TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP DÒNG: CHƯƠNG V- PHẦN 3

    


          Mẹ đáng kính cũng thường làm cho mọi người cười khi nói về việc “yêu mình”, đôi khi sự ích kỷ vô thức dùng những mánh nhỏ và những biện hộ để đạt được điều nó muốn. “Tôi không thể làm việc đó hôm nay vì hôm qua tôi bị nhức đầu và có lẽ tôi sẽ bị nhức đầu ngày mai nữa”.

          Dù nghiêm túc hay hài hước, những lời chỉ dạy của mẹ không hề bị bỏ ngoài tai. Tuy được gương sáng và những lời hướng dẫn của mẹ thúc đẩy, các tập sinh không tránh khỏi những khó khăn trong đời sống cộng đoàn.

          “Nếu không phải vì Chúa, em sẽ không sống thêm một giây nào nữa trong cái nhà này!” một phụ nữ trẻ nổi giận la lên trong cơn bất bình của mình.

          “Và mẹ cũng vậy!” Mẹ Maria đáp lại trong sự đồng cảm.

          Chị tập sinh ngạc nhiên quay lại và thấy mẹ đáng kính đang bình tĩnh chờ. Những giọt nước mắt và những lời nhẹ nhàng làm nguôi dần cõi lòng tan nát và sự giận dữ của chị tập sinh, cuối cùng một giải pháp khả thi cho vấn đề dường như không thể chịu đựng nổi đã được đưa ra.

          Mặc dù giữ vẽ bình tĩnh, Euphrasie ngạc nhiên hiểu được tính cách ngỗ nghịch và vô kỷ luật còn hơn chính bản thân mình. Dù với vẻ nghiêm nghị hay mĩm cười, hoặc nhẹ nhàng trêu chọc, mẹ có thể thẳng thắn chỉ ra những suy nghĩ hay hành vi sai trái. Mẹ cũng có thể kiên nhẫn đến không ngờ chờ cho sự bướng bỉnh hay ngoan cố phải nhường chỗ cho sự tốt lành, và quyết định khó khăn cuối cùng nhường chỗ cho Chúa, ngay cả với một giá đắt để tự hào.

          Một Sr trẻ đầy tham vọng quả quyết rằng mình sẽ là một giáo viên và sẽ không có gì gây áp lực cho Sr giáo tập của chị cả.

          “Nếu Sr ấy không chịu thay đổi, Sr ấy không có ơn gọi đích thật,” Euphrasie nói. “Không cho Sr ấy học. Nhưng nếu Sr ấy tỏ ước muốn được hướng dẫn bởi Đức Vâng Phục Thánh, thì cho dầu có sở thích cá nhân đi nữa, Sr sẽ làm việc của Chúa tốt đẹp. Và nếu Sr ấy có khả năng, thì đào tạo Sr ấy cho việc dạy học.”

          Các tập sinh khác cũng gặp những hình phạt tương tự.

          “Sr này không có ơn gọi cho các sứ vụ hải ngoại chừng nào Sr còn khăng khăng là mình phải đi,” Mẹ Maria viết. “Tuy nhiên, nếu Sr chấp nhận rằng sứ mạng của mình là phục vụ bất cứ nơi nào Sr được Chúa sai đến, lúc ấy Sr sẽ là một nữ tu hữu ích để được sai đi.”

          Nguyên tắc này luôn kiên định. Mặc dù Euphrasie rất nhạy bén để nhận ra và khích lệ các khả năng tự nhiên của các Srs, nhưng trước và trên hết, mẹ dạy họ tìm ra sự quên mình đích thực trong việc từ bỏ những sở thích cá nhân cho những quyết định khách quan của những người làm công việc giải thích những nhu cầu của Giáo hội và của hội dòng.

          Nhiều lần Mẹ nhấn mạnh: “Trong việc của Chúa, thì không có gì là tầm thường và không có giá trị cả. Làm việc cực nhọc liên tục trong một số bổn phận nhỏ bé ở nhà, cũng có giá trị như các nhà truyền giáo dạy học ở các sứ vụ hải ngoại.”

 

          Các Cha Marist vẫn luôn là những người bạn quảng đại đối với Euphrasie và Sr Wilfrid, nhưng ngay từ đầu, có một sự thỏa thuận là hội dòng mới này sẽ tự lập về tài chánh và không phụ thuộc vào các Cha Marists. Thỉnh thoảng, các Cha sẵn sàng cho các Srs vay cho một số dự án phát triển quan trọng, nhưng các khoản chi tiêu hằng ngày, các Srs phải tự xoay sở.

          Một vài chuẩn sinh khi gia nhập dòng đóng góp một phần rất khiêm tốn cho các khoản chi tiêu của mình. Thỉnh thoảng có vài dâng cúng bằng hiện kim hay tặng vật gửi đến, và các Srs đón nhận như một món quà từ Trời. Mỗi ngày, mọi người làm việc để nuôi sống bản thân, và không có khoản thu nhập thường xuyên nào cả. Các Srs chỉ kiếm được chút tiền ít ỏi qua việc may vá; mảnh vườn nhỏ và các cây ăn trái cung cấp một số thức ăn; quần áo và giày dép các Srs tự may tay, thường lấy lại từ những mảnh vải người ta bỏ đi. Các Srs không hề phí phạm thời gian, vật liệu hay thực phẩm, nhưng sự nghèo khó của họ vẫn không hề thay đổi.

