TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHƯƠNG III PHẦN 2: NĂM 1850-1851

        Trong khi ấy các chị em làm việc như những người nô lệ để kiếm sống. Mọi tấc đất trong vườn đều được tận dụng trồng rau để có thức ăn; họ may vá và giặt thuê với đồng lương rẻ mạt vì sự biến động của thị trường; các chị em được chuẩn bị để làm bất cứ công việc gì để có thể kiếm được vài đồng xu.

    Cộng đoàn lúc này có 30 người. Một ngày kia, trong sự tuyệt vọng, các chị em và Cha Philpin có một kế hoạch mới và táo bạo, họ sẽ sai hai Srs đến Anh ngay để dọn đường cho cả cộng đoàn. Họ không có tiền và không biết gì về nước Anh, chỉ biết đó là một thành phố lớn nhất trên thế giới, và giữa các chị em không ai biết tiếng Anh. Đó là một kế hoạch điên rồ nhưng nếu không thực hiện, cả cộng đoàn không thể nào tồn tại được. Mọi người cầu nguyện cho kế hoạch đặt ra được thành công.

    Cha Philpin và Mẹ St John phải quyết định xem hai chị em nào sẽ được sai đi. Người đầu tiên được chọn là Mẹ St Raphael. Mẹ lớn tuổi, có kinh nghiệm và điềm tĩnh. Người thứ hai là Euphrasie, Sr trẻ Marie, người vừa mới khấn lần đầu.

    “Ôi, chị Marie, chị may mắn quá! Một trong các Srs trẻ kêu lên. “Chị là người đầu tiên trong số chúng ta được đi truyền giáo! Chắc là chị vui sướng lắm!”

    “Nhưng đó không phải là một sứ vụ hải ngoại thật sự,” người khác phản đối. “Đó chỉ là Luân đôn thôi.”

    “Nhưng đó là sự khởi đầu,” chị đầu tiên tranh cãi.

    “Em thích được đi Anh”, chị thứ ba nói. “Đó là một nơi tồi tệ và nguy hiểm. Những người Công giáo bị bách hại ở Anh. Chị có thể chết cho niềm tin của mình, hoặc bị bỏ tù đến hết đời.”

    Sr Marie mĩm cười.

    “Là một Kitô hữu không còn là một việc bất hợp pháp ở Anh lúc này đâu,” Sr nói, “nhưng sẽ không thoải mái khi sống ở một đất nước nơi mà hầu hết người dân không thích người Công giáo.”

    “Vâng, em cũng thấy không được an toàn,” chị phản đối nói tiếp. “Dù sao đi nữa em không thích người Anh.”

    Sr Marie lại mĩm cười.

    “Chị có biết người Anh nào không?” Sr hỏi. “Không, nhưng em không bao giờ thích người Anh. Có vẻ buồn cười đấy, em thường nói với Chúa là, “Con sẽ là một nhà truyền giáo cho Chúa bất cứ nơi nào, nhưng không phải ở Anh.” Em tự hỏi vì sao vậy. Có lẽ vì những câu chuyện kể của bố về các cuộc chiến tranh và về Hoàng đế Napoleon của chúng ta; Ông nội của em là một người lính và ông đã chiến đấu cho nước Pháp.”

    Một giọng khác cắt ngang,

    “Mẹ St John nói rằng nước Anh là một nơi tốt nhất để chúng ta bắt đầu. Mỗi ngày các tàu thủy nhổ neo từ Luân đôn để buôn bán và lập thuộc địa trên toàn thế giới: Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Ấn độ và các nước phía Đông, những hòn đảo nhiệt đới của Châu đại dương. Chúng ta có thể học tiếng Anh ở Luân đôn và chúng ta có thể đi khắp nơi trên thế giới.

    Mẹ St John nhẹ nhàng cắt ngang

    “Sr Marie, đến đây nào,” mẹ nói, “chúng ta có nhiều việc để làm; con và Mẹ St Raphael cần tĩnh tâm và khấn lại. Và các chị em, chúng ta phải cầu nguyện và chuẩn bị. Những người còn lại sẽ sớm đi theo hai người chị em yêu quý của chúng ta, nếu đó là điều Chúa muốn.”

