TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHẦU THÁNH THỂ CHÚA NHẬT XVIII TN-A


 

Kính mời cộng đoàn quỳ.

Hát: Thánh Thể gọi con về (CTT tr.30 c1)


Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, trong giây phút này, chúng con chạy đến với Chúa. Xin Thánh Thần Chúa thương hướng dẫn và giúp chúng con biết dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa cho xứng đáng. Chúng con nài xin Chúa thương đến lời khấn nguyện của từng người chúng con trong giờ này…

(Thinh lặng để mọi người dâng ơn xin)

Kính mời cộng đoàn đứng cùng công bố Lời Chúa:

Mt 14,13-21

SUY NIỆM:

   “Chạnh lòng thương” – trái tim người mẹ

 

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày Chủ Nhật 28/6/2020 có bài viết với tựa đề “Mẹ đã sinh ra con thêm một lần nữa”. Câu chuyện kể về chị Ngô Thúy Phương Thanh, 27 tuổi. Chị Thanh là người mạnh khỏe, có công việc ổn định với mức lương cao, cuộc sống tưởng chừng như rộng mở với tương lai. Cho đến một ngày hai năm trước, khi biết tin phải chạy thận, chị Thanh suy sụp vì thấy cuộc sống đến đây là hết. Sau một thời gian bình tĩnh, chị đã bắt đầu lạc quan hơn khi bác sĩ cho biết chị có thể ghép thận để sức khỏe tốt hơn. Biết vậy, mẹ chị đã sẵn sàng tìm mọi cách để con gái được ghép thận. Khó khăn là tìm được quả thận phù hợp và chi phí phẫu thuật. Sau cùng mẹ chị Thanh có thận phù hợp với con gái và ca phẫu thuật được tiến hành. Giờ đây cả hai mẹ con chị Thanh đều đã bình phục sức khỏe. Điều đặc biệt là theo quan điểm nhân đạo trong y học, khi người hiến thận còn sống, nên chọn quả thận kém hơn về chức năng để ghép, còn để lại quả thận tốt nhất cho người hiến nhằm đảm bảo an toàn đối đa cho họ. Các bác sĩ đã khuyên người mẹ hiến thận trái khi quả thận này có một nang nhỏ khoảng 20mm. Tuy nhiên, bà vẫn nhiều lần trình bày nguyện vọng hiến thận phải – quả thận tốt nhất - cho con gái. Trong dòng tin in đậm được đóng khung, mẹ chị Thanh chia sẻ “Với một người mẹ, tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất là làm sao có thể cứu con… Thật may mắn khi tôi có thể hiến thận cho con, chỉ cần con được sống mạnh khỏe thì dù nỗi đau hay mất mát nào tôi cũng có thể chịu đựng được”.

 

Chúng ta đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của chị Thanh. Nhưng có lẽ tấm lòng thương con của người mẹ mới làm chúng ta xúc động. Trái tim của một người mẹ đã dẫn lối cho hành động của bà. Bà đã không ngần ngại hiến tặng một quả thận tốt nhất cho con gái được mạnh khỏe, đồng nghĩa với việc cho đi nửa sự sống của mình, và nửa sự sống còn lại không được bảo đảm.

 

Hôm nay, chúng ta cũng được nghe câu chuyện kể về Đức Giê-su. Người chạnh lòng thương mà đưa đến hành động chữa lành bệnh cho dân chúng. “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14)

 

Khi đứng trước cảnh đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người”, có lẽ trái tim của Đức Giê-su đã bị rung động cách sâu sắc. Sự rung động của một trái tim người mẹ khi đứng trước cảnh con cái phải chịu những cơn đau cả nơi thể xác và trong tâm hồn. Người không dừng ở việc chữa lành cho dân chúng, hóa bánh cho họ ăn no, rảo khắp làng mạc nói Tin Mừng cho dân được hy vọng, trừ quỷ cho người ta được giải thoát. Nhưng trái tim của Đức Giê-su đã dẫn Người tới việc chấp nhận chết trên thập giá, hiến mạng sống mình, trao ban Mình và Máu Thánh làm của ăn thiêng liêng cho chúng ta.

 

Giờ đây, trước Chúa Giê-su Thánh Thể- minh chứng rõ ràng nhất cho sự sáng tạo của tình yêu trao ban- chúng ta cùng chiêm ngắm “sự chạnh lòng” mà Chúa Giê-su đã dành cho từng người chúng ta.

 

Chúa đã làm gì cho thân xác và tâm hồn hay đau yếu của tôi? Khi tôi cần đến Chúa? Hay ngay cả khi tôi không biết mình cần đến Chúa?

 Thinh lặng…

 

Một người hay “chạnh lòng thương” như Đức Giê-su. Người có con tim của người mẹ, đầy ắp thao thức cho những đứa con đau khổ: cho dân Israel, cho người trộm lành, cho người môn đệ chối Thầy, cho người phụ nữ ngoại tình, cho người mù…và đặc biệt cách riêng cho từng người chúng ta. Con tim ấy thật đáng để cho chúng ta “chạnh lòng thương”. Người cũng có những vết thương nơi thân xác, vì Người đã mang lấy những vết thương của chúng ta. Thân xác của Đức Ki-tô là chính tôi, là tha nhân chung quanh tôi, là tạo dựng quanh tôi.

