TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHƯƠNG VII- PHẦN 4 - CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP DÒNG


    Vào ngày 16 tháng 10 Mẹ Euphrasie về đến Nhà Mẹ. Lần này không có lính gác ở cổng. Tu viện có vẻ yên tĩnh cách khác thường.

    Mẹ đi vào, nhẹ nhàng đóng cổng và bấm chuông. Sau một khoảng dài thinh lặng, mẹ nghe những bước chân thận trọng và cách cửa mở hé. Ngạc nhiên và vui mừng, hai Sơ kéo mẹ vào trong và trìu mến chào đón mẹ.

    “Cho đến lúc này tất cả chúng con ở đây và mọi người đều an toàn mẹ ạ” họ trả lời mẹ. “Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra vậy mẹ? Những câu chuyện đang loan đi… và từng giờ, những người Phổ đến gần Pháp hơn. Thỉnh thoảng vào ban đêm chúng con có thể nghe tiếng súng ở xa.”

    Mẹ Euphrasie lắng nghe các Sơ. Mặc dù cố tỏ ra bình tĩnh, bận rộn, và tin tưởng, nhưng các Sơ sợ hãi. Không ai biết chắc cuộc chiến sẽ đi tới đâu. Có những tin đồn xấu loan ra và họ cảm nhận tai họa đang treo lơ lửng trên đầu. Nhiều người đã rời bỏ thành phố. Các lính gác cũng rời tu viện; nghe nói rằng sẽ có hơn 20 người lính gác sẽ thay thế họ nhưng quân đội không đưa bất kỳ tin tức nào.

    Vào ngày cuối tháng 10, Mẹ Euphrasie và một Sơ nữa thận trọng đi vào thị xã mua sắm. Khi đi qua nhà ga, họ thấy một toán lính, trông bẩn thỉu và ốm yếu, nhiều người trong số họ được băng bó cách sơ sài.

    “Chắc là họ đang chờ xe của bệnh viện,” người chị em nhận xét, và Euphrasie đồng tình.

    Khi trở về, những người đàn ông vẫn còn đó, hầu hết ngồi sụp suống ở nhà ga chỉ cách con tàu vài bước. Họ có vẻ lạc đường, dường như không biết Lyon. Một người đàn ông dựa vào một cái nạng thô gần bên, nhìn lơ đãng vào khoảng không trên đường.

    “Người chỉ huy của các anh đâu? Mẹ Euphrasie quan tâm hỏi.

    Anh ta lắc đầu cách chậm chạp, dường như không còn sức để nói. Một người đàn ông khác nhún vai cách vô tâm.

    “Không biết,” anh ta nói.

    Hai Sơ lăng xăng quanh nhà ga, hỏi chuyện.

    “Tôi nghĩ không có ai đến đón họ đâu,” một nhân viên đường sắt nói. “Mấy người quân cảnh đẩy họ ra khỏi tàu, số còn lại tiếp tục đi.”

    Các Sơ vô cùng kinh ngạc. Họ chợt nhận ra sự tuyệt vọng của quân đội Pháp, họ lôi những người bị thương ra khỏi chiến trường chỉ để bỏ rơi họ.

    Mẹ Euphrasie trở lại với những người lính ở nhà ga.

    “Anh có thể đi được không?” mẹ hỏi. “Các anh có muốn đến với chúng tôi không?”

    Họ lặng lẽ gật đầu và gắng sức giúp nhau lê bước theo các nữ tu.

    “Những người lính gác của chúng ta chưa trở lại,” Mẹ Euphrasie nói với Sơ đi cùng, “nhưng các giường của họ vẫn còn ở tu viện. Những người bạn tội nghiệp này có thể dùng cho tới khi quân đội trở lại.” Khi về gần đến tu viện, mẹ vội đi trước, tập họp cộng đoàn và nói cho chị em về khám phá của mình.

    “Sơ Jude, Sơ giúp lo việc y tế được chứ? mẹ hỏi.

    Khuôn mặt vui tươi của Sơ Jude hơi nhíu lại khi Sơ nhanh chóng lên kế hoạch và chọn các phụ tá.