    Đúng như vậy, là một Kitô hữu không còn là việc bất hợp pháp ở Anh nữa, nhưng vẫn còn rất nhiều cuồng tín. Chỉ vài tháng trước đây, lần đầu tiên sau 300 năm, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm Đức tân Giám mục của nước Anh, ngay lập tức đã có sự bùng nổ của những sự phản kháng chống Công giáo.

    Mẹ Raphael và Euphrasie đến chào cha tuyên úy. Cha Philpin khuyên hai Srs phải hết sức cẩn trọng trong khi tìm hiểu tình hình.

    “Cha khuyên hai chị phải ăn mặc kín đáo. Phải chứng tỏ hai chị là những gia sư người Pháp đang tìm học trò. Đừng để người ta biết các chị là những nữ tu, điều đó sẽ rất nguy hiểm.”

    Cha lục ở ngăn trên cùng của bàn làm việc và lấy ra một bức thư đã niêm phong.

    “Cha có cái này và nó sẽ giúp hai chị, đây là một lá thư gửi cho một người đàn ông người Anh mà cha từng quen. Ngài được đào tạo ở Chủng viện tại Pháp nhiều năm trước đây, và bây giờ là một cha xứ ở một nơi nào đó tại Luân đôn.

    “Tuy vậy, đừng đến chỗ cha này, trừ khi hai chị không còn cách nào khác. Cha được biết là gần đây ngài có gặp khó khăn, những kẻ phá hoại đột nhập vào nhà thờ của ngài và ngược đãi ngài trên đường.”

    Cha lắc đầu buồn bã; ngài muốn giúp đỡ và khích lệ nhưng ngài không thể bỏ qua cảm giác rằng ngài có thể sai hai người bạn trẻ này đến chỗ chết.

    Ngài gượng cười cách vui tươi và hy vọng.

    “Bây giờ, các con yêu quý, hãy ra đi với phúc lành của cha.”

    Euphrasie và Mẹ St Raphael quỳ gối khi cha ban phép lành cho hai chị. Lòng tràn ngập nỗi đau buồn, cha đỡ hai chị đứng lên và đưa họ ra cửa.

    “Chỉ có Chúa biết khi nào cha mới gặp lại các con,” cha thầm thì. “Xin Người ở với các con luôn mãi!”

    Khi họ quay đi, Euphrasie nhìn thấy cha Philpin lén chùi nước mắt.

    Mẹ St Rapahel và Sr Marie đã sẵn sàng lên đường. Mẹ St John cùng đi để giúp hai chị ổn định cách an toàn ở Luân đôn.

    Nghe theo lời khuyên của Cha Philpin, hai chị gói cất cẩn thận tu phục và voan của mình và chỉ mặc áo dài trơn màu đen. Với những chiếc mũ giản dị, khăn choàng và áo khoác, trông họ đúng là hình ảnh của một phụ nữ nghèo, có học. Một người bạn của Cha Philpin cho họ tên của một gia đình người Pháp đứng đắn, Morels, gia đình này đã định cư ở Anh nhiều năm. Họ quyết định sẽ đến gia đình này trước, nhưng không nói nhiều về bản thân mình.

    Cả ba người đi đến miền tây-bắc bằng tàu và xe ngựa. Miền quê đã phô bày những dấu hiệu của mùa xuân, nhưng họ đến bờ biển vào một ngày tháng ba lạnh lẽo và ảm đạm. Gió rét buốt dữ dội khi họ lên tàu đi Anh.

    Euphrasie nhớ lại những câu chuyện của bố về những thuyền buồm lướt trên biển xanh nhiệt đới. Con tàu nhỏ củ kỹ đâm đầu theo hướng đi xuyên qua dòng nước xám đen cuồn cuộn. Khi nước dâng lên và nhỏ xuống dưới chân, Euphrasie bắt đầu cảm thấy khó chịu trong bụng. Những hành khách tội nghiệp túm tụm vào nhau ở chiếc ghế dài hay gục đầu, bám chặt tay vào thanh vịn. Hầu như ai cũng im lặng và mặt tái xanh. Một số người khép kín kia phải là người Anh, Sr nghĩ, nhưng Sr không còn để ý đến việc đó nữa.