Xuất phát từ tình yêu, tôi có thể làm gì cụ thể để chữa lành thân xác cho Người?

Thinh lặng…

Hát: Tình yêu của Chúa (TCI tr 115 c1, 3)

 

      Sứ mạng người môn đệ

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn."16 Đức Giê-su bảo: Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn. (Mt 14, 15-17)

 

Vượt qua đòi hỏi của những nhu cầu được sống thoải mái, êm đềm, ích kỉ, thành công, lợi lộc vật chất… phẩm cách của người môn đệ Đức Giê-su là "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." (Mt 14,17) Bằng cách nào? …Các Tông Đồ xưa đã đưa cho Đức Giê-su năm chiếc bánh và hai con cá để “Người cầm lấy…ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng”. (Mt 14, 19)

 

Thế giới chúng ta đang sống vẫn còn hàng tỉ người đói khát của ăn. Con người ngày nay đói khát hơn hết tình yêu vô vị lợi, sự quảng đại và tình liên đới. Bằng cách nào mỗi người chúng ta có thể thực hiện được lời của Đức Giê-su?... Chúng ta có thể trao trọn vẹn năm giác quan của mình để Đức Giê-su thánh hóa thành đôi mắt, đôi tai, đôi tay, đôi chân hay lời nói của Chúa. Chúng ta chỉ có thể làm được điều ấy khi đào sâu tương quan cá vị giữa “tôi với Đức Ki-tô”. Nhận ra “trong trái tim Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Hội Thánh, mỗi người đều có một chỗ duy nhất, một vai trò duy nhất không thể thay thế, một sự hữu hiệu riêng chúng ta và không ai khác có thể đảm nhận…để có thể  trao cho Thiên Chúa, anh chị em mình, Giáo Hội, thế giới một tình yêu mà không ai đã từng trao cho họ.” (Trích Khát khao cầu nguyện)

 

Trước khi vươn ra một thế giới rộng lớn, Chúa vẫn mời gọi ta trao tặng những phần bánh cho người bên cạnh: đâu là mẩu bánh cộng đoàn đang cần tôi bẻ ra để sẻ chia: một sự chu đáo trong việc bổn phận của tôi chăng?...một sự nhạy bén và tế nhị trong cách ứng xử?....một khoảng thời gian quý báu cho nhu cầu chung của cộng đoàn?...một sự nhịn không màng hơn thua để được chín sự lành chăng?...những phần bánh mà đôi khi tôi cảm thấy đau, thấy tiếc khi chấp nhận bẻ ra …nhưng thực ra tấm bánh của tôi chẳng bao giờ hao hụt vì chính Đức Kito đã luôn làm cho nó tròn đầy. Như vậy sự bẻ ra là cần thiết để có chỗ cho tấm bánh Giêsu đi vào. Và rồi để Ngài làm mới lại tương quan của ta với Chúa, với tha nhân, với tạo dựng và với chính mình- tương quan cách đúng đắn và thánh thiện của tạo dựng ban đầu. Khi chúng ta biết tương quan đúng đắn là chúng ta đi vào sự hiệp thông. Hiệp thông với Ba Ngôi, với tha nhân, với tạo dựng và với chính mình. Đó là cốt lõi của việc truyền giáo theo tinh thần của Mẹ Lập Dòng Euphrasie Barbier.  Như lời kinh truyền giáo mà Mẹ đã để lại:

Lạy Chúa Giê-su rất đáng yêu mến

Như Chúa Cha đã sai Chúa đến thế gian

Chúa cũng sai con diễn tả tình yêu Chúa cho những người chúng con gặp gỡ.

Xin hãy làm cho đôi tay con trở thành đôi tay của Chúa,

và mọi lời nói của con thành lời nói của Chúa,

để con có thể đem tình yêu Chúa đến tận cùng thế giới. Amen

 

Thinh lặng…

Hát: Chính Chúa chọn con( f)

 Kính mời cộng đoàn quỳ

Hát: Cầu cho ĐGH/ Lời nguyện

 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì sự hiến dâng tận cùng của Chúa cho từng người chúng con. Chúng con vẫn còn nhiều ích kỉ, loay hoay cho bản thân. Xin cho chúng con cảm nếm được tình yêu của Chúa cách sâu đậm hơn, để chúng con cũng yêu ngài cách sâu đậm hơn và theo sát Chúa hơn.

 

Hát: Thánh Thể gọi con về (CTT tr.30 c2)

 

KÍNH ĐỨC MẸ

Kính mời cộng đoàn đứng,

Lạy Mẹ Maria, trái tim của Mẹ đã đồng hành với Chúa Giê-su trong cả cuộc đời. Mẹ cũng đã sẵn sàng trao ban cả cuộc sống của Mẹ cho Thiên Chúa để Người thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Chúng con chạy đến, tha thiết xin Mẹ giúp chúng con yêu mến Đức Giê-su nồng nàn hơn, để trở nên người môn đệ chung nhịp với trái tim của Người.

 Hát: Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ…

                                                                   

                                  Maria Hà Trang- Tập Sinh

Dòng Đức Bà Truyền Giáo