TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHẦU THÁNH THỂ CHÚA NHẬT XXIII TN A


 

I.         Lời nguyện đầu:

 “Tinh thần trầm mặc nối kết chúng ta với Thiên Chúa, giúp chúng ta trong mọi sự, chỉ tìm kiếm thánh ý Ngài, cùng lúc soi dẫn chúng ta về những gợi hứng của ân sủng, đồng thời hỗ trợ cho lòng hăng say của chúng ta để trung thành đáp ứng” (trích những lời nhắn nhủ của Mẹ Euphrasie Barbier).

 

Trong sự tĩnh lặng linh thánh này, trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng con. (Thinh lặng) Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con loại bỏ khỏi tâm trí và linh hồn mình mọi bận tâm, lo lắng, sự chia trí bởi những sự ồn ào bên ngoài và những xáo động bên trong. Để giờ này, chúng con có thể ở lại với Chúa Giê-su Thánh Thể trọn cả con người chúng con và trong Chúa, chúng con cũng sẽ gặp được chính mình và anh chị em.

 

Hát: Con quỳ đây (CTT trang 51, hát câu 1, 2)

II.           Công bố Tin Mừng: Mt 18, 15-20.

III.   Suy niệm:

a.      Suy niệm 1:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học về một điều rất tế nhị, điều mà đa số trong chúng ta ít muốn đụng đến nó: Sửa lỗi cho người khác…….

Đứng trước lời mời gọi của Chúa. Tôi có can đảm để thực hiện nó, tôi có dám nói lên sự thật, có dám sửa lỗi để giúp chị em tôi trở nên tốt hơn?

Chúa nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó”(Mt 18,15).

             Vậy, đâu là tiêu chuẩn mà Chúa Giê su muốn dạy chúng ta hôm nay về việc này:

Trước tiên, Chúa muốn chúng ta bắt đầu việc sửa lỗi trong tình yêu thương.

Động lực thúc đẩy việc sửa lỗi phải khởi nguồn từ tình yêu thương, từ mong ước muốn chị em trở nên hoàn thiện hơn, giống Chúa Giêsu hơn và giúp chị em sống yêu thương hơn.

Vậy, đâu là động lực thúc đẩy tôi đi đến sửa lỗi cho người khác? Tình yêu có phải là điểm khởi nguồn hay có nguồn động lực nào khác?

Tiếp theo, Chúa muốn chúng ta hãy sửa lỗi trong sự tế nhị:“Một mình anh với nó mà thôi”

Sự tế nhị là một điều quan trọng trong việc sửa lỗi, nó quyết định một phần trong việc người khác có đón nhận điều được góp ý hay không.

Tôi có đủ tế nhị khi sửa lỗi cho chị em tôi?

Có khi nào tôi đến sửa lỗi với một cõi lòng đầy sự khó chịu, tức giận, sửa người khác để thỏa mãn chính mình thay vì muốn giúp họ trở nên tốt hơn?

 

Tiếp đến, để có thể sửa lỗi cho người khác, Chúa muốn chúng ta phải có một cái nhìn khách quan: “Nếu nó không chịu nghe anh, thì hãy đem theo hai người nữa. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh(Mt 18,16-17). Vậy, việc sửa lỗi không phải xuất phát từ cái nhìn của riêng cá nhân, hay của hai ba người, nhưng đó phải là cái nhìn khách quan của nhiều người - của Hội Thánh. Nhìn xa hơn nữa, chúng ta nhận thấy rằng: Hội Thánh chính là Nhiệm Thể Đức Kitô. Vậy, việc sửa lỗi phải khởi đi từ chính cái nhìn và tiêu chuẩn của Đức Kitô: Tiêu chuẩn của tình yêu - “Yêu thương là chu toàn Lề Luật(Rm 13,10).

Giờ đây, chúng ta dành ít phút để nhìn sâu vào chính mình:

-         Đâu là tiêu chuẩn, chuẩn mực tôi dùng để sửa lỗi cho anh chị em tôi?

-         Đó có phải là tiêu chuẩn của sự yêu thương, nâng đỡ như Đức Kitô, hay tình yêu chỉ là vỏ bọc bên ngoài của sự ghen tỵ, đố kỵ, của sự khó chịu bởi người khác hành xử không đúng với những điều tôi cho là tốt?

 

Mẹ Sáng Lập đã viết: “Các con yêu dấu, hãy nhắc nhở nhau trong danh dự, hãy cùng nhau thi hành luật lệ với sự lịch thiệp trong tinh thần của Chúa Kitô và với sự tế nhị đầy tính cách tu trì, luôn luôn quan tâm đến những lợi ích và sự dễ chịu cho tha nhân hơn là điều làm cho mình được thỏa mãn” (trích những lời nhắn nhủ của MSL năm 1893).

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con đi đến với nhau trong tình yêu, can đảm làm chết đi con người của sự thoải mái, ích kỷ, để mỗi người chúng con trở nên người kiến tạo và trao tặng tình yêu trong chính cộng đoàn mình. Như chính Chúa đã nói: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì, ngoài món nợ tương thân tương ái”. (Rm 13, 8)

Hát: Ý nghĩa yêu thương (TC I 128, hát câu 1, 3)

 

b.      Suy niệm 2:

Để giúp chúng ta sống triệt để giới răn yêu thương, Chúa Giê su nói:

 “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).

Là người Kitô hữu, chúng ta mang trong mình chính Đức Kitô. Vậy, việc họp lại nhân danh Chúa không chỉ là khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện hay hội họp, nhưng còn là ngay trong chính những cuộc gặp gỡ hằng ngày. Đức Ki tô ở trong chúng ta khi chúng ta ở một mình, nhưng ngay giây phút diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai người, thì Đức Kitô hiện diện ở giữa. “Ở giữa” thể hiện rằng: Khi chúng ta đến với nhau, Đức Kitô trở thành điểm nối kết giữa hai con người, cuộc gặp gỡ bình thường nay được trở nên linh thánh vì có sự hiện diện và nối kết của chính Chúa.

 

Sự hiệp thông không chỉ giữa hai người hay nhiều người, nhưng đó là sự hiệp thông với chính Thiên Chúa Ba Ngôi trong nhau và qua nhau.

-         Tôi có gặp được Chúa trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày không?

-         Chúa Giê-su có trở thành điểm nối kết khi tôi gặp gỡ, trò chuyện, làm việc với chị em không?

Lạy Chúa Giê su, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, trong tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hát: Suối Nguồn Tình Yêu (TC I trang 110, hát câu 2)

Hát: Này con là đá….

Lời nguyện: cầu cho Đức Thánh Cha

Hát: Tình yêu Chúa (CTT 50 1, 2)

Lời nguyện Thánh Thể

IV.             LỜI NGUYỆN KẾT:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chìm sâu trong Ba Ngôi để kín múc nguồn tình yêu, Mẹ diễn tả niềm vui sâu xa khi cưu mang trong mình Chúa Giê-su nơi những cuộc gặp gỡ hằng ngày cho những người Mẹ gặp gỡ. Xin giúp chúng con để cho Chúa Giêsu trở thành điểm nối kết trong những cuộc gặp gỡ của chúng con với nhau.

Hát: Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa……   

Nguyễn Thùy- Tập sinh

Dòng Đức Bà Truyền Giáo