    Một người đàn ông kế bên đang tranh cãi với vợ; họ là người Pháp và Euphrasie không thể không nghe thấy:

    “Vô lý, em à, đây là một chuyến đi tốt đấy! Em có còn nhớ lần đầu tiên mình đi kinh khủng thế nào không, có nhớ mình bị trượt trên sàn tàu ướt và em phải…”

    Người đàn bà tội nghiệp rên rỉ và lôi ra một chiếc khăn tay lớn.

    Mẹ Raphael vỗ vào áo choàng của Euphrasie.

    “Xuống dưới này đi,” mẹ nói. “Trời sẽ tối nhanh và những người có phòng đã nghỉ rồi. Hãy nằm xuống và nghỉ; nếu ngủ được chúng ta sẽ khỏe hơn.”

    Đúng là có dễ chịu hơn nhiều khi nằm duỗi thẳng lưng, nhưng dẫu vậy, đêm ấy vẫn là một đêm khốn khổ. Có những lúc Euphrasie cảm thấy rất yếu, Sr lờ mờ tự hỏi không biết mình có còn sống để trở thành nhà truyền giáo không. Sự khổ sở khi phải đi trên chiếc tàu nhấp nhô này làm các chị không còn nhớ đến nỗi đau rời xa quê và nước Pháp.

    Hai Sr đã lên sàn tàu từ sáng sớm. Biển vẫn còn động và xám xịt. Sự chuyển động của con tàu không còn gây buồn nôn nữa nhưng họ không dám đi xuống dưới lấy nước nóng uống. Họ cảm thấy an toàn hơn khi đứng ở nơi có khí trong lành, nắm lấy thanh vịn và theo dõi con tàu tiến dần đến bờ.

    Họ đến thị xã Newhaven trước, không phải Luân đôn. Khi con tàu cập bến, Euphrasie quan sát những hoạt động tấp nập trên boong tàu và ở bờ biển.

    Lạ thật, nước Anh xa xôi này cũng chẳng khác gì so với nước Pháp. Nhà cửa, đường phố, xe cộ, con người, người giàu sang hay kẻ nghèo khó, những người đang làm việc hay đang chờ đợi, đang rao hàng hay bước đi cách nặng nề mệt nhọc vì những vấn đề riêng của họ. Mọi sự có vẻ bình thường cách ngạc nhiên. Euphrasie thấy mọi sự có vẻ quen thuộc, ngoại trừ ngôn ngữ. Họ nói những chuyện bình thường, Sr chắc chắn, nhưng ngôn ngữ thì nghe hơi lạ, giọng khàn khàn, nhỏ, ngắt quãng, không ngọt ngào và đậm đà như tiếng Pháp, không trầm và dịu dàng và có âm cổ như tiếng Đức mà có lần Sr nghe được. Làm sao người ta có thể học để hiểu và nói loại ngôn ngữ lạ lùng như vậy?

    Khi hai Srs dẫm lên tấm ván để bước xuống tàu. Euphrasie cảm thấy sàn tàu như đang nhấp nhô dưới chân, mấy hòn sỏi trên đường cũng vậy. Vài giây sau Sr nhận ra rằng mình bị chóng mặt chứ không phải nước Anh đang có cơn động đất nhẹ.

    Hai chị lên đường đến một ga xe lửa gần đó. Mẹ St John lo lắng ôn lại vốn tiếng Anh mẹ học trước kia, lúc ấy mẹ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày mẹ sống đơn độc nơi đất nước xa lạ này.

    Họ tìm ra nhà của ông bà Morel ở vùng ngoại ô Marylebone. Một phụ nữ thấp, mập mạp với khuôn mặt tròn, ăn mặc gọn gàng và dáng vẻ nhanh nhẹn ra mở cửa. Đó là bà Morel. Thật thoải mái khi họ chào nhau bằng tiếng Pháp! Bà Morel tươi cười; bà không biết tí nào về những vị khách này nhưng vui vẻ đón tiếp họ vì lời giới thiệu của một người bạn tốt; bà rất tử tế đối với ba người phụ nữ Pháp hiền lành đến nhà bà để được tư vấn.

