TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP DÒNG- CHƯƠNG V- PHẦN 2

 

CHƯƠNG V- PHẦN 2


          Đến tháng hai, vài thiếu nữ đã bắt đầu khóa học cầu nguyện ở Chuẩn viện, họ vừa học tập vừa làm việc. Một số phụ nữ trẻ xin gia nhập nhưng Mẹ Marie phải chọn lựa kỹ lưỡng. Mẹ nhận thấy một số chưa đủ trưởng thành, còn số khác có vẻ tìm kiếm sự mạo hiểm hơn là muốn dấn thân. Thậm chí có hai chuẩn sinh có vẻ rất yếu đức tin, một ngày nọ họ đột ngột biến mất và Euphrasie không mấy ngạc nhiên khi biết rằng họ là những gián điệp của cảnh sát được sai đến để theo dõi thực chất của cộng đoàn mới ở đường Rue Cleberg là gì. Trong lúc tình hình chính trị bất ổn, các nhà chức trách phải để mắt đến những nhóm cách mạng bí mật ở các tổ chức mới có đời sống ẩn dật và thầm kín.

    Vào tháng sáu, có bảy chuẩn sinh được trao tu phục và nhận tên dòng mới, và bảy chuẩn sinh khác cũng đang được chuẩn bị, đợi đến lượt mình.

    Mẹ Maria Thánh Tâm Chúa Giêsu có một chương trình đào tạo thiêng liêng và thực hành tốt cho các tập sinh. Mẹ thường dạy các tập sinh, Mẹ cũng mời những người có kinh nghiệm bên ngoài đến giúp để việc đào tạo thêm phần phong phú. Có chương trình đào tạo sư phạm của các Sr dòng Phaolô ở gần đó, và chương trình đào tạo các y tá ở bệnh viện dành cho những bệnh nhân nan y. Các Cha Marist thường dạy các môn về tu đức học, và cũng có các lớp học lịch sử, địa lý, khoa học, âm nhạc, hát và nghệ thuật.

    Trước hết, Mẹ đáng kính kiểm tra xem các đệ tử đã có những kiến thức căn bản về đức tin chưa. Dĩ nhiên là tất cả phải được Rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí tích Thêm Sức trước khi gia nhập tập viện, nhưng một số thiếu nữ tốt không được học nhiều hoặc chưa được đến trường, vì thế việc hướng dẫn đời tu cho họ bị hạn chế. Ngay cả những người có học thức, Euphrasie quả quyết rằng luôn có nhiều điều để học: sự hiểu rõ về giáo huấn của Giáo hội rất cần thiết cho việc tăng trưởng thiêng liêng, và họ cũng được hướng dẫn về các nguyên tắc và cuộc sống thường ngày của đời thánh hiến.

    Euphrasie rất nhạy trong việc dung hòa giữa kỹ năng và kiến thức của những thành viên mới. Một người thợ giầy nông dân nhỏ bé và khiêm tốn ngạc nhiên khi thấy mình hướng dẫn cộng đoàn tốt hơn việc làm và sửa giày dép. Mẹ đáng kính quả quyết rằng trong việc phục vụ Chúa thì những người làm những việc đòi hỏi sự khéo léo, hoặc những việc khó nhọc trong nhà và ngoài vườn có cùng giá trị và danh dự như việc học hành hay những việc nghệ thuật khéo léo.

    “Một nhà truyền giáo phải biết tra tay vào mọi việc,” mẹ thường nói như vậy. “Khi chúng ta tiết kiệm và sử dụng những gì mình có, chúng ta đang sống lời khấn khó nghèo cách nghiêm túc. Khi bước vào đời tu, chúng ta “bán tất cả những gì mình có và cho người nghèo”, như Tin Mừng nói. Khi chúng ta khấn sống Khó nghèo, những gì chúng ta có như nhà cửa, đồ dùng, thức ăn, quần áo, tiền bạc không còn là của mình nữa. Một cách hợp pháp, tất nhiên, nó thuộc về hội dòng, nhưng trong thực tế, nó thuộc về Chúa và Giáo hội của Người và được dành cho những ai cần đến nó nhất. Vì thế, ngay từ ngày đầu gia nhập hội dòng, chúng ta được dạy phải xin những điều nhỏ nhất chúng ta cần. Ngay cả những người có trách nhiệm về tài chính cũng không được mua hoặc bán hoặc mượn hay cho mượn tiền hay tài sản cách tự ý”.