    “Thưa Mẹ đáng kính,” Sr Nhà bếp thì thầm, “thức ăn chỉ đủ cho các chị em thôi, chúng ta có cho những người này dùng bữa trước không? Chúng ta có thể tìm thứ gì đó cho các chị em sau.”

    Khi những người đàn ông dùng bữa, các Sơ chuẩn bị các giường vải bạt của quân đội. Khi họ đã ăn uống xong, Sơ Jude kiểm tra từng người và hướng dẫn họ đến một trong các y tá của Sơ. Những người lính kiệt sức, cần trợ giúp để cởi hay cắt bỏ quân phục bẩn thỉu của họ; một số ngã xuống giường, quá mệt mỏi hay quá yếu để di chuyển.

    “Chúng ta cần một bác sỹ, quần áo, nước sôi, a-xít các-bô-lích, xà phòng, muối, thuốc mỡ!” Sơ Jude nói, các Sơ trợ trá chạy vội đến nhà bếp và tủ thuốc.

    Hai Sơ chạy đến trụ sở Cận vệ.

    Khi chiến tranh vừa mới bắt đầu, chúng tôi tình nguyện biến chỗ của chúng tôi như là trạm cấp cứu dã chiến,” họ nói, “nhưng từ đó đến nay, chúng tôi không nghe tin tức gì hết. Giờ đây chúng tôi có 20 người lính bị thương, ai sẽ là người có trách nhiệm về họ?”

    Người đàn ông ở bàn giấy hướng dẫn họ đến một bác sỹ, người tình nguyện phục vụ cứu thương. Khi hai Sơ đi ra khỏi, ông gọi với theo,

    “Nhớ là các chị được quyền treo cờ Chữ thập đỏ ở cửa để bảo vệ bệnh viện của các chị.”

    Tại bệnh xá, các y tá lặng lẽ làm việc với những chậu rửa và khăn. Các chuẩn sinh cẩn thận xé những khăn trải giường cũ và sạch thành những miếng băng và cuốn lại gọn gàng. Công việc khó khăn nhất là mở và chữa các vết thương. Có một vài vết thương kinh khủng không được rửa kỹ và bây giờ dính chặt vào quần áo dơ bẩn. Những vết thương khác có vẻ không trầm trọng, nhưng các nạn nhân rất yếu. Những vết thương bị nhiễm trùng và viêm thường gây nhiễm trùng máu và viêm phổi, và những bệnh nặng trở nên trầm trọng hơn do đói và lạnh. Một vài người dường như không có vết trầy nào cả, nhưng tử thần dường như đã hiện đến trên nét mặt họ.

    Sơ Jude không ngừng làm việc, ngoại trừ những khi Sơ dừng lại bên một bệnh nhân nói lời khích lệ. Thỉnh thoảng Sơ hích nhẹ Mẹ Euphrasie và thầm thì,

    “Mẹ có thể dừng lại một lát được không? Người đó, xin mẹ hãy ngồi với anh ta; và xem nếu mẹ có thể chuẩn bị cho anh ấy. Anh ấy không còn lâu nữa đâu Mẹ ạ.”

    Càng ngày các Sơ càng thêm hiểu biết và quý mến các bệnh nhân của mình, ngồi với họ hàng đêm dài, lắng nghe những nỗi buồn và sợ hãi của họ. Nổi loạn vì đau đớn và bị cơn sốt hành hạ, những người đàn ông can đảm khóc như một đứa trẻ, gọi mẹ hay vợ trong những giây phút vô tận của đau khổ. Các Sơ an ủi và cầu nguyện cùng với những người sợ chết, khích lệ những ai phải chịu đựng sự điều trị đau đớn.

    “Sơ ơi! Sơ ơi! Cho tôi cái gì đó để cắn vào,” thỉnh thoảng, một người đàn ông thì thào cách khẩn thiết, và người y tá vội vàng trao anh một chiếc khăn tay sạch gấp lại đặt vào giữa hai hàm răng nghiến chặt.

