, những đóa hồng… Cô nhớ mãi. Đó là những gì tôi mãi trân quý trong suốt cuộc đời nhà giáo của mình…

Nguyên Hạnh - HTD