Sơ Laura Baritz người Hungary,
nữ tu dòng Đa Minh còn có tên gọi khác “sơ Pepsi” vì kinh nghiệm chuyên môn của
nữ tu với công ty “Pepsi Cola”. Sơ đã chọn sống đời dâng hiến sau khi cảm nhận
tình yêu Chúa qua cái chết của người mẹ.
Từ năm
1988 đến năm 1994, với vai trò là giám đốc phát triển kinh doanh cho công ty
Pepsi Cola ở Hungary, chuyên gia kinh tế Laura đã góp phần làm cho công ty phát
triển và cuộc sống cá nhân ngày càng tiến triển. Thế nhưng, những người thân
của Laura đã rất bất ngờ khi chị cho biết từ bỏ tất cả để dâng hiến cuộc đời
trong dòng Đa Minh.
Là một nữ doanh nhân thành công của công ty
Pepsi Cola, Laura Britz đã di chuyển các nơi. Tuy nhiên vào năm 1992, khi người
mẹ được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, Laura muốn dành nhiều giờ hơn cho mẹ,
đồng thời tham vọng làm giàu và thành công của Laura giảm xuống.
Từ đó, mỗi khi công ty cử Laura đi công tác ở
các quốc gia khác, Laura đều đưa mẹ theo. Thời gian này cũng là lúc Laura bắt
đầu quan tâm đến đức tin nhiều hơn. Laura kể lại: “Trong thời gian đó, tôi cảm
thấy đức tin được củng cố hơn. Tôi cảm thấy gần gũi với Chúa hơn, cầu nguyện
nhiều hơn. Nói chung tôi có một đời sống đức tin năng động hơn”.
Và khi mẹ qua đời, Laura đã có một quyết định
dứt khoát cho cuộc đời mình. Nữ tu có biệt danh Pepsi chia sẻ: “Khoảnh khắc lúc
mẹ tôi qua đời đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Tôi đã ở với mẹ tôi, ôm mẹ
vào lòng, và khi ánh sáng rời khỏi đôi mắt mẹ, tôi thực sự cảm nhận Chúa đang
đón mẹ, như thể mẹ tôi rời từ vòng tay tôi sang vòng tay Chúa. Tôi tin, giờ đây
mẹ tôi đang ở bên Chúa. Từ lúc đó, con người trong tôi không còn như trước nữa.
Tôi không còn muốn cuộc sống an nhàn với những phù du của thế gian này, không
còn muốn theo chủ nghĩa vật chất. Tôi muốn theo Chúa Kitô”.
Sau tang lễ mẹ, nữ doanh nhân trẻ tìm cách liên
lạc với các nữ tu dòng Đa Minh trước đây đã từng là bạn của chị. Sau đó, Laura
được giới thiệu với một linh mục linh hướng giúp phân định ơn gọi và đến thăm
một tu viện Đa Minh. Laura nói về cảm nhận trong lần đầu tiên đến cộng đoàn các
nữ tu: “Ngay lập tức tôi cảm nhận đây là nhà của mình. Tôi xác tín đây là một
dấu hiệu Chúa muốn nói với tôi rằng đây là chỗ Người dành cho tôi. Thế là chỉ
một năm sau khi mẹ qua đời, tôi đã chính thức gia nhập tu viện Đa Minh”.
Cũng như các nữ tu khác khi vào dòng tu, doanh
nhân trẻ được đào tạo về thần học và triết học cũng như những gì liên quan đến
ơn gọi Đa Minh.
Trong một chuyến đi đến Roma, sơ Laura gặp sơ
Helen Alford, dòng Đa Minh, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội,
cũng đã từng được đào tạo trở thành nhà kinh tế học. Nữ tu trẻ kể lại cuộc gặp
gỡ này: “Tôi nói với sơ Helen rằng tôi từng là nhà kinh tế, nhưng đã từ bỏ tất
cả để trở thành nữ tu. Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh nói với tôi rằng điều
tốt nhất nên làm là kết hợp kinh tế với thần học”.
Với lời khuyên này, khi trở về Hungary, sơ
Laura bắt đầu một cuộc nghiên cứu chuyên sâu giáo huấn của Giáo hội Công giáo
về kinh tế.
Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, nữ tu
chuyên gia kinh tế thiết lập một chương trình giảng dạy thúc đẩy một tư tưởng
kinh tế đặt nền tảng trên đạo đức và tư tưởng xã hội Công giáo, theo cách tiếp
cận lấy “con người là trung tâm”.
Sơ nói: “Tôi nghĩ chúng ta đã đi quá xa trong
việc tiếp cận thực dụng, và giờ đây đã đến lúc đặt con người trở lại trung tâm
của tất cả các cơ chế này”.
Các khoá học của “sơ Pepsi” ngày càng thu hút
các bạn trẻ tham gia. Qua các bài giảng của sơ, một số người đã được ơn hoán
cải. Sơ vui vẻ cho biết: “Gần đây, có một bạn trẻ đã lãnh nhận bí tích Thánh
tẩy sau khi tham gia khoá học của chúng tôi. Một sinh viên khác đã rời bỏ việc
làm trong một công ty, vì cho rằng môi trường làm việc có nhiều tham nhũng. Giờ
đây, sinh viên này đã thành lập một công ty mới với mong muốn đóng góp tốt hơn
cho công ích”.
Với những gì đã trải qua, giờ đây sơ Laura
Baritz tin rằng cuộc đời mình luôn nằm trong bàn tay quan phòng yêu thương của
Chúa. Với xác tín này, sơ an bình tiến bước trên hành trình mà ngày qua ngày
Chúa sẽ chỉ cho sơ.
Nguồn: Vatican News