    Bác sỹ không có thuốc gây mê. Vào lúc đó, những phát minh mới chỉ có ở những bệnh viện lớn ở thành phố. Khi bệnh nhân không thể chịu đựng hơn nữa, bác sỹ thỉnh thoảng ngừng lại và ra hiệu một Sơ đang giúp ông.

    “Rượu mạnh!” ông nhẹ nhàng nói, và các Sơ vội chạy đi lấy một ít chất lỏng quý giá. Một ngụm rượu khi bụng đói đủ để gây nên tình trạng choáng váng, đó là thuốc giảm đau duy nhất sẵn có. Họ luôn mong rằng sau đó bệnh nhân sẽ tỉnh lại mà không nhớ gì về những thử thách vừa qua. Bác sỹ và y tá thường hy vọng rằng bệnh nhân sẽ ngất vì đau đớn. Đó là một sự mạo hiểm, nhưng điều đó giúp việc cắt và dò tìm dễ hơn.

    Ngoài việc ngồi hàng giờ an ủi, trấn an, lau những khuôn mặt nóng sốt, đưa những thìa nước mát vào những đôi môi khô rát, các Sơ còn viết thư cho các gia đình bệnh nhân. Đôi khi viết những dòng an ủi cuối cùng cho gia đình của một cậu bé đã qua đời. Đôi khi viết thư báo rằng đứa con trai thất lạc nay vẫn còn sống, bình an và đang hồi phục nhanh chóng. Cùng với việc chăm sóc thể lý, các Sơ thành công trong việc đưa các nhân trở lại đời sống đức tin. Những gia đình đau khổ được an ủi khi biết rằng đứa con thất lạc của họ đã ra đi khi được chuẩn bị về đời sống thiêng liêng, được thương yêu và chăm sóc cho đến phút cuối, và được an nghỉ nơi đất thánh.

    Niềm vui lớn lao nhất của các chị em là được nhìn thấy những người đang ông khỏe lại, đi dạo dưới ánh nắng mặt trời, nghỉ ngơi trong vườn, và khỏe lên từng ngày cả về tinh thần lẫn thể chất. Nhiều người trở về gia đình vẫn còn giữ liên lạc với các Sơ qua thư từ. Gia đình họ cũng gửi thư đến chia sẻ niềm vui được đón những người thân yêu trở về trong bình an. Cũng có những tin về việc sửa sang lại nhà, tìm được công việc mới, cưới hỏi và sinh con.

    Các chị em còn nhận được thư từ một cậu trẻ nghịch ngợm Charles Boyer, cậu này hay trêu chọc các Sơ cách không thương tiếc, chỉ cười trừ khi các Sơ để ý đến thái độ bất kính và những trò đùa không tôn trọng tín ngưỡng của cậu. Cậu còn làm buồn lòng các Sơ khi hoàn toàn từ chối lãnh nhận các bí tích. Cậu đã về nhà bình an, và sau khi ăn mừng vội vàng với những đứa bạn ngỗ nghịch, căn bệnh cũ tái phát.

    “Con thường nghĩ đến các Sơ,” cậu viết, “và con cảm thấy hối tiếc. Con nhớ lại các Sơ đã ân cần chăm sóc cho con cũng như đã kiên nhẫn với sự xấc láo của con thế nào. Giờ đây con đã thay đổi, con xin lỗi vì những hành vi không tốt của mình, xin các Sơ tha thứ cho con. Con sẽ không bao giờ quên lòng thương xót của Chúa đã dành cho con, cũng như phúc lành mà Cha tuyên úy đã ban khi con rời tu viện, và sự chăm sóc dịu dàng của các Sơ khi con đau yếu. Các Sơ thật là những người mẹ đối với con. Một lần nữa, con xin cám ơn và xin tha thứ cho con.”

    “Tạ ơn Chúa! Chúa chúc lành cho đứa con trai tội nghiệp! Xin Chúa chúc lành cho cậu!” Các Sơ thầm thì, tâm hồn tràn ngập lòng biết ơn, vì tình trạng thiêng liêng của Charles khiến họ vô cùng lo lắng.

Biên soạn bản tiếng Anh: Sr. Mary Philippa Reed - RNDM

Dịch thuật: Sr. Agata Phượng Linh - RNDM