          Khi mùa đông năm 1862 đến với cái lạnh cắt da, các Srs không có tiền dư để dùng lò sưởi. Ngay cả nhiên liệu dùng cho các lò ở nhà bếp phần lớn được thu nhặt ngoài vườn và trên đồi. Không một lời phàn nàn, các tập sinh thu thập các miếng gạch quý giá ngoài vườn và đặt vào bếp lò trong khi nấu ăn. Trong khi dùng bữa, họ đặt các ngón tay tê cóng của mình quanh các tô canh nóng để sưởi; khi làm việc, các đôi chân buốt giá được sưởi ấm nhờ mấy miếng gạch được hun nóng từ bếp lò.

          Các Cha Marist cũng là những người bạn trung thành, họ thường gửi các phụ nữ trẻ đạo đức đến gặp các Srs ở đường Rue Cleberg, và vài người trong số những khách đến thăm này cuối cùng gia nhập tập viện. Dường như Thiên Chúa đang chúc lành cho hội dòng mới này dưới nhiều cách thức.

          Vào các buổi tối, trước giờ cầu nguyện cuối cùng trong ngày, các Srs ngồi lại với nhau trong giờ giải trí, trò chuyện và cười đùa với nhau, trong khi các đôi tay vẫn bận bịu với việc đan móc hay may vá. Sau một ngày dài vất vả làm việc, giờ giải trí này rất quý giá vì các Srs có dịp trò chuyện cùng nhau.

          Có quá nhiều chuyện để nói, quá nhiều niềm hy vọng và ước mơ để trình bày và chia sẻ. Cũng có những khi nỗi nhớ nhà, sự mệt mỏi và chán nản ăn dần ăn mòn những tâm hồn trẻ. Vì thế cần tìm những người bạn, mới có thể thấu hiểu để chia sẻ những nỗi đau và thử thách cũng như những niềm vui trong cuộc sống mới này.

          Thỉnh thoảng các Srs trẻ nói về những biến cố và cách thức lạ lùng mà Chúa đưa dẫn họ vào tập viện. Một buổi tối nọ, mọi người thuyết phục Sr Marie Joseph kể câu chuyện của mình.

          “Em cầu nguyện cho ơn gọi của mình trong một thời gian,” Sr ngại ngùng kể, “và một đêm kia em có một giấc mơ kỳ lạ: có một tiếng đang nói với em “Lắng nghe! Rue Cleberg! Rue Cleberg!” và em thấy một Sr lạ thuộc về một hội dòng mà em chưa hề thấy trước đây. Khi tỉnh dậy, em nhớ lại giấc mơ cách rõ ràng, nhưng dường như có nhiều ý tưởng ngớ ngẩn và lộn xộn, cũng như những giấc mơ khác, và em dần quên về những điều đó. Một khoảng thời gian dài sau đó, khoảng năm ngoái, như thường lệ em xưng tội với một Cha Marist và thưa với ngài rằng con cảm thấy như đang lãng phí cuộc đời mình; hình như Chúa đang gọi con làm một điều gì đó cho Ngài. Cha nói, “Hãy đến gặp những người bạn tốt của Cha, các nữ tu ở đường Rue Cleberg, và nói chuyện với họ.” Tên đường Rue Cleberg, nhắc em nhớ lại giấc mơ kỳ lạ trước đây. Và một ngày kia, em thu hết can đảm và đến đây. Em bấm chuông, và khi Sr Wilfrid mở cửa, em gần như té xỉu vì ngạc nhiên!”

    “Sr Wilfrid chính là nữ tu mà chị thấy trong mơ!” một trong các tập sinh vỗ tay và cắt ngang,

    “Không, không, không phải Sr ấy, nhưng bộ tu phục thì đúng y như vậy. Em chưa từng thấy trước đây, nhưng em vẫn còn nhớ Sr ấy trông như thế nào, và Sr ấy mặc giống hệt chúng ta vậy.”

          Sr ngừng một lát: “ Đó là lúc em biết Chúa muốn em đến đây.”

          Những Sr khác thỉnh thoảng cũng kể về những sự trùng hợp kỳ lạ trong cuộc sống của họ, có lẽ nó không đặc biệt như câu chuyện của Sr Mary Joseph, nhưng đủ để thuyết phục từng người trong họ rằng chính Chúa gọi Sr ấy đến nơi này.

          Tuy vậy những người mới đến không chỉ có những thiếu nữ trẻ ít kinh nghiệm. Một ngày nọ, Mẹ Maria ngạc nhiên và vui mừng đón nhận một người bạn cũ đến từ các nữ tu dòng Compassion ở Luân đôn. Nữ tu này là Sr Mary of the Angles, người đã vật lộn nhiều với ơn gọi truyền giáo ban đầu của mình từ khi Euphrasie rời Luân đôn.


Chuyển ngữ: Sr. Phượng Linh - Rndm