TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO - CHƯƠNG IV - PHẦN 2

         Marylebone là một khu nghèo của thành phố và tình cảnh của hầu hết những người hàng xóm ở đây cũng không hơn gì các nữ tu. Nữ Bá tước Norfolk là một người tử tế và quảng đại. Vì không bao giờ phải lo nghĩ đến bữa ăn kế tiếp, bà không có chút khái niệm gì về cuộc sống khổ cực trong những vùng nghèo nàn ở Luân đôn, và bà không bao giờ biết được các nữ tu nghèo khổ thế nào. Các Srs không bao giờ ngừng làm việc. Không chỉ đôi tay các chị không bao giờ rãnh rỗi, tâm trí họ cũng bận rộn, cố gắng học tiếng Anh. Không có ngôn ngữ, họ không thể giao tiếp với những người xung quanh, ngoại trừ một vài người bạn nói tiếng Pháp. Đang khi làm việc, các Srs cố gắng tập phát âm và nhớ những cụm từ thông dụng.

 

              Là người bắt đầu học tiếng Anh, Euphrasie có nhiều tiến bộ đáng kể, có lẽ là tốt hơn so với đa số chị em, nhưng một ngày kia Sr cảm thấy hoàn toàn mất hết nhuệ khí. Đầu của Sr đau nhói và mắt không thể tập trung được, thậm chí cổ họng của Sr dường như cũng đau rát. Thường ngày, Sr và các chị em thường nói đùa với nhau, “Nhìn kìa, cái đầu của em bị mệt rồi! và cái cổ của em! Những từ đó, làm sao để những từ đó vào trí nghèo nàn của em được, hay là làm sao để sử dụng những từ đó khi em cần đến chúng?”

            Nhưng hôm nay Euphrasie phải chiến đấu để không khóc. Sr lạnh đến nỗi tay run lên. Và cũng như đôi tay, cái đầu không làm việc được nữa. Sr cảm thấy xấu hổ vì sự yếu đuối và hèn nhát của mình.

            Sr tự nhắc mình về những việc hãm mình khắc khe mà các thánh lớn đã làm. Theo nhận định của các bậc thầy thiêng liêng, những việc hãm mình là điều không thể thiếu cho những ai thành tâm khao khát được tăng trưởng trong tình yêu đối với Thiên Chúa. Là một Sr trẻ, Euphrasie không được phép thực hành những việc hãm mình khắc khe.

              “Chịu đói, chịu lạnh một tí, chịu đựng cơn nhức đầu, và bây giờ mình lại rên rỉ như một đứa trẻ! Ôi Giêsu, sao mà con có thể vô ơn và ích kỷ như vậy! Xin giúp con! Xin giúp con để… để…” Sr lén chùi nước mắt nhưng nó cứ tuôn giàn giụa.

              “Sr Marie!” Mẹ St Raphael gọi, nhưng giọng mẹ dường như ở rất xa. “Sr Marie, có chuyện gì vậy? Sr bị ốm phải không?”

              Bàn tay mát lạnh của Mẹ St Raphael lay má Euphrasie.

             “Sr bị sốt rồi! Hôm nay trời lạnh nhưng mặt của Sr thì nóng bừng đây này.”

             Các chị em kéo một tấm chiếu vào một căn phòng nhỏ nơi Mẹ St Raphael thường nghỉ, và làm một cái giường cho Euphrasie ở đó. Với sự giúp đỡ của Mẹ St Raphael, Sr thay quần áo và trườn vào giường. Lạnh quá! Toàn thân Sr run rẩy và nhức đầu kinh khủng. Khi Mẹ St Raphael trở lại với một ly nước nóng, Euphrasie không thể nhắc đầu lên khỏi cái gối.

            “Cố uống đi Sr yêu quý, cố lên,” Mẹ St Raphael thuyết phục. “Rồi Sr phải nghỉ. Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe của mình; chúng ta không thể để bệnh tật làm hao mòn sức khỏe khi Chúa đang gọi chúng ta phục vụ Giáo hội của Người.”

              Mẹ St Raphael treo một miếng vải được ngâm với a-xít các-bô-lích ở cửa phòng của Euphrasie. “Các Srs đừng đến gần tôi,” Mẹ nói. “Xin vui lòng mang những đồ dùng của Sr Marie đến và để ở gần cửa. Sr ấy bị sốt nặng và chúng ta nên cách ly hoàn toàn để đề phòng, cho đến khi Sr khỏi bệnh. Mẹ chỉ xin một người trong chúng con đến với mẹ thôi. Cẩn thận vẫn hơn!”

            Euphrasie cố gắng cầu nguyện nhưng Sr không thể nhớ điều gì đang xảy ra. Sr có những giấc mơ lờ mờ như đang la hét, cố gắng ngồi dậy, hoặc là những cuộc hành trình kinh khủng giữa những nơi và những người lạ, hoặc đang vật vã để thoát khỏi cái nóng thiêu đốt của chiếc giường Sr đang nằm.

