SƠ KANLAYA VÀ CHƯƠNG TRÌNH "KHÔNG CÒN RÁC THẢI", NGĂN CHẶN NẠN BUÔN NGƯỜI
Sau 50 năm sống trong đời tu trì, Sơ Agnes Kanlaya
Trisopa dấn thân vào lãnh vực truyền giáo hoàn toàn mới. Cách đây hơn một năm,
sau khi ngừng hoạt động trong việc đào tạo các thiếu nữ đang tìm hiểu đời sống
tu trì, sơ bắt đầu một dự án hướng đến hai mục tiêu mà sơ rất quan tâm: chăm
sóc thụ tạo và nạn buôn người
Sơ Kanlaya thuộc Dòng Nữ tu Thánh Tâm Chúa Giêsu
Bangkok. Dòng giáo phận này được thành lập vào năm 1897. Các thành viên của
cộng đoàn làm giáo lý viên, quản lý trường học, giáo viên và thực hiện các hoạt
động khác ở các giáo xứ.
Công dân sinh thái
Sau khi đọc Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha
Phanxicô, Sơ Kanlaya đã quyết tâm tạo ra một “hệ thống quản lý phân loại rác
thải”. Đoạn 211 về Công dân sinh thái đã truyền cảm hứng đặc biệt cho sơ. Sơ
Kanlaya nói, “Trong tài liệu này, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta thực
hành các hành vi và nhân đức cách kiên trì trong cuộc sống hàng ngày để chăm
sóc hành tinh với tư cách là những công dân sinh thái. Phân loại rác là một
trong nhiều hoạt động mà Đức Thánh Cha đề nghị”.
Sự cộng sinh liên tôn
Bí quyết cụ thể mà Sơ Kanlaya cần để biến giấc mơ của
mình thành hiện thực đến từ nhà sư Phật giáo Pra Ajan suchut Patchoto. Thông
qua vị này, Sơ Kanlaya cùng với hàng trăm người khác đã học được cách phân loại
rác “cho đến khi rác sạch và không còn là rác nữa”.
Kết nối ngăn ngừa nạn buôn người
Vậy làm cách nào để ngăn chặn nạn buôn người? Làm việc
trong lĩnh vực này từ năm 2005, Sơ Kanlaya biết rằng “nghèo đói và thất nghiệp
là lý do chính khiến mọi người” trở thành con mồi của những kẻ buôn người. Vì
vậy, sơ đã tạo ra công việc để phân loại và tái chế chất thải.
“Tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng khi nhớ đến
thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Talitha Kum: ‘Một nền kinh tế
không có nạn buôn người là một nền kinh tế biết quan tâm. Quan tâm có thể được
hiểu là chăm sóc con người và thiên nhiên, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vì
sự phát triển của lợi ích chung’ (8/2/2021).”
Giai đoạn thử nghiệm
Với bí quyết kỹ thuật và sự tự tin rằng mình đang làm
đúng, Sơ Kanlaya quyết định thực hiện thí nghiệm "Không chất thải"
bằng cách sử dụng nhà ăn của tu viện. “Tôi muốn chứng minh rằng dự án này có
thể thực hiện được, như tôi đã dự định”. Sơ cũng đã thuê Wanrapa “View”
Singwonsa để làm việc với sơ. Sơ Kanlaya nói: “Cô ấy đã chỉ cho chúng tôi cách
cô ấy tỉ mỉ làm sạch các loại nhựa khác nhau và bán lại chúng, từ đó kiếm thêm
thu nhập cho gia đình mình”.
Nhiệm vụ được hoàn thành
“Sau gần một năm, tôi thấy kết quả thành công không
chỉ trong cộng đồng của mình. Tôi đã nhận được phản hồi tích cực và sự hợp tác
từ nhiều dòng tu, trường học, cộng đồng Kitô giáo và các tổ chức Giáo hội”. Về
người phụ nữ mà sơ đã thuê, Sơ Kanlaya nhận xét rằng cô ấy không chỉ được hưởng
lợi từ “số tiền kiếm thêm để hỗ trợ gia đình, cô ấy còn tiếp tục học được kiến
thức về phân loại rác…. Hơn thế nữa, cô ấy tự hào về bản thân vì sự kiên nhẫn
và siêng năng của mình để giúp hành tinh của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn đồng
thời kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán và tái chế rác thải. Tôi rất vui vì
bằng cách phân loại rác, một người phụ nữ giản dị đã được trao quyền và được
tôn trọng. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ mời cô ấy cộng tác với tôi với vai
trò diễn giả để chia sẻ kinh nghiệm nhằm nhân rộng dự án này đến các gia đình
có thu nhập thấp ở các cộng đồng nghèo khác”.
Cách tạo thêm thu nhập
Nhưng nó
không dừng lại ở đó. Sơ Kanlaya giải thích rằng ngoài việc phân loại rác, làm
sạch và bán cho những người tái chế, một cách khác để tạo thu nhập là sử dụng
chính rác đó để tạo ra các mặt hàng có thể bán được. Sơ giải thích: “Chúng tôi
cũng có thể tái chế chất thải sạch đã được phân loại thành các loại khác nhau.
Cô ấy nói với chúng tôi làm thế nào túi nhựa có thể trở thành nhiên liệu
diesel, giấy có thể trở thành giấy tái chế, lon nước giải khát có thể được sử
dụng để làm túi xách. Một số nhựa có thể được sử dụng để sản xuất gạch sinh
thái và các tù nhân tham gia vào quá trình sản xuất chúng.
Nguồn:
Vatican News