TẬP SINH NĂM i - 2024

CHUẨN SINH 2024

BAN LÃNH ĐẠO RNDM Việt Nam 2024-2027


GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

CHÚA NHẬT 24 TN B

I.               MỞ ĐẦU

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống. Amen (Rabbouni)

 

Hát: Phút linh thiêng-TCCĐ tr 211

 

II.           SUY NIỆM LỜI CHÚA  Mc 8, 27-35

 

1.    Đức Giêsu là ai và tôi là ai

Tiên tri Isaia đã loan báo về một Đấng Messia phải chịu nhiều đau khổ, bị kết án, sỉ nhục, bị người đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên.... chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,…Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53, 3-5)

Đức Giêsu là ai? Đó là thắc mắc lớn cho con người mọi thời đại. Ngay cả người đương thời với Đức Giêsu, thậm chí các môn đệ của Người cũng đã nhiều lần thắc mắc về căn tính của Người. “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”(M c 4,41),“Ông này chẳng phải là ông Giêsu con ông Giuse đó sao” (Ga 6,42).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng muốn biết các môn đệ hiểu gì về Người: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)

Trong thư gửi tín hữu Philipphê (Pl 2,6-11), thánh Phaolô định nghĩa về Đức Giêsu là:

“Đức Giêsu  Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với ThiênChúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ ,

 trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi chết, chết trên cây thập tự.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên

muôn ngàn danh hiệu.

vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su

cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,

muôn vật phải bái quỳ

và để tôn vinh ThiênChúa Cha,

mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:

Đức Giêsu Kitô là Chúa”

 

Còn thánh Phêrô, sau lời tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”. Thánh nhân còn nói về Đức Kitô là người tôi trung của Thiên Chúa đã tự nguyện chịu đau khổ (1Pr 2,21-24)

Ðức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em,
để lại một gương mẫu
cho anh em dõi bước theo Người.

Người không hề phạm tội;
chẳng ai thấy miệng Người
nói một lời gian dối.

Bị nguyền rủa, Người
không nguyền rủa lại,
chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe;
nhưng một bề phó thác
cho Ðấng xét xử công bình.

Tội lỗi của chúng ta,
chính Người đã mang vào thân thể
mà đưa lên cây thập giá,
để một khi đã chết đối với tội,
chúng ta sống cuộc đời công chính.

Vì Người phải mang những vết thương
mà anh em đã được chữa lành.

 

Thánh Gioan Tông Đồ thì trải nghiệm phần lớn cuộc đời bên thầy Giêsu để đưa ra một xác tín“Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8). Nhưng đây là những kinh nghiệm cá vị của các tông đồ năm xưa với Đức Giêsu.

Còn tôi, tôi có xác tín gì về Đức Giêsu? Người là ai đối với tôi? Là ai trong những chọn lựa, suy nghĩ của riêng tôi?

Giờ này đối với tôi Đức Kitô là ai rồi?
Liệu Ngài có là chiếc bóng bên
đường, đã một lần đi qua đời tôi
nhưng chỉ để
lại trong tim tôi thoáng chút dư âm và rồi tôi chợt quên?
Giờ
này đối với tôi Đức Kitô là ai rồi?

Ngài còn là Ngài haythôi?
Một
lần đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi
Để
lại trong tôi một thoáng nhớ mong manh rồi dần tan với thời gian?

(phỏng theo bài hát:Giờ này Đức Kitô là ai. Lm. Nguyễn Duy)

 

       Liệu Chúa có buồn khi tôi xem Ngài chỉ là một cái bóng, một nhân vật xa lạ, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi không? Hãy nói cho Chúa nghe về câu trả lời của riêng tôi. Nếu tôi chưa thể định nghĩa được về Người cũng hãy nói với Chúa về điều đó.

Thinh lặng

 

 Hát: Giờ này Đức Ki tô là ai? TCIII tr 99

      Đức Kitô là ai đối với tôi? Câu trả lời là sự sống còn của đời tôi. Vì nó nói lên mức độ thân tình giữa tôi với Người. Cách tôi định nghĩa về Đức Kitô cũng là cách tôi sống với Thiên Chúa và tha nhân. Khi tìm được Ngài cũng là lúc chúng ta tìm thấy bản thân, thấy căn tính của mình và nối kết được với tha nhân. Nhưng dù chúng ta có định nghĩa Ngài là ai thì chúng ta vẫn luôn phải đặt Ngài là trung tâm của đời mình. Một tác giả sách thiêng liêng cho rằng: “Khi đặt Đức Kitô làm trung tâm, thì mọi thứ đều trở về trật tự của nó.”

