TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHƯƠNG IV- PHẦN 3 -CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO

 

    Trở lại Cuves, các Srs dòng Can-vê đang gặp khó khăn. Thậm chí trường học miễn phí của họ cũng chỉ có vài học sinh. Họ không nhận thêm tập sinh nhưng cũng không có đủ tài chánh để lo cho các chị em.


    Đòn giáng cuối cùng trong một chuỗi các tai họa là cái chết của Đức Giám mục cao niên của họ, người luôn luôn tử tế và khuyến khích chị em. Vị tân Giám mục không có thời gian cho các cộng đoàn tu trì không thành đạt.


    “Đóng cửa trường đi Cha Philpin,” ngài ra lệnh. “Giải tán các nữ tu; cho họ về gia đình hoặc đưa họ đến một giáo phận khác. Tôi không muốn họ ở đây.”


    Cha Philpin sững sờ. Rồi ngài bắt đầu suy nghĩ,

    “Có lẽ đây chưa phải là điểm kết đâu, có thể đây là kế hoạch của Chúa; có lẽ chúng ta chỉ phải thay đổi nhanh hơn điều mình nghĩ là khả thi.”


    Ngài rao bán tu viện và tất cả tài sản, và cho các Srs một lựa chọn:

    “Nếu các con vẫn muốn còn là các nữ tu của dòng Can-vê và sống ơn gọi truyền giáo của mình, các con nên đến với các chị em của dòng hiện đang ở Luân đôn. Nếu có ai không muốn rời nước Pháp, cha sẽ giúp tìm cho các con một cộng đoàn khác để sát nhập, hoặc là sẽ sắp xếp cho chúng con trở về với gia đình của mình.”

 

    Chị em lấy quyết định cách nhanh chóng. Tài sản của dòng cũng được bán một cách mau lẹ.  Cha Philpin đã đưa ra giá rẻ để việc mua bán được xúc tiến nhanh chóng, tuy vậy ngài vẫn có đủ tiền cung cấp cho từng chị em. Mẹ St John và 16 Srs trong số 35 người quyết định đi Luân Đôn; Cha Philpin trao tiền xe và tiễn họ lên đường; có thể Cha sẽ gặp họ ở Luân đôn sau này khi ngài hoàn tất mọi công việc ở Pháp.

 

    Có một biến động lớn trong cộng đoàn các Srs Can-vê ở Luân đôn: 22 Srs sống chen chúc trong một căn hộ chỉ vừa đủ cho 5 người. Dù sao cũng chỉ sống tạm trong một thời gian ngắn thôi, Mẹ St John trấn an mọi người.


    “Ngày mai mẹ sẽ đi tìm một ngôi nhà lớn hơn, một ngôi nhà vĩnh viễn cho chúng ta, nơi ấy chúng ta có thể sống như trong một tu viện thật sự,” mẹ nói, và mọi người cảm thấy vui mừng mặc cho sự bất tiện của việc sống chung chật chội.


    Chị em vui sướng vì được đoàn tụ. Họ ổn định cuộc sống làm việc và cầu nguyện, và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai bởi họ có được một khoản tiền nhờ bán tài sản ở Cuves.

 

    Một ngày kia, do đề xuất của các cha dòng Oratorian, họ quyết định mặc tu phục công khai.

    “Những người xung quanh biết chúng ta là nữ tu rồi,” họ nói. “Còn gì nữa mà sợ? Người dân địa phương có thể nghèo khổ nhưng họ rất lịch sự và thân thiện.”


    Mặc dầu vậy, lần đầu tiên ra ngoài với chiếc áo dòng vẫn là một thử thách. Ở đất nước này, người ta không nhìn thấy tu phục của các nữ tu đã hàng trăm năm nay rồi, lần đầu tiên nhìn thấy họ mặc tu phục sẽ gây một sự náo động.

 

    Một chiếc xe ngựa đi chậm lại rồi dừng lại trên đường làm cho các hành khách nhìn chằm chằm vào sự khác thường. Một vài người bạn còn kêu lên lời hoan hô.


    Vẫn còn đỏ mặt vì thẹn, một trong các Srs đi tiên phong kể lại khi họ về đến nhà:

    “Họ gọi, huýt sáo và la hét, toàn là những đứa con trai,” Sr nói, rồi Sr cười, “nhưng họ nói bằng tiếng Anh, vì thế hoan hô hay giễu cợt cũng như nhau, chúng em không biết họ đang nói gì.”


    Giờ đây các Srs ra ngoài gần như thoải mái và an toàn, dầu vậy thỉnh thoảng có những đứa bé hỗn xược buông những lời thô lỗ và cười nhạo, và một vài người cuồng tín khơi dậy thành kiến chống người Công giáo.

    Người ta bắt đầu tin tưởng và quý mến các Srs. Chị em không còn tìm kiếm việc làm nữa, có vẻ như công việc đến tìm họ.

 

    Có một nhóm linh mục được gọi là Oratory đến khởi xướng sứ mạng tại một vùng nghèo ở Luân Đôn. Các cha xây nhà thờ và trường học cho các nam sinh. Có quá nhiều người muốn cho con đi học khiến ngôi trường của các Cha đông nghẹt. Đối với Cha Faber, bề trên dòng các Cha Oratory, Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của ngài qua các nữ tu dòng Can-vê vừa đến.