    Tất cả những thành viên mới đều hiểu là các nữ tu không bao giờ lập gia đình. Chính từ “nữ tu” là một điển hình của sự đức hạnh và khổ hạnh. “Chị có nghĩ tôi là một nữ tu không!” trở thành lời đối đáp xấc xược của nhiều cô gái bướng bỉnh. Mẹ Mary giải thích lời khấn Khiết Tịnh như một hình thức đặc biệt của sự thánh hiến:

    “Khi khấn chúng ta từ bỏ một điều tốt cho một điều gì đó tốt hơn, vì thế trong lời khấn Khiết Tịnh, chúng ta hiến dâng linh hồn và thể xác mình một cách đặc biệt cho Chúa như là vị hôn phu của mình.”

    Không phải vì thế mà Euphrasie xem thường đời sống hôn nhân; Mẹ nhận thấy có nhiều lợi ích thiêng liêng và niềm vui nơi nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc, cuộc hôn nhân của ba mẹ Euphrasie là một điển hình. Euphrasie tràn ngập niềm vui và yêu thích ơn gọi đặc biệc của mình và đó là món quà lớn nhất mà mẹ có thể mong ước các đệ tử trẻ hiến dâng cho Chúa.

    Nhưng mẹ biết món quà tế nhị ấy quả là khó đối với bản chất tự nhiên của con người, có lẽ điều khó khăn nhất cho những tính cách vốn yêu thương cách tự nhiên.

    “Vì thế những ý nghĩ và tình cảm của chúng ta cần được canh chừng và bảo vệ bằng sự thận trọng và sự giản dị bên ngoài,” mẹ nói. “Vì thế chúng ta cần luôn tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa. Như thánh Phaolô nói, “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không gì là không thể làm được.” Cho nên, chúng ta phải dùng các bí tích Chúa ban để nuôi dưỡng và làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ.”

    Mẹ Maria cũng không ảo tưởng về lời khấn Vâng Phục, “làm việc này ngay hay là phải đi về” đó là một việc hiếm xảy ra,” mẹ giải thích, “nhưng có lẽ lời khấn Vâng Phục mang chiều kích sâu rộng nhất trong các lời khấn, bởi vì nó bao hàm tất cả. Bằng sự vâng phục sâu xa đối với ý Chúa, chúng ta dâng lên Ngài sự tự do và các chọn lựa của mình.

    “Trong cả ba lời khấn chúng ta không nhắm đến việc tuân theo đúng từng câu chữ của luật, nhưng cố gắng để được luôn tăng trưởng trong tinh thần của mỗi lời khấn, trau dồi những điều mà chúng ta gọi là nhân đức Khó Nghèo, Khiết Tịnh và Vâng Phục. Đó là lý do chúng ta coi những tập quán trong đời sống thường ngày là quan trọng, từ việc xin những đồ dùng nho nhỏ trong nhà kho, những thói quen của sự khiêm tốn và sự từ bỏ mình mà chúng ta thực hành mỗi ngày, cho đến việc giữ thinh lặng trong cộng đoàn nhằm nhắc nhớ đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Tất cả những điều này là những cách thức chúng ta cố gắng hiến dâng đời mình cho Chúa, Đấng Cứu Độ và yêu thương chúng ta không cùng, mà không hề giữ lại điều gì cho ý riêng và sự ích kỷ của mình.”


Chuyển ngữ: Sr. Agata Phượng Linh- Rndm