      Điều gì hoặc ai là trung tâm của đời tôi? Liệu Chúa có là trung tâm của đời tôi không? Có khi nào tôi lại là trung tâm của chính tôi không?

 

 2. Lời mời gọi bước theo Thầy

Sau câu hỏi riêng tư dành cho các môn đệ, Đức Giêsu dẫn các ông đi sâu hơn vào mối thân tình với Ngài bằng việc tỏ cho họ biết con đường Ngài sẽ đi, để thi hành ý Chúa Cha đó là con đường thập giá. Khi nhắc tới thập giá, ông Phêrô lặp tức ngăn cản Chúa. Trong hành trình theo Chúa, chúng ta cũng thường từ chối thập giá, hoặc chất lên vai người xung quanh. Nhưng theo Chúa là đi vào con đường hẹp, con đường của hy sinh, tự hủy. Trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta cảm tưởng rằng thập giá của chúng ta thật nặng nề, khó để mà mang vác. Đó là khi chúng ta gặp khó khăn, bị tổn thương, mất mát,... Nhưng những lúc đó chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên thập giá Đức Kitô. Dừng lại và chiêm ngắm đôi chút. Ngắm nhìn cách Chúa bước đi, cách Chúa mang vác thập giá đời ta tới đồi Can vê. Từ Thánh giá Chúa nhìn có vẻ thê lương nhưng chính nơi này mở ra cho chúng ta những cơ hội được cùng Ngài bước đi trên con đường cứu độ, những cơ hội được Phục Sinh với Chúa. Như thế, mọi hy sinh vất vả của chúng ta sẽ không uổng công nhưng trở thành dòng thác ân sủng chữa lành thế giới.

      Hiện tại những thập giá nào tôi cảm thấy nặng nề hay làm tôi quỵ ngã?  Hãy gọi tên chúng lên và thổ lộ với Chúa. Thập giá nào mà tôi chưa làm sáng tỏ hay chưa gọi tên được cũng hãy nói cho Chúa nghe để người có thể giúp chúng ta.

 

Hát: Theo Chúa- TC 2 tr 106

 

Mẹ Euphrasie Barbier đã dành cả cuộc đời để trả lời câu hỏi “Đức Kitô là ai?”. Mẹ Sáng Lập đã đón nhận Lửa Thánh Linh để hoàn toàn tận hiến đời mình cho Sứ Vụ Thần Linh của Ba Ngôi và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mẹ truyền lửa cho mọi thế hệ nữ tu Đức Bà Truyền Giáo trên toàn thế giới. Và cách riêng, Mẹ đã chia sẻ lại cho các tập sinh mọi thời một kinh nghiệm cá vị mà Mẹ có đối với Đức Kitô.

“Hãy yêu Người trong niềm vui và lòng tri ân

Hãy yêu Người trong âm thầm và tiếng ca ngân

Luôn yêu Người dù giờ thinh lặng hay giờ cầu nguyện.

Trong mọi việc hãy yêu Người và yêu luôn luôn.

Giờ học hành khi nghỉ ngơi, giờ làm việc, lúc vui chơi

Nhớ luôn luôn mãi yêu Người,

Và ta yêu nhau, trọn đời ta yêu nhau.”

Thinh lặng

 

III.        LỜI NGUYỆN KẾT

Lạy Chúa Giêsu,

Nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại

Chọn những người nổi tiếng làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay, Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,

 và chúng con thật sự đắn đo

trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng

 chọn Chúa là lội ngược dòng,

theo Chúa là bước vào con đường hẹp:

con đường nghéo khó và khiêm nhu,

con dường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa

 không phải vì Chúa giàu có,

tài năng hay nổi tiếng,

nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

Chẳng có ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

Chẳng có ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa

nhiều lần trong ngày,

 qua những chọn lựa bé nhỏ,

để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,

và để chúng con

thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

(Trích Rabbouni)

 

Maria Phạm Thị Tám

Tập sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo