TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHƯƠNG VI- PHẦN 4: CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP

 

          Làm điều Chúa muốn, quên đi bản thân và điều chị em yêu thích là điều chính yếu duy nhất trong Hiến Pháp. Mẹ Euphrasie mong muốn thể hiện trên giấy trắng mực đen những ý tưởng và lòng nhiệt thành tràn ngập trong lòng Mẹ. Nhưng Mẹ cũng lo sợ những hậu quả lớn lao của bản dự thảo này đối với Hội dòng. Mẹ bắt đầu viết cách chậm rãi và cẩn thận, cân nhắc từng từ phòng sự hiểu sai.


          Ở trang đầu, Mẹ giải thích danh hiệu mà Mẹ chọn cho dòng, “Dòng Đức Bà Truyền Giáo”. Danh hiệu này có ý, Mẹ viết, chị em tôn kính cách đặc biệt các Sứ Vụ Thần Linh, và cũng để nhắc nhở chị em về gương mẫu tận hiến của Đức Maria cho công việc của Chúa.


          “Cho những người khác”, Mẹ viết, “Tước hiệu này có nghĩa là chúng tôi tận hiến cho các sứ mạng hải ngoại, dưới sự bảo trợ của Đức Maria. Nhưng đối với chúng tôi, tước hiệu này có một ý nghĩa sâu hơn…”


          Đối với Mẹ Euphrasie, điều này rất rõ ràng, đơn giản và căn bản cho tới khi Mẹ đưa ra ngòi bút.


          Những vấn đề phổ biến về tôn giáo thời bấy giờ như sự đối nghịch giữa khoa học và tôn giáo, của sự tiến hóa và tạo thành, không hề ảnh hưởng đến Mẹ. Sự quan tâm của Mẹ sâu hơn nhiều. Sự hiện hữu của Chúa như một ngôi vị, Mẹ cho đó là một chuyện đương nhiên. Điều Mẹ quan tâm là bản tính của Thiên Chúa, điều khiến Mẹ thắc mắc và suy nghĩ từ những bài học căn bản về thần học mà Mẹ yêu thích ở tập viện ở Cuves.


          Một vũ trụ bao la và bất tận của sự tốt lành, năng lực và tình yêu tinh ròng, một sự Hiện Hữu quá tốt, quá hoàn hảo đến nỗi không có gì, ngoại trừ chính sự Hiện Hữu đó có thể bắt đầu hiểu hay thờ lạy hoặc yêu kính một cách xứng đáng, trí hiểu loài người làm sao có thể hiểu thấu hay tri ân cho đủ? Mẹ Euphrasie biết chắc rằng sự Hiện Hữu vĩ đại này thì gần và thực, sống động, đáng yêu và luôn hoạt động trong chính sự Hiện Hữu và nơi mọi tạo vật. “Ba Ngôi” là danh hiệu Mẹ được dạy để gọi tên mầu nhiệm này. Nhưng làm sao Mẹ có thể diễn tả hết sự tương tác sáng tạo của Thiên Chúa, của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bằng ngôn ngữ loài người?


          Mẹ khao khát đáp lại tình yêu lớn lao và thiêng thánh luôn vươn tới toàn thể tạo thành và nóng lòng chia sẻ tầm nhìn của mình. Thiên Chúa sai Con mình và tuôn đổ Thần Khí của Người xuống trên loài người. Mẹ đau lòng vì quá nhiều người trên thế giới này không biết đến sự tốt lành và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Chính vì sứ mạng này của Thiên Chúa, chính việc sai gửi và tìm kiếm này mang lại ý nghĩa cho đời sống con người, và đây là lý do duy nhất của đời sống truyền giáo.


          Ba Ngôi Thiên Chúa trở thành sự tôn kính đặc biệt trong Dòng của Mẹ, nhưng khi cố gắng chia sẻ nguồn cảm hứng này với các chị em, Mẹ nhận ra rằng từ ngữ dường như quá mơ hồ để diễn tả.   