    “Bây giờ chúng ta sẽ thành lập một trường cho các nữ sinh ở đây,” ngài nói, “và sau này sẽ thành lập một trường khác ở đằng kia… và thêm các trường nữa… một mái ấm…những mái ấm …các xưởng làm việc…”


    Mẹ St John hơi thận trọng. Mẹ thấy rằng chị em có thể sẽ dễ bị kiệt sức bởi những đòi hỏi không cùng. Có những người bạn tốt giúp dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng họ phải làm việc với hết khả năng của mình.


    Trong số các bạn người Anh thân thiện, các chị gặp ba phụ nữ trẻ vừa mới trở lại với Giáo hội. Cô Elizabeth Nutt và hai cô em thuộc gia đình khá giả và có học. Họ tận tình giúp đỡ các Srs, bỏ ra hằng giờ để giúp các Srs nói tiếng Anh. Khi Cha Philpin từ Pháp đến, ngài ở lại gia đình Nutt một thời gian và cũng tham dự lớp học tiếng Anh này.

 

    Chị em sớm chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn như Mẹ St John đã hứa. Vào năm mới họ lại chuyển lần nữa, lần này chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn và thoải mái hơn, và các chị nghĩ rằng đây là ngôi nhà vĩnh viễn của họ.


    Luân đôn là một thành phố đang phát triển, là trung tâm của Đế quốc Anh. Mẹ Raphael và Sr Marie đến Anh vào thời điểm có một cuộc triển lãm lớn. Cung điện Pha lê là một thành tựu lớn của kỹ thuật; đó là một dãy nhà lớn bằng kính được dựng như là một nơi tham quan, trưng bày hàng ngàn những phát minh hiện đại, kỳ lạ và tuyệt vời nhất thế giới. Được Công ty Xe buýt Thủ đô phục vụ cách hiệu quả, người ta tuôn về nơi triển lãm, “hết những người dân ở Luân đôn ngỡ ngàng trước sự phát triển tuyệt vời của kỹ thuật”, một phóng viên nhà báo đã viết. Ở đó còn trưng bày một phần thịnh vượng của thành phố qua việc thử nghiệm điện đường đang hoạt động.

 

    Nhưng đó không phải là một Luân đôn mà chị em và hàng xóm của họ biết đến. Luân đôn của họ là những con hẻm dơ dáy và đói nghèo. Các nhà chức trách thành phố vừa mới bắt đầu làm hệ thống cung cấp nước ở đường (vì nước chưa được dẫn vào các nhà tư). Đã từ lâu, một số bác sỹ quả quyết rằng sự phát sinh thường xuyên của bệnh dịch tả và sốt thương hàn là do nguồn nước bị ô nhiễm. Việc nâng cấp hệ thống cầu cống thô sơ của thành phố mới chỉ là kế hoạch, và con sông Thames thì rất dơ bẩn đến nỗi vào những lúc nóng bức dòng sông này có biệt danh là “Mùi hôi khủng khiếp”. Những đứa trẻ rách rưới bới tìm ở hai bên bờ nhầy nhụa những chai rỗng và mọi thứ bỏ đi có thể bán được, người ta gọi chúng là “những đứa bé cầu bơ cầu bất”.

 

    Trong vòng vài tuần lễ, ngôi trường mới của các Srs có trên 100 bé gái nhỏ, nhiều em trong số đó rách rưới và đói khổ. Chị em phải tìm quần áo ấm và thức ăn cho các em trước khi chúng có thể học được điều gì. Chị em xin quần áo và bất cứ điều gì có thể giúp những người trong cảnh túng quẫn; họ phân loại, sửa, đan và may lại, bày bàn bán ở một cái bàn nhỏ. Chị em cũng mở một trường nghề, dạy thủ công và may vá cho phụ nữ và các cô thiếu nữ.


    Nhiều em gái phải làm việc kiếm sống vào ban ngày; cuộc sống cay nghiệt ở những khu ổ chuột của Luân đôn lôi kéo nhiều em vào con đường tội lỗi để kiếm kế mưu sinh. Để giúp các trẻ em này, các Srs mở lớp học đêm, và lớp này sớm trở nên đông nghẹt. Khi các Cha rao giảng về sứ vụ thì chính các Srs là người quy tụ các phụ nữ địa phương lại, đón tiếp họ và hướng dẫn họ vào hội trường lớn của trường dành cho các trẻ nữ.

 

    Euphrasie bận rộn cả ngày và làm thêm nhiều giờ vào ban đêm.

    “Sr Mary! Sr Mary!” một giọng trẻ của người khu đông Luân đôn gọi, và Euphrasie mĩm cười nghe tên tiếng Anh của mình.

 

(Xin xem bài đăng tiếp theo CHƯƠNG IV-PHẦN 4

                                                                                   

Biên soạn bản tiếng Anh: Sr. Mary Philippa Reed - RNDM

Dịch thuật: Sr. Agata Nguyễn Thị Phượng Linh - RNDM