             Thực tế, trong nhiều ngày, Euphrasie không biết gì về những điều đang xảy ra. Hai y tá thay phiên túc trực bên Sr; không ai khác được vào phòng bệnh. Trong vài ngày các chị em nhận ra rằng Mẹ St Raphael rất khôn ngoan: Euphrasie mắc phải một trong những cơn sốt nguy hiểm nhất. Sr bị bệnh đậu mùa.


            Các chị em hoảng sợ. Bệnh nhân đậu mùa thường tử vong sau vài ngày sốt và mê sảng. Những người qua khỏi thì phải mất một thời gian dài mới được bình phục và rất đau đớn. Da của họ đầy những sẹo rổ với những mụn nhọt lở loét và gây ngứa; những y tá giỏi cố gắng hết sức không cho bệnh nhân gãi làm tổn thương lớp da. Cho dù có chăm sóc kỹ lưỡng đến đâu chăng nữa, đến khi hồi phục hoàn toàn, bệnh đậu mùa thường để lại kết quả đáng sợ, đó là những vết sẹo làm mặt mày trở nên xấu xí có khi đến cả đời.

 

              Nhiều ngày, tính mạng Euphrasie treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Các Srs không dám mời bác sỹ. So với từ trước đến giờ, khoản thu nhập hiện tại còn quá ít. Họ không đủ tiền để có được những thứ mà người người khá giả hơn cho là rất cần thiết: bác sỹ, một y tá kinh nghiệm, một phòng có máy sưởi, thuốc sốt, nước xoa làm dịu những nơi da bị tổn thương, những loại nước mát.

 

           Các mụn nhọt phát ra ở da của Euphrasie tương đối ít, nhưng đó không phải là một dấu hiệu tốt; nếu các mụn nhọt không “phát ra” như người ta thường nói, nó sẽ gây những biến chứng trầm trọng bên trong.

           Một ngày kia Euphrasie giảm sốt. Trong nhiều ngày Sr không ăn uống gì ngoại trừ nước ấm, Sr quá yếu đến nỗi không ngồi dậy được nhưng dường như Sr nhận ra các y tá và còn cười với họ nữa.

            Mẹ St Raphael len ra cửa và gọi các Srs khác, ra hiệu cho họ đứng ở đằng xa.

    “Sr ấy tỉnh rồi,” mẹ nói. “Làm ơn đếm giùm tất cả số tiền trong ví xem có còn đủ để mua một ít sữa và đường không? Sr ấy cần có một chút gì đó bổ dưỡng.”

 

          Trong khi một người nhóm bếp nấu nước sôi, những người khác vội đi ra hàng mua sữa, đường và bánh mì. Các chị chế nước sôi vào sữa và khuấy thêm một muỗng đường vào; đó là thứ mà Euphrasie có thể uống, Sr không thể dùng những thức đặc hơn. Phải mất vài ngày Sr mới có thể ăn được chút bánh mì chấm với sữa và nước.

             Sr bắt đầu hồi phục dần. Tấm màn cách ly được tháo xuống và Sr có thể nhìn thấy lại các chị em, cũng như được phép ngồi với họ một lát mỗi ngày. Khi bắt đầu hồi phục Sr cũng bắt đầu lại việc may vá và những việc bổn phận.

 

            Trong một thời gian dài, Sr không thể dùng bữa với các chị em; bao tử của Sr không ổn và Sr xấu hổ vì cách nó không hấp thụ thức ăn mà không báo trước. Cho đến khi điều đó trở nên có thể đoán trước được, Sr buộc phải ăn uống một mình.

          Các Sr nói về những dự định của mình cho tương lai.

    “Sr Marie, bây giờ Sr nói tiếng Anh được rồi,” các chị nói. “Chúng ta có thể bắt đầu dạy học. Chúng ta có thể dạy tất cả các kiểu may vá. Còn việc dạy đọc và viết cho trẻ em thì sao? Ở vùng này không có trường học nào cả.”

             “Euphrasie đồng ý. Sr biết một ít tiếng Anh, và Sr nhận ra rằng nếu họ chờ cho đến khi tiếng Anh trở nên thành thạo thì không biết lúc nào họ mới bắt đầu được. Sắp đặt lại nhà cửa một tí, các Sr dọn dẹp và chuẩn bị một phòng làm lớp học, một lớp nhỏ dạy may và thậm chí một ngôi trường nhỏ.

 

(Xin xem bài đăng tiếp theo CHƯƠNG IV-PHẦN 3 )

                                                                                   

Biên soạn bản tiếng Anh: Sr. Mary Philippa Reed - RNDM

Dịch thuật: Sr. Agata Nguyễn Thị Phượng Linh - RNDM