    “Một căn hộ hay là một căn nhà thưa bà?” bà Morel hỏi Mẹ St John. “Tôi sẽ để các cháu của bà sử dụng mấy phòng trên lầu trong khi họ tìm hiểu xung quanh. Vùng này tương đối tốt và có vài gia đình người Pháp sống gần đây. Có một ngôi nhà nguyện nhỏ ở góc đường có tên “Nhà nguyện Pháp” vì có nhiều người Pháp đến tham dự thánh lễ ở đó.”

    Bà nói luôn miệng khi chúng tôi lên tầng trên:

    “Các chị có biết là có vài gia đình người Pháp sống ở đấy đến 60 năm rồi không? Một số gia đình bỏ chạy sang Anh để tránh những hình phạt thời Cách mạng. Và họ vẫn còn là người Pháp,  tôi có ý nói là những người lớn tuổi, không phải là những người trẻ… ồ, người trẻ…!”

    Các căn phòng thì nhỏ và trống rỗng nhưng sạch bóng. Mẹ St John nôn nóng muốn giải quyết công việc cách nhanh chóng; Mẹ trả tiền thuê phòng khi hai Sr đặt hành lý xuống. Mẹ vội vã trở lại ga xe lửa để về Pháp. Chuyến đi mất hết một tuần bằng đường bộ, đường ray và đường thủy, và Mẹ cảm thấy lo lắng khi trở về Cuves. Dốc hết tiền trong ví ra, Mẹ chỉ lấy vừa đủ số tiền cho chuyến về, và để lại tất cả cho hai nhà truyền giáo mới. Một sự nghèo túng đến tội nghiệp.

    Mẹ St John vừa mới đi thì có tiếng gõ cửa. Euphrasie và Mẹ St Raphael giật nảy mình lo lắng; họ nhìn nhau và cả hai cùng đứng lên mở cửa. Họ thở phào khi thấy khuôn mặt quen thuộc vui tươi: Bà Morel trở lại giới thiệu họ với một người bạn, một phụ nữ người Pháp, bà Lecomte người có hàng bánh kẹo gần bên. Cao và gầy, bà Lecomte cũng tử tế như bà Morel.

    Bà rất vui khi biết hai người mới đến rất giỏi về may vá.

    “Có thể các chị chưa có học trò ngay,” bà nói “đặc biệt là các chị không nói được tiếng Anh, nhưng tôi có thể giúp các chị tìm vài việc may vá và trong thời gian chờ đợi.”

    Khi người khách đi rồi, hai Srs đóng cửa lại và bắt đầu soạn đồ đạc ra. Hai chị cố gắng biến căn phòng trống rỗng trở thành một mái ấm; sắp xếp đồ đạc mượn được và dọn giường, treo tượng chịu nạn và một số ảnh thánh lên tường ở phòng khách nhỏ; hai thùng nhỏ để ở phòng ngủ được dùng để đựng đồ. Khi mọi sự đã được sắp xếp ngăn nắp, hai chị cùng nhau cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, như các Srs đang làm ở Cuves.

    Bà Lecomte là người biết giữ lời hứa, và khi hàng đặt đầu tiên đến thì hai Srs làm việc cả ngày. Đây không phải là công việc được trả lương hậu hĩ. Máy may vẫn còn khan hiếm và đắt nên hầu hết các thợ may và các tiệm thuê phụ nữ, và trả lương cho họ theo số lượng sản phẩm làm ra, họ làm bằng tay và làm tại nhà. Họ làm việc hàng giờ, may những đường nối dài và đường viền, hàng thước vải trơn màu tối. Có quá nhiều phụ nữ cần có công việc để kiếm chút tiền, vì thế những người chủ đòi hỏi đường may phải thanh với một giá rất thấp. Công việc này thường hại cho mắt và sức khỏe vì phụ nữ và các cô gái trẻ thường khom người hàng giờ để may, thỉnh thoảng phải làm việc dưới ngọn nến lờ mờ đến tận đêm.

(Xin xem bài đăng tiếp theo CHƯƠNG IV-PHẦN 1: Năm….)


Biên soạn bản tiếng Anh: Sr. Mary Philippa Reed - RNDM

Dịch thuật: Sr. Agata Nguyễn Thị Phượng Linh - RNDM