        Ở trang đầu Hiến pháp Mẹ tiếp tục:

          “Riêng về từ Sứ Vụ Thần Linh, chúng con không nghĩ đến công việc truyền giáo nghèo nàn của chúng con, vì chúng con chẳng là gì, nhưng chỉ nghĩ đến sứ mạng của Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa con mà đến, nhằm việc thánh hóa Giáo hội.”


          Cũng ở trang đầu, Mẹ trình bày các lời khấn mà các chị em thánh hiến chính mình cho Sứ Vụ Thần Linh: lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và lòng nhiệt thành. (Mẹ Euphrasie khấn lời khấn nhiệt thành vào những ngày đầu của đời thánh hiến). Lời khấn thứ tư, Mẹ cẩn thận nêu rõ, không liên quan đến sự cuồng tín hoặc những tiêu chuẩn hoạt động của loài người. Đây chỉ là sự đáp trả thích hợp nhất đối với Sứ Vụ Thần Linh, luôn đặt Thiên Chúa trên hết, trước mọi điều quan tâm khác, và hứa luôn luôn phục vụ Người với lòng quảng đại, (vì tình yêu dành cho Chúa và dân Người), ngay cả khi gặp nguy hiểm.


          Khi thảo những tiêu chuẩn của đời sống cộng đoàn, Mẹ Euphrasie lấy từ những kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ, và so sánh với Hiến Pháp của các dòng khác. Ý thức về sự thiếu kinh nghiệm của mình về sứ mạng hải ngoại, Mẹ tham khảo ý kiến của các nhà truyền giáo Tiên Phong, những người Mẹ liên lạc thường xuyên qua thư từ. Hầu hết, Mẹ lắng nghe những lời khuyên của các Cha Marist. Họ là những người thúc đẩy Hội dòng ngay từ buổi đầu và giờ đây làm việc với các chị em tại những cánh đồng truyền giáo. Cha Farve, Bề trên Tổng quyền Dòng Marist, thường chủ tọa các cuộc họp của MEuphrasie và các Cố vấn của Mẹ, thế nhưng Cha cẩn thận lưu ý rằng Cha chỉ làm với tư cách là một cố vấn. Các Cha Marist không đòi hỏi bất cứ bổn phận hay đặc quyền nào trên Hội dòng. Hội dòng hoàn toàn tự lập về tài chánh và đời sống thiêng liêng. Cha Faver chỉ đưa ra vài gợi ý thiết thực lấy từ kinh nghiệm của đời sống truyền giáo lâu năm của ngài:


          “Mẹ đáng kính, tôi khuyên Mẹ nên thiết lập một luật nội vi chặt chẽ trong các cộng đoàn. Dĩ nhiên Mẹ không thể có các chị em hoàn toàn ở bên trong như các dòng chiêm niệm, các chị em phải được ra ngoài làm việc truyền giáo, nhưng là bán kín, với một lưới sắt ở cửa trước để ngăn ngừa những cuộc thăm viếng vô ích, và để tạo cho các chị em một khoảng không gian riêng yên tĩnh cho đời sống thiêng liêng.”


          Đây là một ý tưởng mới đối với Mẹ Euphrasie; điều này không giống với nếp sống hiện tại của họ, nhưng Cha Farver cứ khăng khăng:

          “Càng hoạt động, các Srs càng cần thời gian cho sự tĩnh lặng và cầu nguyện.”

          Cuối cùng Mẹ Euphrasie cũng bị thuyết phục; từ kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, Mẹ biết rằng khi tâm trí quá bận rộn, thì linh hồn có thể đói khát.

          Vào tháng 12 mẹ đưa một nhóm khác đi Anh để bắt đầu cuộc hành trình dài đến Úc. Họ sẽ mở một nhà mới như đã hứa với Cha Poupinel.

Chuyển ngữ: Sr. Agata Phượng Linh- Rndm